TRUYỀN THỐNG TÌM KIẾM TỰ DO CỦA KẺ SĨ TINH HOA ĐÔNG Á

Có những ngả đường tìm kiếm tự do khác nhau ở hai truyền thống phương Tây và phương Đông. Truyền thống tìm kiếm tự do của kẻ sĩ Đông Á với đặc sắc của nó là hướng nội, giải quyết vấn đề tự do trong quan hệ với chính nội tại của mình. Trong khi đó ở phương Tây lại hướng ngoại, hướng đến giải quyết vấn đề tự do trong mối quan hệ giữa cá nhân với tha nhân và cái khác. Tự do được xác lập là thiên tính, tự nhiên tính, có trong mỗi người, là bẩm sinh. Vấn đề chúng tôi muốn trao đổi không hướng đến luận giải phương Tây tự do hơn Đông Á hay Đông Á đặc sắc hơn phương Tây mà hướng tới làm rõ mỗi phương đóng góp gì cho tự do chung của nhân loại, vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện của mỗi phương.

Vào những giai đoạn mang tính bước ngoặt của lịch sử, vì những lý do đặc thù, kẻ sĩ và trí thức ở những vùng, những khu vực dần định hướng những ngả đường tìm kiếm khác nhau, kết thành dòng mạch, lâu dần hình thành nên đặc sắc và kết thành truyền thống.

Ở Đông Á, thời cổ trung đại, do tác động của nhà nước chuyên chế, thiết chế xã hội, triết thuyết tôn giáo chính trị đã định hướng tìm kiếm tự do, khát vọng giải quyết tự do theo hướng quy tâm, hướng nội với khát vọng giải quyết triệt để tự do trong chính nội tại mỗi cá thể, sao cho đạt  trạng thái tự do tuyệt đối về tinh thần như: đốn ngộ, đắc đạo trong Phật giáo, thánh nhân, tâm trai… trong Nho giáo, siêu thoát, tiêu dao trong Lão Trang.

Ngược lại, những trí thức ở phía bên kia Đông Á, do những tác động của thiết chế chính trị, đặc biệt là thiết chế tôn giáo, không hướng trọng tâm truyền thống tìm kiếm tự do hướng nội, mà hướng đến giải quyết mối quan hệ giữa cá thể với cá thể, cá thể với định chế. Định hướng này diễn ra quyết liệt, bền bỉ, là dòng chính trong định hướng tìm kiếm tự do của trí thức lớn phương Tây.

Khởi di cùng với hai định hướng này là những khái niệm phân hóa rất sâu và mang đặc sắc của những định hướng tìm kiếm đó. Ở Đông Á, khái niệm tự do được gắn liền với những thuật ngữ đặc thù như: giải thoát, giác ngộ, đắc đạo, tiêu dao, tự tại, tâm trai… Đó là những khái niệm mang đậm tính chất nội, tâmlinh. Chiều kích của hướng nội mở sâu, hướng thượng. Khái niệm hướng thượngsiêu thoát với đặc thù là cá nhân tự đào luyện, chỉ có cá nhân hiểu được mình đã đạt tầm tự do ở một mức độ ít có thiết chế lý tính hóa đo được tầm mức tự do trong mỗi con người.

Do xác lập tự do đo bằng các hệ theo chiều dọc (1), mà không theo hàng ngang nên Đông Á không thiết chế hóa cho mình những tiêu chí lý tính, xác lập tiêu chí và nền tảng tự do cho toàn xã hội. Trí thức phương Tây ít hướng chú ý tự do theo chiều dọc, trọng tâm hướng theo hàng ngang nên họ đặc biệt lưu tâm đến những tiêu chí lý tính, sinh quyển thiết chế chính trị cho nền tảng tự do. Điều này dẫn đến, từ dân chủ theo nghĩa nền tảng và bệ đỡ cho tự do đã có từ rất sớm trong văn hóa Hy La ở phương Tây. Khát vọng tự dodân chủ là một dòng mạch đặc sắc chảy suốt trong lịch sử tư tưởng, chính trị phương Tây. Ngày nay, thế giới cơ bản đồng thuận rằng, sự phát triển của tân lục địa và cựu lục địa là họ luôn luôn giữ vững hai bảo bối tự do và dân chủ, xem như tôn giáo của các chính thể. Ngược lại, dân chủ với tư cách là một khái niệm mang tính thiết chế cho tự do gần như không xuất hiện trong suốt hàng nghìn năm lịch sử Trung Hoa và Việt Nam. Nhưng cho đến nay, những khái niệm này vẫn hot nhất trong đời sống chính trị Trung Quốc và Việt Nam.

1. Điểm khởi di của hai truyền thống tìm kiếm tự do

Giai đoạn Xuân Thu (722 - 476 TCN), Chiến Quốc (476 - 221 TCN) của Trung Hoa, giai đoạn Phật giáo ra đời ở Ấn Độ và giai đoạn xuất hiện thành bang Athens (594 - 322 TCN) gần như cùng thời với những tư tưởng gia kiệt xuất, hệ phái tư tưởng lớn xuất hiện. Ở Trung Hoa tiêu biểu là Khổng Tử. Ấn Độ có Phật Thích Ca. Ở Hy La là Socrates... Những tên tuổi này và tư tưởng của họ không chỉ ảnh hưởng đến toàn bộ lịch sử phát triển của đất nước, khu vực đó mà còn đóng góp chung cho nhân loại.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia, mỗi khu vực lại thiết kế cho mình những định hướng phát triển khác nhau. Khổng Tử muốn tái tạo trên ngai vàng một thánh nhân Nghiêu Thuấn; Socrates lại thiết kế trên ngai vàng những người với thiết chế dân chủ và tự do tranh biện (2); còn Thích Ca hướng tới phá bỏ đẳng cấp, thiết kế trên ngai vàng mà ở đó là Phật tính có trong mỗi con người. Theo Lý Quang Diệu, câu hỏi lớn nhất mà các thế hệ lãnh đạo Ấn Độ chưa giải quyết xong, đặt ra từ hồi Thích Ca là làm thế nào có thể phá bỏ chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ (3). Mô hình mà trí thức Athens thiết kế trải qua đêm trường Trung cổ nay đã thành hiện thực ở các quốc gia châu Âu phát triển, được thăng hoa ở Tân thế giới. Nhưng trớ trêu thay, thiết chế đế vương chuyên chế vẫn còn bám riết, biến dạng, chi phối cho đến tận ngày nay ở Trung Quốc và ảnh hưởng đến những nước xung quanh.

Như vậy, Phật giáo sau khi ra đời đã phải bật rễ, lánh mình sang Trung Hoa, kết tinh, thăng hoa ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, từ đó đến nay không ngừng phát triển, trở thành di sản chung của toàn thế giới. Sự khởi di của một mô hình nhà nước dân chủ Athens đến nay được nuôi dưỡng, trở thành bảo bối, linh hồn của nhà nước dân chủ và tự do; nơi cho ra đời chủ nghĩa tư bản, linh hồn của tự do, sáng tạo, mang lại hạnh phúc đến cho nhiều người hơn. Ngược lại, mô hình đế chế được bắt đầu từ Khổng Tử, thiết định triều Hán, được củng cố tiếp qua Tống, Minh… được làm mới cho đến tận ngày nay ở Trung Hoa.

Sự thành công của mô hình dân chủ Athens không thể không tính đến những vĩ nhân, yếu nhân nuôi dưỡng nền dân chủ nhưng đều sẵn sàng hy sinh tính mạng để giữ lửa, bảo vệ tự do và khẳng định chân lý: Prometheus, Socrates, Guillaume De Conches, Abélard, Roger Bacon, Nicolaus Copernicus, Galileo Galilei…, những phật tử chân chính, từ bỏ mọi dục vọng, phục vụ con người, cộng đồng.

Nếu như trí thức phương Tây trong tiến trình tìm kiếm tự do chịu sự chi phối quyết liệt, toàn diện của tôn giáo thì kẻ sĩ Đông Á không chịu sự chi phối của tôn giáo mà nằm trong sự chi phối tuyệt đối của nền chuyên chế. Do sự chi phối này nên dễ thấy, trọng tâm trong lịch sử tư tưởng chính trị phương Tây là giải quyết mối quan hệ giữa lý tríniềm tin, hữu thần và vô thần, giáo sĩ và trí thức. Trong đó, khát vọng quyết liệt nhất của những trí thức hàng đầu phương Tây là con người và trái đất không phải do chúa tạo ra. Ngược lại, vấn đề này không trở thành mối quan tâm của kẻ sĩ Đông Á. Ở Đông Á, kẻ sĩ tinh hoa quan tâm đến việc tu dưỡng tâm tính, ứng xử với nền chuyên chế và phát triển minh triết bản thân.

2. Hai ngả đường tìm kiếm tự do

Ngả đường của trí thức phương Tây

Trí thức tinh hoa của hai truyền thống vận động theo những ngả đường khác nhau do sự chi phối của những thiết chế khác nhau. Nhà nghiên cứu lừng danh về thời cổ Hy Lạp là A.F. Losev trong Lịch sử mỹ học cổ đại đã nhận xét về sự khác nhau, xuất phát điểm từ hai nền văn minh. Cá nhân, chủ thể con người riêng biệt, ở đây không còn nảy sinh bằng con đường tự nhiên trong đời sống xã hội và nhà nước nữa, mà đối lập giữa bản thân với xã hội và tự nhiên. Con người đắm sâu vào bản thân, tự tách ra khỏi mọi cái xung quanh, chủ yếu sống bằng những cảm xúc, khép mình lại. Nếu như hướng tới thiên nhiên thì điều đó diễn ra không phải bằng con đường tự nhiên, tự phát mà chỉ là do những nỗ lực có ý thức của trí tuệ, tình cảm. Khúc xạ những sự kiện thiên nhiên và xã hội qua một bộ máy phức tạp của đời sống độc lập bên trong.

Đó là tiến trình tự khẳng định và tự phủ định của con người ở phương Tây. Dõi theo mạch vận động của những trí thức phương Tây, được khởi di từ Hy La cổ đại, mạch trung tâm trong khát vọng của trí thức phương Tây là thoát ra khỏi tôn giáo. Tiêu biểu là hình ảnh Prometheus chống lại Dớt, đem lửa xuống cho loài người trong thần thoại Hy Lạp.

Guillaume De Conches kính trọng triết học tự nhiên, khinh bỉ triết học kinh viện của trường đạo. Người đã dạy học ở trường học đầu tiên của giai cấp tư sản mới ra đời ở thành thị ngoài sự kiểm soát của nhà thờ. Ông rất khinh bỉ triết học kinh viện ở các trường đạo và giải thích cho học trò nghe về nguyên tử luận của Democritos và Epicurus. Ông muốn thiết lập triết học tự nhiên qua quyển triết học của thế giới. Sau ông bị đả kích dữ dội, buộc ông phải đính chính.

Abélard đưa lý trí vào lòng tin, là người theo đuổi ý tưởng áp dụng lý trí vào lòng tin. Số phận của ông cũng bị nhà thờ xử lý. Sách của ông bị đốt sạch, ông bị hội nghị công giáo Xoát Xông và Xăng lên án.

Roger Bacon dùng kinh nghiệm thay cho kinh viện. Vì đã chỉ rõ tính chất vô ích của triết học kinh viện của các nhà thần học, khởi xướng việc dùng kinh nghiệm để nâng cao lên trình độ nhận thức được những nguyên nhân nên bị giam 24 năm trong những nhà tù của nhà thờ.

Siger de Brabant đặt lý trí lên trên lòng tin, thế giới không do ai sáng tạo ra. Vì đã đặt lý trí lên trên lòng tin, cho rằng thế giới là vĩnh viễn và không do ai sáng tạo ra cả nên đã bị thù ghét, bị sát hại năm 1282 trong nhà giam của tòa án Công giáo.

Galileo Galilei là người làm tan băng giáo điều kinh điển. Năm 1609, Galilei hướng ống kính viễn vọng tự chế của ông lên màn trời đêm và khám phá ra nhiều điều rất đáng ngạc nhiên. Kết quả này được ông công bố qua cuốn sách Thông điệp sao (Sidereus Nuncius). Năm 1632, Galilei công bố tác phẩm quy mô Đối thoại giữa hai hệ thống thế giới chính, với mục đích cải tạo thế giới quan nhà thờ. Năm 1633, ông bị nhà thờ đem ra trước tòa án dị giáo xử tội: bị nghi ngờ dị giáo cao độ. Ông bị tù chung thân dưới hình thức giam lỏng, phải quỳ gối đọc bản thú tội trước tòa án, để khỏi chuốc lấy cái chết trên giàn hỏa thiêu. Trong những ngày này, ông quyết tâm hoàn thành tác phẩm thứ 2 của đời mình: Nghị luận và chứng minh. Thời đại Galilei là thời đại của sự bừng tỉnh khoa học sau đêm dài một ngàn năm rưỡi của thế kỷ trung cổ. Chủ nghĩa kinh viện là một sự gián đoạn, thụt lùi đối với khoa học.

Ngả đường của kẻ sĩ Đông Á

Nhánh rẽ lớn của kẻ sĩ Đông Á hình thành do sự tác động của một nhánh rẽ lớn khác, đó là quá trình cộng đồng tộc người từ xã hội bán khai chuyển sang xã hội văn minh. Tại đây đã diễn ra một bước ngoặt, tạo thành hai nhánh rẽ lớn của Trung Hoa và phương Tây, từ đó tác động đến mọi mặt của đời sống văn hóa, tinh thần xã hội: “Khác với khởi điểm phát triển xã hội phương Tây, ở vùng thuộc phạm vi tác động của phương thức sản xuất châu Á (được gọi một cách ước lệ) những biến đổi dẫn đến sự ra đời của thiết chế nhà nước không phải là sự phủ định các mối quan hệ huyết tộc và thân tộc, ngược lại, sử dụng và phát triển cấu trúc nguyên sinh (bán xã hội bán tự nhiên) này trong cơ cấu biến sinh của thiết chế xã hội các giai đoạn sau” (5).

Nói về sự chi phối của thiết chế chuyên chế Đông Á, đại diện là mẫu hình nhân cách hoàng đế, tác giả cũng chỉ ra rằng: “Trong lịch sử lâu dài của các nước Đông Á, sau khi các lý luận, các học thuyết bồng bột nảy nở thời Xuân Thu - Chiến Quốc đã lần lượt đi dần vào khuôn phép hay bị tận diệt, chỉ còn tìm thấy một số định hướng bảo lưu được những mảnh trời riêng, thụ đắc được ít nhiều quyền tự do, độc lập… Mọi biểu hiện của con người cá nhân trong lịch sử tư tưởng và lịch sử văn học Đông Á hầu như khó tìm được ngoài những loại hình nhân cách sơ bộ vừa đề cập. Và tất cả các loại hình nhân cách này đều có quỹ đạo quay quanh một trục là nhân cách hoàng đế” (6).

Định hướng ứng xử Trung Hoa truyền thống và ảnh hưởng đến nho sĩ Việt Nam được mô hình hóa thông qua câu chuyện giữa Lão Tử và Khổng Tử trong Sử ký (7) của Tư Mã Thiên. Sau khi Phật giáo vào Trung Hoa, kết hợp với Lão Trang kết tinh một định hướng lớn thứ ba, trong ứng xử của Trung Hoa và cả Việt Nam, Thiền học. Định hướng theo cách của Lão Tử dần hình thành nhà nho ẩn dật và định hướng theo Khổng Tử hình thành khuynh hướng của nhà nho hành đạo. Nổi tiếng của loại người ẩn dật ở Trung Hoa có thể kể đến: Trúc Lâm thất hiền, Đào Uyên Minh. Ở Việt Nam có thể kể đến: Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp… Nổi tiếng của loại người hành đạo có thể kể đến: Đỗ Phủ, Lý Bạch, Vương An Thạch. Ở Việt Nam tiêu biểu như: Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu…

Cả ba định hướng này đều có một điểm chung trong khát vọng tìm kiếm tự do là: quy tâm, hướng nội. Thiền sư tu để đạt đến trạng thái niết bàn. Nhà nho ẩn dật, hành đạo tu dưỡng tâm tính đạt đến trạng thái thánh nhân và tìm kiếm tự do trong tâm linh.

Như vậy, dễ nhận thấy ngả đường tìm kiếm tự do của trí thức phương Tây, từ thời cổ đại đến  nay, có một đặc điểm nổi bật xuyên suốt, tìm kiếm tự do từ một nghĩa nào đó là phá bỏ, thoát ra khỏi sự chi phối của tôn giáo. Prometheus, Nicolaus Copernicus, Galile… hầu hết bị tôn giáo, nhà thờ, giáo hội… trừng phạt nhưng trước sau họ luôn nhất quán quyết liệt trong một định hướng mang lửa, chân lý, lý trí, tự do, dân chủ đến cho loài người. Đây được xác định là đặc điểm, cũng là điểm đặc sắc trong truyền thống tìm kiếm tự do của trí thức phương Tây. Đó là đóng góp lớn của trí thức, nhân cách văn hóa, tinh hoa phương Tây mang lại cho loài người. Định hướng giá trị này từ khi giành được thắng lợi, đã đưa các nước phương Tây đến quỹ đạo của một nền văn hóa hiện đại. Ngày nay tự do và dân chủ như một thứ tôn giáo toàn cầu.

Ngược lại, kẻ sĩ Đông Á phân tích cá thể hóa khát vọng tự do của mình vào bên trong, theo chiều hướng nộihướng thượng. Tìm kiếm tự do trong tâm linh, tinh thần, siêu thoát, tiêu dao, đốn ngộ, niết bàn là đặc điểm, cũng là nét đặc sắc trong truyền thống tìm kiếm tự do của trí thức Đông Á. Rõ ràng, định hướng này cần thiết cho sự bổ khuyết trí thức tinh hoa phương Tây. Ngày nay, một trào lưu trở về với Á Đông, với chân thiền, nở rộ ở phương Tây. Và, nói như Francois Julien: “Phương Tây của khái niệm, chuộng sự rạch ròi của khái niệm. Phương Đông của ý niệm, lấy cái tinh vi, uyển chuyển của ý để thâm nhập. Phương Tây xây dựng lâu đài kiến thức bằng những viên gạch được nung thành những khái niệm phân minh, cơ sở thuận lợi cho việc truyền giao lưu giữ. Phương Đông gợi ý tu thân để có những bậc quân tử, chân nhân. Phương Tây của ánh sáng Ki tô giáo, của triết học Hy Lạp, lý trí của thời Ánh sáng và phương Đông của minh triết, của Đạo, Ngũ hành” (8).

Kẻ sĩ Đông Á đã hướng đến giải quyết tự do, tìm kiếm con đường tự do cho mỗi cá nhân, cho chính bản thân trong mỗi cá thể. Cung đường tìm kiếm tự do của họ không chĩa mũi dùi vào công phá nền tảng của chuyên chế, với mục tiêu thể chế hóa, xây dựng nền tảng, thiết chế tự do cho cộng đồng. Thậm chí, nhà nho là lực lượng chủ đạo gia cố thêm sự vững chắc của chính thể chuyên chế. Phải chăng đó là một nguyên nhân quan trọng khiến thể chế chuyên chế vẫn chi phối, ngự trị ở nhiều nước Đông Á như hiện nay? Bi kịch là chính nhà nho, kẻ sĩ tinh hoa lại trở thành nạn nhân của nền chuyên chế. Không phải kẻ sĩ tinh hoa yếu hèn, thiếu nhân cách mà quan trọng là họ đã thiết kế lên một nền chính trị tập quyền hóa, chuyên chế hóa hoàn hảo… dễ dàng bẻ gẫy mọi khuynh hướng dị biệt, đối lập, không tạo ra sinh quyển cho sự tồn tại, kích thích phát triển. Những trí thức tinh hoa ngày nay ở Trung Hoa vẫn liên tục xuất hiện nhưng số phận của họ có khác gì những Phạm Lãi, Văn Chủng, Ngũ Tử Tư, Hàn Tín, Tiêu Hà… Bi kịch của trí thức tinh hoa Trung Hoa cổ đại và cả nhà nho Việt Nam nằm trong chính sự tinh hoa của họ. Bài toán mà cho đến nay họ vẫn xả thân để giải nhưng chưa tìm ra đáp số có phần đóng góp thiết yếu của chính họ.

Trí thức tinh hoa phương Tây đã công phá được thành trì của giáo hội, tôn giáo. Tiếng nói của tự do, dân chủ, quyền cá nhân ở mọi phương diện, đang ngự trị trên ngai vàng của thể chế phương Tây. Ngược lại trí thức tinh hoa Đông Á, đặc biệt là Trung Hoa vẫn còn đang tiếp tục giải đáp khát vọng đặt ra từ thời Tư Mã Thiên.

Nhiều kẻ sĩ tinh hoa Đông Á đã liên tiếp ngã xuống trong lịch sử nhưng mục tiêu tối hậu đem lửa, ánh sáng đến cho cộng đồng chưa thành. Dù cho hàng loạt những nhân cách, trí thức phương Tây lừng danh đã ngã xuống nhưng họ đã giữ lửa, truyền lửa tự do, dân chủ từ Prometheus truyền lại. Nhiều người định danh họ là những trí thức lửa, có lẽ đúng cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Họ thực sự là những trí thức khai sáng. Ngược lại, trí thức tinh hoa Đông Á, không hướng đến thực hiện chức năng này.

_______________

1, 5, 6. Trần Ngọc Vương, Mẫu hình nhân cách hoàng đế và con đường tìm kiếm sự thể hiện bản ngã trong triết học và văn học khu vực Đông Á, trong Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2010, tr. 78, 64, 78-79.

2. Platon, Đối thoại Socratic I, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2011, tr. 19-20.

3. G.Allison, R.D. Blackwill, A.Wyne, Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013, tr.73.

4. Rô Giê Ga Rô Đi, Tự do, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1962, tr. 21-23.

7. Tư Mã Thiên, Sử ký, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.329-33.

8. Francois Julien, Tính khả tri của văn hóa, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2010, trang bìa.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : TRỊNH VĂN ĐỊNH

;