Chùa Trăm Gian ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội được xây trên núi Mã, có 104 gian, tính 4 góc cột là 1 gian. Theo văn bia lưu tại chùa, đến nay, chùa Trăm Gian đã có nhiều lần trùng tu, sửa chữa và mở rộng. Năm Đinh Sửu (1577), các tòa tiền đường và thiêu hương được tôn tạo. Năm 1794, Đô đốc Đặng Tiến Đông cho trùng tu chùa và đúc chuông để hình thành diện mạo tổng thể như hiện nay. Trong giai đoạn năm 2012 - 2015, chùa Trăm Gian đã trở thành “điểm đen” về “phá hoại di tích” với nhiều quyết định xử phạt của các cơ quan quản lý văn hóa liên quan đến việc trùng tu, sửa chữa di tích. Việc trùng tu, sửa chữa chùa Trăm Gian đã diễn ra, nhiều hạng mục bị tháo dỡ, sửa chữa, làm mới và câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm quản lý di sản thuộc về ai?
Chùa Trăm Gian, tên chữ là Quảng Nghiêm tự, tương truyền được khởi dựng năm 1185 đời vua Lý Cao Tông. Thời Trần, hòa thượng Nguyễn Bình An, pháp danh Đức Minh, quê ở làng Bối Khê là người có nhiều phép lạ đã đến đây tu hành. Sau khi ông mất, dân làng Tiên Lữ xây tháp giữ gìn xá lợi, tôn ngài là Đại thánh Khai sơn Bình đẳng Hành nghĩa tín Bồ tát, thường gọi là Đức Thánh Bối và phối thờ trong chùa…
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng cần tiếp tục được làm rõ hơn: chủ nhân của ngôi chùa là ai? Đối với một di sản, cụ thể là chùa Trăm Gian, có ít nhất ba đối tượng sở hữu: Nhà nước, cộng đồng dân làng và nhà sư trụ trì (Giáo hội Phật giáo).
Khi câu trả lời cho rằng chùa thuộc quản lý của Nhà nước, theo mô hình của Ashworth, nhà quản lý được ưu tiên, bởi lẽ, mỗi thời đại cần di sản để tôn vinh chính mình (1). Nói như vậy, ngôi chùa Trăm Gian thuộc quản lý của Nhà nước? Với giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, chùa Trăm Gian đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 313-VH/VP ngày 28-4-1962 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Việc xếp hạng di tích rõ ràng đã được tiến hành với dự kiến để bảo vệ và bảo tồn di tích này dưới sự kiểm soát bởi Nhà nước, các cơ quan văn hóa cấp tỉnh và chính quyền địa phương. Các di tích, những thực hành văn hóa được trao tặng thêm danh hiệu di sản các cấp, như một cách tôn vinh, để từ đó, một loạt biện pháp bảo tồn và phát huy được tiến hành nhằm nâng cấp hay mở rộng quy mô di tích, các hiện tượng, hiện tượng thực hành văn hóa. Bên cạnh đó, việc ghi danh, xếp hạng di tích mang đến cho Nhà nước, chính quyền địa phương, chủ sở hữu quyền lợi và nghĩa vụ về bảo vệ, tu bổ di tích đồng thời được hưởng lợi từ di tích mang lại. Cụ thể hơn, đối với người sử dụng nhà đất thuộc di tích được xếp hạng thì phải tuân theo các quy định về bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Theo nội dung quyền sở hữu thì chủ sở hữu các di tích được xếp hạng vẫn có quyền chiếm hữu, sử dụng, khai thác tài sản nhưng họ bị hạn chế về quyền định đoạt di tích. Nghĩa vụ nặng nề đó phải đi kèm với quyền lợi, đó là được hưởng nguồn lợi từ di sản mang lại qua các hoạt động, trong đó có hoạt động du lịch, tham quan, trưng bày di tích, di vật...
Gác chuông chùa Trăm Gian - Ảnh: Phạm Lự
Theo Luật Di sản văn hóa (2001), có bốn loại hình di tích là: di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân), di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Luật Di sản văn hóa quy định: “Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”. Điều đó đồng nghĩa với việc toàn dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ di sản văn hóa, tùy thuộc vào cương vị công tác, năng lực và quyền hạn của cá nhân. Song, đối với những ngôi chùa thờ Phật thì nhiệm vụ bảo vệ chính trước hết thuộc về các vị sư trụ trì, phật tử, cộng đồng nhân dân địa phương, cơ quan nhà nước, chính quyền cơ sở nơi có ngôi chùa tọa lạc.
Vậy, chùa có phải của nhà sư trụ trì? Trong thực tế, còn có sự nhầm lẫn về chủ sở hữu thực sự của các ngôi chùa thờ Phật nên vấn đề này cần được làm rõ. Đối với chùa Trăm Gian, theo đánh giá của người dân: “Thày (trụ trì) tự nghĩ chùa là của mình nên thày tự làm không họp dân, không xin ý kiến các cụ tứ Bích đại diện cho dân của bốn làng lo việc phụng sự tế lễ ở chùa” (2). Chính sự “ngoài lề hóa” đó đã dẫn tới thực tế là vai trò của cộng đồng đang bị bỏ quên và nếu hiểu đại diện cộng đồng là UBND xã Tiên Phương, đại diện cán bộ thôn Tiên Lữ, các đoàn thể như Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Ban quản lý di tích xã, thì có vẻ chưa toàn diện bởi những đại diện này không thể hiện hết được ý chí và nguyện vọng của cộng đồng đang trực tiếp nắm giữ di sản. Trong khi đó, chùa là sở hữu chung của toàn dân, sau là của cộng đồng cư dân địa phương nơi ngôi chùa tọa lạc. Nhà sư trụ trì chỉ là người được cộng đồng trao trách nhiệm coi sóc ngôi chùa, không phải là chủ sở hữu và để có nơi thực hành Phật sự thì sư trụ trì phải bảo vệ ngôi chùa, vận động phật tử công đức để tu bổ, tôn tạo, nhằm giữ cho ngôi chùa khang trang, tôn nghiêm.
Khi chúng ta cho rằng, cộng đồng dân cư làng Tiên Lữ là chủ thể trong mô hình quản lý chùa Trăm Gian thì đại diện cho cộng đồng là Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, đại diện Hội người Cao tuổi tham gia vào Ban quản lý di tích xã, tiểu Ban quản lý di tích của thôn. Về mặt pháp lý, đây là chủ thể trực tiếp quản lý di sản như trông coi, tổ chức, hỗ trợ sư trụ trì trong việc thực hành các nghi lễ tại chùa. Tiểu Ban quản lý di tích thôn thực hiện các sửa chữa nhỏ, báo cáo Ban quản lý di tích xã các hư hỏng lớn để làm thủ tục xin cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc cấp kinh phí sửa chữa, quản lý tiền công đức và sử dụng tiền công đức theo quy chế hoạt động của chùa. Trong các diễn ngôn về di sản văn hóa, vai trò của cộng đồng đang được sự quan tâm từ phía quản lý nhà nước, đề cao và khuyến khích sự tham gia tích cực của họ, cũng như tôn trọng tiếng nói và ý kiến của họ. Tuy nhiên, khi áp dụng các điều khoản của Công ước 2003 về vai trò của cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa thì sự tham gia của cộng đồng còn khá mờ nhạt. Thay vào đó là hình ảnh của các nhà quản lý, của sự chỉ đạo, công tác điều hành của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước liên quan từ trên xuống, còn cộng đồng là những người thực hiện nhiệm vụ, phân công của Nhà nước. Trong những trường hợp này, tiếng nói và vai trò chủ động của cộng đồng chưa được tôn trọng và họ chưa thực sự làm chủ di sản (3).
Việc tu sửa chùa Trăm Gian vào những năm 80 TK XX và năm 2012 đến năm 2014 bắt nguồn từ ý nguyện và nỗ lực của sư trụ trì. Bởi theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì sư trụ trì, Ban hộ tự là người được quyền sử dụng và thực hiện việc chỉ đạo trùng tu, tôn tạo, sửa chữa tài sản tự viện theo quy định của pháp luật Nhà nước về xây dựng, trùng tu, tôn tạo cơ sở thờ tự (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2018). Việc tu bổ, tôn tạo di tích được quy định chặt chẽ, hướng đến việc bảo tồn tốt nhất các yếu tố gốc của di sản văn hóa Phật giáo. Người dân địa phương cho rằng, chùa xuống cấp thì dân góp tiền sửa: “chùa hỏng thì mình phải sửa thôi và thày (sư trụ trì) có làm văn bản, các ông (chính quyền địa phương) mới hứa mồm nhưng chưa ký thày đã làm” (4). Theo Chủ tịch xã Tiên Phương, trước khi hạ giải các hạng mục nhà tổ và gác khánh (1-6- 2012), nhà chùa có lên xin ý kiến xã với lý do tình hình khẩn cấp, nếu không làm thì có thể gây tai nạn chết người. Và xã đã đồng ý cho tháo dỡ công trình, tránh nguy hiểm cho di vật và du khách, chứ không phải cho xây mới. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Doãn cho biết, việc này không có văn bản chính thức. Cụ Tuệ chia sẻ: “Báo chí cứ nói về ý thức chấp hành Luật Di sản văn hóa của người trực tiếp trông coi di tích rất kém, nhưng có mấy ai hiểu được những nỗi khổ của người dân. Nếu quay lại thời gian đó, người dân thôn Tiên Lữ chúng tôi cũng sẽ vẫn vượt rào để trùng tu chùa. Thà mắc sai phạm để có ngôi chùa vững chãi, chứ nếu không thì đến bây giờ chắc hẳn có nhiều người chết vì đang lễ Phật thì chùa sập” (5).
Quan điểm về quy trình trùng tu cũng có nhiều ý kiến trái chiều, song quyền quyết định vẫn thuộc về các nhà quản lý, người lãnh đạo, trụ trì, chứ không phải người dân. Ông Nguyễn Thế Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho rằng: “Ở nhiều nơi, chính quyền ngành văn hóa địa phương, nhân dân sở tại, vị tăng ni trụ trì, vì chưa nhận thức đầy đủ về thủ tục pháp lý và các nguyên tắc khoa học bảo tồn di tích, nên khi thấy di tích bị xuống cấp, mong muốn có kinh phí để tu bổ di tích, sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi của các tổ chức, cá nhân công đức kinh phí cho việc tu bổ di tích” (6). Từ câu chuyện này chúng tôi thấy, quá trình trùng tu, sửa chữa chùa Trăm Gian từ vốn xã hội hóa do nhà chùa quyên góp được, người dân không phải/ được đóng góp cũng như không được hỏi ý kiến trước khi xây dựng. Họ thấy mình bị đẩy ra ngoài quá trình trùng tu xây dựng, điều đó đã tạo ra thái độ khác nhau của cộng đồng, đó là không quan tâm, không có trách nhiệm đối với di sản của cha ông.
Tác giả Đặng Văn Bài cho rằng, trong công tác quản lý, chúng ta vẫn chưa có giải pháp thích hợp điều tiết các thành phần kinh tế, đặc biệt là lợi ích của cá nhân, cộng đồng cư dân, những chủ sở hữu đích thực của di tích (7). Do đó, cần phải tạo ra cơ chế dân chủ, tạo ra những cuộc đối thoại giữa chủ sở hữu di sản với cơ quan chính quyền. Có thế, mới tránh được những mâu thuẫn tồn đọng chưa được giải quyết giữa chủ thể văn hóa và công tác bảo tồn di tích kéo dài trong những năm qua (8).
Như vậy, đối với việc trùng tu di tích là các ngôi chùa, vấn để bảo vệ, trùng tu có nhiều phức tạp bởi cả một hệ thống các bên liên quan tham gia, trong đó có chủ nhân của di sản, có sư trụ trì, các nhà quản lý, nhà khoa học và các lãnh đạo địa phương. Đối với chùa Trăm Gian, câu hỏi chùa của ai được trả lời như thế nào đi chăng nữa thì di sản là một sản phẩm của cộng đồng, phát triển nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của cộng đồng và được định hình bởi những yêu cầu đó. Thông qua trường hợp chùa Trăm Gian, chúng tôi thấy rằng, cộng đồng làm chủ di sản thì sự tham gia của họ là một khâu, một mắt xích quan trọng đảm bảo sức sống của di sản. Sự can thiệp, trùng tu, sửa chữa của sư trụ trì, của chính quyền địa phương như trường hợp chùa Trăm Gian đã bỏ qua sự tham vấn của cộng đồng, các cụ tứ Bích và người dân. Đến nay, sau khi chùa Trăm Gian đã được trùng tu theo quan điểm của các nhà khoa học và cộng đồng địa phương, đã có một sự thay đổi lớn về tầm nhìn và vị thế của di sản.
______________
1. Bùi Hoài Sơn, Di sản cho ai và câu chuyện về việc tổ chức lễ hội truyền thống ở Việt Nam, trong Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, tập 5, Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2010, tr.104.
2. Phỏng vấn ngày 9-11-2018. Tứ Bích lo việc thờ cúng tại chùa Trăm Gian trong những dịp lễ hội hằng năm là Bích Thượng thôn (anh cả), Bích Nội thôn (anh hai), Bích Phương Tuyền (anh ba), Bích Thổ Ngõa (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai) (anh tư).
3. Nguyễn Văn Huy, Vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống: thảo luận về một số khái niệm cơ bản, Tạp chí Dân tộc học, số 4- 2012, tr.44 - 54; Bùi Hoài Sơn, Di sản để làm gì và một số câu chuyện quản lý di sản ở Việt Nam, Tạp chí Di sản văn hóa, số 3 (44)-2013, tr.18-22.
4. Phỏng vấn ngày 09-11-2018 tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
5. Chu Minh Khôi, Sự thật đằng sau vụ việc trùng tu chùa Trăm Gian, giacngo.vn.
6. Nguyễn Thế Hùng, Đôi điều về tu bổ di tích tín ngưỡng - tôn giáo, trong Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Bộ VHTT, Cục Di sản văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2005, tr.144-145.
7. Đặng Văn Bài, Tiếp cận thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa, trong Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Bộ VHTT, Cục Di sản văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2005, tr.27-28.
8. Cốc Vũ, Tạo cơ chế bảo tồn di sản chưa được xếp hạng, nhandan.com.vn.
Tác giả: Phan Mạnh Dương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020