Tỉnh Vĩnh Long thuộc hạ lưu sông Mê Kông, nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, có hệ thống giao thông tương đối mở, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế phát triển. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có nhiều khu, cụm khu công nghiệp lớn, trong đó, khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ là một trong những khu công nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích 252 ha.
Tinh đến tháng 6-2015, khu công nghiệp Hòa Phú có 20.222 công nhân lao động, trong đó có 15.635 nữ, chiếm 77,3% tổng số lao động hiện có. Phần lớn nữ công nhân đang lao động tại khu công nghiệp Hòa Phú có tuổi đời khá trẻ, đa phần ở độ tuổi dưới 40.
Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của người lao động không ngừng được cải thiện, nâng cao. Hệ thống pháp luật cùng các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước liên quan đến người lao động được ban hành ngày càng đồng bộ, có tính khả thi cao. Đặc biệt, những năm qua hoạt động của tổ chức công đoàn và các đoàn thể chính trị xã hội khác từng bước đi vào nề nếp, chủ động phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động tập thể, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm. Một số doanh nghiệp có những chính sách chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân rất thiết thực, như đầu tư xây dựng hội trường, thư viện, sân chơi cầu lông, sân bóng đá mini, phòng tập thể thao, phòng hát karaoke, sân tennis... Bên cạnh đó, chủ động hỗ trợ kinh phí cho công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tiêu biểu như: Công ty TNHH Tỷ Xuân, Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long, Công ty TNHH Thiết Lập, Công ty Boshing...
Một số sở ngành, đoàn thể tỉnh cũng đã chủ động phối hợp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho lao động nữ như: tổ chức sinh hoạt văn hóa gắn với giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề nâng cao kỹ năng sống, cung cấp sách báo, tổ chức thăm hỏi, động viên công nhân trong các dịp lễ, dịp tết, xây dựng mô hình nhà trọ văn hóa, tổ chức các phiên chợ hàng Việt Nam, tổ chức các chương trình gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo công ty với công nhân... Những chính sách của doanh nghiệp góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, chất lượng cuộc sống công nhân, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đem đến sự phát triển bền vững trong doanh nghiệp.
Song, trên thực tế, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động trong khu công nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm. Số doanh nghiệp có địa điểm sinh hoạt văn hóa đạt tỷ lệ thấp nên việc triển khai các hoạt động gặp nhiều hạn chế. Những giải thi đấu bóng đá, bóng bàn, kéo co, chạy việt dã, cờ tướng... thỉnh thoảng được tổ chức, đa phần không phù hợp với đặc thù tâm sinh lý, thời gian, sức khỏe của nữ công nhân mà chủ yếu dành cho cán bộ quản lý và công nhân nam. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nữ công gia chánh như Hội thi nấu ăn, Tiếng hát công nhân lao động… chỉ được tổ chức 1-2 lần/năm, chỉ một số nữ công nhân tiêu biểu hoặc ở trong đội văn nghệ mới có cơ hội tham gia thường xuyên. Một nữ công nhân chia sẻ: “Thỉnh thoảng công ty cũng tổ chức hội thi, hội thao nhưng toàn chọn đại diện tham gia, chứ lúc đó đang làm, công ty đâu cho ra tham gia hết, nên cuối cùng cũng như không”.
Hầu hết công nhân sống tại các khu nhà trọ bình dân, không có điều kiện sắm sửa trang thiết bị phục vụ nhu cầu giải trí, thể dục thể thao, thậm chí còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin qua cả sách báo và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Hiện nay, các thiết chế văn hóa, thể thao công cộng trong khu vực khá đa dạng: câu lạc bộ thể dục, câu lạc bộ hát với nhau, bi a, bóng bàn, karaoke, khu giải trí liên hợp Trúc Hoa Viên..., hầu hết đều mang tính dịch vụ, chi phí cao, không phù hợp cho các đối tượng có thu nhập thấp cũng như đặc thù giới tính.
Mặt khác, việc làm thêm giờ, tăng ca thường xuyên, cường độ lao động căng thẳng khiến nữ công nhân ít có thời gian quan tâm đến hoạt động văn hóa, giải trí trong thời gian rỗi. Tuy vài tháng mới tổ chức một lần, nhưng việc đi ra ngoài dạo chơi, gặp gỡ bạn bè có ý nghĩa nhất trong cuộc sống, giúp nữ công nhân có điều kiện tâm sự, chia sẻ với nhau về công việc, cuộc sống, những dự định trong tương lai. Những tồn tại đó đã khắc họa rõ nét hơn về đời sống văn hóa tinh thần mà hầu hết những lao động này đang phải đối mặt.
Hệ quả từ sự thiếu thốn, nghèo nàn trong đời sống văn hóa tinh thần, kéo theo những hạn chế trong nhận thức của họ. Hiện nay, một bộ phận nữ công nhân đang tự triệt tiêu nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cá nhân, ít quan tâm đến các vấn đề chính trị, thông tin thường nhật của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức bi quan về cuộc sống khiến một bộ phận không nhỏ nữ công nhân thiếu tự tin về bản thân, sống lệch chuẩn, học đòi, buông thả...
Nguyên nhân chủ yếu tác động đến đời sống văn hóa tinh thần tại khu công nghiệp Hòa Phú, Vĩnh Long
Việc tăng giờ làm quá mức vừa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, vừa hạn chế việc tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí tối thiểu như xem ti vi, nghe đài, đọc sách báo, xem phim, đồng thời khiến cho nữ công nhân ít có điều kiện tiếp xúc, giao lưu, xây dựng các mối quan hệ..., làm cho đời sống văn hóa tinh thần, mưu cầu hạnh phúc của họ thêm nghèo nàn, đơn điệu.
Tiền lương của công nhân hiện nay chỉ đủ giải quyết nhu cầu thiết yếu hàng ngày như mua lương thực, thực phẩm, thuê nhà, đi lại, may mặc, sinh hoạt cá nhân... chứ không thể giúp họ thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu cũng như tích lũy cho cuộc sống tương lai. Bên cạnh đó, nơi ở quá chật hẹp, thiếu thốn các tiện nghi sinh hoạt ảnh hưởng không nhỏ tới điều kiện sinh hoạt văn hóa, tâm lý, sức khỏe của nữ công nhân.
Xuất phát điểm về trình độ học vấn, kỹ năng xã hội của nữ công nhân thấp, nên đa phần có tâm lý tự ti, an phận, sống co cụm nên ít quan tâm đến thông tin xã hội, nhu cầu hưởng thụ văn hóa không cao.
Các khu công nghiệp thiếu thiết chế văn hóa và hạ tầng xã hội cơ bản như: trung tâm sinh hoạt văn hóa, khu thể thao, trường mầm non... Điều đó đã và đang tạo sức ép tinh thần đối với không ít nữ công nhân lao động.
Một số khuyến nghị góp phần nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần của nữ công nhân
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động trong khu công nghiệp. Xem đây là vấn đề cốt lõi nhằm tập hợp, giác ngộ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, tuyên truyền giáo dục công nhân giữ vững tư cách chủ nhân đất nước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống văn hóa. Đồng thời, cần tích cực tuyên truyền, nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động có hiệu quả của doanh nghiệp có tổ chức Đảng, nhằm thuyết phục, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp khác trên địa bàn.
Thứ hai, giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm, thu nhập và các quyền lợi đặc thù khác cho nữ công nhân. Trước hết cần quan tâm cải thiện bình đẳng giới trong vấn đề lao động, việc làm, tập trung đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho lao động nữ, từng bước cạnh tranh bình đẳng với nam giới. Đồng thời nâng cao vị trí, quyền lực và tiếng nói của phụ nữ trong cả gia đình và xã hội, chống phân biệt đối xử với phụ nữ trong tuyển dụng, sử dụng lao động, có chính sách đối với doanh nghiệp khi sử dụng lao động nữ. Cải cách chế độ tiền lương, tiền công trong các doanh nghiệp, bảo đảm ở mức đủ để nữ công nhân chi phí cho các nhu cầu về cả vật chất lẫn tinh thần.
Thứ ba, chăm lo phát triển nhà ở và các hạ tầng xã hội phục vụ công nhân lao động. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, bổ sung lại quy hoạch tổng thể khu công nghiệp theo hướng cơ cấu, bố trí quỹ đất xây dựng, cân đối giữa phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật với cơ sở hạ tầng xã hội và khu dân cư, tạo thành hệ thống đồng bộ bảo đảm phát triển kinh tế, điều kiện sinh hoạt vật chất, đời sống văn hóa tinh thần. Đặc biệt, việc xây dựng nhà ở cho công nhân phải có thiết kế phù hợp với đặc thù sản xuất công nghiệp, phù hợp với người có thu nhập thấp, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, tính tiện ích...
Thứ tư, xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Đầu tư xây dựng mô hình điểm trong doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động văn hóa như: trang bị các ấn phẩm văn hóa, ti vi, loa đài, băng đĩa; tổ chức sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; duy trì, phát triển các mô hình nhà trọ văn hóa công nhân, câu lạc bộ... Bên cạnh đó, cần tập trung khai thác, phát huy thế mạnh của từng nhà văn hóa, tụ điểm văn hóa, tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ, giao lưu, vui chơi giải trí, nói chuyện chuyên đề... Đó chính là những hình thức tập hợp, thu hút đông đảo nữ công nhân tham gia, vừa giúp họ thỏa mãn những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, vừa giáo dục, xây dựng thể chất nhằm phòng tránh các loại tệ nạn xã hội...
Thứ năm, thực hiện tốt chính sách giáo dục và đào tạo. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn chính sách pháp luật để trang bị kiến thức cho công nhân lao động, để họ có lập trường tư tưởng vững vàng, có ý chí vượt khó, vươn lên, lập thân, lập nghiệp, có lối sống lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp. Triển khai có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho công nhân, bằng nhiều hình thức khuyến khích dạy nghề tại các doanh nghiệp, gắn đào tạo với lao động sản xuất, hướng việc đào tạo công nhân lao động vào mục tiêu phục vụ cho sự nghiệp chuyển đổi cơ cấu lao động, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu của các nghề mũi nhọn, công nghệ mới.
Thứ sáu, xây dựng chuẩn mực lối sống văn hóa, trang bị kiến thức, kỹ năng giúp nữ công nhân tổ chức tốt cuộc sống gia đình, hướng đến mục tiêu gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Tiếp tục đề cao nhân cách sống cho nữ công nhân trên cơ sở coi trọng, kế thừa những giá trị truyền thống lẫn giá trị hiện đại. Cung cấp cho họ các kiến thức, kỹ năng sống, như: kỹ năng làm cha mẹ, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau, với cộng đồng. Giáo dục, vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh. Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng, thực hiện quy ước, quy chế dân chủ cơ sở. Trong giáo dục, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với giáo dục hình thành thái độ và hành vi đúng đắn, góp phần đem đến sự tiến bộ toàn diện cho gia đình nữ công nhân, tạo nên điểm tựa vững chắc cho mỗi tế bào xã hội.
Thứ bảy, khuyến khích nữ công nhân phát huy tính chủ động, sáng tạo, có ý thức tự vươn lên, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của chính mình. Nữ công nhân chính là chủ thể xây dựng và thụ hưởng những giá trị văn hóa tinh thần, do đó bản thân người nữ công nhân cần phải tích cực tìm hiểu thông tin về công việc, địa bàn nơi đến làm việc để có sự chuẩn bị cần thiết, phù hợp trước sự thay đổi lớn về công việc và cuộc sống. Từ đó, tự nâng cao ý thức chính trị, giai cấp, tự giác rèn luyện tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp, địa phương nơi cư trú. Đồng thời mỗi người cần có ý thức tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, có kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, giao tiếp xã hội. Mỗi nữ công nhân cần gạt bỏ tâm lý tự ti, an phận, nỗ lực vượt qua định kiến giới, tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, khẳng định vị thế của mình trong gia đình, xã hội, chủ động, tích cực hơn trong các hoạt động cộng đồng.
Nữ công nhân là bộ phận quan trọng của giai cấp công nhân Việt Nam, đang tăng nhanh về số lượng, chuyển dịch mạnh về cơ cấu và từng bước nâng cao về chất lượng. Hiện nay, nữ công nhân có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, vùng, miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đòi hỏi được nhìn nhận đúng đắn về vai trò, vị trí trong cả doanh nghiệp và ngoài xã hội.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ MINH TRANG