Phát huy di sản dân ca Mường Phú Thọ trong đời sống xã hội hiện nay

Trình diễn điệu trống đu của Câu lạc bộ văn hóa dân gian Mường xã Tất Thắng tại điểm du lịch cộng đồng xã Khả Cửu - Nguồn: thanhson.phutho.gov.vn

1. Mở đầu

Trong quá trình hình thành và phát triển nền văn hóa dân gian của các dân tộc nói chung, người Mường Phú Thọ luôn khẳng định vị thế nổi bật với những giá trị văn hóa nghệ thuật mang đậm dấu ấn cư dân vùng đất Tổ. Không gian văn hóa nghệ thuật dân gian Mường ở Phú Thọ nổi bật với nhiều loại hình, hình thức biểu diễn đa dạng, phong phú, được lưu giữ theo từng vùng, từng địa phương với những thể loại mang tính đặc trưng điển hình. Khi nhắc đến mỗi tiểu vùng người Mường, người ta có thể hình dung ngay đến: múa tiên cuội, hát ví, hát rang, đâm đuống, hò đu, múa sênh tiền…

Dân ca Mường Phú Thọ thể hiện những tâm tư tình cảm, suy nghĩ của người dân, được cất lên trong hầu hết hoạt động sinh hoạt đời sống cộng đồng, từ quá trình lao động tay chân vất vả đến những lúc suy tư, tâm sự, giao tiếp, hay trong giấc ngủ êm đềm của trẻ thơ. Những câu hát dân gian ấy hiện đang bị mai một dần, bị lãng quên trước những đổi thay, sự nhận thức con người trong sự phát triển hiện đại của xã hội. Bài viết tập trung phân tích, làm rõ giá trị của những làn điệu dân ca và việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy trong đời sống cộng đồng người Mường trước sự du nhập giao lưu của nhiều loại hình văn hóa mới hiện nay.

2. Phát huy di sản dân ca Mường ở Phú Thọ

Phú Thọ là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, đã được Nhà nước và các tổ chức bảo tồn công nhận. Màu sắc văn hóa độc đáo, nổi bật, cùng những nếp sinh hoạt cộng đồng mang tính riêng biệt, đã góp phần làm nên một Phú Thọ với diện mạo đa dạng của những hoạt động văn hóa dân gian, các sắc màu dân tộc, mà nổi bật nhất phải kể đến là những nếp sinh hoạt của dân tộc Mường - tộc người thiểu số có số dân chiếm vị trí khá đông trong toàn tỉnh.

Sinh sống tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi tỉnh Phú Thọ, đời sống của người dân Mường phần lớn chủ yếu dựa vào rừng núi, thiên nhiên và canh tác thuần nông trên các thung lũng ven rừng. Họ giản dị, chất phác và rất đỗi gần gũi, giàu tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc. Sự phát triển của xã hội với việc hội nhập ứng dụng khoa học kỹ thuật đã giúp cho đời sống cộng đồng Mường thêm phát triển, các thế hệ người dân Mường luôn phấn đấu trong mọi mặt hoạt động, hòa nhập cộng đồng và “làm giàu thêm cho vốn văn hóa dân tộc” mình ngày càng phong phú, đa dạng.

Hiện nay, bên cạnh cuộc sống định canh định cư với những ngôi nhà sàn kiên cố, các gian nhà đất vững chắc cùng những lề thói, nếp sinh hoạt cổ truyền “của tổ tiên Lạc Việt xưa” (1) vẫn được lưu giữ, đã làm nên nếp truyền thống giản dị như chính những gì mà họ vẫn gìn giữ cho đến hôm nay. Nghiên cứu cách sinh hoạt và các nếp nhà ở của người Mường Phú Thọ, nhà nghiên cứu Dương Huy Thiện đã nhận định: “Người Mường còn giữ lại nhiều hơn dấu vết kiến trúc của người Việt cổ. Họ chủ yếu dùng dao và búa để chặt, bổ, còn cưa, đục, bào chỉ là những đồ dùng nhằm trang trí là chính” (2). Sự mộc mạc, chân chất luôn là những gì người dân Mường thể hiện trong cuộc sống đời thường và cho đến hiện tại họ vẫn dung dị, bình lặng, vẫn là những con người luôn hòa đồng, vui vẻ cùng nhau sớm chiều trong công việc và những mối quan hệ làng xóm.

Cuộc sống đã được nâng cao hơn với sự đáp ứng khá đầy đủ về vật chất, những nhu cầu cho đời sống đủ đầy cùng các vật dụng phù hợp với đòi hỏi mang tính hiện đại, công nghệ, nhưng tại các làng Mường hiện nay, chúng tôi vẫn bắt gặp những nếp nhà sàn, mái nhà đất, đan xen với sự mới mẻ của những ngôi nhà ngói khang trang. Bản chất giản dị, hòa đồng của người dân còn được bộc lộ qua những phong tục, nghi thức trong các hoạt động diễn ra một cách thường xuyên của cuộc sống đời thường, từ những nghi thức lễ nghi đến các dạng hoạt động mà sự hình thành của nó là lẽ tất yếu trong nếp sống được thực hiện thường ngày.

Dân ca trong đời sống cộng đồng Mường Phú Thọ

Bản sắc dân tộc luôn chứa đựng tiếng nói riêng biệt cùng những giá trị điển hình về ngôn ngữ, nếp sống, lề thói, dân ca dân gian… Dân ca mỗi tộc người được hình thành từ trong những giá trị văn hóa dân gian điển hình, trong nếp sống, cách nghĩ, là tiếng nói chứa đựng tâm hồn, nếp sinh hoạt đặc trưng dân tộc. Bởi dân ca là “ngôn ngữ giao tiếp”, là tiếng nói dân tộc, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam nói chung. Mỗi giai đoạn lịch sử qua đi như càng củng cố, khẳng định cho bề dày truyền thống dân tộc thêm phần giá trị, phong phú, đặc biệt là bề dày truyền thống văn hóa dân gian mà trong đó, dân ca chính là chất “xúc tác” kết nối cộng đồng. Nhà nghiên cứu Ngô Văn Lệ trong quá trình nghiên cứu về Văn hóa tộc người truyền thống và biến đổi đã khẳng định: “Những giá trị văn hóa tộc người đã góp phần làm nên sức mạnh để một tộc người vượt qua thử thách nghiệt ngã của lịch sử. Bản sắc văn hóa của một tộc người còn thì tộc người đó còn” (3).

Dân ca Mường ở Phú Thọ phong phú và đa dạng với nhiều thể loại làn điệu, bài bản đã được lưu giữ, bảo tồn qua các thế hệ. Trải qua nhiều sự thay đổi của cuộc sống xã hội, sự tiếp biến, mở rộng giao lưu văn hóa với cộng đồng bên ngoài, sự đan xen, pha trộn giữa “cái cũ” với “cái mới” đã làm cho các thể loại, làn điệu dân ca được bổ sung nhiều hơn về những bài bản mới, phù hợp với nhu cầu hiện đại, nhưng đồng thời, lại bị thu hẹp dần về giá trị bản sắc cổ truyền vốn có.

Trong quá trình lưu giữ và phát triển dân ca, tùy vào đặc điểm của từng thể loại mà những bài bản dân ca ấy được lưu hành một cách rộng rãi trong đời sống cộng đồng hay chúng chỉ là những câu hát của một nhóm người, một đối tượng nào đó, thậm chí chúng chỉ được cất lên trong một hoàn cảnh với quy định nghiêm ngặt cả về không gian và thời gian thực hành ca hát? Dù ở dạng nào, thì đó đều là những tâm huyết, tiếng lòng, tâm tư rất đỗi giản dị, mộc mạc như chính các thế hệ người Mường luôn bình dị bên những nếp làng đơn sơ, chứa đựng đầy tình yêu thương gắn bó, đoàn kết.

Các thế hệ người Mường lớn tuổi, luôn thực hành giai điệu dân ca dân tộc để thể hiện bản sắc, để truyền bá cho lớp trẻ, đồng thời cũng là dịp để họ được ôn lại những nét đẹp, những truyền thống dân tộc quý báu, những ước mơ mà một thời tuổi trẻ đã từng trải qua. Nhận thức với những nhu cầu hiện đại của cuộc sống, thế hệ trẻ người Mường được tiếp nhận với nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa mới, trong đó có các loại hình văn hóa nghệ thuật đa dạng, nhiều kiểu loại hiện đại. Họ tiếp nhận văn hóa dân gian, đặc biệt là dân ca ở một dạng thức, khác với tính chất và cách thức thực hiện có phần hiện đại hơn, mang màu sắc mới phù hợp hơn với nhu cầu thị hiếu hiện nay.

Người Mường trong cuộc sống hiện đại có nhiều nhu cầu cả về đời sống vật chất và tinh thần. Ở một góc độ nào đó, những câu hát dân ca từ thời cha ông truyền lại có thể đang bị hạn chế, thiếu quan tâm hay mức độ quan tâm không được thường xuyên, liên tục với đa dạng nhóm thế hệ người dân, nhưng trong đánh giá và cả sự ưu ái giữ gìn thì đây vẫn là những giá trị quan trọng không thể thiếu, là ngôn ngữ mà trong tâm tư mỗi người dân Mường vẫn luôn trân trọng.

Giữ gìn và phát huy dân ca Mường trong nhu cầu hiện nay

Để phát huy các giá trị dân ca cổ truyền trong xã hội hiện đại, mỗi người dân Mường nói chung, thế hệ trẻ Mường nói riêng phải có biện pháp, cách thức gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, gìn giữ những giá trị mang tính cổ truyền, đặc biệt là sự khẳng định các giá trị văn hóa dân gian ấy thông qua mức độ đánh giá của các tổ chức về bảo tồn chúng. Trong nhu cầu phát triển chung về mọi mặt, sự hoàn thiện nâng cao hơn của đời sống con người đã tạo nên bước “đột phá” mới cho các loại hình sinh hoạt văn hóa, trong đó có sinh hoạt ca hát nói chung. Để những bài bản dân ca có được vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của người dân, và những giá trị âm nhạc dân gian ấy được phát huy vai trò trong các nếp hoạt động sinh hoạt cộng đồng không phải là việc làm dễ dàng.

Ở Phú Thọ, được sự nhất trí của các cấp chính quyền đoàn thể, sự quan tâm của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các phòng văn hóa, một số vùng Mường thuộc các huyện như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập đã thành lập nên các câu lạc bộ dân ca, thu hút được sự quan tâm của các thế hệ người dân cùng tham gia sinh hoạt nhằm trao đổi, học hỏi lẫn nhau về văn hóa, văn nghệ, đồng thời, tạo điều kiện để các câu lạc bộ đó phát triển, phục vụ cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân ở địa phương. Ban văn hóa xã đã phối hợp với các trường học đóng trên địa bàn tạo điều kiện để các thành viên trong câu lạc bộ dân ca được gặp gỡ, trao đổi; các nghệ nhân dân gian truyền dạy dân ca nói chung, dân ca Mường nói riêng cho các lứa học sinh nhằm phát huy truyền thống, tình yêu đối với dân ca dân tộc cho các thế hệ thiếu nhi.

Để kích hoạt những hoạt động văn hóa dân gian nói chung, đáp ứng nhu cầu khai thác vốn dân ca cổ truyền của các dân tộc, thúc đẩy nguồn dân ca địa phương phát triển nhằm quảng bá, giới thiệu đến với mọi người dân trên khắp cả nước về các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của vùng quê đất Tổ, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các đơn vị Trung ương, địa phương tổ chức nhiều đợt tập huấn, chương trình về nguồn, nhằm khích lệ sự phát triển cũng như mối quan tâm của người dân đối với văn hóa dân gian nói chung, dân ca nói riêng. Công tác sưu tầm dân ca đã có nhiều bước phát triển với những làn điệu, bài bản được ghi chép, ghi âm, các lớp truyền dạy và phổ biến dân ca được hình thành thu hút được nhiều đối tượng người dân tham gia. Có thể kể đến những kết quả đã gặt hái được khi triển khai các dự án như:

Tổ chức hội nghị tập huấn về công tác tuyên truyền, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ làm công tác văn hóa và nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổ chức tập huấn, xây dựng và phát huy mô hình Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường trong phong trào điển hình xây dựng nông thôn mới tại xã thí điểm Khả Cửu, huyện Thanh Sơn. Có những câu lạc bộ dân ca được thành lập tại các cơ sở giáo dục phổ thông trong huyện như Câu lạc bộ dân ca Trường Tiểu học Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn; Câu lạc bộ dân ca Trường Tiểu học Cự Thắng, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn...

Trong dịp lễ hội đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương (diễn ra từ ngày mồng 1 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch) hằng năm, các huyện trong tỉnh tổ chức thành những đoàn, đưa đến hội trại văn hóa. Những đội nghi lễ, đoàn dân ca đặc sắc và điển hình của địa phương cũng như của các tỉnh bạn tham gia được thực hiện nhộn nhịp liên hoàn. Những tiết mục biểu diễn độc đáo của người Mường cũng có dịp được quảng bá rộng rãi tới toàn thể đồng bào như: múa sênh tiền, hát đối giao duyên, hát ví, hát hò đu, múa trống đu… Những sản vật văn hóa của người Mường ở Phú Thọ không chỉ tạo nên các công trình văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo, mà còn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần người Mường nói chung trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Những giá trị sáng tạo văn hóa ấy sẽ được tiếp nối và truyền lại cho nhiều thế hệ người Mường mai sau, nhằm phát huy sức sống nghệ thuật của dân tộc trong sự đổi thay muôn mặt của cuộc sống hiện đại.

3. Kết luận

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay, để vừa có thể giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời phát huy các giá trị văn hóa dân gian ấy trong nhu cầu chung của xã hội luôn là việc làm cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và phủ đều với mọi đối tượng người dân.

Dân ca Mường Phú Thọ với những đặc trưng mang tính riêng biệt, điển hình đã tạo nên một “không gian Mường” độc đáo, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng. Không chỉ các thế hệ người Mường Phú Thọ quan tâm lưu giữ, bảo vệ và phát huy những giai điệu dân ca trong nhu cầu cuộc sống, mà còn đón nhận cả sự quan tâm, sưu tầm của các nhà nghiên cứu, người dân đã được nghe và yêu mến câu hát dân ca Mường.

Xã hội phát triển với nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa đã làm phong phú hơn những nhu cầu, đòi hỏi của người dân. Mỗi cộng đồng dân tộc lại có những giá trị văn hóa đặc trưng riêng gắn với sắc thái vùng nổi bật. Các giá trị văn hóa ấy sẽ ngày càng được phát triển, nhân rộng khi chính người dân - chủ nhân văn hóa biết giữ gìn, phát huy và thực hành nó trong môi trường sống. Sự hòa quyện nhiều màu sắc đan xen khi cộng đồng dân cư đa dân tộc có chung nhịp sống trong cùng một vùng đã làm cho những sản phẩm văn hóa càng trở nên giá trị, từ đó, việc giữ gìn vốn văn hóa cổ truyền riêng của từng dân tộc, trong đó có dân ca, để nó trở thành thứ “sản phẩm” riêng biệt nổi bật nhất, luôn là nhiệm vụ của chính cư dân dân tộc ấy cùng với việc chung tay của tất cả các thế hệ người dân.

_________________

1, 2. Dương Huy Thiện (chủ biên), Văn hóa dân gian Mường Phú Thọ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.

3. Ngô Văn Lệ, Văn hóa tộc người truyền thống và biến đổi, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2010.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Phúc Minh, Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994.

2. Nhiều tác giả, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 2009.

TẠ THỊ THU HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;