Với những nét tương đồng về văn hóa, văn minh, Ấn Độ và Việt Nam có nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi trong hợp tác, giao lưu, trao đổi thương mại, dịch vụ trên mọi lĩnh vực. Sau gần nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao (1972) mối quan hệ giữa hai quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, an ninh quốc phòng, ngoại giao, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, du lịch…
1. Tiềm năng, thế mạnh của du lịch Ấn Độ và Việt Nam
Tiềm năng du lịch Ấn Độ
Với diện tích khoảng 3,3 triệu km2 và dân số hơn 1,2 tỷ người, Ấn Độ là một trong những cái nôi văn hóa, văn minh đầu tiên của nhân loại. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang dấu ấn của nền văn minh sông Ấn, sông Hằng đã nói lên truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của một quốc gia lớn án ngữ vùng Nam Á, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa của các quốc gia khác trong khu vực.
Về lĩnh vực du lịch, Ấn Độ không chỉ đa dạng về mặt địa hình, tài nguyên thiên nhiên và khí hậu, mà còn là một cộng đồng đa sắc tộc, đa ngôn ngữ và đa tôn giáo với các phong tục tập quán muôn màu… hàng năm thu hút một lượng lớn du khách quốc tế đến tham quan. Ngoài ra, Ấn Độ còn có nhiều di tích lịch sử, đền đài cổ xưa, thánh đường Hồi giáo, nhà thờ và những nơi thờ tự của các tín ngưỡng: gắn liền với câu chuyện tình lãng mạn, đền Taj Mahal nổi tiếng khắp thế giới bởi kiến trúc độc đáo. Bên cạnh đền Taj Mahal, pháo đài Agra, Sikandra, Rambagh và phế tích vương triều ở thành Mughal tại Fatehpur Sikri là một số trong biểu tượng đẹp của phong cách kiến trúc kết hợp giữa đạo Hindu và đạo Hồi. Đền Ajanta và hang động Ellora với những bức vẽ trong hang động kỳ thú lưu giữ một số tác phẩm điêu khắc tinh tế nhất thế giới. Bên cạnh đó, có thể kể tới một số danh thắng văn hóa khác như quần thể hang Elephanta, đền thờ thần mặt trời Konark và đền thờ Jagannath, quần thể đền Khajuraho đền Vàng, các đền thờ Mamallapuram và Kanchipura…
Về cảnh quan thiên nhiên, Ấn Độ được biết đến với những bãi biển đẹp như Goa, Mamallapuram, Kovalam, Pondicherry, Puri Konark... Và trên khắp đất nước là những khu bảo tồn động vật hoang dã rộng hàng nghìn km2. Mỗi khu bảo tồn lưu giữ một số loài động vật, trong đó có một loài là đặc trưng như rừng Gir ở Gujarat là nơi cư trú duy nhất còn sót lại của loài sư tử châu Á; Manas và Kaziranga ở Assam là nơi sinh sống của một số lượng đáng kể tê giác một sừng; Periyar ở Kerela là nơi lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng loài voi hoang dã...
Với lợi thế về địa hình, Ấn Độ có nhiều cơ hội cho du lịch mạo hiểm ngoài trời như thám hiểm và trượt tuyết trên dãy Himalayas, bơi thuyền ở Gangas, trượt nước ở Goa, câu cá hồi ở Himachal Pradesh, trượt tuyết ở Himachal Pradesh, lướt sóng, lặn và du thuyền ở các đảo Andamans…
Ấn Độ còn là miền đất của hội chợ và lễ hội, nơi phản ảnh sinh động sự phong phú trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Một số hội chợ và lễ hội quan trọng: hội chợ Pushkar, hội chợ hàng thủ công Mela, hội chợ Holi, Pongal, Onam, Baisaki, Bihu... Hơn nữa, Ấn Độ còn là quốc gia của nhiều loại hình nghệ thuật và ngành nghề thủ công. Bharatnatyam, Odissi, Kathakali, Kuchipudi, Mohiniattam là những loại hình múa truyền thống phổ biến nhất bắt nguồn từ các bang khác nhau trên khắp đất nước. Mỗi loại hình múa có một ngôn ngữ biểu đạt riêng dùng để diễn tả các cung bậc cảm xúc thông qua động tác và chuyển động của cơ thể, cánh tay, ngón tay, khuôn mặt, đôi mắt.
Những năm qua, Ấn Độ đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trú đẳng cấp quốc tế thỏa mãn nhu cầu của du khách với khoảng 60.000 phòng khách sạn được phân loại và hơn 35.000 phòng đang được xây dựng. Hệ thống phòng khách sạn nằm rải rác ở các thành phố khác nhau và có giá cả đa dạng. Một số hệ thống khách sạn chủ chốt ở Ấn như Oberois, Taj Group of Hotels, Welcome Group of Hotels và India Tourism Development Corporation Hotels.
Như vậy, với truyền thống, lịch sử lâu đời, cùng với sự quan tâm của chính phủ trong việc đẩy mạnh chiến lược quảng bá du lịch, đã đem lại những khoản doanh thu khổng lồ, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Ấn Độ đến với thế giới.
Về tiềm năng du lịch Việt Nam
Với diện tích phần đất liền trên 330.000 km2 trải dọc nhiều vĩ tuyến bắc, nam và 3/4 đồi núi, địa hình, khí hậu đa dạng đã tạo nên diện mạo hệ sinh thái đa dạng và phong phú có sức hút để phát triển du lịch. Có thể thấy, Việt Nam có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa cho phát triển các loại hình du lịch. Cụ thể, đối với tài nguyên thiên nhiên, nước ta có nhiều danh lam thắng cảnh như Hạ Long, Sapa, Phong Nha - Kẻ Bàng, Vân Phong...; các bãi biển như Sầm Sơn, Thiên Cầm, Non Nước, Mỹ Khê, Mũi Né, Vũng Tàu…; nhiều vịnh đẹp và nổi tiếng như Hạ Long, Nha Trang, Xuân Đài… cùng với các đảo gần bờ như Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc... là thế mạnh nổi trội của Việt Nam trong phát triển du lịch. Đối với tài nguyên văn hóa, Việt Nam là quốc gia có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa của 54 dân tộc sinh sống trải dài từ bắc chí nam được thể hiện qua lối sống, tôn giáo, văn hóa dân gian, lễ hội, ẩm thực… Ngoài ra, Việt Nam có nhiều di sản văn hóa như cố đô Huế, Hội An, hoàng thành Thăng Long, cồng chiêng Tây Nguyên, thánh địa Mỹ Sơn... là những điểm sáng, điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch văn hóa. Hay những kỳ tích lịch sử qua các thời kỳ để lại dấu ấn hiển hách gắn liền với nhiều danh nhân của lịch sử như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... là những thiên anh hùng ca có sức hấp dẫn cuốn hút du khách tìm hiểu và thưởng ngoạn.
Về nguồn lực, Việt Nam có thế mạnh về thị trường lao động cho phát triển du lịch. Người Việt Nam có truyền thống lao động cần cù, chăm chỉ, khéo léo, nhanh nhạy tiếp thu yếu tố mới và đặc biệt có tinh thần thân ái, nhiệt tình, mến khách, sẵn sàng làm việc với mức lương tương đối thấp so với khu vực, đó được coi là thế mạnh đối với phát triển dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, ngành du lịch nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với việc ban hành nhiều chính sách, nghị quyết đối với phát triển du lịch. Đặc biệt từ 1999 với sự ra đời của pháp lệnh du lịch và đến 2005 là luật du lịch đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh đó, những chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch cũng được quan tâm hỗ trợ. Với những nỗ lực đầu tư, nhiều năm qua ngành du lịch đạt được thành quả quan trọng về lượng khách quốc tế đến tham quan: “đạt 5.049.855 lượt (2010), 6.014.032 lượt (2011) và 6.847.678 lượt (2012). Bên cạnh đó, khách du lịch nội địa cũng tăng nhanh chóng: trên 28 triệu lượt (2010), 30 triệu lượt (2011) và 32,5 triệu lượt (2012); khách du lịch ra nước ngoài đang có xu hướng tăng rõ rệt. Tổng thu du lịch ngày càng cao, đạt 96 nghìn tỷ đồng (2010), 130 nghìn tỷ đồng (2011) và 160 nghìn tỷ đồng (2012), chiếm tỷ trọng hơn 5% trong GDP cả nước”(1).
Với những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế, đồng thời mở ra hướng đi mới trong việc thúc đẩy hợp tác du lịch với các nước trong khu vực và quốc tế.
2. Thời cơ và thách thức trong hợp tác Ấn Độ - Việt Nam về du lịch
Thời cơ
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, việc trao đổi, hợp tác, giao lưu quốc tế và khu vực có nhiều thuận lợi. Bằng nhiều chính sách ngoại giao, các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau tạo nên thế mạnh, tiềm lực để vừa phát triển, vừa ứng phó với những thách thức đặt ra. Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, đây được coi là điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác, giao lưu, tăng cường mối quan hệ hiểu biết, gắn kết bền chặt, củng cố tình hữu nghị.
Hiện nay, đời sống vật chất của nhân dân hai nước được cải thiện và ngày càng được nâng cao, nhu cầu du lịch, giải trí ngày càng lớn, trong khi khoảng cách giữa Ấn Độ và Việt Nam không quá xa, là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy du lịch phát triển. Bên cạnh đó, qua các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai quốc gia đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác về lĩnh vực du lịch đạt được những bước phát triển mới. Việc ký kết Hiệp định Vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Ấn Độ nhân chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2011 đã mở ra những thời cơ mới cho ngành du lịch, giúp cho việc đi lại, trao đổi giữa hai nước được thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng. Bên cạnh đó, nhiều chương trình hành động, kết nối du lịch giữa hai nước cũng đã được tổ chức như Tuần phim Ấn Độ tại Việt Nam, Tuần văn hóa Việt Nam tại Ấn Độ (2013), Hội nghị Hợp tác du lịch và hàng không Ấn Việt (2014)… đã góp phần thu hút du khách của hai quốc gia.
Có thể nói hợp tác trên lĩnh vực du lịch, trao đổi văn hóa là hướng đi lâu dài mang tính bền vững. Việc hướng tới phát triển ngành công nghiệp không khói, quảng bá sức mạnh mềm văn hóa là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Với những tiềm năng, thế mạnh du lịch cùng sự quan tâm, đầu tư, kết nối của chính phủ, các bộ ngành, công ty lữ hành du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ, trong tương lai, du lịch sẽ là lĩnh vực thu hút sự quan tâm, đầu tư của hai bên mang lại nhiều cơ hội phát triển.
Thách thức
Mặc dù phát triển du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt được những thành tựu, nhưng cũng đứng trước những thách thức: hiện chưa có chuyến bay trực tiếp từ Ấn Độ sang Việt Nam. Hãng Jet airays của Ấn Độ đã mở đường bay tới Việt Nam song vẫn dừng lại ở Băng Cốc. Khách du lịch Ấn Độ sang Việt Nam thường quá cảnh qua Băng Cốc, Singapore, Kuala Lumpur với mức giá vé cao hơn cả một chương trình du lịch trọn gói đến các nước khác, nên các doanh nghiệp du lịch Việt Nam rất khó cạnh tranh; thủ tục xin thị thực nhập cảnh vào các nước khác có mức phí thấp và thông thoáng hơn Việt Nam...; việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh, đất nước con người Việt Nam đến với đông đảo người dân Ấn Độ còn hạn chế, thiếu thông tin kịp thời, chính xác; tình hình du lịch trong nước còn tồn tại nhiều hạn chế như chặt chém, cướp giật, mồi chài mua hàng, ô nhiễm môi trường, cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp của một số công ty lữ hành du lịch… đã ảnh hưởng phần nào đến sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam đối với du khách nước ngoài.
Có thể nói, Ấn Độ và Việt Nam là những thị trường du lịch tiềm năng, có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy du lịch phát triển lên một tầm cao mới. Muốn vậy, lãnh đạo chính phủ hai nước cần tiếp tục củng cố, duy trì và gia tăng mối quan hệ thắm thiết, lâu đời. Bên cạnh đó, tiếp tục ban hành và ký kết các hiệp định đối tác chiến lược, biên bản ghi nhớ thỏa thuận, hỗ trợ lẫn nhau về phát triển du lịch. Đẩy mạnh chiến lược quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè Ấn Độ bằng nhiều cách như tổ chức tốt các chương trình giao lưu, hợp tác tuần văn hóa, tháng văn hóa, hoạt động văn hóa nghệ thuật, biểu diễn, truyền hình, điện ảnh… Ngoài ra, tạo môi trường du lịch thông thoáng, thân thiện, kết nối thường xuyên với các công ty, địa phương của Ấn Độ, xóa bỏ những ngăn cách, rào cản về cơ chế, khoảng cách địa lý để du lịch hai nước cùng hợp tác phát triển.
Du lịch là nhu cầu thiết yếu để nâng cao đời sống tinh thần của mỗi người dân. Đẩy mạnh phát triển du lịch là hướng đi phù hợp, lâu dài, bền vững vừa tạo nguồn thu, vừa kết nối được người dân, tăng cường sự hiểu biết, gắn kết giữa các dân tộc. Với những nỗ lực, cố gắng của chính phủ hai nước trong thời gian qua, ngành du lịch hứa hẹn sẽ mở ra nhiều triển vọng mới trong phát triển kinh tế, văn hóa, con người, đưa Ấn Độ và Việt Nam trở thành những quốc gia lớn trong khu vực và thế giới.
______________
1. vietnamtourism.com
Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016
Tác giả : NGUYỄN HUY PHÒNG