Trong những năm gần đây, sự phát triển và mở rộng của nền kinh tế xã hội đã mang đến cho các đô thị một bộ mặt mới với nhiều thể loại kiến trúc, trong đó kiến trúc nhà ở được định hướng rõ nét, hợp lý hơn với sự đề cao đầy triển vọng của nhà ở nhiều tầng (nhà chung cư). Hiểu một cách đơn giản chung cư là tập hợp nhiều căn hộ (mỗi căn hộ là một chuỗi không gian có quan hệ khép kín phục vụ đời sống độc lập cho một hộ gia đình) ;nhà chung cư là nhà ở có từ bốn tầng trở lên, có lối đi, cầu thang và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho nhiều hộ gia đình, cá nhân. Nhà chung cư có phần sở hữu riêng (diện tích trong nhà, ban công) và phần sở hữu chung (khu vui chơi, sân, cầu thang…) của tất cả các hộ gia đình, cá nhân thuộc nhà chung cư đó. Thể loại kiến trúc này vốn là giải pháp số một của các chính sách nhà ở trên thế giới, nhất là tại những nước có dân số đô thị đông đúc.
1. Đôi nét về nhà chung cư ở Hà Nội
Đất nước ta sau bao năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập và xây dựng nước nhà, giờ đây cuộc sống của người dân đã ổn định và phát triển. Tại các thành phố, nhiều khu công nghiệp, trung tâm văn hóa, chính trị, giải trí, phường hội buôn bán ra đời và phát triển, thu hút người dân từ mọi miền tụ cư ngày một đông, kéo theo nhiều vấn đề cấp thiết cần giải quyết, trong đó có vấn đề về nhà ở. Chính vì vậy, những ngôi nhà chung cư cao tầng được xây dựng nhằm phục vụ cho các tầng lớp người dân có điều kiện kinh tế khác nhau. Thực ra, nhà chung cư ở nước ta được xây dựng và phát triển từ giữa TK XX tiêu biểu ở Hà Nội, như khu Kim Liên, Giảng Võ, Trung Tự, Bách Khoa, Thanh Xuân… Đặc điểm kiến trúc của các khu chung cư này là gồm những căn hộ khép kín có số phòng khác nhau như: loại căn hộ một phòng có diện tích từ 16 - 24m2, loại căn hộ hai phòng có diện tích từ 33 - 34m2, loại căn hộ ba phòng khoảng trên 41m2, với tiêu chuẩn 6m2/người. Khu chung cư dành cho các chuyên gia của công trình thủy điện sông Đà được xem là một tổng thể nhà có tiện nghi ở, sinh hoạt, dịch vụ, thẩm mỹ và môi trường tốt. Nó nằm trên khu đồi Hòa Bình gồm 50 nhà chung cư bốn tầng, với tiêu chuẩn 12m2/người. Ở miền Nam, khu chung cư tiêu biểu là Thanh Đa, trên dưới 10 tầng, đều là căn hộ khép kín, đầy đủ tiện nghi và tiêu chuẩn 7 - 8 m2/người. Ngoài ra còn các khu chung cư khác như: Eden, Nguyễn Thái Bình, 727 Trần Hưng Đạo… Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy thực trạng nhà chung cư hiện nay ở nước ta như sau:
Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, tỷ lệ nhà chung cư bình quân tại các đô thị trên cả nước hiện mới đạt mức 3,72% tổng diện tích nhà ở. Trong đó, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất đạt 16,64%. Tiếp đến là TP. HCM đạt 6,13%, Hải Phòng đạt 5,8%, Đà Nẵng 2,1%. Tại Hà Nội, nơi vấn đề nhà ở luôn sốt từ những năm gần đây, hàng loạt dự án xây dựng khu chung cư đã và đang được triển khai. Hiện nay thành phố có hơn 70 khu đô thị mới như Định Công, Linh Đàm, Pháp Vân, Tứ Hiệp, Đại Kim, Mỹ Đình, làng Quốc tế Thăng Long, Nam Thăng Long… với gần 200 khu chung cư. Cho nên Hà Nội được xem là chủ nhân chiếm ngôi quán quân về số lượng khu chung cư.
Theo khảo sát của chúng tôi, chỉ tính riêng tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài đến đường vành đai IV chạy qua đã có hàng loạt các dự án khu đô thị lớn như: Trung Hòa - Nhân Chính, khu đô thị mới Phùng Khoang, Vạn Phúc, Văn Khê, Dương Nội, An Hưng, Park City, Mỗ Lao… Dọc đại lộ Thăng Long, con đường dài và hiện đại nhất Việt Nam cũng đang xây dựng hàng loạt khu chung cư cao tầng như khu đô thị mới Tây Mỗ, Đại Mỗ có quy mô gần 300ha hay các Geleximco, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Vân Canh, CEO Quốc Oai, Splendora... Ngoài ra còn hàng trăm dự án chung cư được triển tại nhiều quận, huyện như Cầu Giấy, Từ Liêm, Tây Hồ, Mỹ Đình… Nhìn vào số lượng các dự án xây dựng khu chung cư lớn nhỏ của thành phố Hà Nội thì các chủ đầu tư đều giật mình, vì khi hoàn thành, tỷ lệ nhà chung cư tăng lên nhiều so với tổng diện tích nhà ở hiện nay.
Nhà chung cư phát triển nhanh một mặt do dân số nước ta ngày càng gia tăng trong khi diện tích đất lại có hạn, mặt khác, theo quan niệm an cư thì mới lạc nghiệp nên ai cũng muốn tìm cho mình một chỗ ở để ổn định cuộc sống. Trong những năm gần đây, xu hướng của người dân lại rất ưa chuộng nhà chung cư, do những ưu điểm và tiện ích của nó. Chính vì vậy, việc xây dựng nhiều khu chung cư cao tầng là một điều tất yếu.
2. Những phong cách thiết kế nội thất nhà chung cư
Qua khảo sát và tìm hiểu, chúng tôi thấy, nhà chung cư hiện nay chủ yếu thiết kế nội thất theo ba phong cách đặc trưng:
Chung cư có thiết kế nội thất theo phong cách hiện đại: Về cơ bản là đơn giản, có một chút tính phức tạp, dùng vật liệu vải thô và các đường sắc nét, chú trọng vào không gian sử dụng chứ không phải là hình dáng các đồ vật nội thất. Bằng cách tập trung vào việc sử dụng màu sắc, không gian, hình khối, đã làm cho trường phái trang trí trở nên bóng bẩy và luôn mới mẻ.
Chung cư có thiết kế nội thất theo phong cách đương đại: Có đường nét và bố cục đơn giản nhưng toát lên nét thanh tao và dứt khoát. Không gian chủ yếu được tạo nên từ những khối hình khác nhau, đôi khi có sự phá cách trong sự bố trí và sắp xếp, gam màu chủ yếu cho nội thất theo phong cách đương đại là trắng đen.
Chung cư có thiết kế nội thất theo phong cách cổ điển: Phong cách cổ điển đòi hỏi nhiều thời gian và công sức do có nhiều chi tiết hoa văn, đường cong phức tạp cũng như hiệu ứng ánh sáng để tạo ra vẻ sang trọng, quý phái, bề thế và hào hoa là cái đích mà phong cách này hướng tới. Gam màu chủ yếu của phong cách này là những tông màu nâu, màu trầm, màu xanh rêu kết hợp với những màu sáng như vàng đất, vàng kem. Nội thất thường được trang trí bằng các sản phẩm từ gỗ, thảm, tranh kính, đèn chùm, bọc da… Lò vi sóng, bếp ga, hút mùi được khéo léo thiết kế kết hợp với phong cách nội thất cổ điển vừa sang trọng vừa tiện lợi, hiện đại.
Gu thẩm mỹ của con người luôn có sự thay đổi theo từng giai đoạn, chính vì lẽ đó các phong cách thiết kế nội thất cũng luôn dịch chuyển từ phong cách này sang phong cách khác để đáp ứng với nhu cầu của con người. Mỗi một phong cách thiết kế đều mang một nét đẹp, có những ưu, nhược điểm riêng của nó mà qua đó phù hợp với phong cách và sở thích của từng người. Nội thất là một phần rất quan trọng góp phần quyết định sự thẩm mỹ cũng như mang đến không gian sống tiện nghi cho gia chủ. Tuy nhiên để tạo nên một không gian nội thất không chỉ đẹp mà còn chất lượng, chúng tôi thấy, ngoài các phong cách thiết kế nội thất còn bị tác động nhiều yếu tố như:
Yếu tố kỹ thuật
Về vật liệu: Luôn song hành với phong cách kiến trúc nội thất là yếu tố về vật liệu xây dựng, muốn biết phong cách thiết kế của một công trình thì yếu tố đầu tiên được đánh giá là vật liệu. Chỉ cần quan sát vật liệu xây dựng nổi bật là mọi người có thể biết được phong cách thiết kế chính. Vì thế, việc lựa chọn vật liệu rất quan trọng, nhằm làm cho không gian có sự hài hòa cũng như sự nổi bật và sáng tạo trong kiến trúc nội thất.
Về khả năng thi công: Bên cạnh vật liệu thì trình độ thi công cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến vẻ đẹp của công trình. Sở hữu một bản thiết kế chi tiết đẹp nhưng nếu chúng ta chọn đơn vị thi công nội thất không đạt tiêu chuẩn, không có quy trình thi công nội thất cụ thể sẽ dẫn đến sai lệch về thiết kế hoặc sai lệch về bố cục cũng như màu sắc… Do vậy chúng ta rất cần lựa chọn đơn vị thi công nội thất có uy tín và giàu kinh nghiệm cho công trình của mình.
Yếu tố nghệ thuật
Về màu sắc: Khi nhìn vào một công trình thì màu sắc chính là yếu tố đầu tiên thu hút mọi người, vì thế màu sắc cũng là một trong những yếu tố có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất, đồng thời màu sắc là yếu tố giúp thể hiện cái hồn của một công trình hay gu thẩm mỹ của chủ nhà. Có thể nói việc sử dụng màu sắc hài hòa hoặc phá cách dựa trên sự phong phú về sắc độ hay sự tương phản đều sẽ giúp công trình kiến trúc, nội thất thu hút và quyến rũ hơn. Để giúp màu sắc được nổi bật người ta thường sử dụng những loại ánh sáng từ đèn điện hoặc tự nhiên.
Về chất liệu: Xét về chất liệu thì hiện nay những vật dụng nội thất đều có chất liệu rất phong phú chẳng hạn như: nhẵn, sần, bóng, mờ… Với mỗi chất liệu đều tạo cho không gian nội thất có sự đa dạng và thu hút riêng. Chất liệu cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thiết kế kiến trúc nội thất.
Về thủ pháp khi trang trí: Để tạo nên phong cách kiến trúc khác biệt và độc đáo, thì ý tưởng sáng tạo kết hợp cùng thủ pháp tạo hình mới lạ, kỹ thuật xây dựng hiện đại và vật liệu xây dựng mới đều là những yếu tố tạo nên phong cách kiến trúc nổi bật khi trang trí nội thất cho công trình kiến trúc.
Yếu tố kinh tế
Một yếu tố giúp quyết định về mặt kinh tế chính là việc sử dụng những vật liệu địa phương cùng những kỹ thuật dân gian truyền thống. Điều này không chỉ làm giảm chi phí mà còn quyết định đến sự sáng tạo trong kiến trúc và trang trí nội thất của một công trình. Những vật liệu địa phương mang đến chất cảm về sự thẩm mỹ, chẳng hạn như màu gạch đỏ Bát Tràng thường được sử dụng để làm ấm thêm các khoảng sân của gia đình và nó cũng được xem là màu sắc truyền thống được sử dụng nhiều trong những công trình xây dựng tại Việt Nam. Bức tường đá ong mang đậm tính dân dã là nét đặc trưng của kiến trúc vùng trung du Bắc Bộ. Chính vì thế, việc sử dụng vật liệu, kỹ thuật phù hợp và hài hòa chính là những tiêu chuẩn trong sáng tạo kiến trúc nội thất.
Yếu tố văn hóa
Yếu tố văn hóa ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc nội thất của một công trình. Vì vậy, hiểu rõ đặc điểm văn hóa từng vùng, từng khu vực cùng những phong tục tập quán địa phương sẽ đưa ra những giải pháp thiết kế phù hợp cho mỗi khu vực.
Yếu tố thẩm mỹ
Nắm bắt được gu thẩm mỹ của người sử dụng để đưa ra phương án hợp lý về màu sắc, ánh sáng và vật liệu ứng dụng phù hợp.
Yếu tố công năng
Cần hiểu rõ yếu tố công năng của công trình để từ đó đưa ra giải pháp công năng hiệu quả.
3. Thiết kế nội thất nhà chung cư, một số định hướng
Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh chóng, vì thế số người chọn mua căn hộ chung cư cũng tăng lên đáng kể. Sự tiện ích khi ở căn hộ chung cư đã dần được nhiều người công nhận. Đó là:
Hầu hết các dự án chung cư được xây dựng ở các khu trung tâm, đô thị hoặc ở những khu vực có giao thông thuận lợi để có thể di chuyển vào trung tâm dễ dàng và mất ít thời gian nhất. Mặt khác, các dự án chung cư thường được xây dựng ở những vị trí có phong thủy tốt, cảnh quan đẹp và có các công trình, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: trường học, chợ, bệnh viện, công viên... xung quanh đồng bộ. Tất cả những yếu tố trên ảnh hưởng tới giá trị của một căn hộ và là tiêu chuẩn, điều kiện quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn.
So với trước đây, nhà chung cư hiện nay có nhiều tính năng hợp lý hơn như các hạng mục công trình trường học, bệnh viện, siêu thị... được xây dựng khép kín trong khuôn viên khu chung cư, với các khu sinh hoạt công cộng tăng lên tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.
Nhà chung cư có nhiều tiện ích thiết thực khác, như:
Môi trường sống lý tưởng: hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tiện ích, đầy đủ: khuôn viên, cây xanh, bể bơi phòng tập, sân tennis; sự gắn bó trong gia đình: tất cả các phòng đều nằm trên một mặt bằng, không phải leo cầu thang, mọi sinh hoạt của gia đình thuận lợi hơn, tạo điều kiện quan tâm nhiều đến con trẻ, người già, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình; đời sống văn minh: dân trí cao, mọi việc đều được ban quản lý điều tiết và giải quyết, an ninh tốt; khu vui chơi thoải mái: hiện nay, khu chung cư thường có không gian vui chơi riêng ngay cả khi trời mưa, mọi người đều được giao tiếp với nhau trong môi trường thoáng mát, rộng rãi và an toàn, đặc biệt là trẻ nhỏ, giúp chúng tự tin hơn; tầm nhìn: ở chung cư còn có không gian thoáng mát, lộng gió và thoải mái; sạch sẽ: luôn khô vào mùa mưa, không lo về mối mọt, ruồi, muỗi, chuột bọ và các côn trùng khác.
Dù đang dần trở nên phổ biến và được nhiều người ưa chuộng nhờ vào những tiện ích nêu trên, thì hầu hết các căn hộ chung cư còn tồn tại một số hạn chế không thể phủ nhận. Hạn chế rõ nhất của nhà ở chung cư là không gian sinh hoạt. Nếu một ngôi nhà truyền thống gồm có những không gian độc lập với nhau, như không gian phòng khách (gian giữa: vừa là nơi thờ tự tổ tiên, vừa là nơi tiếp khách); sân trước (phơi thóc, để xe cộ, chỗ chơi cho con trẻ…); sân sau (vườn cây, để dụng cụ lao động); nhà bếp (nấu ăn và ăn uống). Nhưng đối với nhà chung cư, mỗi căn hộ có từ 3 đến 4 phòng liên thông trong một tổng thể không gian khép kín, gồm phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, phòng vệ sinh…; không có một không gian độc lập nào trừ hành lang và ban công.
Để khắc phục hạn chế, các nhà thiết kế phải nắm được một số nguyên tắc thiết kế nội thất chung cư để có được không gian sống hoàn hảo nhất.
Hiểu rõ không gian thực tế: Các căn hộ chung cư thường có bề ngoài khá giống nhau nhưng nếu tìm hiểu bạn sẽ thấy mỗi không gian sẽ có những ưu điểm, hạn chế khác nhau. Hiểu rõ các tính chất của không gian sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề kích thước đồ nội thất, màu sắc, kiểu dáng… để tránh rơi vào trường hợp mua phải món đồ không phù hợp hay kích thước quá to hoặc quá nhỏ… Hay chỉ cần một bức tường màu sắc, một vài chiếc gối tựa nổi bật hay những chậu hoa xinh xắn… không gian của bạn sẽ mang những sắc thái hoàn toàn khác biệt.
Tạo những điểm nhấn: Một không gian sống sẽ rất đơn điệu, nhàm chán nếu chỉ là những chuỗi lặp lại của màu sắc, kiểu dáng. Bởi vậy cần tạo những điểm nhấn để ghi lại dấu ấn về không gian riêng của mình, chẳng hạn một bức tranh màu sắc khiến phòng khách tươi sáng hơn.
Tạo chủ đề thống nhất: Sự thống nhất mang đến nét hài hòa, thoải mái cho không gian. Ưu điểm lớn nhất của nhà chung cư chính là không gian liên thông. Việc tạo một chủ đề thống nhất cho toàn bộ căn hộ khiến không gian có mối gắn kết chặt chẽ hơn, mang lại sự hài hòa, khoa học. Đây là một trong những nguyên tắc thiết kế nội thất chung cư rất quan trọng.
Phối hợp kích thước, kiểu dáng nội thất và phụ kiện trang trí: Không gian cần có sự đối lập để tránh nhàm chán. Mọi sự vật đều được tạo nên từ sự đối lập. Vì thế, hãy sắp xếp đồ nội thất có yếu tố đối lập giữa kích thước, hình dáng, màu sắc… để tạo nên nét đa dạng, phong cách cho không gian. Nếu không gian chỉ là những món đồ lớn sẽ rất bức bối, nếu quá nhỏ thì lại trống trải. Kiểu dáng đơn điệu hay màu sắc nhạt nhòa cũng đem lại vẻ nhàm chán cho căn nhà.
Hiểu rõ phong cách của chủ nhân: Căn nhà là nơi nghỉ ngơi, thư giãn và tái tạo năng lượng sau mỗi ngày làm việc, là sự phản ánh chân thực nhất về chủ nhân của nó. Vì vậy, cần hiểu rõ phong cách của chủ nhà trước khi tạo ra phong cách riêng cho căn nhà đó. Điều này sẽ giúp định hướng cho toàn bộ quá trình thiết kế nội thất.
Từ những vấn đề trên, chúng tôi xin đưa ra một vài định hướng nhằm giúp các nhà thiết kế nội thất có phong cách thiết kế phù hợp.
Trước hết, nắm bắt ý tưởng, yêu cầu cũng như tình hình tài chính của chủ nhà, từ đó tư vấn về phong cách thiết kế, bố trí không gian tối ưu, lựa chọn vật liệu, thiết bị, phụ kiện phù hợp… nhằm giúp chủ nhà có các quyết định chính xác ngay từ ban đầu.
Thứ hai, khảo sát mặt bằng cần thiết kế nội thất, nắm bắt những ưu nhược điểm, qua đó định hướng phong cách và ý tưởng cho phù hợp, đưa ra những giải pháp về không gian, cách bài trí nhằm khắc phục và tối ưu hóa không gian gia đình.
Thứ ba, triển khai ý tưởng dựa trên những thông tin nhu cầu của chủ nhà và kết hợp các yếu tố thẩm mỹ của một nhà thiết kế để đưa ra giải pháp ứng dụng vào không gian.
Thứ tư, lên các phương án mặt bằng, mặt trần, mặt cắt.
Thứ năm, dựa vào các phương án đã nghiên cứu để lên phối cảnh 3D cho công trình (tính toán vật liệu ứng dụng và giải pháp về ánh sáng).
Tóm lại, nhà ở là một nhân tố quan trọng đối với con người trong đời sống xã hội, nó không chỉ là nơi lưu trú mà còn là một đơn vị kinh tế, văn hóa và chính trị. Giá trị của ngôi nhà được thể hiện ở mặt tinh thần (phong tục, tập quán gia đình…), mặt thiết chế (cấu trúc gia đình: thế hệ) và mặt vật chất (kiến trúc, điêu khắc, hội họa). Ngày nay, do điều kiện phát triển của xã hội, của khoa học kỹ thuật nói chung và xây dựng nói riêng, do sự phát triển những quan điểm mới về thẩm mỹ, nên nhà chung cư khác hẳn nhà truyền thống cả về phong cách và chức năng.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016
Tác giả : NGUYỄN LAN HƯƠNG