Giai đoạn đầu, lễ hội đền thờ Nguyễn Xí - Cương Quốc công từ, mang dấu ấn văn hóa dòng họ. Về sau, trong quá trình giao lưu, tiếp biến giữa văn hóa dòng họ (đóng vai trò hạt nhân) với văn hóa cộng đồng làng - xã - vùng - miền, lễ hội đền thờ Nguyễn Xí phát triển thành một lễ hội mang màu sắc văn hóa xứ Nghệ.
1. Đôi nét về danh tướng Nguyễn Xí
Theo Cương Quốc Công di huấn và Thượng Xá Cựu Lê Công thần tộc, cụ Nguyễn Hợp gốc ở làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ có hai người con trai là Nguyễn Khai và Nguyễn Hội. Vào khoảng giữa TK XIV, cụ đẻ người con đầu ở quê tổ, đưa vợ chồng ông Nguyễn Hội đến lập lò nấu muối ở Hải Tân, làng Thượng Xá (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Tại đây, vợ chồng ông Nguyễn Hội và bà Vũ Thị Hạch sinh hai người con trai là Nguyễn Biện và Nguyễn Xí. Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397), vào những năm cuối của Triều Trần (1226-1400). Ông rời quê hương ra Lam Sơn được một năm, đến cuối năm 1406, 80 vạn quân Minh đã mở cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Do những sai lầm về chính trị, quân sự mà trước hết là do không đoàn kết được toàn dân để chống giặc giữ nước, cuộc kháng chiến do triều Hồ lãnh đạo bị thất bại nhanh chóng. Khoảng giữa năm 1407, quân giặc tràn vào Thanh, Nghệ. Những lực lượng kháng chiến cuối cùng cũng sa vào tay giặc. Từ đó, quê hương xứ Nghệ của Nguyễn Xí cũng như quê hương xứ Thanh của Lê Lợi và cả đất nước Đại Việt bị chìm đắm trong thảm cảnh mất nước. Ách thống trị tàn bạo và những thủ đoạn đồng hóa hủy diệt của giặc Ngô đã gây ra biết bao nhiêu tội ác đối với từng gia đình, xóm làng và đặt dân tộc ta trước một thử thách hiểm nghèo. Trước bối cảnh lịch sử đó, mà trực tiếp là truyền thống quật khởi của quê hương và tinh thần bất khuất, công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa của Lê Lợi, đã ảnh hưởng quyết định đến chí hướng và sự nghiệp cứu nước của Nguyễn Xí (1).
Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu, Nguyễn Xí sớm trở thành tướng giỏi, có công đánh giặc Minh, làm đến Thượng tướng quân. Năm 1427, ông tham dự trận Xương Giang với Lê Sát, diệt được hơn năm vạn tên địch, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc. Hòa bình ông làm đến Thiếu bảo. Về sau, ông dẹp yên vụ Nghi Dân cướp ngôi, lập vua Thánh Tông, được thăng tả tướng quân, Thái úy, Cương quận công.
Tương truyền, lúc theo khởi nghĩa Lam Sơn, ông có nhiệm vụ nuôi hơn trăm con chó săn cho chúng tham gia trận mạc. Bằng tiếng nhạc, ông tập cho chó tuân lệnh răm rắp, được vua khen có tài làm tướng. Năm 1427, trong trận My Động, ông cùng Đinh Lễ bị bắt vì voi sa lầy. Đinh Lễ bị hại, còn ông nhân một đêm mưa, dùng kế đánh lừa quân canh nên thoát được. Lúc về, Lê Lợi reo lên: “Sống lại”.
Tương truyền, khi Nghi Dân cướp ngôi, để che mắt mọi người trong khi bí mật tiến hành mưu kế trừ đảng nghịch, ông phải giả mù. Để thử ông có thật mù không, một hôm chúng trêu ghẹo người thiếp trước mặt ông. Ông làm lơ hỏi: “Chúng mày làm gì đấy?” - “Bẩm chúng con giã chè ạ” - “Vậy thì giã chè cho nhanh pha ta uống” nhưng chúng vẫn chưa tin. Hôm khác, chúng đặt con ông giữa đất khi ông đang đi tới, ông cứ dẵm lên đứa bé. Từ đó, chúng không còn nghi ngờ ông nữa. Cho nên dẹp xong đảng nghịch, có câu: “Thái bình thì mắt sáng ra, bên giường nghe tiếng giã chè nữa đâu (Thiên hạ vị bình mục vị minh, như hà bất kiến đảo trà thanh” (2).
Nguyễn Xí được các sử gia phong kiến hết lời ngợi ca về lòng trung quân, công lao phò vua, dựng nước. Những năm dưới triều Lê Thánh Tông được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông. Không chỉ là Nguyễn Xí - Bình chương quân quốc trọng sự - Thái phó - Thái úy - Thái sư, mà đất nước trân trọng, nhân dân biết ơn ông là tướng quân dũng mãnh trong hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn với những chiến công đánh giặc cứu nước vẻ vang và công cuộc khai phá mở mang xóm làng quê hương.
2. Nguồn gốc và không gian linh thiêng của lễ hội đền Nguyễn Xí
Khu di tích đền Nguyễn Xí ngày nay ở làng Thượng Xá, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Lăng mộ của Nguyễn Xí nằm giữa cánh đồng Lầm thuộc đội 8 hợp tác xã Nghi Lộc. Đền thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí được xây dựng năm 1467 (Đinh Hợi) - hai năm sau khi Nguyễn Xí qua đời. Vua Lê Thánh Tông ban dụ xuất kinh phí xây dựng đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí theo chế độ “quốc tạo, quốc tế” có nghĩa là nhà nước lập đền và nhà nước phụng thờ. Cùng năm, vua Lê Thánh Tông ban Ngự tứ thạch bi và Ngự tứ mộ chí (cho dựng bia đá và dựng mộ chí Cương Quốc công).
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đền thờ Nguyễn Xí vẫn giữ được kiến trúc ban đầu. Đây là một quần thể kiến trúc mang đậm dấu ấn truyền thống văn hóa Việt Nam, làm nổi uy danh của vị tướng kiệt xuất xứ Nghệ. Đền Nguyễn Xí đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Lễ hội đền Nguyễn Xí được tổ chức hằng năm, không những biểu hiện lòng tôn kính, tưởng nhớ đến vị danh thần kiệt xuất của dân tộc, mà còn góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ xây dựng và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.
Khởi nguồn của lễ hội Nguyễn Xí là lễ mừng công của Đại Tộc, lễ Kỳ Phúc và lễ Bạch sắc Hồng Đức năm thứ 3 (1473) của vua Lê Thánh Tông, phong thần cho Thái sư Cương Quốc công, kiêm ngày giỗ của Quốc phu nhân - Lê Thị Ngọc Lân (tức vợ chính thất của đức Tổ). Lễ hội đền Nguyễn Xí gắn với công lao hiển hách của vị “khai quốc công thần triều Lê”, cùng con cháu dòng họ nối đời có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
3. Lễ hội đền Nguyễn Xí
Lịch lễ tiết hằng năm và ban tổ chức lễ hội
Lễ hội đền thờ Nguyễn Xí tưởng nhớ công đức danh nhân chống ngoại xâm nổi tiếng của xứ Nghệ, cũng là Đức Tổ của dòng họ Nguyễn Đình. Bởi vậy, các hoạt động lễ hội là sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Văn hóa huyện Nghi Lộc, UBND xã Nghi Hợp và Hội đồng gia tộc đại tôn Nguyễn Đình. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào các ngày 29, 30 tháng Giêng và ngày mùng một, hai tháng Hai âm lịch (năm nào tháng Giêng thiếu thì tổ chức vào ngày 28, 29), tại khuôn viên đền thờ Nguyễn Xí.
Trước đây, vào dịp lễ hội đền Nguyễn Xí, tỉnh Nghệ An cử người đại diện cho Tổng đốc về dự lễ vì đây là đền Quốc tạo (nhà nước xây dựng) và Quốc tế (nhà nước tế lễ). Ngày nay, lễ hội đền Nguyễn Xí không chỉ con cháu dòng họ Nguyễn Đình về dự mà là lễ hội của nhân dân trong vùng và được lãnh đạo Sở VHTTDL, đại diện Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nghệ An và lãnh đạo huyện về dự.
Theo phong tục, từ ngày 25 tháng Giêng, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Đình phải ngừng mọi công việc cúng cầu siêu, giải hạn, xin quẻ... để tập trung tổ chức lễ hội thật tốt. Gia tộc phân công con cháu tiến hành dọn dẹp vệ sinh đền, khu lăng mộ, các khu vực xung quanh đền và toàn bộ đồ tế khí trong đền; tạo mọi điều kiện cho con cháu và du khách thập phương về tham dự lễ hội, đảm bảo tốt việc phòng chống cháy nổ trong đền thờ và khu vực phụ cận. Hướng dẫn du khách, con cháu thực hiện tốt phần lễ tại đền thờ. Tổ chức các lễ nghi một cách nghiêm túc, văn minh, tiết kiệm.
Trước kỳ lễ hội, con cháu dòng họ Nguyễn Đình họp họ, phân công thành viên tham gia ban tổ chức lễ hội, gồm: Ban Tế lễ, Ban Tiếp khách, Ban Hậu cần.
Về diễn trình lễ hội
Hội đồng gia tộc Đại tôn họ Nguyễn Đình đã ghi chép lại căn dặn con cháu: “Việc tổ chức hành lễ tại đền thờ Tiên tổ trước đây, hiện nay và mãi về sau không thay đổi. Mọi chi tiết buổi lễ đều được hướng dẫn theo nghĩa chữ Hán, khắc phục tình trạng tùy tiện, thụ động, mỗi người hiểu một cách, nảy sinh cãi cọ nhau, thiếu nghiêm túc khi hành lễ. Vì vậy, chúng tôi dựa vào văn bản và tranh thủ hiểu biết của các vị cao niên đã phục vụ hành lễ tại đền thờ Tiên tổ để phiên âm, diễn giải từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong bộ phận chuyên trách hành lễ tại đền thờ Đức tổ Nguyễn Đình”.
Theo phong tục của dòng họ, từ ngày 28, 29 tháng Giêng (đối với năm có tháng Giêng thiếu) và ngày 29, 30 (đối với năm có tháng Giêng đủ): 15 chi con cháu dòng họ Nguyễn Đình về làm lễ tham tế; từ 5 giờ sáng ngày mồng một tháng hai âm lịch, gia tộc họ Nguyễn Đình tổ chức làm lễ Đại. Đây là nghi lễ chính, diễn ra hết sức trang nghiêm trong hai giờ đồng hồ. Lễ vật gồm xôi, chè, thịt gà luộc, thịt lợn luộc, hương hoa quả cúng tổ tiên và thịt lợn sống cúng hổ. Ban hành lễ gồm: thông xướng, tán xướng, chủ tế (thay mặt dòng họ) và bốn bồi tế (hai bồi tế nội, hai bồi tế ngoại) và sáu chấp sự (mỗi bên ba người). Các bước đại tế diễn ra theo quy trình chặt chẽ theo quy định của Hội đồng gia tộc. Nội dung bài chúc văn đại tế mời tổ tiên, tướng lĩnh, quan chức, binh lính đã tham gia trận mạc chống quân Minh và những người khai hoang lập làng về đền để nghe những lời chúc tụng, tri ân của con cháu và lời nguyện cầu của con cháu mong được che chở, phù hộ độ trì. Sau khi lễ tất, con cháu vào thắp hương bái tổ và tập trung ở nhà bái đường để tiến hành sinh hoạt dòng họ. Chánh ban quản tộc dòng họ Nguyễn Đình nhắc lại công trạng của đức Tổ và lời di huấn của ngài trong dịp lễ hội để con cháu thêm tự hào là con cháu dòng họ nhân ái, nhân văn và yêu nước. Cuối cùng là lời nhắc nhở, chúc may mắn, sức khỏe của chánh ban quản tộc và khách thập phương cũng như con cháu cùng ngồi dự bữa cơm cộng cảm gắn kết cộng đồng gia tộc, cố kết cộng đồng.
Sau lễ Đại, 16 giờ ngày mồng một tháng hai âm lịch, con cháu dòng họ Nguyễn Đình tổ chức lễ tạ với đức Tổ và các vị thần linh.
Thành phần Ban hành lễ: hai người xướng lễ: một thông xướng, một tán xướng (xướng lễ là người điều hành, dẫn chương trình); chính tế hay chủ tế (người thay mặt họ chủ sự mọi việc); bốn bồi tế gồm hai bồi tế nội, hai bồi tế ngoại (bồi tế là người phó chủ tế, trợ giúp chủ tế, hai bồi tế nội đứng ở chiếu giữa với chủ tế, hai bồi tế ngoại đứng ở hai chiếu bên tả và bên hữu, thông thường vị trí này chỉ có hai bồi tế với chủ tế); sáu chấp sự hai bên, mỗi bên ba người. Đi đầu ban hành lễ là bồng đăng dẫn đường, tiếp theo là người cầm trống cổ hoặc mèn, rồi tới người bưng khay rượu hoặc khay hương. Một người đọc chúc (đọc văn) kiêm tán xướng; một người đánh trống lớn, một đánh trống chiêng; một người đánh bulu; sáu người đánh trống con, nao bạt (Đại lễ có bát âm gọi chung là nhạc sinh). Tất cả 20 người đối với đại lễ, 13 người đối với tiểu lễ.
Lễ vật cúng tế không cầu kỳ, ngoài hương hoa quả, mâm cúng thường có xôi, gà, thịt lợn quay. Vật cúng rạng sáng ngày mùng hai ngoài xôi, chè, gà luộc, thịt luộc còn có thêm bát thịt sống để dành cho con hổ. Truyền thuyết kể lại: Nguyễn Hội nuôi một con hổ, khi hổ lớn lên, ông giao cho hổ trông nom đó đơm cá ở đập Hang, đập Hách. Một lần, đang đêm ông đi thăm đó nhưng không lên tiếng nên hổ tưởng là kẻ trộm, đã vồ chết ông. Khi biết mình đã vồ nhầm chủ, hổ đã cõng xác ông về chôn ở cánh đồng Lầm. Hôm sau, gia đình đem xác Nguyễn Hội lên chôn ở núi Voi, nhưng đêm đến, hổ lại bới xác ông đem về chôn ở cánh đồng Lầm như cũ và nằm bên cạnh ông để trông coi mộ. Con cháu ông coi đó là ngôi mộ phát tích của họ Nguyễn và hiện nay trong đền thờ Nguyễn Xí vẫn thờ một bức tranh hổ. Bởi vậy, vào dịp tế lễ, lễ vật cúng hổ năm nào cũng là bát thịt sống.
Lễ hội đền Nguyễn Xí diễn ra tuần tự như những lễ hội cổ truyền khác như: lễ khai quang ngày 17, lễ rước và lễ yết cáo ngày 29 tháng Giêng. Ngày nay, vào ngày 29 tháng Giêng, sau phần đón tiếp đại biểu, còn có văn nghệ chào mừng và lễ dâng hương tại đền thờ Nguyễn Xí. Lễ dâng hương hằng năm đều có lãnh đạo Sở VHTTDL, lãnh đạo huyện và các ban ngành trong huyện Nghi Lộc cùng con cháu họ Nguyễn Đình, khách thập phương về dâng hương. Mở đầu buổi lễ dâng hương, Chủ tịch xã Nghi Hợp đọc diễn văn chào đón các quý vị khách quý cùng toàn thể con cháu dòng họ Nguyễn Đình và du khách, kể về công trạng của danh nhân Nguyễn Xí - đức Tổ dòng họ Nguyễn Đình. Trong phần lễ dâng hương, năm nào cũng có chương trình văn nghệ hát trước sân đền và ngoảnh mặt vào điện thờ, đó là các tiết mục dân ca ví, giặm rất ấn tượng kính dâng lên đức Tổ.
Kết luận
Cương Quốc Công Nguyễn Xí không chỉ là một vị danh tướng, lương thần, có công trong việc đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước dưới các triều vua thời Lê sơ, mà còn là một nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc được muôn đời tôn vinh. Lễ hội đền Nguyễn Xí đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, giáo dục truyền thống văn hóa và chống ngoại xâm của dân tộc. Qua đó, góp phần gắn kết các thành viên trong cộng đồng, là môi trường cộng cảm sâu sắc có tác động đến đời sống tình cảm, góp phần xây dựng tính cách và tâm hồn người xứ Nghệ, tâm hồn người Việt Nam trọng nghĩa trọng tình và giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn.
_________________
1. Nhiều tác giả, Danh nhân Nghệ An, tập I, Nxb Nghệ An, 1998, tr.67-69.
2. Nguyễn Đổng Chi, Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 1995, tr.85.
Tác giả: Ths Nguyễn Thanh Hoa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021