NSND Hương Dung: Tôi vẫn mơ được diễn

Được phong NSND khi đã ở tuổi 68, với nghệ sĩ Hương Dung đây là phần thưởng sau những cống hiến không mệt mỏi vì nghệ thuật.

Sở hữu gương mặt đẹp, NSND hương Dung được công chúng biết đến nhiều nhất trên truyền hình qua nhiều vai diễn sang trọng. Tuy nổi danh trên phim nhưng khởi điểm của nghệ sĩ Hương Dung là diễn viên kịch nói. Ngay từ nhỏ, Hương Dung đã thích cùng những người bạn chơi trò hóa trang, đóng kịch. Sân khấu được treo lên bằng tấm khăn và tái hiện cảnh chiếc màn được vén ra khi một vở diễn bắt đầu. Tình yêu sân khấu, tình yêu nghề diễn đã được nuôi dưỡng như thế trong suốt tuổi thơ của Hương Dung. Năm chị 13 tuổi, Trường Ðại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội về Hạ Long - nơi Hương Dung sống cùng gia đình - tuyển diễn viên, chị mạnh dạn đăng ký.

Dù trúng tuyển nhưng Hương Dung đành gác lại ước mơ được diễn bởi lúc ấy mẹ chị mới sinh người em út, kinh tế gia đình lại khó khăn. Những năm 70 của thế kỷ trước, nhà của nghệ sĩ bị bom san phẳng, chị cùng bố mẹ phải bươn chải, làm nhiều công việc để sinh sống. Thế nhưng cuộc sống vất vả không làm vơi mong muốn trở thành diễn viên sân khấu của chị. NSND Hương Dung cho biết ngày đi học, chị thường không tập trung nghe giảng vì “chỉ thèm đi văn công’’.

NSND Hương Dung thời trẻ

Tháng 2/1975, Hương Dung nhập ngũ, trở thành lính thông tin của trường Quân chính, trực thuộc Quân khu 3. Trong thời gian ở quân ngũ, Hương Dung tích cực tham gia các phong trào văn nghệ và nhanh chóng trở thành “ngôi sao”.

Năm 1976, trong một lần đọc Báo Nhân Dân và biết Ðoàn kịch Quân đội Tổng cục chính trị tuyển diễn viên, chị đăng ký dự thi và trúng tuyển. Tuy nhiên vì một số lý do chị lại lỡ hẹn. Hai năm sau Hương Dung ra quân, đi học tài chính - kế toán nhưng công việc hành chính không làm nguôi ngoai nỗi nhớ sân khấu nên đến tháng 2/1979, chị lại được Ðoàn Quân khu 3 chiêu mộ vào biên chế vào đội hát.

Nghệ sĩ Hương Dung được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở tuổi 68

Năm 1985, khi dựng lại vở Nữ ký giả để tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ðoàn Kịch nói Công an Nhân dân đã về các đơn vị để tìm diễn viên. Hương Dung được đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Ðình Nghi - chọn vào vai nữ ký giả Hà Thu. Vở kịch sau đó được huy chương Bạc tại Hội diễn, còn Hương Dung nhận huy chương Vàng. Ðây cũng là thành tựu đầu tiên của chị sau gần mười năm kiên trì với tình yêu dành cho kịch nói. Vai diễn trong vở kịch Nữ ký giả cũng giúp Hương Dung tới gần với công chúng khi vở kịch được chiếu trên truyền hình. Gương mặt đẹp, đài từ chuẩn với kỹ thuật diễn điêu luyện đã khiến hình ảnh nữ ký giả Hà Thu qua sự hoá thân của Hương Dung neo mãi trong tâm trí người mê kịch một thời.

Những năm sau đó, Hương Dung miệt mài tham gia các vở diễn. Lối diễn của chị được đánh giá là sự kết hợp giữa bản năng, sự quan sát thực tế và trải nghiệm của bản thân. Sau này nghỉ hưu, mỗi lần theo dõi đồng nghiệp trên sân khấu, chị luôn thèm được đứng ở ‘’thánh đường’’, được hóa thân vào mọi mảnh đời và thăng hoa với đủ cung bậc cảm xúc. Ðôi khi, chị tự đánh giá một số hạn chế của diễn viên, mong muốn họ thể hiện “đã” hơn để thỏa mãn khán giả.

Vì đam mê với nghệ thuật kịch chưa bao giờ tắt, Hương Dung cho biết nếu được nhận một vai diễn sân khấu lúc này, chị sẵn sàng gác lại mọi công việc khác. Ngoài ra, nghệ sĩ mong có cơ hội diễn cùng lớp trẻ, qua đó truyền cho thế hệ sau những kinh nghiệm của mình.

Nghệ sĩ Hương Dung thường được mời vào các vai sang chảnh trong phim

Ngoài mảng sân khấu, Hương Dung được biết đến với một số vai trên màn ảnh nhỏ trong các bộ phim như Chạy án, Chủ tịch tỉnh, Cầu vồng tình yêu, Người phán xử…

Trong vai bà Dung - vợ quan chức và là mẹ của Cao Thanh Lâm trong phim Chạy án, Hương Dung đã thể hiện sự sang trọng, quyền lực của các bà vợ quan chức biết tận dụng vị thế của chồng để làm giầu phi pháp. Nét đẹp sắc sảo, đài từ biến hóa đã giúp Hương Dung thể hiện thành công vai người phụ nữ quyền lực. Nét đài các, sang chảnh của nữ nghệ sĩ trong các vai diễn đưa hình ảnh của bà gắn liền với những người phụ nữ quyền lực trong suốt một thời gian dài.

Xem Hương Dung diễn, khó ai biết cuộc sống đời thực của chị khác xa những cảnh sang trọng chị đóng trên phim. Nhớ lại thời điểm đó, NSND Hương Dung bày tỏ: “Tôi thấy trời dường như thử thách tôi, để tôi phải gồng gánh người này cho đến người khác. Ðôi lúc nhìn lại tôi thấy phục mình”. Dù là diễn viên có tiếng nhưng áp lực cuộc sống nên có giai đoạn chị kinh doanh đồ ăn, mở quán cà phê. NSND Hương Dung cho hay: “Cứ việc gì hợp pháp mà ra tiền là tôi làm’’.

NSND Hương Dung trong Người phán xử

Với ba con nhỏ, để có thu nhập, suốt một thời gian dài Hương Dung duy trì công việc lồng tiếng, đóng phim, làm đạo diễn âm thanh, tổ chức sản xuất. Hương Dung còn nhận đến các tỉnh, hỗ trợ dựng vở cho một số đơn vị. Có thời gian, nghệ sĩ lại tổ chức lớp học online về luyện thanh, các kỹ thuật lồng tiếng. Có thời điểm, Hương Dung phụ trách 5 phòng lồng tiếng. Chị kể: Tôi vừa vào phòng này sắp xếp xong lại giao cho trợ lý, rồi chạy sang phòng khác. Ðến phòng cuối cùng thì tôi mới ngồi xuống làm. Tôi không hiểu tại sao thời điểm đó mình lại làm được như thế.

Dù đam mê kinh doanh, gồng gánh kinh tế gia đình nhưng mỗi khi nhận được dự án nào hợp vai chị lại thu xếp tất cả để đóng phim. Khác với vai mẹ Cao Thanh Lâm trong Chạy án, vào vai mẹ nuôi của Lê Thành trong phim Người phán xử Hương Dung cũng ghi được dấu ấn. Dù chỉ là một nhân vật phụ nhưng Hương Dung đã để lại ấn tượng đẹp về hình tượng người phụ nữ hết lòng vì chồng con, yêu thương con nuôi như con đẻ. Câu hát: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Ði suốt đời tình mẹ vẫn theo con” thật đúng với tấm lòng của người mẹ mà Hương Dung thủ vai, dẫu con mình có phạm sai lầm, có đầy nhược điểm thì tình mẹ vẫn ân cần, bao dung tha thứ bằng tình yêu thương vô bờ bến…

Chị quan niệm không chỉ vai chính mới có đất diễn. Ðôi khi vai phụ cũng là cơ hội để người diễn viên bộc lộ tài năng. Trong phim Người phán xử, ban đầu chị được giao vai vợ Phan Quân (NSND Hoàng Dũng). Sau đó, đạo diễn quyết định giao chị vào vai mẹ nuôi của Lê Thành (Hồng Ðăng đóng). Chị cho biết: “Tôi phải nghĩ xem mình diễn vai đó như thế nào. Ðến phân đoạn chồng chết, cố NSND Hoàng Dũng khi xem đã nói rằng ông đã khóc theo nhân vật của tôi”.

Nghệ sĩ Hương Dung trong phim Chạy án

Là nghệ sĩ thực lực với sức diễn đa dạng song Hương Dung thừa nhận bản thân thiệt thòi vì không được đào tạo qua trường lớp. Tuy nhiên quá trình làm nghề với việc được trải nghiệm ở nhiều nhân vật, từ chính diện đến phản diện giúp chị có được vốn sống, kinh nghiệm. NSND Hương Dung chia sẻ: “Ðã là diễn viên thì công việc chính là diễn, nhưng tôi cũng muốn đào tạo, truyền lửa cho thế hệ sau. Tôi làm với tâm thế hết lòng, còn được bao nhiêu thì khán giả là người đánh giá chính xác nhất”.

Ở tuổi 68, NSND Hương Dung thấy may mắn vì sức khỏe tốt dù luôn bận rộn, đôi khi chỉ ngủ 3-4 tiếng mỗi đêm. Làm nhiều việc song nghệ sĩ không thấy vất vả, bởi chị thích vận động. Sắp tới, chị mong sắp xếp được công việc để có thể giảng dạy trực tiếp tại các trung tâm hay trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Với NSND Hương Dung, nghệ thuật mãi mãi là thánh đường. Chỉ có ở trong đó, hóa thân vào những vai diễn khác nhau, sống với các cuộc đời nhân vật mới mang lại cho chị cảm giác hạnh phúc trọn vẹn.

HOA NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 568, tháng 4-2024

;