Sơn mài - Phương tiện biểu hiện độc đáo trong nghệ thuật sắp đặt Việt Nam
Từ xa xưa, Sơn ta đã được biết đến là một chất liệu bản địa sẵn có với nhiều đặc tính ưu việt như độ kết dính cao, chịu được nước, bền, đẹp… Do đó, đồ gia dụng, đồ thờ, đồ thủ công mỹ nghệ, tầu thuyền... của người Việt cổ thường sử dụng chất liệu này với vai trò gắn kết, phủ kín làm tăng độ bền hoặc trang trí làm đẹp bề mặt. Trong hành trình phát triển, thầy và trò Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tạo nên bước ngoặt lớn: chuyển từ chất liệu trang trí mỹ nghệ đơn thuần sang chất liệu tạo hình trong tranh - đó là một câu chuyện dài về lịch sử phát triển chất liệu bản địa, tạo nên một truyền thống độc đáo mang tên tranh Sơn mài, bổ sung vào phả hệ nghệ thuật quốc tế. Không dừng lại ở đó, qua sự sáng tạo của các nghệ sĩ đương đại, Sơn mài đã một lần nữa vượt thoát khỏi ranh giới chật hẹp của nghệ thuật giá vẽ để trở thành phương tiện biểu hiện độc đáo trong đời sống nghệ thuật đương đại. Nói cách khác, trong Nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam, Sơn mài đã trở thành phương tiện nghệ thuật mang đậm yếu tố truyền thống (nội sinh) kết hợp với yếu tố hiện đại, hình thức biểu hiện mới (ngoại sinh), mở ra một tiềm năng phát triển mới. Một số nghệ sĩ từng được biết đến qua các tác phẩm Sắp đặt sử dụng Sơn mài như: Oanh Phi Phi, Vũ Xuân Đông, Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải…