Những bức tranh về Hà Nội của Phạm Bình Chương được nhiều người say mê ngắm, đơn giản vì nó là những hình ảnh đọng lại và tái hiện như sờ nắm được, như vừa mới đâu đây, những hình ảnh thân quen gắn với ký ức tuổi thơ của chúng tôi, ký ức của người Hà Nội, thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, đặc biệt là thế hệ 7x. Những hình ảnh đó có thể quen thuộc với bố mẹ, với các anh chị 5x,6x nhưng lúc họ đang ở độ tuổi khác nên mối quan tâm không như chúng tôi. Những đứa trẻ mới lớn, ngắm nhìn và có bao kỷ niệm tuổi thơ trên những con phố, những đoạn đường, một vài địa chỉ, đâu đó đi theo chúng tôi suốt cuộc đời. Và trí nhớ của tuổi thơ thì sâu đậm, Hà Nội của một thời, Hà Nội những tháng ngày bao cấp, phố xá chưa đông và tấp nập như bây giờ. Trẻ con vẫn tự do, chơi trên các vỉa hè, phố phường vắng lặng khi về đêm, chưa có những quán ăn đêm dày đặc và đèn hiệu quảng cáo ngập tràn như bây giờ, thế kỷ hai mốt.
“Bước ngoặt lớn nhất của tôi là bức tranh tham dự Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, năm 1998, tôi vẽ hiện thực phố. Bức tranh thu hút sự chú ý vì một kiểu vẽ phố lạ mắt, nhưng chính xác hơn lại là sự quen thuộc được thể hiện sống động như thực” lời họa sĩ tâm sự.
Phạm Bình Chương, Bên hè phố, sơn dầu, 2019
Họa sĩ họa sĩ trừu tượng Mỹ người Latvia-Mark Rothko (1903-1970) cho rằng “bức tranh nhất định phải là một điều kỳ diệu, một sự soi rọi, một bất ngờ, là một giải pháp và một nhu cầu quen thuộc vĩnh cửu chưa từng có…”1 Ý của Rothko là gì khi ông nói “một điều kỳ diệu, một sự soi rọi”? Có lẽ ông nói tới sự kết nối trực tiếp giữa người xem, người thưởng ngoạn với một tác nghệ thuật, ở đây là những bức tranh. Nghệ thuật là gì? Hành trình thưởng ngoạn bắt đầu từ đâu? Vâng, đối với nghệ thuật thị giác, yếu tố đầu tiên thu hút ánh mắt, cảm xúc chính là hình ảnh, hình ảnh đó bao gồm màu sắc và hình khối, ngay lập tức cảm xúc xuất hiện và tạo kết nối giữa người xem và tác phẩm. Có những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới nhưng người xem cảm nhận xa lạ, hầu như không hiểu giá trị hoặc thậm chí hoài nghi về sự nổi tiếng của tác phẩm, đơn giản là người thưởng ngoạn chưa có mặt tại không gian, thời gian mà tác phẩm ra đời hay hiểu được hệ thống giá trị mà các nhà chuyên đã đo lường và đánh giá. Ý sau của Marth Rothko “nhu cầu quen thuộc vĩnh cửu chưa từng có.” Câu chuyện nghệ thuật giản dị mà không đơn giản. Những người yêu nghệ thuật hay hỏi tôi “tác phẩm này có giá trị không?” “giá trị thế nào?” Thật không dễ trả lời, và tôi thường nhắn nhủ: “là người thưởng ngoạn, bạn chỉ cần yêu tác phẩm, cảm nhận sự kết nối với tác phẩm là đủ” nếu là một nhà sưu tập, bạn sẽ có góc nhìn khác, là một nhà nghiên cứu, bạn cũng đánh giá tác phẩm theo những mục đích khác nhau.
Phạm Bình Chương, Sau cơn mưa, sơn dầu, 2020
“Ông nội của tôi là chủ nhà may áo dài có tiếng ở Hà Nội. Bố làm GS mỹ thuật nên tôi vẽ từ lúc lên 5. Tôi cũng là những sinh viên hy hữu thi 1 lần là đỗ ngay Trường Ðại học Mỹ thuật Việt Nam, vì thực tế đã luyện thi từ hồi lớp 6.” Tranh của Chương, thọat nhìn ta sẽ tưởng chỉ là những hình ảnh hiện thực tái hiện những góc phố, những mái nhà, những góc cầu thang, những chiếc xe đạp, gốc cây bàng thanh vắng nhưng không cô liêu. Không đơn thuần như thế, cửa hiệu thời Pháp thuộc hay Hà Nội xưa giờ sửa chữa xe máy, tên cửa hàng viết bằng phấn, ở đó có lịch sử, sự thịnh suy của mỗi dòng họ, gia đình. Cánh cửa gỗ ra vào bé xíu, là chứng tích những ngôi nhà lớn được phân chia cho nhiều hộ nhỏ, vách ngăn lối đi, bên cạnh cửa là hình vẽ một cô gái thời hiện đại… một bức tường, ô cửa sổ của công trình kiến trúc thời Pháp thuộc nằm phía sau, tiền cảnh là một ngôi nhà mặt phố, kiểu xây những năm 70, 80, có in quảng cáo số điện thoại khoan cắt bê tông của hiện tại, vẫn cây bàng năm xưa nhưng gốc cây có hàng gạch bao quanh. Mỗi góc cảnh, mỗi khung cửa anh chọn lựa đặt vào tranh, ở đó có văn hoá, có lớp lớp thời gian của Hà Nội, có hiện tại và quá khứ, có cái đã qua và cái đang tiếp diễn, lớp văn hóa, lớp thời gian chồng phủ lên nhau nhưng là một thể thống nhất, không tách rời, đó là Hà Nội. Ðó cũng chính là hành trình sống của mỗi cá nhân và cấu thành văn hóa, ta bồi đắp, thu nhận mà chưa có thời gian để thấu hiểu, nhận diện giữa bộn bề cuộc sống thường ngày.
Phạm Bình Chương, Ngày lợi ký, sơn dầu 2023
Nếu như Hà Nội trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, là những phố cổ rêu phong, liêu xiêu, man mác buồn gắn với tâm hồn người họa sĩ những thập niên 50, 60, Hà Nội của Phạm Bình Chương là một giai điệu khác, giai điệu của anh không rộn ràng màu sắc và tấp nập như tranh vẽ Hà nội của những hoạ sĩ khác vẽ về Hà Nội phố. Hà Nội của anh trầm lắng, tỉ mỉ, nhẹ nhàng, tinh tế tới từng chi tiết, mọi ngóc ngách đều có cảm xúc, đều gửi gắm một dấu ấn thời gian.
Nghệ thuật là một con đường, một hành trình, một lựa chọn rất riêng. Họa sĩ tâm sự “Tôi ra trường đúng lúc các loai hình nghệ thuật mới tràn vào, tôi cũng thử nghiệm đủ thứ như sắp đặt và trừu tượng. Nhưng tôi thấy xa lạ, hiện thực gần như bị bỏ ngỏ.”
Có những họa sĩ liên tục thử nghiệm tìm tòi và thay đổi, Phạm Bình Chương dấn thân vào hiện thực chỉ để trả lời câu hỏi “mình có vẽ được hiện thực không?” và anh chung thuỷ, miệt mài gửi trọn tình yêu ở những khoảnh khắc, những góc phố, những hình ảnh duy nhất, duy nhất vì nó sẽ thay đổi cùng với thời gian và những người sống trong không gian.
Phạm Bình Chương, Trò chuyện, sơn dầu, 2005
Anh tạo được tâm thái bình an trong không gian phố của mình “Hà Nội càng mất dần đi thì càng quý, và tôi phải vẽ!” một dãy nhà cổ đang được thay thế bằng công trình xây dựng, sự dở dang trong thời khắc này sẽ được thay thế bằng một khách sạn sang trọng giữa con phố cổ, và khoảnh khắc xưa chỉ còn lại trong ký ức.
Nghệ thuật là đời sống, là một cuốn phim tài liệu, nghệ thuật là quá khứ, sự hoài niệm, tình yêu, cái nhìn chân thực trong tâm hồn người họa sĩ. Có lẽ Bình Chương được thừa hưởng bút pháp hiện thực từ người thầy, người cha của mình là cố họa sĩ, nhà giáo Phạm Công Thành, ông cũng là người thầy của thế hệ các nhà nghiên cứu chúng tôi.
Phạm Bình Chương, Nắng đông, sơn dầu, 2016
Những bức tường, ô cửa sổ, hay vỉa hè Hà Nội trong tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương kết nối với ký ức, kỷ niệm và cảm xúc rất riêng của mỗi chúng ta về Hà Nội, không ai giống ai. Tôi và Chương cùng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, hồn Kẻ Chợ đã nuôi dưỡng tình yêu từ mỗi gốc cây, từng góc phố, cơn gió chuyển mùa, ăn sáng uống nước chè trên vỉa hè ngoài phố. Anh được phong danh hiệu “người giữ hồn phố cổ”. Những bức tranh của anh đưa ta ngược dòng về quá khứ giữa không gian náo nhiệt của đời sống thế kỷ XXI, bức tranh Hiệu sách số 2 Thi Sách gắn với tuổi thơ và lý tưởng trong suốt hành trình sống và học tập của tôi.
Với Chương “con người có thân phận, Hà Nội cũng có thân phận của nó” và anh tiếp tục kể câu chuyện Hà Nội đó qua hội họa và hạnh phúc với những bức tranh của mình.
Phạm Bình Chương, Nắng cũ, sơn dầu, 2014
Với người yêu nghệ thuật mỗi bức tranh ta sẽ chạm vào cảm xúc, điều mà chính tôi tâm đắc với Johannes Itten (1888 - 1967) khi ông viết “Tác phẩm nghệ thuật được tái sinh trong mỗi con người, hay nói cách khác, chúng ta- người thưởng ngoạn tái sinh tác phẩm một lần nữa, khi kết nối và đón nhận tác phẩm.2
_________________
1. Mark Rothko “Nguồn cảm hứng của những người lãng mạn” Trích dẫn trong cuốn “Lý Luận” của Chipp. trang 549 (“Picture must be miraculous… a revelation, an unexpected and unprecedented resolution of an eternally familiar need.” Mark Rothko, “The Romantics Were Prompted,” 1947, quoted in Chipp, Theories, p549.
2. Họa sĩ biểu hiện, nhà lý luận người Thuỵ sĩ Johannes Itten viết trong cuốn sách Phân tích những kiệt tác trích dẫn trong cuốn Lý Luận nghệ thuật 1900-2000 của Harrion và Wood, trang 304 (Analyses of the Old Masters quoted in Harrison and Wood(eds) Art in theory, 1900-2000, p.304).
NGUYỄN VI THỦY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 568, tháng 4-2024