Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945: Khai sinh và tiến trình

Cuốn sách Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945: Khai sinh và tiến trình nguyên là luận án thứ hai (phụ) mà tác giả Bùi Xuân Bào đệ trình cùng luận án thứ nhất (chính) để lấy bằng tiến sĩ văn chương quốc gia tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1961. Bản dịch tiếng Việt đầu tiên dịch từ tiếng Pháp vừa được NXB Tri thức ấn hành năm 2024 là một tài liệu tham khảo quý dành cho những nhà nghiên cứu và cả độc giả yêu văn chương muốn tìm hiểu về tiểu thuyết Việt Nam.

Người đặt nền móng nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại

GS Bùi Xuân Bào (1916-1991) là một học giả văn học và nhà giáo có ảnh hưởng tại Việt Nam và Pháp. Sinh tại Quảng Nam, trong một gia đình có nền tảng văn hóa vững chắc, ông đã đỗ đầu kỳ thi dành cho học sinh xuất sắc nhất toàn Đông Dương. Sau đó, ông đã đi du học tại Pháp vào năm 1948, tại Pháp ông đã tiếp xúc và say mê với văn học Pháp, tiếp tục nghiên cứu và nuôi dưỡng đam mê với văn chương.

Sau khi trở về Việt Nam, ông tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của văn học và giáo dục, trước khi trở lại Pháp và giữ chức Cố vấn Văn hóa tại Sứ quán Việt Nam ở Paris. Bằng sự liêm khiết và tận tâm với nghiên cứu văn học cũng như vai trò trong giáo dục và ngoại giao, Bùi Xuân Bào đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn hóa của Việt Nam và Pháp.

 Nguyên là luận án thứ hai (phụ) của tác giả Bùi Xuân Bào để lấy bằng tiến sĩ văn chương quốc gia tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1961, đến năm 1972, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945: Khai sinh và tiến trình được in thành sách tại Sài Gòn trong tủ sách “Nhân văn Xã hội”. Năm 1985 nó được in tại Paris trong tủ sách “Đường mới”. Và năm 2024 đã được Nxb Tri thức ấn hành - đây là bản tiếng Việt đầu tiên dịch từ tiếng Pháp theo bản in ở Paris.

Trong tác phẩm này, GS Bùi Xuân Bào định nghĩa tiểu thuyết Việt Nam hiện đại “theo cách hiểu rộng nhất bao gồm tất cả các tác phẩm hư cấu bằng văn xuôi được thể hiện dưới hình thức tự sự và được viết bằng chữ quốc ngữ”. Như vậy, ông không nghiên cứu tiểu thuyết với tư cách là một thể loại riêng biệt mà như một thành tạo của một quá trình chuyển đổi tư tưởng văn hóa từ một xã hội truyền thống phương Đông sang một xã hội hiện đại theo kiểu phương Tây. Tiểu thuyết hiểu theo nghĩa như vậy là sản phẩm của thời nay, “đối lập với tiểu thuyết thời xưa gồm tất cả các truyện hư cấu viết trước thế kỷ XX”. Buổi bình minh của thế kỷ cũng là buổi bình minh của lịch sử nền văn học dân tộc nói chung và lịch sử tiểu thuyết nói riêng.

Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm

GS Bùi Xuân Bào viết: “Theo dõi tiểu thuyết Việt Nam hiện đại từ khi ra đời đến khi phát triển toàn diện, chúng tôi đã lần lại những giai đoạn khác nhau trong cuộc cách mạng tinh thần và đạo đức của người Việt Nam trong một phần tư thứ hai của thế kỉ XX. Hai mươi năm này chắc chắn là thời kỳ rực rỡ nhất, phong phú nhất, đa dạng nhất và phức tạp nhất trong lịch sử văn học của chúng tôi. Tốt hơn và trọn vẹn hơn bất kỳ thể loại văn học nào khác, tiểu thuyết đã phản ánh những con đường liên tục mà đồng bào chúng tôi đã vạch ra để xem xét và tìm cách giải quyết mối xung đột giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây”. 

 “Một bức tranh độc đáo về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại”

Viện Pháp tại Hà Nội và Nxb Tri thức đã tổ chức một buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945: Khai sinh và Tiến trình của G.S Bùi Xuân Bào với sự tham gia của các diễn giả: Dịch giả Phạm Xuân Nguyên (Ngân Xuyên); GS Trần Đình Sử; Nhà văn Hoàng Minh Tường; PGS, TS Phạm Xuân Thạch diễn ra vào ngày 7/5/2024. Tại buổi Tọa đàm, ông Franck Bolgiani - Tùy viên văn hóa - Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội khẳng định: “Pháp và Việt Nam chia sẻ một quá khứ chung tạo nên một liên kết mạnh mẽ giữa hai quốc gia vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong sự giao thoa về văn hóa, giáo dục… văn học Việt Nam đã bắt đầu một cuộc hành trình mới mẻ và lôi cuốn. Thơ ca đã bùng nổ với những ý tưởng mới mẻ, mở ra từ những trải nghiệm văn học Pháp, trong khi tiểu thuyết Việt Nam hiện đại đã nảy mầm và đơm hoa như một hiện tượng kỳ diệu, đầy sức hút”.

GS Trần Đình Sử, dịch giả Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Hoàng Minh Tường và PGS, TS Phạm Xuân Thạch tại buổi Tọa đàm

Dịch giả Phạm Xuân Nguyên (Ngân Xuyên) đánh giá: “Nguyên văn tiếng Pháp của luận án này là Naissance et évolution du roman vietnamien moderne 1925-1945. Tác giả để lên đầu sự “khai sinh” (naissance) và “tiến trình” (évolution) để nhân quy định bắt buộc người làm tiến sĩ phải có thêm một luận án phụ cung cấp cho người đọc Pháp và phương Tây một sự hiểu biết về lịch sử tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - một quá trình đã được khơi nguồn và thúc đẩy từ chính văn chương Pháp. Điều này sẽ được ông nói rõ trong luận án khi so sánh ảnh hưởng của các nhà tiểu thuyết Pháp đến các nhà tiểu thuyết Việt Nam. Và đó là một điểm thú vị trong sự nghiên cứu của ông. Chọn một đề tài luận án như vậy cho thấy Bùi Xuân Bào đã rất yêu văn chương dân tộc và rất tự tin. Vì ông đã phải đọc cả một khối lượng lớn các tác phẩm tiểu thuyết được sản xuất ra không chỉ trong thời gian hạn định của đề tài là 1925-1945.  Luận án vì thế nói là phụ nhưng thực chất đó đã là một công trình nghiên cứu văn học công phu và nghiêm túc. Một ưu điểm khác của cuốn sách là ở sự phân tích đánh giá tác phẩm của các nhà văn được xét đến. Bùi Xuân Bào đề cao sự hài hòa của nội dung và lối viết, tuy chưa có điều kiện đi sâu vào các kỹ thuật của tiểu thuyết như các nhà nghiên cứu về sau và ông cũng không ngại đưa ra những sự chê trách”.  

GS Trần Đình Sử nhận xét: “Đặc sắc của chuyên luận thể hiện ở mấy điểm sau: Tác giả chia hai mươi năm tiểu thuyết Việt Nam hiện đại thành ba giai đoạn: từ 1925 đến 1932 giai đoạn hình thành; từ 1932 đến 1940 giai đoạn phát triển rực rỡ; từ 1940 đến 1945, chủ yếu theo sự phát triển của tiểu thuyết trong thời cuộc. Đặc biệt đáng chú ý là sự phân tích tiểu thuyết giai đoạn 1932 đến 1940. Thứ hai là tiểu thuyết ít được xét theo đặc trưng thể loại, mà theo bối cảnh lịch sử và khuynh hướng tinh thần đạo đức của xã hội. Nét đặc sắc thứ ba là khẳng định ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa và tiểu thuyết Pháp, lấn át ảnh hưởng Trung Hoa, vì thế tác giả chú trọng phương pháp văn học so sánh và có thể xem đây là một công trình văn học so sánh xuất sắc văn học Pháp-Việt, Trung-Việt. Thứ tư, tác giả tỏ ra là một nhà giáo có ngòi bút phân tích tinh tế các hình tượng tác phẩm tiểu thuyết nửa đầu thế kỷ XX. Trong ngành nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại vẫn còn không ít tác phẩm bị vùi lấp và lãng quên. Việc tìm ra chúng và giới thiệu với bạn đọc hôm nay là một thái độ trân trọng đối với di sản. Cuốn sách của GS Bùi Xuân Bào viết cách nay đã lâu năm là một ví dụ như vậy. Tôi gọi đây là bức tranh tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, bởi vì đây là một cách hệ thống hóa của một nhà nghiên cứu từ bảy mươi năm trước. Ngày nay đã có nhiều người nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, với nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng có thể chưa biết đến tác phẩm của GS Bùi Xuân Bào, do sách viết bằng tiếng Pháp. Đây có lẽ là đầu tiên nghiên cứu sự khai sinh và tiến trình của thể loại tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ Việt Nam trong vòng hai mươi năm từ năm 1925 đến năm 1945, một thể loại văn xuôi quan trọng bậc nhất của văn học hiện đại. Trước đó, các ông Mộc Khuê, Vũ Ngọc Phan và một số nhà phê bình văn học khác đã đề cập đến nó trong các công trình của họ, nhưng tách ra thành một chuyên đề để nghiên cứu riêng với trên 440 trang thì phải bắt đầu từ Bùi Xuân Bào. Sau ông mới có công trình liên ngành của Nguyễn Trần Huân Le roman Vietnamien contemporain. Etudes interdisciplinaire sur le Vietnam. Volume I SAIGON 2è semestre 1974 và công trình Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của GS Phan Cự Đệ (1974)”.

 GS Trần Đình Sử cũng cho rằng, cuốn sách bao gồm rất nhiều tư liệu quý báu, những tác phẩm ngày nay ít biết, những câu trích dẫn rất đắt, những nhận định thỏa đáng của người đương thời. Tất nhiên cũng khó tránh có những nhận định chưa thỏa đáng đối với nhà văn và tác phẩm nào đó, khác hẳn với những nhận định hiện thời, nhưng ta không quên, đây là một tài liệu lịch sử, đã ra đời cách nay đã hơn 70 năm. Chính vì tầm quan trọng của đề tài tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, những khác biệt trong quan niệm của tác giả mà cuốn sách là một tài liệu tham khảo quý dành cho những ai muốn tìm hiểu tiểu thuyết Việt Nam và đông đảo bạn đọc.

NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024

;