Trưng bày trực tuyến trong hoạt động của một số bảo tàng tại Hà Nội

1. Tổng quan về trưng bày trực tuyến

Mô hình bảo tàng thông minh với sự hỗ trợ của khoa học - công nghệ đang là hướng đi của nhiều bảo tàng thế giới. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, nhiều bảo tàng có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của khách tham quan. Ðồng thời, hoạt động của bảo tàng truyền thống cũng thay đổi mạnh mẽ như: ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thuyết minh tự động, phim 3D... giúp không gian bảo tàng không bị bó hẹp giữa bốn bức tường, mà trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Những ứng dụng của công nghệ số đã tạo sự thay đổi đáng kể, bảo tàng không còn là những gian trưng bày tĩnh với các hiện vật khô khan, mà nay đã trở thành những tư liệu lịch sử sống động, hấp dẫn. Cách mạng công nghiệp 4.0 với những ứng dụng thông minh như quét mã QR, trưng bày 3D, công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) có khả năng xác định lại cách thức hoạt động trưng bày của bảo tàng, mở ra cánh cửa kết nối và làm phong phú thêm các chuyến tham quan của du khách. 

Trưng bày 3D: Bảo tàng ảo tương tác 3D đáp ứng nhu cầu đa dạng trong quá trình phổ biến giá trị di sản văn hóa trên nền tảng trang web. Bảo tàng ảo tương tác 3D giúp du khách có thể tham quan ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào trên internet, qua các thiết bị di động. Khách du lịch khi tham quan các bảo tàng ảo 3D được thỏa sức tương tác trực tiếp trên phần mềm như xoay, phóng to, thu nhỏ tùy ý, mang lại cảm giác khó có thể trải nghiệm trong thực tế. Ngoài ra, phần mềm trưng bày 3D còn cho phép tích hợp các thông tin đa phương tiện như text, video, nhạc… đảm bảo tiếp cận được các thông tin cần thiết và các bài thuyết minh của di sản, cổ vật, hiện vật được trưng bày như đang tham quan thực tế.

Công nghệ thực tế ảo: Thực tế ảo - VR (virtual reality) là thuật ngữ miêu tả một môi trường được giả lập (ảo hóa), được tạo ra bởi con người nhờ vào các phần mềm chuyên dụng và được điều khiển bởi một thiết bị thông minh. Ngoài việc tạo ra không gian ảo, công nghệ thực tế ảo VR còn có thể tương tác thực tế với người dùng qua cử chỉ và nhiều giác quan khác nhau như: thính giác, khứu giác và xúc giác. 

Công nghệ thực tế tăng cường: Công nghệ AR (Augmented Reality) là công nghệ thực tế ảo tăng cường, được nhà sản xuất phát triển dựa trên công nghệ VR. Thực tế tăng cường tập trung vào việc kết hợp giữa thế giới thật với thông tin ảo, không phải tách người dùng ra một không gian riêng như thực tế ảo. Nó có thể hỗ trợ tương tác với nội dung ảo ngay trong đời thật như chạm và có thể phủ một lớp hình ảnh lên trên ảnh thật. Những công nghệ cơ bản nói trên thực sự là hướng đi quan trọng giúp lưu trữ dữ liệu, bảo tồn di sản văn hóa, trùng tu - phỏng dựng phế tích, phục vụ công tác trưng bày, thuyết minh bảo tàng và quảng bá di sản trong thời đại số.

2. Một số hoạt động trưng bày trực tuyến ở các bảo tàng tại Hà Nội

Cho đến nay, việc áp dụng công nghệ chưa được nhiều bảo tàng triển khai rộng rãi. Số bảo tàng áp dụng công nghệ hiện đại phục vụ trưng bày và xây dựng bảo tàng ảo còn khá ít. Về tư liệu, hình thức trưng bày, giới thiệu không đa dạng, ít tính tương tác, thuyết minh kém hấp dẫn... là rào cản khiến bảo tàng không đủ sức hút khách tham quan.

Năm 2013, lần đầu tiên, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, công nghệ tương tác ảo 3D đã được triển khai và ứng dụng thí điểm; đến năm 2016, một số phần nội dung trưng bày thường trực được mở rộng giới thiệu trên trang web của Bảo tàng. Đây là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ trong các hoạt động giới thiệu trưng bày giáo dục… trên hình thức công nghệ số.

Những cuộc trưng bày trực tuyến và thử nghiệm trên bảo tàng trực tuyến mà các bảo tàng thực hiện bước đầu được công chúng và đồng nghiệp đón nhận với những đánh giá tích cực. Trong đó, có thể kể đến sự đầu tư công nghệ tham quan 3D của một số bảo tàng tại Hà Nội như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 

Trưng bày trực tuyến tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt tour tham quan bảo tàng trực tuyến tại địa chỉ vnfam.vn. Với các thiết bị điện tử được kết nối internet, khách tham quan chỉ cần truy cập vào địa chỉ trên là có thể tự do khám phá mọi không gian trưng bày trong bảo tàng bằng công nghệ 3D sống động, hiện đại. Công chúng có thể khám phá trực tuyến nội dung trưng bày thường xuyên của bảo tàng, xem video chất lượng cao, giới thiệu bảo vật quốc gia như: người xem có thể xem được hình ảnh cụ thể về tượng Phật Quan Âm ở nhiều góc quay khác nhau, chuyển động đẹp mắt, sống động và cùng nghe những lời giới thiệu từng phần, chi tiết của pho tượng; hoặc về các chuyên đề, bộ sưu tập… để hiểu rõ thêm sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ. 

Trong 3D tour, việc liên kết các hình ảnh động cùng ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA với hàng trăm hiện vật tiêu biểu được giới thiệu bằng video; ví dụ như giới thiệu 2 bảo vật quốc gia đã được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh và câu chuyện, giúp du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật của những kiệt tác đang lưu giữ trong Bảo tàng. Những công nghệ hiện đại bằng hình ảnh đẹp sống động đã đem đến cho người xem những trải nghiệm như đang trực tiếp tham quan tại Bảo tàng. Công nghệ 3D tour được thiết kế bằng font chữ tiếng Việt và tiếng Anh, hoàn toàn miễn phí sử dụng, để mọi người có thể tiếp cận một cách nhanh nhất, sinh động và chân thực trong không gian Bảo tàng.

Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, phát triển ý tưởng và triển khai thực hiện của các cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cùng sự chung tay của các đồng nghiệp, bạn bè trong nước và quốc tế, với mong muốn lan tỏa tình yêu với nghệ thuật, di sản, đưa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến gần hơn với công chúng.

Trưng bày trực tuyến tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong hoạt động trưng bày từ nhiều năm trước. Không chỉ giới thiệu đến công chúng những trải nghiệm thú vị, công nghệ này còn có khả năng lưu trữ lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu ngay cả khi trưng bày đã kết thúc. Truy cập vào trang web của Bảo tàng, du khách có thể tham quan, tìm hiểu hiện vật trên nền tảng 3D bằng cách sử dụng mũi tên trên màn hình để di chuyển, vừa ngắm các hiện vật trưng bày, vừa lắng nghe giọng thuyết minh truyền cảm của hướng dẫn viên ảo. Nếu có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn các chủ đề khác, du khách có thể truy cập vào phần Tra cứu thông tin hoặc Tương tác với nhà sử học.

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong thời gian qua, các chương trình giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ học đường được chú trọng. Hàng loạt chương trình như tham quan ngoại khóa, khai thác, sử dụng tài liệu hiện vật vào bài học chính khóa; sinh hoạt câu lạc bộ Em yêu lịch sử… thu hút đông đảo giới học sinh, sinh viên.

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, để đảm bảo hoạt động được duy trì liên tục, Bảo tàng đã từng bước chuyển hướng hoạt động các chương trình giáo dục sang hình thức học online thông qua ứng dụng Zoom. Với cách thức này, cho dù ở đâu, giới trẻ chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng là có thể tham gia lớp học.

Lần tham quan trực tuyến với chủ đề Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần, các chuyên gia đã hệ thống đa dạng các hiện vật. Về gốm có men ngọc, men ngà, men nâu, hoa nâu... với nhiều loại hình phong phú như: Bộ sưu tập đồ dùng sinh hoạt thạp, ấm, đĩa, bình, bát... với các hoa văn trang trí hoa sen, cúc dây, hình rồng, phượng, sóng nước, chim, thú, chiến binh được áp dụng kỹ thuật khắc chìm, chạm nổi, tạo nên các tác phẩm tuyệt mỹ, được mở ra bằng các hiệu ứng các tương thích phóng to từng chi tiết, thu nhỏ xem tổng quan, xoay các chiều diện của từng vật thể.

Đến với trang web Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng khu trưng bày của Bảo tàng qua phần mềm 3D sinh động cùng những chương trình trải nghiệm hấp dẫn. Những hiện vật cùng hệ thống khảo cổ giúp dân trí nâng cao kiến thức, sự hiểu biết về quá trình hình thành, phát triển và tầm ảnh hưởng của triều đại Lý - Trần trong lịch sử dân tộc.

Sau chưa đầy 24 giờ mở đường dẫn đăng ký, Bảo tàng đã đón nhận sự quan tâm của đông đảo công chúng và vượt số lượng đăng ký cho tour tham quan đầu tiên thành công ban đầu. Tour tham quan online này được kết hợp giữa thuyết minh với ứng dụng công nghệ 3D trên trang web Bảo tàng, cùng các phần mềm PowerPoint, trình chiếu video... đem tới nhiều góc nhìn và trải nghiệm mới cho khách tham quan khá hiệu quả trong đó, những người làm tour đã sử dụng các câu hỏi giao lưu và trò chơi mini game giúp người xem bổ sung kiến thức, hiểu biết về sự hình thành, phát triển, vai trò của các triều đại Lý - Trần trong lịch sử dân tộc. Trên cơ sở kinh nghiệm và thành công của chương trình thử nghiệm trên, Bảo tàng đang tiếp tục ứng dụng thực hiện giới thiệu các nội dung trưng bày tiếp theo; và cũng trong năm 2020, Bảo tàng tiếp tục phối hợp với Công ty Vietsotfpro nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và cập nhật, bổ sung nội dung thông tin, tiếp tục giới thiệu Bảo tàng ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nội dung giới thiệu được cập nhật, bổ sung và được đổi mới cách thức tiếp cận cho người xem.

Các trưng bày ảo, thông tin được giới thiệu với các cấp độ khác nhau để phục vụ đa dạng nhu cầu tới công chúng, phù hợp với điều kiện thời gian, nhu cầu tra cứu thông tin từ khái quát đến trải nghiệm, tương tác 3D hoặc khai thác tư liệu phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu (cấp độ giới thiệu chi tiết các tài liệu, hình ảnh, clip, các bài nghiên cứu liên quan một cách sâu sắc, phong phú). Nhiều chương trình online đã được Bảo tàng thực hiện và nhận được phản hồi tốt từ phía khách tham quan như Tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online); Giờ học lịch sử online... 

Ngoài ra, nhiều trưng bày thực tế tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn được lưu giữ lại dưới hình thức trực tuyến sau khi kết thúc, nhằm kéo dài thời gian tham quan, đồng thời cung cấp chi tiết hơn cho khách tham quan về tư liệu, hiện vật trưng bày. Chẳng hạn, với nhiều hiện vật, bảo vật quốc gia, vì lý do bảo mật, khách tham quan chỉ có thể ngắm nhìn từ một khoảng cách nhất định. Các hoạt động tham quan trực tuyến, du khách có thể bấm chuột nhìn từng chi tiết trang trí trên hiện vật dù là nhỏ nhất. Đặc biệt, các tư liệu, hiện vật được lưu giữ, thông tin cụ thể trong các trưng bày còn hướng tới một mục tiêu lớn hơn, đó là xây dựng một di sản số (E - Heritage) cho di sản văn hóa Việt Nam.

Trưng bày trực tuyến tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Trên trang web của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cũng có nhiều hình thức trưng bày được lưu giữ để người xem vào tham quan, như chương trình Gắn kết bằng trái tim - ghi lại hành trình đi tìm hạnh phúc, một mái ấm bình yên trọn vẹn của các thành viên gia đình; chương trình trưng bày Nữ tướng khăn rằn, kỷ niệm 100 năm ngày sinh bà Nguyễn Thị Định; chương trình Những trái tim vì hòa bình về cuộc đấu tranh kháng chiến, chống Mỹ xâm lược Việt Nam của nhân dân yêu hòa bình trên toàn thế giới; chương trình Vị giọt mồ hôi nêu kết quả qua ba năm tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (2017-2020); chương trình 24 giờ trên phố, giới thiệu những câu chuyện chân thực dung dị nhất do trẻ em thực hiện. Ngoài ra, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn giới thiệu các chương trình của Bảo tàng thông qua kênh YouTube, với cách làm đơn giản, hiện đại, gần gũi nhằm tăng tương tác với người xem. 

Dù vẫn luôn nhận thức được vai trò quan trọng của khoa học - công nghệ trưng bày, nhưng để có thể ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động đó một cách đồng bộ cho các bảo tàng thì còn là một khoảng cách rất xa. Kinh phí và nguồn nhân lực là một vấn đề, song các bảo tàng còn cần có thời gian, thận trọng đánh giá hiệu quả thực sự của mô hình bảo tàng ảo, tính toán kỹ lưỡng ứng dụng công nghệ số để có hướng khai thác hiệu quả, phù hợp. Bởi thực tế hiện nay, nhiều bảo tàng đã nỗ lực giới thiệu hiện vật online, trưng bày trên internet, nhưng không phải nơi nào cũng thành công, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. 

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ đã tạo nên sức sống mới cho hoạt động bảo tàng từ lâu vốn bị xem là ít đổi mới, hiệu quả thu hút khách tham quan chưa cao. Tuy nhiên, nỗ lực này không chỉ của riêng các bảo tàng mà cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan. Điều đó sẽ giúp các bảo tàng khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

3. Cơ hội phát triển hoạt động trưng bày trực tuyến tại các bảo tàng Việt Nam 

Tham quan trực tuyến mang lại những lợi ích rất lớn đối với công chúng, đó là nhờ công nghệ mà đông đảo người dân có thể tiếp cận những hiện vật, bộ sưu tập ở bất kỳ đâu. Nhờ tham quan trực tuyến, công chúng được bổ sung nguồn tri thức của nhân loại, mà không dừng lại ở công cụ giải trí đơn thuần. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các bảo tàng thường xuyên triển lãm trực tuyến, đem đến một giải pháp có tính khả thi, hiệu quả và khắc phục những hạn chế của trưng bày trực tiếp. Việc trưng bày theo hình thức này đã bỏ những giới hạn về thời gian, khoảng cách và không gian. Thay vì mở cửa cho công chúng vào những thời điểm nhất định trong ngày, trưng bày trực tuyến có sẵn suốt ngày đêm, thông qua nền tảng internet. Trong thời điểm giãn cách xã hội, các hoạt động vui chơi giải trí bị ngưng trệ, những chương trình tham quan trực tuyến, trưng bày trực tuyến của các bảo tàng đã góp phần hữu ích vào việc cung cấp thêm món ăn tinh thần cho người dân vượt qua đại dịch.

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số và hậu COVID-19, hệ thống bảo tàng thế giới, trong đó có Việt Nam buộc phải chuyển mình mạnh mẽ bằng việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày để giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn với những tài liệu, hiện vật quý mà không cần đến bảo tàng. Xu hướng sử dụng những hoạt động công nghệ trực tuyến hiện đại và các thiết bị cầm tay, các bảo tàng hiện nay có thể khai thác tất cả các khả năng của phương tiện mới, phân tích và trả lời theo nhiều cách khác nhau cho nhu cầu của công chúng, cho phép tương tác trực quan với nội dung được hiển thị và cung cấp trải nghiệm giải trí và giáo dục. 

4. Những thách thức ảnh hưởng tới hoạt động trưng bày trực tuyến 

Bên cạnh những ưu điểm, sức hấp dẫn mạnh mẽ và tiềm năng to lớn, thì trưng bày trực tuyến/ bảo tàng ảo tại Việt Nam cũng có một số hạn chế. Bởi trưng bày trực tuyến không cho phép người xem quan sát các hiện vật một cách chân thực tối ưu, điều này rất quan trọng đối với công chúng tham quan. Khi các giác quan trải nghiệm đi qua các hiện vật trên trực tuyến, nó cũng sẽ giảm đi những ấn tượng mạnh mẽ tự nhiên, khiến các trải nghiệm online dù tiện ích như thế nào nhưng cũng khó sống động so với tham quan thực tế. Bởi khi hiển thị trên trang web, hình ảnh hiện vật không hiển thị được kết cấu một cách hoàn chỉnh các chi tiết nhỏ, khối lượng và màu sắc, cũng không hoàn toàn chính xác và trung thực như bên ngoài của nó, chưa kể đến những hình ảnh kỹ thuật số của các bức ảnh lịch sử, chắc chắn kém hơn so với các hiện vật thực tế, do yêu cầu về kích thước nhỏ hơn để xem trực tuyến. 

Ngoài ra, trưng bày trực tuyến đôi lúc cũng khá tốn thời gian để tham gia, công chúng phải được kết nối với internet. Tốc độ kết nối internet cũng ảnh hưởng đến những trải nghiệm của khách truy cập khi người dùng có kết nối chậm sẽ không có chuyến thăm online thú vị, đặc biệt, nếu trang web chứa nhiều tài nguyên đa phương tiện lại cần nhiều thời gian để tải xuống và hiển thị. Đặc biệt, những tài liệu, hiện vật rất có giá trị về mặt nội dung lịch sử, văn hóa nhưng lại không đảm bảo hoặc ít giá trị về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật, nhất là loại hiện vật dưới dạng văn bản giấy, do đó, khi ứng dụng công nghệ ảo 3D, 4D… chắc chắn sẽ khó tạo được sự hấp dẫn. 

Trưng bày trực tuyến mang tới quyền lợi cho công chúng khi đa số các trưng bày đều không mất phí tham quan, không cần đến bảo tàng mà vẫn thấy rõ hiện vật. Tuy nhiên, hạn chế cho bảo tàng là với những trưng bày trực tuyến không thu phí thì sẽ không đem đến nguồn thu trực tiếp, ngoài ra, hạn chế hơn là trong tương lai, công chúng có thể sẽ không đến bảo tàng thường xuyên nữa do đã biết hầu hết hiện vật qua trưng bày trực tuyến.

Những khó khăn, thách thức đáng kể với nhiều bảo tàng là công nghệ số ngày càng phát triển, trong khi nền tảng internet, kinh phí đầu tư xây dựng nội dung, nguồn nhân lực vận hành tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, do công nghệ phát triển mạnh mẽ, nên cần cập nhật ứng dụng công nghệ hiện đại thường xuyên, đòi hỏi rất nhiều công sức, trí tuệ và kinh phí. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các bảo tàng là kinh phí cho thiết bị. Hệ thống máy chủ và máy chiếu chuyên dụng tốn kém, nhiều bảo tàng hạn chế kinh phí mua, thuê cũng rất khó khăn. Nếu sử dụng ngân sách làm triển lãm mà không bán vé để thu hồi vốn thì rất khó thực hiện. Thêm vào đó, nhiều bảo tàng cũng gặp khó khăn về nhân lực vận hành từ khâu chuẩn bị cho đến bảo trì, bảo dưỡng máy móc khi gặp sự cố. 

Cùng với đó, phần lớn các bảo tàng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiện nay đang gặp phải những hạn chế về nguồn lực, bao gồm: việc cơ sở hạ tầng xuống cấp, kinh phí đầu tư cho việc chuyển đổi số, duy trì và bảo dưỡng quá lớn, nguồn nhân lực tại chỗ thiếu và yếu - đặc biệt là nhân lực về công nghệ cao, thêm vào đó những chuyên gia công nghệ cũng ít am hiểu chuyên sâu về các hoạt động chuyên môn của bảo tàng… Việc số hóa các tài liệu và phục dựng không gian 3 chiều cần nguồn vốn đầu tư lớn. Vì thế, không phải bảo tàng nào tại Việt Nam cũng làm được nếu như không tìm thấy nguồn vốn hỗ trợ. Hơn nữa, việc tham quan trực tuyến không mang lại nguồn thu cho các bảo tàng để duy trì hoạt động.

5. Một số giải pháp cho các hoạt động trưng bày ở các bảo tàng tại Hà Nội

 Giải pháp hợp tác, chia sẻ cùng nhau sẽ khai thác tối đa được điểm mạnh, tiềm lực, tính chuyên nghiệp của mỗi bên, mỗi chuyên ngành để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh mà cụ thể ở đây là giữa bảo tàng với đơn vị chuyên môn về công nghệ và dịch vụ kết nối công chúng (ví dụ, bảo tàng + công nghệ + du lịch/ nhà trường...). Công nghệ là một trong ba trụ cột chính tạo nên một bảo tàng hiện đại, bên cạnh hai trụ cột còn lại là khoa học và nghệ thuật. Khoa học là những người giám tuyển, chịu trách nhiệm toàn bộ từ sưu tầm hiện vật cho đến nội dung và cuối cùng là xây dựng ý tưởng kịch bản trưng bày. Nghệ thuật ở đây chính là việc thiết kế nội thất, lộ trình tham quan, ánh sáng, màu sắc cho phù hợp với nội dung trưng bày. Ba trụ cột chính này làm nên sức hút cho bảo tàng. Tuy nhiên, để duy trì tốt ba trụ cột này, cần phải có trụ cột thứ tư - quan trọng nhất, đó là con người.

Không phải bảo tàng nào cũng có thể ứng dụng công nghệ cho các nội dung, hiện vật mà cần phải lựa chọn loại hình phù hợp; tập trung vào vai trò của công nghệ nhưng phải làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của hiện vật gốc. Suy cho cùng, công nghệ chỉ đóng vai trò là công cụ truyền tải nội dung một cách hấp dẫn, sinh động để thu hút du khách. Nội dung nghèo nàn sẽ không thể giúp công nghệ trở nên hấp dẫn. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, chỉ sau vài năm, những công nghệ hiện đại nhất cũng có thể bị lạc hậu, trong khi kinh phí đầu tư cho các thiết bị chuyên dụng của bảo tàng rất lớn. Vì vậy, cần phải có nguồn nhân lực chất lượng, giỏi chuyên môn để có thể vận hành kỹ thuật tốt sau khi được chuyển giao công nghệ... 

6. Kết luận

Việc đầu tư, xây dựng hệ thống bảo tàng online không chỉ là xu hướng mang tính thời vụ trong đại dịch, mà các bảo tàng hiện nay cần xem đó là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai, song song với hình thức tham quan bảo tàng truyền thống. Và có thể thấy, số hóa là hướng đi mà hầu hết các bảo tàng đang hướng tới. Nếu trong thời kỳ xảy ra đại dịch, các chương trình tham quan ảo góp phần thu hút người xem, giới thiệu các sản phẩm văn hóa của các bảo tàng tới công chúng, thì khi đại dịch qua đi, đây lại là những công cụ quảng bá, tăng tương tác với người xem, giúp các bảo tàng thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy tốt giá trị các sưu tập hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông xã hội sẽ là xu hướng tích cực để các bảo tàng nỗ lực ứng dụng công nghệ, hấp dẫn khách tham quan trên mọi miền đất nước và tập trung thu hút nhiều du khách quốc tế.

Bảo tàng ngày nay không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, mà cần trở thành không gian sáng tạo để công chúng trải nghiệm, học hỏi và có những phút giây thư giãn thoải mái. Các bảo tàng hiện nay cần trở thành điểm đến không thể bỏ qua, điểm nhấn giúp quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với bè bạn quốc tế, như con đường mà các bảo tàng tại những quốc gia phát triển đang đi.

____________

Tài liệu tham khảo

1. Tuyết Loan, Tham quan trực tuyến - Lối ra của Bảo tàng mùa COVID, nhandan.vn, 10-8-2022.

2. Tình Lê, Bảo tàng thời 4.0: Ngồi nhà thoải mái chiêm ngưỡng báu vật, vietnamnet.vn, 15-8-2021.

3. Minh Quân, Kích hoạt cho trưng bày trực tuyến, daidoanket.vn, 10-8-2022

4. Minh An, Nền tảng công nghệ hỗ trợ trưng bày của bảo tàng thật như tour tham quan, kinhtedothi.vn, 9-8-2022.

5. Trần Hòa, Số hóa bảo tàng để giữ chân công chúng, ictvietnam.vn, 24-8-2021.

Ths PHAN NHẬT ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023

;