Lê Bích - Người ghi lại tình mẫu tử bằng nhiếp ảnh

Miệt mài suốt 20 năm đi dọc khắp mọi miền Tổ quốc, nhiếp ảnh gia Lê Bích ghi lại biết bao khoảnh khắc đẹp về tình mẫu tử thiêng liêng bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích cùng những nhân vật mẹ và con xuất hiện trong tác phẩm ảnh của anh

Tình cảm thiêng liêng dọc chiều dài đất nước 

Nghệ sĩ Lê Bích chia sẻ, bài hát Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý anh nghe từ thuở tấm bè đã thấm nhuần vào trong anh biết bao cảm xúc dạt dào về tình yêu thương, sự hi sinh mà mẹ dành cho con. Bên cạnh đó, anh còn nhớ mãi những câu thơ “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng” trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm. Ðể rồi đến khi làm chồng, làm cha, anh càng thấu hiểu hơn nỗi vất vả của vợ mình khi đảm đương thiên chức và cũng là trọng trách - làm một người mẹ. 

Quả thực, các loại hình nghệ thuật có sự kết nối với nhau thật tài tình. Dù là ngôn ngữ thể hiện khác nhau, khi là thơ, khi là nhạc, nhưng lại có sự truyền cảm hứng cho nhiếp ảnh. Và Lê Bích khao khát được thể hiện sự cao cả ấy bằng ngôn ngữ mà anh thành tạo nhất - đó là nhiếp ảnh. 

Mẹ bên con từ thuở con còn tấm bé

Ðó chính là động lực đã thôi thúc Lê Bích trong suốt 20 năm qua đi dọc đất nước Việt Nam để khắc họa lại chân dung tình mẫu tử ở nhiều vùng đất, trong nhiều dân tộc khác nhau. Nơi Lê Bích đi tới là những bản làng xa xôi, nơi rẻo núi cao quanh năm mờ sương phía Bắc Tổ quốc, đến những miền cát trắng đầy nắng và gió ở Nam Trung Bộ, cho tới những nơi đồng bằng châu thổ màu mỡ,… Sau mỗi chuyến đi ấy, Lê Bích nhận ra được một điều, dù là người HMông, Thái, Nùng, Lô Lô Ðen hay người Kinh,… thì việc người mẹ thể hiện tình cảm với những đứa con của mình trong mọi giây phút như lao động, vui chơi, nghỉ ngơi hay trao truyền tri thức đều rất giản dị, chân phương. 

Chiêm ngưỡng những bức ảnh giàu tình yêu thương ấy, Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saaudi Salama ngưỡng mộ biết bao hình ảnh người mẹ Việt Nam. Nếu như Lê Bích khắc họa hình ảnh người mẹ theo dọc chiều dài đất nước, thì Ðại sứ Saaudi Salama lại liên tưởng tới hình ảnh người mẹ theo dọc chiều dài lịch sử. Gợi lên trong suy nghĩ của vị Ðại sứ là hình ảnh những vị nữ lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, từ Bà Trưng, Bà Triệu, cho tới Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ðịnh, Nguyễn Thị Bình. Họ không chỉ đóng góp công sức rất lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà họ còn là những người mẹ bình dị. Ông lại tiếp tục hướng sự tri ân tới những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã thầm lặng hiến dâng cho Tổ quốc máu thịt những đứa con của mình. 

Gói ghém những câu chuyện vào nhiếp ảnh 

Trong suốt hành trình đi dọc mọi miền đất nước của mình, Lê Bích đã được gặp gỡ, trò chuyện và bắt kịp lấy biết bao giây phút đầy chân thực. Những bức ảnh thể hiện tình cảm giữa mẹ và con là đề tài rất đời thường, ai cũng có thể chụp được. Thế nhưng, trước khi chụp, anh thường dành nhiều thời gian để giao lưu với họ, cảm nhận niềm hạnh phúc lan từ mẹ sang con. Chính vì vậy, khi xem ảnh của Lê Bích, khán giả sẽ cảm thấy như thể vừa được thưởng thức loại hình nghệ thuật thứ 8, vừa lắng nghe tác giả đang thay lời người mẹ và người con xuất hiện trong ảnh kể lại câu chuyện của mình. 

Mẹ đau cùng những nỗi đau của con

Anh bồi hồi nhớ lại lần tận mắt chứng kiến hình ảnh một người mẹ ngồi bên con gái khi con vừa trải qua ca mổ dài 4 tiếng trong bệnh viện. Chị vừa hát ru con, vừa khóc thương con phải trải qua cơn đau đớn về thể xác. Anh cảm thấy, dường như có một sợi dây vô hình nối giữa mẹ và con. Trong khi cô con gái đau một phần, thì người mẹ xót con, phải đau những mười phần. 

Một lần ghé làng Chuông (xã Quốc Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng là quãng thời gian để lại trong anh thật nhiều cảm xúc đan xen. Dòng cảm xúc ấy đến từ cuộc gặp gỡ của anh với mẹ con nghệ nhân làm nón, là cụ Bấc khi đó 98 tuổi và bà Thái - con gái cụ 78 tuổi. Hình ảnh hai mẹ con dường như nghiêng cả cuộc đời mình tỉ mỉ, chăm chút cho từng vành nón lá khiến anh không khỏi rời mắt. Trong bức ảnh anh chụp hai mẹ con nghệ nhân, bà Thái đang lần mò từng mũi kim khâu nhỏ. Dẫu nhiều năm kinh nghiệm là thế, nhưng do bị khiếm thị, nên vẫn cần sự trợ giúp từ cụ Bấc. Khi chụp ảnh, tác giả đã ém nhẹ đi sự khiếm khuyết về thể chất của người con gái, nhằm tập trung tôn lên tình cảm thiêng liêng. Lê Bích đã gieo vào lòng người xem sự đồng cảm, cho dù con lớn tới đâu, con vẫn là con của mẹ, vẫn cần sự bảo ban từ mẹ, và luôn muốn được nương nhờ trong tình thương bao la của mẹ.

Đến khi con trở thành mẹ, mẹ vẫn luôn theo sát con

Những ngày tháng “săn” ảnh nơi miền núi cao là quãng thời gian đầy thử thách nhất trong quá trình thực hiện bộ ảnh này của Lê Bích. Khi ghé thăm tỉnh Mộc Châu, anh đã phải đi tới bản “ba không”: không điện, không đường, không trường học, chưa kể nước sinh hoạt thì dùng nước mưa. Có những cung đường bùn đất ngập nửa bánh xe, anh phải xuống để đẩy. Những thiếu thốn về mặt vật chất, những khó khăn về mặt địa lý như vậy cũng không làm anh nản lòng. Bởi anh tâm niệm, sự cầu toàn và lòng tự trọng trong nghề nghiệp chính là động lực giúp anh vượt qua tất cả những thử thách đó. Khi phát hiện được đề tài hay, anh phải cố gắng làm sao để thể hiện được đề tài đó một cách độc đáo nhất. 

Trong suy nghĩ của Lê Bích, sự khắc nghiệt và thiếu thốn nơi núi cao đã bồi đắp cho hình tượng người mẹ thêm phần mạnh mẽ. Họ gồng mình, chống chọi với những gian khổ đó, để đùm bọc trong trong vòng tay yêu thương. Rồi cả những khi núi rừng đón những cơn gió lạnh, vòng tay ấm áp mẹ xua tan đi lạnh giá nơi núi rừng. Sự hi sinh đó để đổi lại cho con được yên giấc ở mọi không gian, dù là khi băng qua những đoạn đường núi gập ghềnh, khi làm việc vất vả trên nương rẫy, hay những hôm họp chợ,… 

Mẹ và con ở miền núi ăn sáng

Những câu chuyện xúc động nêu trên là tuyển tập hơn 30 bức ảnh được nhiếp ảnh gia Lê Bích lựa chọn từ bộ sưu tập khoảng 100 bức ảnh anh chụp trong suốt hơn 20 năm, để giới thiệu tới công chúng trong triển lãm Mẹ yêu con nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ. Mẹ yêu con - cái tên triển lãm cũng mộc mạc, không khoa trương, nhưng đầy sâu sắc như một đời mẹ âm thầm nâng niu từng bước chân của con. 

Ðại sứ Saaudi Salama cảm nhận, triển lãm như một lời nhắc nhở những người con phải luôn biết ơn, luôn làm tròn chữ hiếu với đấng sinh thành của mình. Vì người mẹ lúc nào cũng mong muốn mình “đi trước” con, không bao giờ để con “đi trước” mình. “Ði trước” là để truyền dạy cho con thật nhiều bài học đáng trân quý, và để che chở cho con khỏi những hiểm nguy phía trước. Bởi với mẹ, con bao giờ cũng quan trọng hơn tất cả.

Mẹ Mai Anh và bé Thiện Nhân đạp xe

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích (sinh năm 1972) bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh của mình vào năm 2005. Anh được biết đến là một nhiếp ảnh gia gắn bó với đề tài về làng quê, nghề thủ công truyền thống. Trên hành trình sự nghiệp của mình, Lê Bích đã xuất sắc giành được những giải thưởng: giải Nhất cuộc thi ảnh Di sản và Văn hóa toàn quốc, giải Nhất cuộc thi ảnh Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, giải Nhì cuộc thi ảnh Tôi gìn giữ vẻ đẹp,…

NGỌC DIỆP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 565, tháng 3-2024

;