Định hướng bảo tồn và phát huy di tích, lễ hội truyền thống chùa Đọi Sơn

1. Chùa Đọi Sơn - di sản nghìn năm tuổi

Nằm trong vùng châu thổ sông Hồng, mảnh đất Hà Nam vốn nổi tiếng với biểu tượng núi Đọi - sông Châu, đặc biệt là quần thể di tích và lễ hội chùa Đọi Sơn đã đi vào tiềm thức của người dân nơi đây như một niềm tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương. Ngôi chùa Đọi Sơn cổ kính linh thiêng tên chữ Hán là Diên Linh Tự, tọa lạc trên đỉnh núi Long Đọi thuộc địa phận huyện Duy Tiên, cách thành phố Phủ Lý, trung tâm của tỉnh Hà Nam, khoảng 8km. Di tích đã trải qua những biến cố thăng trầm với nhiều lần trùng tu, tôn tạo qua các thời kỳ lịch sử.

Theo sử liệu thành văn và các truyền thuyết có liên quan, khoảng TK X - XI, khởi thủy của chùa Đọi Sơn chỉ là một am nhỏ, cho đến TK XII, khi vua Lý Nhân Tông trên đường kinh lý, trước cảnh tượng ngôi chùa bị đổ nát trên nền cảnh sắc thiên nhiên vô cùng sinh động, nhà vua đã cho xây dựng lại ngôi chùa và dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh (1118-1121). Đáng tiếc, toàn bộ kiến trúc của ngôi chùa cổ đã bị tàn phá bởi giặc Minh vào đầu TK XV. Trải qua các thời kỳ lịch sử, chùa Đọi Sơn đã được xây dựng lại và tôn tạo nhiều lần. Hình ảnh ngôi chùa được ghi nhận từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, là kiến trúc trăm gian, được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm có tòa bái đường, thiêu hương và thượng điện, hai dãy hành lang hai bên với 18 gian thờ thập bát La Hán. Các dữ kiện về việc ngôi chùa đã từng được triều đình xếp hạng là Đại danh lam kiêm hành cung, một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng trấn giữ phía Nam kinh thành Thăng Long dưới thời Lý và được liệt vào hạng các cổ tích danh thắng để bảo vệ dưới thời Pháp thuộc. Tháng 3 - 1947, một lần nữa chùa Đọi Sơn lại hư hại nặng khi bị thực dân Pháp đốt phá. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, chính quyền cùng nhân dân địa phương mới có điều kiện trùng tu lại di tích, đặc biệt, cuộc đại trùng tu năm 1958 đã hoàn tất những công trình chính trong quần thể di tích như chúng ta hiện thấy.

Ngôi chùa Đọi Sơn - trung tâm Phật giáo của trấn Sơn Nam xưa được các nhà nghiên cứu nhận định là một trong những di tích tiêu biểu còn lưu giữ nhiều nguồn sử liệu rất có giá trị, phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Đại Việt trong lịch sử dân tộc với triết lý, thuyết lý duyên khởi của Phật giáo và các vị Phật được tôn thờ, trở thành biểu tượng đáng tự hào của người dân Hà Nam. Nhìn tổng thể, quần thể di tích chùa Đọi Sơn vẫn lưu giữ được nét cổ kính, linh thiêng, mang đậm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Lý, hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh. Một trong số hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu đang được lưu giữ tại chùa Đọi Sơn chính là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh được khởi dựng khi khánh thành ngôi chùa vào thời Lý. Theo các nhà nghiên cứu, đây là tấm bia duy nhất thời Lý còn lại trên vùng đất Hà Nam, một công trình thể hiện nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, độc đáo, chứa đựng nhiều thông tin quý hiếm cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa thời Lý. Bên cạnh các hạng mục kiến trúc, hệ thống di vật, chùa Đọi Sơn hiện còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm phong phú, đa dạng rất quý giá về các tri thức dân gian và tri thức bác học như một sự kết tinh văn hóa qua nhiều triều đại: các tập kinh, kệ, văn tế, văn khấn, văn cúng, văn chầu, văn bia hoành phi, câu đối, bài châm, thẻ bài, thơ, phú... Cùng với đó là giá trị khảo cổ của di tích với sự phát hiện nền móng và các vật liệu kiến trúc, hiện vật thời Lý với nhiều chất liệu: đồ gốm, đồ sành, kim khí…

Lễ hội truyền thống chùa Đọi Sơn - Ảnh: Nguyễn Văn Huynh

Một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu nữa, được coi là nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân xã Đọi Sơn là lễ hội chùa Đọi Sơn. Lễ hội diễn ra trong 5 ngày (từ 17 đến 21 - 3 âm lịch), tưởng nhớ vị sư tổ đời thứ 5 là Hòa thượng Thích Chiếu Thường - người đã góp nhiều công sức xây dựng và trùng tu chùa Đọi Sơn. Lễ hội được tổ chức không chỉ để bày tỏ lòng tôn kính của nhân dân đối với các vị thần, Phật mà còn là dịp để tưởng nhớ và tôn vinh những người có công trong việc xây dựng ngôi chùa, trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước như vua Lý Nhân Tông, Nguyên phi Ỷ Lan, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, danh tướng Lý Thường Kiệt… Do vậy, lễ hội vừa mang tính chất tôn giáo, lại vừa mang tính chất tưởng niệm, biểu hiện cho sức sống mãnh liệt của văn hóa cội nguồn với tinh thần của đạo lý uống nước nhớ nguồn, có giá trị như một môi trường giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ, góp phần hun đúc lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước của người dân trấn Sơn Nam xưa.

Lễ hội được bắt đầu từ sáng sớm với đoàn rước kiệu từ chân núi lên chùa hành lễ, dâng hương tưởng niệm vua Lý Nhân Tông - người có công mở mang xây dựng chùa. Sau lễ dâng hương là các đội tế nam quan, tế nữ quan tạ ơn trời, Phật. Vào ngày lễ hội, nhiều trò vui được tổ chức như nấu cơm thi, thi dệt vải, bơi thuyền, hát chèo, hát đối, hát giao duyên, hội chọi gà, tổ tôm điếm, múa tứ linh, đấu vật, đánh cờ người… Có thể nói, ngoài những điểm chung của các lễ hội ở đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội chùa Đọi Sơn còn chứa đựng những nét riêng độc đáo của vùng đồng chiêm Hà Nam, như: nghi thức rước, lễ sư tổ, tổ chức trình diễn các giá trị văn hóa phi vật thể hát chầu văn, hát chèo, hát trống quân, trò chơi dân gian…

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc như vậy, tháng 12-2017, chùa Đọi Sơn vinh dự là 1 trong 10 di tích trong cả nước được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Riêng tấm bia Sùng Thiện Diên Linh đã được công nhận là bảo vật quốc gia từ năm 2013.

2. Một số định hướng trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích và lễ hội chùa Đọi Sơn

Di tích và lễ hội chùa Đọi Sơn với ý nghĩa là một trong những di sản tiêu biểu của huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cũng như cả nước, nơi hội tụ nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, tâm linh… Nắm bắt được những lợi thế ấy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam đã và đang thực hiện một số chủ trương, biện pháp như một sự định hướng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Trước hết, tỉnh Hà Nam đang triển khai xây dựng hồ sơ đề xuất đưa lễ hội chùa Đọi Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cho đến nay, Hà Nam đã có nhiều di sản được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, như: lễ hội đền Trần Thương, lễ hội tịch điền Đọi Sơn, lễ hội đền Lảnh Giang, lễ hội chùa Bà Đanh, lễ hội đền Trúc, hát dặm Quyển Sơn, lễ hội vật Liễu Đôi.

Khu vực xung quanh chùa Đọi Sơn cũng được xác định là đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo khác như: lễ hội tịch điền, làng nghề làm trống Đọi Tam. Với chủ trương tiếp tục phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa của vùng đất Hà Nam, chính quyền và nhân dân địa phương đang tiến hành xây dựng hồ sơ cho hai di sản là làng nghề trống Đọi Tam và lễ hội chùa Đọi Sơn, sớm trình Bộ VHTTDL đề xuất ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngay từ khi được phổ biến về chủ trương xây dựng hồ sơ, nhân dân xã Đọi Sơn đã rất có ý thức trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản từ trách nhiệm của cộng đồng, chẳng hạn như các giá trị dân ca, dân vũ đã được tổ chức truyền dạy cho các thế hệ từ lứa tuổi nhỏ cho đến người cao tuổi trong làng, thậm chí, các giá trị này còn được lan tỏa đến nhiều địa phương lân cận để cả nước đều biết đến…

Bên cạnh công tác triển khai lập hồ sơ di sản, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thắng cảnh và di tích núi, chùa Đọi Sơn cùng toàn bộ khu vực bao quanh sẽ là hạt nhân của cụm du lịch huyện Duy Tiên. Phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa cũng được xem là một trong những biện pháp quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa núi Đọi nói chung và lễ hội truyền thống chùa Đọi Sơn nói riêng. Trong bối cảnh du lịch Hà Nam năm 2019 đã được đánh giá là có bước đột phá về số lượng du khách, đặc biệt là sự kiện Hà Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 tại khu vực chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Để tạo thành hành trình du lịch có sự kết nối, tỉnh Hà Nam đã có kế hoạch kết nối giữa Tam Chúc với các di tích trên địa bàn tỉnh, trong đó có kết nối điểm đến là chùa Đọi. Trong định hướng này, tỉnh cũng chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển cơ sở lưu trú.

Với sự chung tay của chính quyền và nhân dân, hy vọng sẽ tạo ra được sự kết nối đồng bộ giữa hành trình du lịch (điểm đến) - cơ sở lưu trú - sản phẩm du lịch (ẩm thực, sản phẩm làng nghề, đồ lưu niệm…), nhằm đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu của du khách. Đó chính là cơ sở để du lịch Hà Nam có thể được khai thác theo hướng phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa một cách bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, trong đó có di tích và lễ hội chùa Đọi Sơn cũng như phục vụ cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong tương lai.

 

_______________

Tài liệu tham khảo:

1. Bảo tàng tổng hợp tỉnh Hà Nam Ninh, Hồ sơ di tích danh lam thắng cảnh Hà Nam Ninh, 1992.

2. Bảo tàng tổng hợp tỉnh Hà Nam Ninh, Tư liệu khảo sát về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam Ninh, 1992.

3. Lương Hiền, Danh thắng chùa Đọi, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.

4. Trần Duy Phương, Lịch sử chùa Long Đọi Sơn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.

5. Tài liệu do Phòng Văn hóa - Thông tin, UBND huyện Duy Tiên cung cấp.

6. Tư liệu khảo sát điền dã tại địa phương.

Tác giả: Nguyễn Thị Lan Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

;