Tín ngưỡng thờ Mẫu qua góc nhìn văn hóa

Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng nội sinh của dân tộc, thể hiện sâu sắc tâm tư, tình cảm, đạo đức, trí tuệ của người Việt, thỏa mãn tâm lý của con người, cầu mong về một cuộc sống bình yên, no đủ. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện khả năng tích hợp văn hóa, tôn giáo cao, tạo ra một hệ thống điện thần đa màu sắc, mang đậm bản sắc riêng của người Việt. Bài viết tập trung nghiên cứu những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc nguyên thủy, tôn thờ bà Rừng, bà Đất, bà Nước, ông Đống... những yếu tố ảnh hưởng và chi phối trực tiếp đến cuộc sống của con người. Khi nền nông nghiệp lúa nước hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu tôn thờ bà Thiên, mẹ Mây, mẹ Mưa, mẹ Sấm, mẹ Lúa... Hiện nay, thờ Mẫu phát triển rộng khắp ở đồng bằng, đô thị, miền núi tạo nên một bức tranh chung nổi bật, đa dạng và phong phú của đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng và tôn giáo của người Việt.

Tín ngưỡng thờ Mẫu hình thành hệ thống đầy đủ và phát triển mạnh mẽ từ cuối TK XVI ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, sau đó lan tỏa ra các tỉnh thành khác trong cả nước. Hình tượng Mẫu là yếu tố cốt lõi trong việc duy trì nòi giống và sự tồn vong của một dân tộc; khi trở thành mẹ, người phụ nữ sẽ mang trong mình bản năng chăm lo, nuôi dưỡng, bảo bọc và che chở cho những đứa con... Tín ngưỡng thờ Mẫu về bản chất chính là thờ hình tượng chức năng vai trò của người mẹ ở đời sống hiện thực và “Mẫu Liễu Hạnh là cái đỉnh cao chót vót nhất trong phức hệ Mẫu Việt Nam” (1).

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ xoay Tam tòa đức thánh Mẫu và thánh Mẫu thần chủ với bốn phủ - đại diện cho mỗi miền rõ rệt: trời (Thiên phủ với màu đỏ), đất (Địa phủ với màu vàng), nước (Thoải phủ/ Thủy phủ với màu trắng) và rừng (Nhạc phủ với màu xanh lá). Mỗi một miền được cai quản bởi một vị thánh Mẫu và có sự giúp việc của các quan (các vị Tôn Ông), Chầu Bà, ông Hoàng, cô, cậu... Mỗi vị thánh thuộc các phủ cũng được phân định rõ ràng vai trò và trách nhiệm cụ thể của từng vị trong việc thực hành nghi lễ thờ Mẫu như: khai đàn, chứng đàn, tiễn đàn, mở phủ...

Ngày 1 - 12 - 2016, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc UNESCO vinh danh đã khẳng định giá trị của di sản ở quy mô quốc tế.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là bảo tàng văn hóa sống động

Ảnh: Thanh Hà

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu rất đa dạng, phong phú, thể hiện qua các nghi thức cầu cúng, lễ hội, hành hương... Đặc biệt, các nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu còn liên quan đến vòng đời người như: cầu tự (đối với những gia đình hiếm muộn); bán khoán (đối với gia đình có trẻ khó nuôi, quấy khóc); tôn nhang bản mệnh (đối với những người sức khỏe yếu); cắt tiền duyên, cầu duyên (trai, gái khó dựng vợ, gả chồng); đảo bệnh, cầu tài, cầu lộc, cầu bình an; thậm chí là các nghi lễ với mong ước thay đổi vận mệnh con người như: tam phủ thục mệnh, di cung hoán số, trả nợ tứ phủ, trình đồng mở phủ... Trong đó, đặc trưng, tiêu biểu và đặc sắc nhất là nghi lễ hầu thánh (hầu đồng).

Trong quá trình phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu không thể tránh khỏi ảnh hưởng của các tôn giáo, tín ngưỡng khác như Đạo giáo, Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên... Tuy nhiên, khả năng tích hợp và thu nhận có chọn lọc của tín ngưỡng thờ Mẫu đã tạo ra một tín ngưỡng bản địa độc đáo, giàu tính nhân sinh. Nếu tìm hiểu sâu về tín ngưỡng có thể thấy những giá trị tuyệt vời đối với văn hóa, lịch sử và đời sống của người Việt.

Giá trị nhận thức thế giới

Thuở xa xưa, khi con người phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, họ thờ những gì ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, nữ tính hóa các đối tượng thành: bà Đất, bà Nước, bà Rừng... Có thể nói, ngay từ cuộc sống nguyên thủy với nền kinh tế sơ khai là săn bắn hái lượm thì vai trò của người phụ đã nổi trội hơn người đàn ông: đàn bà hái lượm, mò cua, bắt cá đảm bảo cuộc sống hằng ngày một cách ổn định, còn đàn ông săn bắn thì thất thường hôm được hôm không, nên bản thể tự nhiên được gắn cho giới tính nữ.

Nói một cách chi tiết, việc tôn thờ Mẫu không chỉ với tư cách là hiện thân của bản thể tự nhiên, mà còn là lực lượng cai quản tự nhiên (Mẫu đệ nhất Thượng Thiên cai quản vùng trời, Mẫu đệ nhị Địa Tiên cai quản miền đất; Mẫu đệ tam Thoải Phủ cai quản miền nước và Mẫu đệ tứ Nhạc Tiên cai quản núi rừng). Chính vì thế, Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hiện thân của Mẹ tự nhiên có thể sản sinh, nuôi dưỡng, bao bọc, che chở và mang những điều tốt lành đến cho con người.

Với tín ngưỡng thờ Mẫu, cách nhận thức về thế giới quan theo kiểu nhất thể hóa này giúp con người gần gũi với thiên nhiên hơn, hòa đồng, cảm nhận và bảo vệ tự nhiên một cách hữu hiệu hơn.

Giá trị nhân sinh

Khác với những tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người vào cuộc sống sau khi chết mà là thế giới hiện tại. Đó là nơi con người đang sống cần phải có sức khỏe, con cái, tiền tài, quan lộc... đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực. Lúc này, niềm tin vào thế lực siêu nhiên mà thánh Mẫu làm đại diện mang tính ước lệ, mục đích sống của con người mới quan trọng. Đây cũng chính là tư duy thực tế, thực dụng của người Việt. Điều này, được thể hiện rõ qua các nghi lễ liên quan đến vòng đời con người như đã được trình bày ở trên.

Giá trị nguồn cội

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thông qua những truyền thuyết, huyền thoại, các nghi lễ đã thể hiện rõ ý thức lịch sử và ý thức xã hội của mình với đất nước. Các vị thánh của tín ngưỡng thờ Mẫu hầu hết được lịch sử hóa, tức là đều hóa thân thành những người anh hùng có công trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trên thực tế, cũng có không ít những vị thánh là những nhân vật có thật trong lịch sử, tiêu biểu như đức thánh Trần Hưng Đạo. Và cũng không hiếm các vị thần linh vốn là các thiên thần được người đời nhân thần hóa, lịch sử hóa bằng những chiến tích, sự nghiệp giúp dân, giúp nước. Tuy nhiên, đây không phải là những việc làm tùy tiện, nó xuất phát từ ý thức lịch sử, hướng về cội nguồn, tôn vinh những người có công với dân, với nước. Bằng cách đó, tín ngưỡng thờ Mẫu gắn bó chặt chẽ với cội nguồn và lịch sử dân tộc, đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước.

Giáp bạc bao phen rực lửa hồng

Xông pha trăm trận cũng như không

Ra tay cứu nước trừ nguy biến

Tiếng để ngàn thu với non sông

(Trích Văn chầu quan lớn Đệ Tam)

Giá trị về bình đẳng giới

Trên thế giới không nhiều tôn giáo, tín ngưỡng thể hiện được rõ nét tính bình đẳng giới như tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Cuối TK XVI, đầu TK XVII, khi có sự xuất hiện của vị thần chủ - thánh Mẫu Liễu Hạnh, tín ngưỡng thờ Mẫu mới có hệ thống đầy đủ và hoàn chỉnh như ngày nay. Dưới xã hội quân chủ phong kiến, phụ nữ trong gia đình không được coi trọng, hiếm khi có một bữa cơm chung với các thành viên trong gia đình mà thường ở bếp, chịu nhiều thiệt thòi. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ngoài các vị thánh Mẫu, còn có không ít nữ tướng có công với dân với nước, được vinh danh như nữ tướng Bát Nàn, Chầu Cửu, Chầu Bé... hoặc những cô thôn nữ đẹp người đẹp nết như cô Bơ, cô Đôi Cam Đường... Dưới góc độ văn hóa, vai trò của phụ nữ Việt đã phá vỡ quan niệm của Nho giáo áp đặt... Họ cũng có tài và đem tài năng của mình phục vụ nhân dân, đất nước.

Sự bình đẳng giới trong tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện rõ nét qua nghi thức hầu đồng. Dù là quan, quân, thày giáo, nông dân, nam hay nữ, khi bước lên sập công đồng hầu thánh đều phải tuân theo một trình tự cố định: bắt đầu từ hầu ba giá Mẫu (hầu tráng bóng) rồi đến Ngũ vị Tôn Quan, tiếp đến là Tứ phủ Chầu Bà, các quan Hoàng, cô, cậu. Sự xen kẽ giữa các giá hầu và vai trò của các vị thánh nữ trong tín ngưỡng đã thể hiện một cách sâu sắc về ước vọng một xã hội nam nữ bình quyền.

Bảo tàng văn hóa, nghệ thuật vô cùng sống động và độc đáo của người Việt

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, chúng ta dễ dàng tìm thấy một kho tàng truyền thuyết, thần tích, thần thoại, các hình thức văn học truyền miệng, nghệ thuật kiến trúc, trang trí, nghệ thuật diễn xướng, âm nhạc, ca hát, nhảy múa, nghề thủ công mỹ nghệ... Nghi lễ hầu đồng đã kết tinh, chắt lọc tạo nên một không gian tâm linh hàm chứa sự uy nghi, sang trọng nhưng cũng ngập tràn sự vui tươi và nét đẹp của một sân khấu dân gian...

Thánh Mẫu và các vị thánh của Tứ phủ được thờ trong phủ, đền, điện, miếu, tĩnh và cả ở trong chùa. Trong đó, các đền, phủ thường được xây dựng thành quần thể, hòa mình vào thiên nhiên, tạo nên một khung cảnh vừa hoang sơ, vừa huyền bí. Ở đó, thế giới tâm linh trở nên gần gũi, thế tục qua những hoành phi, câu đối, tượng, đồ lễ, trang trí đẹp đẽ, lộng lẫy; bước vào không gian này con người có thể trải lòng, dễ dàng tìm về với bản thể nguyên sơ, tìm về với niềm tin và sự thanh thản....

Có thể nói, nghi lễ hầu đồng thể hiện rõ nét nhất những ý nghĩa của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, là bảo tàng văn hóa sống động vô cùng đặc sắc của người Việt. Trước hết, nó là một loại hình sân khấu được tâm linh hóa, tái hiện sự tích và hoạt động của các vị thánh, thần, nhằm cầu xin sự phù trợ. Hầu đồng không chỉ mang yếu tố tâm linh huyền bí, mà còn là một không gian ngập màu sắc, từ cách trang trí, bày biện đồ lễ, mã, hoa quả đến cách thức hóa trang của thanh đồng. Thanh đồng có thể hóa thân thành 12 - 20 nhân vật, từ các Quan Nam đến Nữ Tiên, từ miền xuôi đến miền thượng... Trang phục kết hợp với âm nhạc, vũ đạo tạo ra một sân khấu dân gian vừa mang đậm tính linh thiêng vừa vui tươi, gần gũi.

Ngoài những giá trị cơ bản trên, tín ngưỡng thờ Mẫu còn nhiều những giá trị đặc sắc khác như: giá trị cố kết cộng đồng, xây dựng mối đại đoàn kết dân tộc; tích hợp yếu tố vùng miền, yếu tố thời đại...

Tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển cùng với lịch sử khai phá, mở mang bờ cõi, dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các vị thánh Mẫu cùng với hệ thống đền, phủ xuất hiện theo bước chân của người Việt từ thượng nguồn đến vùng hạ lưu châu thổ, thậm chí cả những hải đảo xa xôi. Việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của tín ngưỡng thờ Mẫu là vấn đề đang được đặt ra hiện nay, cần có sự chung tay của các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý và những người thực hành tín ngưỡng.

_______________

1. Nhiều tác giả, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt – hành trình đến di sản nhân loại, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr.108.

Tác giả: Đàm Lan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

;