Hoàng thành Thăng Long là di sản vật thể duy nhất được UNESCO công nhận là di sản văn hóa (DSVH) thế giới ở Hà Nội năm 2010. Nhưng đến nay số lượng khách tham quan đến với khu di sản này còn khiêm tốn. Trong thời gian dài, chúng ta mới nhìn nhận di sản ở góc độ bảo tồn, mà chưa quan tâm nhiều đến phát huy giá trị nguồn lực vô giá này trong phát triển kinh tế, đặc biệt là về du lịch. Du lịch khi được đầu tư và tổ chức hoạt động đúng hướng, sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng, là hướng đi tích cực cho công tác quản lý di sản.
1. Tổ chức hoạt động du lịch tại các DSVH
DSVH là tài sản vô giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa, đồng thời là một bộ phận cấu thành của kho tàng DSVH nhân loại. Hệ thống DSVH của Việt Nam (đặc biệt là những di sản được thế giới công nhận) phong phú về chủng loại, quý hiếm về giá trị, được ví như những “nam châm” thu hút sự quan tâm, chú ý của du khách, đặc biệt là khách quốc tế; là nhân tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Vì vậy, công tác quản lý nhằm duy trì và bảo tồn cho đời sau phải được tiến hành song song với nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá cho cộng đồng vì mục đích giáo dục và thưởng thức.
Trong một thời gian dài, chúng ta mới nhìn nhận di sản ở góc độ bảo tồn mà chưa quan tâm nhiều đến phát huy giá trị nguồn lực vô giá này trong phát triển kinh tế, đặc biệt là về du lịch. Phát huy giá trị DSVH trong quá trình phát triển du lịch là hướng đi tích cực cho công tác quản lý di sản, đặc biệt trong tình hình đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế như hiện nay. Phát triển du lịch chính là các khu di sản phải tổ chức được các hoạt động du lịch phục vụ nhu cầu du khách, từ đó tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn chuyển tải giá trị của di sản tới khách du lịch. Khi coi DSVH như một nguồn tài nguyên du lịch, thì việc biến tài nguyên đó thành “hàng hóa” để bán cho khách sẽ được thực hiện thông qua việc tổ chức các hoạt động, dịch vụ du lịch. Để tổ chức được hoạt động du lịch tại các di DSVH, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan. Vì hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cả cơ quan quản lý, tổ chức cá nhân có liên quan đến du lịch tại các DSVH (1). Nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về cơ quan, đơn vị quản lý di sản.
Đơn vị quản lý di sản trước hết phải tổ chức khảo sát nhu cầu của du khách đối với khu di sản, khảo sát các giá trị của di sản và những điều kiện cũng như khả năng tổ chức hoạt động du lịch của các chủ thể chính liên quan. Sau đó đơn vị quản lý di sản phối hợp với doanh nghiệp du lịch, các cơ sở cung ứng dịch vụ tổ chức thiết kế những hoạt động du lịch. Công việc bao gồm: xây dựng chủ đề hoạt động du lịch, xác định quỹ thời gian và thời điểm tổ chức, xác định không gian tổ chức, xác định khả năng liên kết giá trị và tổ chức đón tiếp phục vụ, tính giá thành, giá bán các dịch vụ, xác định điều kiện thực hiện. Đơn vị quản lý di sản còn phải xây dựng các quy định và điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, lựa chọn phương tiện truyền thông về dịch vụ.
Việc tổ chức hoạt động du lịch tại các DSVH chính là cơ sở đáp ứng những nhu cầu, trải nghiệm của du khách tại di sản. Các hoạt động du lịch sẽ cấu thành và quyết định chất lượng sản phẩm của DSVH, cũng là căn cứ lựa chọn điểm đến và quyết định đến chất lượng của tuyến du lịch trong chương trình du lịch. Các hoạt động du lịch cũng thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản khi tạo ra các nguồn kinh phí thông qua các khoản thu phí vé vào cửa, sử dụng dịch vụ tại di sản, sử dụng sản phẩm truyền thống địa phương, sản phẩm văn hóa cộng đồng từ khách du lịch nội địa và quốc tế đến với di sản.
Tùy theo quy mô, hình thức, nội dung, địa điểm, thời điểm, đối tượng khách, nguồn gốc phát sinh, tần suất thực hiện… theo đó sẽ có các loại hình hoạt động du lịch tại di sản khác nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu nhận thức và trải nghiệm của khách du lịch. Tổ chức hoạt động du lịch tại di sản cần xem xét các yếu tố liên quan đến cơ sở vật chất, không gian, thời gian, nhân lực, quy trình công nghệ, nguyên liệu, sản phẩm của các nhà cung cấp theo hướng phát triển bền vững.
2. Thực trạng hoạt động du lịch tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Trong các DSVH thế giới ở Việt Nam, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ TK VII), qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Ngày 1-8-2010, UNESCO đã thông qua nghị quyết công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là DSVH thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: chiều dài văn hóa suốt 13 thế kỷ, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di vật đa dạng phong phú. Những nét độc đáo của các giá trị tại di sản nơi đây có thể trở thành yếu tố quan trọng góp phần tạo nên các đặc điểm địa - văn hóa của một địa phương, là cơ sở chủ đạo quyết định tính đặc thù, hấp dẫn cho du lịch Hà Nội. Nhưng khai thác và đầu tư phát triển du lịch như thế nào cho đúng hướng, đúng tiêu chí bảo tồn và phát triển bền vững, phù hợp với đặc điểm của khu di sản này là vấn đề cần được các cơ quan đặc biệt quan tâm.
Trong nhiều nỗ lực kéo khách đến tham quan, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã tổ chức những hoạt động du lịch hấp dẫn. Xây dựng các tour du lịch phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách và thời gian tham quan, cụ thể: tour tham quan tổng thể Hoàng thành giúp cho khách có cái nhìn khái quát về di sản; tour tâm linh về nguồn, tham quan thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu và Bắc Môn, dâng hương tưởng nhớ 52 vị vua các triều đại dành cho du khách phụ nữ, người trung niên và người cao tuổi; tour tham quan cho đối tượng học sinh cấp 2-3 xem phim, chương trình tương tác dán quạt, vẽ gốm; tour dành cho trẻ em tiểu học, cho các em tham gia trò chơi, tham quan di tích khảo cổ, tham gia chương trình tương tác em làm nhà khảo cổ; tour đặc thù khám phá Hoàng thành về đêm, kết hợp với tổ chức các sự kiện văn hóa, ngoại giao tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu; tour ngoài giờ phục vụ du khách… Hiện tại Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội còn mở cửa tham quan cả buổi trưa, tạo điều kiện tốt nhất cho du khách tham quan Hoàng thành.
Để làm phong phú cho các hoạt động phục vụ du khách tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội thường niên: lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế vào dịp đầu xuân, chương tình vui tết trung thu, lễ trồng cây nêu và thả cá chép vào dịp tết ông Công ông Táo, các triển lãm, tái hiện ký ức Hà Nội, hội sách, festival áo dài, liên hoan âm nhạc quốc tế thường niên Gió mùa…
3. Hoàn thiện việc tổ chức các hoạt động du lịch để tăng tính hấp dẫn cho Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Dù mở cửa đón khách tham quan từ 2004, nhưng lượng khách đến với Hoàng thành Thăng Long đến nay còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của di sản. Việc quan tâm phát triển du lịch thông qua tổ chức các hoạt động khác nhau của đơn vị quản lý di sản ở đây cần được đầu tư hoàn thiện hơn để gia tăng tính hấp dẫn cho khu di sản. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cần tổ chức các dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ bổ sung để đáp ứng nhu cầu cần thiết của du khách như: lắp đặt hệ thống bảng biển chỉ dẫn du lịch thông minh có thể tra cứu tại chỗ bằng nhiều ngoại ngữ; phục vụ wifi miễn phí, hoàn thiện phần mềm thuyết minh trên điện thoại thông minh (smartphone) sang nhiều ngôn ngữ có thể ứng dụng tai nghe (headphone) hỗ trợ khách đoàn và khách lẻ, tăng tính hiệu quả khi truyền đạt thông tin; bố trí lắp đặt nhà vệ sinh sạch sẽ tại những trạm dừng nghỉ hợp lý trong lộ trình tham quan di sản; chú ý các tiện nghi phù hợp những đối tượng khách đặc biệt như người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi; tìm những vị trí địa điểm thích hợp trong không gian di sản cho những cơ sở cung cấp đồ uống, nước giải khát, cafe, đồ ăn nhẹ cho du khách, có ghế ngồi dừng nghỉ, (hiện nay chưa có); đầu tư hệ thống cửa hàng bán đồ lưu niệm đa dạng phong phú, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm lưu niệm phù hợp với các giai đoạn lịch sử khác liên quan đến khu di sản; tổ chức dịch vụ cho thuê các trang phục cung đình truyền thống cho du khách chụp ảnh…
Hoạt động trưng bày truyền thống cần được thay đổi, tránh sự đơn điệu cho khách tham quan. Vì tại Hoàng thành Thăng Long không còn những cung điện đền đài nguy nga kỳ vĩ, các giá trị khảo cổ học, nhiều lớp văn hóa qua hàng ngàn năm không dễ nhận biết nếu không có sự giới thiệu tìm hiểu thấu đáo. Đơn vị quản lý di sản cần tập trung vào hoạt động xem, nhìn của du khách qua xây dựng phòng chiếu phim, đầu tư sa bàn, tái hiện Hoàng thành Thăng Long thông qua công nghệ 3D để khách có thêm những hình dung sống động về khu di sản. Đầu tư những nội dung trưng bày liên quan đến các vương triều, theo các chuyên đề khai thác sâu hơn về nội dung văn hóa, liên quan đến những nhân vật nổi tiếng, câu chuyện, truyền thuyết liên quan đến Hoàng thành.
Tổ chức nhiều hoạt động tái hiện, mô phỏng cho du khách tham quan, tìm hiểu văn hóa tại Hoàng thành Thăng Long như: phục dựng các buổi thiết triều, lễ hội cung đình, tái hiện lễ gả công chúa cho những thủ lĩnh dân tộc, biểu diễn nghệ thuật truyền thống… tham gia vào các hoạt động tái hiện này, du khách được đóng vai những nhân vật trong lịch sử xa xưa, được tận hưởng nguồn nước giếng hoàng cung trong vắt để uống hay rửa mặt từ hệ thống bơm thiết kế theo mô hình ống tre tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu để gia tăng hơn nữa sự trải nghiệm thú vị.
Xây dựng các chương trình du lịch đặc sắc, phù hợp với từng thị trường và đối tượng khách. Đưa ra những lộ trình tham quan linh hoạt hơn. Mở rộng, nâng cấp chương trình trải nghiệm Một ngày làm nhà khảo cổ học cho nhiều đối tượng khách. Tiếp tục kết nối liên kết sâu hơn với các trường học, công ty du lịch để mở rộng chương trình giáo dục di sản, tổ chức cho các em học sinh tiếp cận và tham gia học tập tìm hiểu tại khu di sản một cách hiệu quả bổ ích nhất. Tạo ra nhiều chương trình du lịch mới kết nối trong và ngoài Hà Nội để thu hút khách.
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cần có kế hoạch và lên danh mục các chương trình, hoạt động sẽ tổ chức cho nhiều năm, tập trung vào những sự kiện văn hóa truyền thống gắn với nhiều sự kiện lịch sử của thủ đô Hà Nội, gắn với văn hóa đặc sắc vùng miền…sao cho Hoàng thành Thăng Long phải là trung tâm văn hóa, giao lưu hội tụ của cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Từ đó thông qua chương trình kế hoạch đề xuất dự án kêu gọi đầu tư, đề xuất chính sách ưu đãi, từng bước triển khai cho đồng bộ. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nên đề xuất với Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch tạo điều kiện về mặt chính sách trong quy định những điểm tham quan bắt buộc. Hoàng thành Thăng Long là tài sản và niềm tự hào của quốc gia, cần phải được đưa vào chương trình du lịch như một điểm đến bắt buộc để quảng bá lịch sử đất nước.
Với tính chất quan trọng của khu di sản, lại nằm ở vị trí trung tâm thủ đô thuận tiện cho việc kết nối với các điểm di tích khác, Hoàng thành Thăng Long đang được kỳ vọng là một địa chỉ du lịch đặc biệt giữa lòng thủ đô ngàn tuổi và là địa chỉ du lịch lớn của TK XXI. Trong chiến lược phát triển du lịch Hà Nội, khu di sản này đã được quy hoạch thành một công viên văn hóa lịch sử quy mô tầm cỡ (2). Tổ chức hoạt động du lịch, khai thác đúng đắn hiệu quả các giá trị di sản chính là đưa chúng đến với công chúng, vào đời sống đương đại nhưng cần có bước đi và giải pháp thích hợp và sự chung tay góp sức của nhiều bên liên quan. Mới đây Bộ VHTTDL, Tạp chí Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa vinh danh Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là 1 trong 7 điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017, thể hiện kết quả bước đầu của quá trình nỗ lực tổ chức các hoạt động du lịch hướng tới du khách của cơ quan quản lý di sản.
Việc phát triển du lịch Hoàng thành Thăng Long gắn với việc bảo tồn là điều hết sức cần thiết, nhằm đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam, khẳng định vị trí vai trò của DSVH trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.
____________
1. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật Du lịch, 2017.
2. Bộ Xây dựng, Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội (tỷ lệ 1/500), 2015.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018
Tác giả : MA QUỲNH HƯƠNG