Lễ hội truyền thống trong ngôi chùa của người Khơme Tây Nam Bộ là một thành tố của văn hóa mang đậm nét tính chất tôn giáo, dân tộc, có tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất, tinh thần của họ. Mặc dù có những biến đổi nhất định, nhưng nhìn chung các lễ hội này vẫn thể hiện bản sắc văn hóa tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mang giá trị nhân văn sâu sắc, biểu hiện rõ nét bản sắc văn hóa cũng như những giá trị đạo đức, thẩm mỹ, tâm sinh lý, nhân sinh quan cũng như thế giới quan của tộc người. Việc nghiên cứu lễ hội dân tộc truyền thống trong chùa Khơme Nam Bộ ở góc nhìn giá trị nhằm góp phần giúp hiểu biết sâu hơn về bản sắc văn hóa nói chung, sự giao lưu, ảnh hưởng cũng như những nét văn hóa độc đáo của người Khơme Tây Nam Bộ nói riêng.
Pithi Chol Chnam Thmay (Lễ vào năm mới)
Pithi Chol Chnam Thmay còn gọi là lễ chịu tuổi, tức là tết của người Khơme. Do chịu ảnh hưởng của đạo Bàlamôn, Phật giáo Nam tông Khơme nên người Khơme Tây Nam Bộ ăn tết khác với người Việt, người Hoa... Cụm từ Chol Chnam Thmay nghĩa là mừng năm mới. Theo khoa thiên văn từ Ấn Độ, người Khơme tính ngày đầu năm bằng 2 lối vào: Chol, tính theo sự vận chuyển của mặt trăng, đánh dấu việc thay đổi 12 con thú tượng trưng cho con giáp trong một kỳ; Chnam, tính theo sự vận chuyển của mặt trời, đánh dấu bước đầu vào năm mới. Thông thường, Chol được tính đúng vào đầu tháng Chet là tháng 5 của người Việt, nhằm giữa tháng 4 dương lịch. Đây là thời điểm giao mùa, hết mùa nắng, bắt đầu mùa mưa.
Tết Chol Chnam Thmay không có ngày, giờ cố định mà bao giờ cũng lệ thuộc vào đại lịch. Chẳng hạn như, tết năm 1994 được tổ chức vào ngày 21 tháng Chét (nhằm 13 - 4 dương lịch). Giờ đón chư thiên mới (Việt Nam gọi là giao thừa) là 11giờ 11 phút. Năm 1997, giờ đón chư thiên mới là 10 giờ 48 phút trưa ngày 12 - 4 dương lịch. Trước đây, ở một số nơi, lễ này thường được tổ chức 7 ngày, đêm, có nơi ăn tết đến 10 - 15 ngày đêm. Hiện nay, lễ vào năm mới được cử hành trong 3 ngày. Ngày đầu là ngày Sangkran (bước đi), ngày giữa là ngày Wonbot (thiếu hoặc thừa), ngày thứ ba là Lơnsăk (lơn: tăng lên; săk: giống như can của người Việt). Đón năm mới, ai cũng lo để dành tiền bạc, may quần áo mới, chuẩn bị nhiều thức ăn, bánh trái dùng trong 3 ngày tết và đem vào chùa cúng Phật hay biếu tặng ông bà, cha mẹ, chú bác, những người có công ơn với mình. Có những gia đình đưa cả nhà vào chùa ăn tết, bởi vì mọi nghi thức đều tập trung ở chùa. Trong đêm giao thừa, mọi nhà thắp hương đèn làm lễ tiễn đưa Teveda cũ, rước Teveda mới. Họ tin rằng, Teveda là vị tiên trên trời được sai xuống để chăm lo cho dân chúng trong một năm.
Ngày thứ nhất: Rước Maha Sangkran mới được tổ chức vào 7 giờ hoặc 17 giờ. Mọi người tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang theo nhang đèn đến chùa làm lễ. Dưới sự điều khiển của vị Achar, mọi người đứng xếp hàng đi quanh vòng chính điện 3 lần để làm lễ chào năm mới, đồng thời cũng để xem năm mới tốt hay xấu. Nguồn gốc lễ rước Maha Sankran (đại lịch) được giải thích theo Thômmabal và Kabil Maha Prum, còn gọi là thần bốn mặt. Sau lễ này, mọi người vào lễ Phật, tụng kinh mừng năm mới. Đến đêm, nhiều người ở lại nghe các sư thuyết pháp, còn thanh niên nam nữ ra sân chùa tham gia hoặc xem biểu diễn văn nghệ.
Ngày thứ hai: Phật tử làm lễ dâng cơm sớm, cơm trưa cho các vị sư, gọi là Wên Chông Han. Theo Phật giáo Nam tông, vào các ngày lễ, tín đồ đi chùa lạy Phật, dâng cơm, thức ăn cho chư tăng. Trước khi ăn, các sư tụng kinh tạ ơn những người đã làm ra vật thực, đồng thời cũng đưa vật thực đến những linh hồn đói khát. Sau khi ăn xong, các sư lại tụng kinh lần nữa để tạ ơn thí chủ. Chiều cùng ngày, người ta làm lễ đắp núi cát (Puon Phnom khsach). Trước hết, người ta tìm cát sạch đem về đổ thành đống chung quanh đền thờ Phật, bên ngoài hành lang trước sân chùa. Vị Achar hướng dẫn phật tử đắp thành những ngọn núi nhỏ ở 9 hướng, làm hàng rào bằng tre hoặc cây bào quanh núi cát. Những núi này tượng trưng cho vũ trụ, mỗi núi ở một hướng, núi thứ 9 ở giữa, tức núi Meru, trung tâm của thế giới. Sau đó, họ làm lễ quy y cho núi.
Ngày thứ ba: Sau khi dâng cơm cho các vị sư, mọi người đem nước ướp hương thơm cùng nhang đèn đến bàn thờ để làm lễ tắm tượng Phật, rồi kế đó tắm cho các vị sư cao niên nhằm rửa sạch những điều trong năm cũ để sang năm mới hoàn toàn mới mẻ. Lễ tiểu cầu siêu (Bon Băng skôl) được tiến hành sau đó. Phật tử mời các vị sư đến các ngôi tháp đựng hài cốt trong chùa để tụng kinh, chúc phước lành cho những người quá cố. Lễ này kéo dài đến trưa. Cũng có gia đình mời các vị sư đến tổ chức cầu siêu tại nhà, gọi là đại cầu siêu. Mọi người về nhà làm lễ tắm tượng Phật thờ tại nhà, rồi mời ông bà, cha mẹ đến để chúc mừng, tạ lỗi, đem bánh trái dâng cho ông bà cha mẹ để tạ ơn, tổ chức tắm cho cha mẹ gọi là báo hiếu. Đến ban đêm, họ tiếp tục cúng bái, tổ chức các cuộc vui chơi trong phum, sóc. Nhiều gia đình người Khơ me ăn tết kéo dài đến 5-7 ngày.
Pithi Sene Dolta (Lễ cúng ông bà)
Lễ này gần giống với lễ Vu Lan của người Việt, có người gọi đó là lễ xá tội vong nhân. Dolta (Đônta) gồm có chữ Đôn (Dol) hay Chi đôn có nghĩa là bà và chữ ta có nghĩa là ông. Chính hai yếu tố ông bà đã nói lên được đối tượng mà con cháu hướng tới, cũng là nói chung những người thân đã qua đời.
Thời gian trước đây, lễ Dolta được tổ chức trong vòng 16 ngày, từ 16 đến 30 tháng Bhaddapada (tháng 8 âm lịch). Theo sách cổ của dân tộc Khơme, lễ Dolta còn gọi là lễ Phchumbenh, nghĩa là lễ tụ hội phúc đức, được xem là lễ lớn nhất trong các lễ tạo phúc đức của người Khơme. Đây là một lễ lớn của người Khơme mang tính chất dân gian, khác với lễ Pho chum bon (Lễ đặt cơm vắt) mang tính chất Phật giáo, nhưng mục đích giống nhau là nhớ ơn ông bà, đồng thời cầu phước cho những người đã mất. Theo phong tục, tập quán, người Khơme không có ngày giỗ kỵ hàng năm cho người chết. Đối với họ, việc thờ cúng tổ tiên không quan trọng, bởi họ quan niệm rằng, không có sự liên hệ giữa người sống và người chết, linh hồn tổ tiên cũng không thể phù hộ cho họ điều gì mong muốn nên họ tổ chức lễ chỉ nhằm nhờ ơn cầu phước cho vong linh người quá cố.
Lễ bắt nguồn từ truyền thuyết Phật giáo, tổ chức vào thời điểm kết thúc vụ mùa sản xuất trong năm - rước nước về đồng. Lễ Dolta được tổ chức vào 3 ngày mỗi năm, từ 29-8 đến 1-9 âm lịch. Trước năm 1994, lễ này kéo dài đến 15 ngày đêm. Hiện nay, ở một số tỉnh như Trà Vinh, Vĩnh Long, lễ này được rút ngắn chỉ còn 1 ngày (30-8 âm lịch), các nghi thức không thay đổi nhưng giản lược hơn.
Ngày thứ nhất: Cúng tiếp đón. Sáng sớm, các gia đình dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, trải chiếu, mùng mền mới lên giường, sắp một bộ quần áo mới cùng trà thơm, bánh trái. Sau đó, đốt nhang, đèn cầy, làm cỗ cúng rồi mời họ hàng, bà con lối xóm cùng cúng tập thể, bởi vì người Khơme không tổ chức lễ giỗ riêng từng người như người Việt. Họ khấn vái, mời linh hồn họ hàng đã mất về nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Người cúng khấn 3 lần, mỗi lần đều rót trà, rượu. Họ gắp thức ăn mỗi thứ một ít để vào chén, đổ trà, rượu vào, rồi đem ra sân, đổ cạnh hang rào, cắm một cây nhang, mời các ma quỷ đã đưa ông bà họ về ăn ở lại vui chơi trong 3 ngày lễ, rồi lại đưa ông bà về nơi cũ. Theo tín ngưỡng Khơme Nam Bộ, ma quỷ này không dám lên ăn chung với ông bà nên phải cúng riêng. Buổi chiều họ tiếp tục cúng ông bà rồi mời ông bà cùng đi vào chùa nghe sư sãi tụng kinh làm phúc suốt đêm.
Ngày thứ hai: Họ vẫn để ông bà ở lại chùa tiếp tục nghe sư tụng kinh, thuyết pháp. Đến trưa, khi dâng cơm cho các sư xong, họ mới mời linh hồn ông bà về nhà thêm một đêm nữa để gần con cháu.
Ngày thứ ba: Cúng đưa, mỗi gia đình cũng dọn cơm, mời bà con đến cúng như ngày đầu. Có gia đình còn mời sư đến tụng kinh cho thêm phần long trọng. Sau khi khấn đủ 3 lần, họ cũng xới cơm, thức ăn cho vào bát, nhưng lần này họ đổ vào chiếc xuồng hoặc tàu buồm kết bằng bẹ chuối để ông bà mang theo về nơi cũ. Trên xuồng có hình cá sấu, tắc kè bằng bẹ chuối gắn ở mũi và lái để tránh tai nạn dọc đường. Ngoài ra, người ta còn để thêm bánh trái, đậu, lúa… để ông bà ăn. Khi thực hiện xong các công việc trên, họ đem xuồng này thả trên sông hoặc mương, rạch gần nhà, rồi mời mọi người về nhà ăn cơm, tiếp tục vui chơi đến chiều.
Lễ Okombok (Lễ đút cốm dẹp)
Lễ này còn gọi là Bon som pés prés khe (lễ cúng trăng) được tổ chức hàng năm vào đầu tháng 12 dương lịch (theo lịch Khơme là Khe Kat dâk, tức 15-10 âm lịch) để tưởng nhớ, tạ ơn mặt trăng, vốn được người Khơ me coi là một vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, sông ngòi được nhiều tôm cá, người người được hạnh phúc, ấm no. Gọi Okombok (Ok: đút, ombok: cốm dẹp) bởi vì thức cúng chính của lễ là cốm dẹp. Sở dĩ có lễ Okombok là do đại bộ phận người Khơ me đều làm ruộng theo 2 mùa trong năm. Mùa mưa từ 16-4 đến 15-10 âm lịch, mùa khô từ 16-10 đến 15-4 âm lịch. Hai mùa ấy tính theo đường quay vòng trái đất theo mặt trăng. Ngày 15-10 là ngày cuối cùng mùa hạ, cũng là thời điểm thu hoạch hoa màu, trong đó có lúa nếp là sớm nhất, họ lấy lúa nếp giã thành cốm dẹp để cúng trăng. Trong thời điểm trước ngày lễ Okombok, khoảng từ 16-9 đến rằm tháng 10 âm lịch, các chùa nam tông Khơ me đều chọn lấy một ngày để tổ chức lễ dâng y (Kathina) truyền thống của Phật giáo Nam tông.
Đúng đêm 15-10 âm lịch, trước khi mặt trăng lên đỉnh đầu, mọi người tập trung tại khuôn viên chùa hoặc từng nhà hay nhiều nhà cùng tập trung tại một nơi rộng rãi để chuẩn bị cúng. Người ta đào 2 lỗ cắm 2 cây trúc làm trụ, buộc 1 cây chừng 3m làm đà ngang giống một cái cổng bằng tre, có trang trí hoa lá. Dưới cổng kê một cái bàn bày các vật cúng. Ngoài cốm dẹp còn có dừa, chuối, khoai lang, khoai môn, khoai mì, bánh kẹo… Sau đó, họ trải chiếu mời bà con, cô bác ngồi chắp tay quay về hướng mặt trăng chuẩn bị làm lễ. Khi mặt trăng lên cao, tỏa sáng, người ta đốt nhang, đèn cầy rồi mời một cụ già làm chủ lễ. Ông khấn vái nói lên lòng biết ơn đối với thần mặt trăng, xin thần tiếp nhận những lễ vật và chúc phúc cho mọi người sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi… Cúng xong, ông gọi các trẻ nhỏ lại ngồi gần xếp chân, chắp tay lại, rồi bốc cốm dẹp cùng các thức cúng khác, mỗi thứ một ít đút vào miệng các em, tay kia đấm lưng, hỏi các em muốn gì. Những câu trả lời của các em sẽ là niềm tin của người lớn vào kết quả xấu tốt của năm tới, rồi mọi người cùng ăn các thức cúng, còn trẻ em thì múa hát, vui chơi mãi đến khuya.
Trước đây, người ta còn tổ chức lễ thả đèn nước (loy pra tip), lễ thả đèn gió. Nhưng hiện nay, do quy định của nhà nước, vì sự an toàn phòng cháy chữa cháy nên tục thả đèn gió hầu như không còn. Đèn nước có cấu tạo như một ngôi đền làm bằng than, bẹ chuối, có trang trí hoa lá. Đầu đèn, người ta treo cờ phướn, chung quanh cắm đèn cày, nhang, bên trong bày các vật cúng như trái cây, bánh kẹo, gạo, muối…
Mở đầu buổi lễ, sư sãi, đồng bào thắp nhang, đèn cầy cắm xung quanh đèn, rồi mọi người đọc kinh tưởng nhớ đến Đức Phật, xin lỗi đất, nước vì họ đã làm ô uế. Sau đó, người ta rước đèn ra nơi thả. Đám rước có đoàn múa trống sadăm đi theo. Nơi thả thường là kênh, rạch hay ao gần chùa. Đèn thả xuống nước, trẻ em đua nhau nhảy xuống, tranh các vật cúng để lấy phúc.
Lễ Um tuk (Đua ghe ngo)
Lễ được tổ chức vào chiều ngày lễ cúng trăng (15-10 âm lịch). Theo tục truyền, đua ghe đã có từ TK XIII, khi triều đình đế quốc Khơme xây xong Angkor Vat, tổ chức đua ghe hàng năm để biểu dương tinh thần thượng võ trên sông nước. Cũng như hầu hết các lễ hội khác của người Khơme, lễ đua ghe ngo mang màu sắc Phật giáo rõ rệt. Người ta cho rằng, tổ chức lễ này là để tưởng nhớ đến các dấu vết của Đức Phật để lại ở bờ cát trên song Nimôta thuộc xứ Yônol (Lào) hay nhằm để nhớ đến một chiếc cầu bằng thuyền do Phật lập ra để ngăn chặn cơn hạn ở vương quốc Vaicali hoặc còn để tưởng nhớ một chiếc răng của Phật được vua loài naga giữ. Đua ghe còn để cảm ơn đất và nước vì cái ân huệ đã ban cho con người, cũng để con người xin lỗi vì đã làm nhơ bẩn.
Ghe ngo hình dáng như con thoi, đầu, đuôi cong lên, không mui, dài từ 22-24m, có khoảng 20-24 khoang chứa từ 43-52 quân chèo ngồi. Ghe làm bằng thân cây sao nguyên vẹn khoét ruột do các phật tử chùa cùng làm. Khi đóng xong, ghe được chà cho trơn bóng, sơn phết rất đẹp mắt. Có chiếc vẽ đầu rồng, đuôi phượng ở mũi, có chiếc lại vẽ ly, quy, hổ, báo, gấu, cá sấu. Riêng những mái chèo cũng được sơn cùng màu với ghe. Ghe ngo là ghe của nhà chùa, được xem như một vật thiêng, chỉ được dùng trong cuộc đua mà thôi. Ghe được để lại trong chùa, tại một nhà, gọi là rông tuk, được lợp bằng ngói, cao ráo, trống thoáng, không tường bao bọc, do một vị thần linh giữ gìn, mà đồng bào Khơme rất kiêng sợ nên thường xuyên cúng bái.
Trước ngày đua, ghe ngo được làm lễ hạ thủy để các quân bơi chèo luyện tập. Người ta để ở mui ghe một hình bóng gọi là Salatho làm bằng quả dừa, trên cắm nhang, đèn cầy. Đồng bào gọi lễ này là lễ mặc áo cho ghe ngo. Vị sư cả cùng dân làng chọn những thanh niên khỏe mạnh, lực lưỡng làm quân bơi, cử một ông ngồi ở đầu ghe chỉ huy, xong họ dọn cơm cúng, trỗi nhạc, định giờ hạ thủy. Đến giờ, họ đánh chiêng, trống, hò nhau xúm lại đẩy ghe xuống nước đến nơi tập dợt. Ngày nay, đồng bào Khơme tổ chức lễ đua ghe ngo như một tục lệ. Ý nghĩa tôn giáo không còn quan trọng lắm. Họ chỉ coi ngày đua ghe là ngày hội lớn để mọi người nô nức vui chơi, mang tinh thần thể thao, giải trí là chính.
Lễ Bon kâm san srok (Cầu an)
Hằng năm, sau khi thu hoạch xong, nông dân Khơme tổ chức lễ cầu an mừng được mùa, đồng thời cầu mong cho xóm làng trọn năm vui khỏe. Lễ này do từng gia đình đứng ra hoặc tập hợp nhiều người cùng tổ chức vào mùa khô (sau Tết Nguyên đán của người Việt), trước hoặc sau tết Chol Chnam Thmay. Lễ được tổ chức lớn hay nhỏ tùy theo hoàn cảnh kinh tế gia đình, khả năng của những người chủ lễ. Tổ chức lễ cầu an, người Khơme thường mời các nhà sư tụng kinh cầu phước, nhưng quan trọng của lễ này là chung vui mừng được mùa. Họ hy vọng đó là dịp tập trung sức mạnh để tiếp tục gặt hái một mùa bội thu trong tương lai. Lễ được tổ chức trong 2-3 ngày. Ban ngày sinh hoạt các trò chơi dân gian, tối đến xem các đoàn răm rôbăm và dù kê.
Giá trị của lễ hội truyền thống chùa Khơme ở Tây Nam Bộ
Thể hiện khiếu thẩm mỹ của cộng đồng
Có thể nói, lễ hội là một phức hợp của nhiều loại hình văn hóa khác nhau hợp thành. Chúng bắt nguồn trong dân gian, được dân gian nuôi dưỡng, giữ gìn, vun đắp. Trong sinh hoạt hàng ngày, các chủng loại văn hóa, nghệ thuật ấy đã được hoàn chỉnh, nâng cao tính nghệ thuật nhằm đáp ứng khiếu thẩm mỹ của cộng đồng. Các nội dung lễ hội được diễn ra không chỉ để giải trí cho mọi người, mà đây còn là dịp để dâng cúng những đấng thiêng liêng. Nói cách khác, lễ hội là dịp để các nghệ nhân trong mọi lĩnh vực có điều kiện nâng cao tay nghề, tiếp tục sáng tạo những hoạt động văn hóa ngày càng hoàn thiện vì nhu cầu thẩm mỹ của cộng đồng, sự tôn kính đối với các vị thần linh.
Mang lại cân bằng tâm lý, sự thỏa mãn phong phú đời sống tinh thần
Sau một thời gian lao động vất vả vì miếng cơm manh áo của cuộc sống đời thường, người ta cần có một thời gian thư giãn, nghỉ ngơi để dưỡng sức. Khoảng thời gian quý báu ấy đó chính là thời điểm lễ hội. Đó cũng là lúc lấy lại sự thăng bằng, thanh thản cho cuộc sống. Chỉ có trong thời gian lễ hội, không gian linh thiêng của nó, con người mới thực sự sinh hoạt phong phú, thoải mái hơn ngày thường, tạo nên một trạng thái tâm lý đặc biệt. Khi đến lễ hội, mọi người đều bình đẳng, ai cũng được tham gia các nghi lễ, vui chơi giải trí…
Giúp con người tích phúc, hướng thiện
Đến với các lễ hội, đặc biệt lễ hội trong chùa của người dân Khơ me, nhu cầu tích phúc, hướng thiện là rất cao cả, nó được mọi người hướng đến như một điều thánh thiện. Điều này dễ nhận thấy đối với các lễ hội chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nhất là Phật giáo Nam tông Khơ me Nam Bộ. Ở đây, hầu hết người dân Khơ me đóng góp xây chùa, cúng dường tam bảo với hy vọng được tạo ra nhiều công đức, tích phúc cho kiếp sau.
Mang lại sự cố kết cộng đồng
Đây chính là một trong những chức năng chủ yếu của lễ hội. Lễ hội không phải là sản phẩm cá nhân mà là sản phẩm của tập thể. Thông qua lễ hội, tính cộng đồng được thể hiện rõ nét. Đến mùa lễ hội, cộng đồng tham gia tổ chức các hoạt động lễ hội, mọi người đều có chung tình cảm đã được thiêng hóa. Lúc bấy giờ, lễ hội đã giúp xóa nhòa mọi ranh giới phân biệt giữa các giai tầng trong xã hội, tạo nên mối cộng cảm từ khi tham gia nghi lễ đến các trò vui chơi, giải trí, ẩm thực…
Giúp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tộc người
Lễ hội là quá trình đúc kết truyền thống lịch sử văn hóa - xã hội, nếp sống lành mạnh, văn minh, cố kết tình nghĩa xóm làng, thể hiện tính cộng đồng sâu sắc. Nghiên cứu lễ hội truyền thống sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về những tinh hoa văn hóa của mỗi tộc người, góp phần bảo tồn, phát triển những nét đặc trưng, bản sắc của một nền văn hóa. Cho nên, lễ hội chính là di sản quý báu của dân tộc, cần được giữ gìn, truyền lại cho các thế hệ. Đó là sức mạnh tinh thần, tinh hoa văn hóa của một dân tộc.
Lễ hội truyền thống của người Khơme Tây Nam Bộ có những nét đặc thù riêng. Hiện nay, có hơn 90% dân số Khơme Tây Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông. Cho nên, yếu tố tôn giáo có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần, góp phần cố kết cộng đồng tộc người, chi phối mọi lĩnh vực đời sống văn hóa xã hội, trong đó có lễ hội. Đây chính là đặc trưng quan trọng khi tìm hiểu bản sắc văn hóa của người Khơme Tây Nam Bộ: sự kết dính giữa lễ hội và tôn giáo, tín ngưỡng, giữa Phật giáo Nam tông và cộng đồng dân tộc Khơme Nam Bộ nói chung. Chính vì vậy, việc phân ra lễ hội dân tộc, lễ hội tôn giáo đối với người Khơme Tây Nam Bộ chỉ mang tính chất tương đối. Lễ hội của người Khơme Tây Nam Bộ cũng có những biến đổi nhất định trong thời kỳ hội nhập. So với trước năm 1975, hiện nay, một số lễ hội như Sene Dolta, CholChnamThmay, Kathina (dâng y), Sima (kiết giới)… đã được rút ngắn thời gian. Nó vừa giản lược các hình thức thờ cúng, các dạng thức cầu cúng nặng màu sắc mê tín, vừa giảm bớt thời gian, tiền bạc, công sức của phật tử, cư dân Khơme, nhưng vẫn không mất đi truyền thống, bản sắc văn hóa tộc người.
Trước đây, lễ hội của người Khơme Tây Nam Bộ đa phần đều chỉ tổ chức giới hạn ở một phum, sóc nhất định. Ngày nay, do hệ thống giao thông không ngừng phát triển, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội được cải thiện đáng kể, việc tổ chức lễ hội của người Khơme không chỉ bó hẹp ở một không gian nhỏ ở ấp, xã mà còn được mở rộng phạm vi ở cấp huyện, tỉnh, kể cả trong khu vực. Không chỉ có cộng đồng người Khơme tham gia lễ hội truyền thống mà còn thu hút các dân tộc khác như: Việt, Hoa…, đặc biệt là những gia đình Khơme có 2 dòng máu (Khơme -Việt, Khơme - Hoa) cùng tham gia như một đặc điểm không thể phủ nhận của sự hỗn dung văn hóa, đan xen văn hóa giữa các tộc người.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016
Tác giả : VÕ VĂN THẮNG - NGUYỄN HÙNG CƯỜNG - NGUYỄN THỊ NGỌC THƠ