1. Làng nghề đúc đồng Đại Bái
Làng Đại Bái thuộc xã Đại Bái nằm ở phía tây của huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, phía bắc giáp xã Lãng Ngâm, Đông Cứu, phía đông giáp xã Quỳnh Phú (huyện Gia Bình), phía tây giáp xã Mão Điền, An Bình (huyện Thuận Thành), phía nam giáp xã Quảng Phú (huyện Lương Tài). Đại Bái có tên cổ là làng Bưởi Nồi, cách Hà Nội khoảng 35km, cách trung tâm tỉnh Bắc Ninh khoảng 20km (bên bờ Nam sông Đuống) và cách huyện lỵ Gia Bình 3km và có tỉnh lộ 282 chạy qua. Đại Bái có vị trí địa lý thuận lợi cho việc phát triển giao lưu kinh tế giữa địa phương với các vùng khác thông qua đường thủy lẫn đường bộ.
Theo thống kê, toàn xã có khoảng 600 hộ (chủ yếu ở thôn Đại Bái) làm nghề đúc đồng truyền thống và các loại hình dịch vụ phụ trợ như vận tải, thu gom vật liệu, trưng bày sản phẩm… góp phần giải quyết cho 3.000 lao động địa phương và những vùng phụ cận, với mức thu nhập trung bình từ 3 triệu - 5 triệu đồng/người/tháng.
Đại Bái là làng nghề thủ công truyền thống với các nghề chính: gò đồng, đúc đồng, dát đồng, đúc nhôm, gò nhôm, trong đó nghề gò đúc đồng là nổi tiếng nhất. Ngoài ra, ở đây còn nhận dát mỏng kim loại, gia công cơ khí, kim khí hoàn chỉnh các chi tiết, chạm khắc kim loại, ghép tam khí… Làng Đại Bái có 5 xóm, mỗi xóm chuyên một loại sản phẩm như: xóm Sôn chuyên đồ thờ và chậu; xóm Tây chuyên về mâm, chiêng, cồng, thanh la; xóm Giữa chuyên niêu, siêu; xóm Ngoài chuyên nồi và xóm Trại.
Theo tương truyền, năm xưa, làng Đại Bái còn có tên là làng Văn Lãng (có thời kỳ làng còn có tên là làng Bưởi Nồi), làng nằm trên một dải đất cao bên bờ sông Bái Giang (sông Đuống bây giờ), chuyên sản xuất các dụng cụ thiết yếu, đồ dùng bằng đồng trong gia đình như: ấm, mâm, chậu thau... Tuy nhiên, phải đến đầu TK XI nghề đúc đồng ở Đại Bái mới được phát triển mạnh nhờ công của Tiền tiên sư Nguyễn Công Truyền, người chuyên lo tổ chức sản xuất, tạo mẫu, phát triển thị trường. Theo lịch sử, ông Nguyễn Công Truyền sinh năm 989 tại làng Đại Bái, mất ngày 29-9 (âm lịch) năm 1060. Ông xuất thân trong một gia đình nho học. Năm 995, lúc lên 6 tuổi, ông theo cha mẹ vào Thanh Nghệ để sinh sống (hiện còn gọi là làng Đại Bái, làng Bưởi và cũng làm nghề đúc đồng). Khi lớn lên, ông vào quân ngũ. Năm 25 tuổi, ông làm quan Đô úy của triều Lý, sau này khi cha mất, ông từ quan và đưa mẹ về quê hương phụng dưỡng và từ đó, tổ chức sản xuất nghề đúc đồng tại quê hương. Ông cho đón thợ, mở lò rèn về sửa chữa nông cụ sản xuất giúp bà con cải tiến sản xuất. Đến TK XV, XVI làng có 5 ông tiến sĩ: Nguyễn Viết Lai, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Viết Thái, Phạm Ngọc Thanh và Nguyễn Công Tám. Sau khi đỗ đạt phong quan về làng, các ông chú trọng tổ chức mở rộng sản xuất và phân công chuyên môn hóa ngành nghề và thành lập các phường sản xuất riêng từng loại mặt hàng. Nhờ có sự phân công, tổ chức hoàn thiện đã giúp cho Đại Bái nhanh chóng phát triển với nghề đúc đồng, gò đồng nâng cao kỹ thuật luyện đồng. Các sản phẩm này được sản xuất và bán buôn, bán lẻ trên khắp các vùng quê ở các tỉnh lân cận, đặc biệt, trong đó có một số gia đình thợ thủ công ở làng Đại Bái bày bán sản phẩm đồ đồng gia dụng ở Thăng Long - Hà Nội.
Theo thời gian, làng nghề Đại Bái nhanh chóng phát triển với nghề đúc đồng, gò đồng và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nghề gò đồng Đại Bái qua nhiều thăng trầm đã không dừng lại với trình độ thủ công ban đầu mà phát triển mở rộng sang các loại hình đòi hỏi trình độ cao. Sự phát triển này đem lại cho Đại Bái một chỗ đứng mới trong nền kinh tế thị trường. Sản phẩm của làng Đại Bái được quảng cáo trên trang website, dự trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học chào mừng Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Hà Nội vào trung tuần tháng 11-2006. Như vậy, sản phẩm của làng Đại Bái đã vươn xa thêm một bước không chỉ về mặt giá trị mà còn là sản phẩm đại diện cho tinh hoa của một miền quê được thế giới công nhận.
Với tư duy nhạy bén, người thợ làng nghề đã tìm ra hướng đi mới như sáng tạo sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới, tìm kiếm thị trường, huy động các nguồn lực để giúp làng nghề phát triển trong xã hội hiện nay. Các sản phẩm của làng nghề được chuyển đổi nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của thị trường, trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, người thợ thủ công đã tạo ra các sản phẩm mang tính thời đại và mang lại lợi ích kinh tế góp phần to lớn vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của làng nghề trong xã hội đương đại.
Tuy vậy cũng như các làng nghề khác, Đại Bái đang phải đối mặt với nhiều thách thức như giá nguyên vật liệu tăng, thiếu vốn, khan hiếm lao động có tay nghề cao, ô nhiễm môi trường… Trước thực trạng này, chính quyền và người dân đã tập trung thực thi nhiều giải pháp để giảm bớt những ảnh hưởng của cơ chế thị trường. Các hộ sản xuất kinh doanh tập trung vào những mặt hàng gia dụng truyền thống, làm theo đơn đặt hàng. Với vấn đề ô nhiễm môi trường, UBND xã thống kê các hộ có lò đúc để tuyên truyền làm ống khói giảm ô nhiễm môi trường với sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ. Việc đào tạo lực lượng trẻ có tay nghề cao được thực hiện bằng cách khơi gợi cội nguồn, mời gọi các nghệ nhân đã thành danh đang sinh sống ở địa phương khác về mở lớp truyền nghề tại cụm công nghiệp…
2. Tài nguyên du lịch cộng đồng ở làng đúc đồng Đại Bái
Điều kiện tự nhiên
Địa hình: núi Thiên Thai là ngọn núi duy nhất của huyện, mặc dù địa hình đồi núi chiếm tỷ lệ nhỏ và không tạo nên được những cảnh quan đặc sắc nhưng cũng làm giảm đi sự đơn điệu của địa hình đồng bằng. Địa hình ở Đại Bái thuận lợi để hình thành các khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần phục vụ khách du lịch nội địa từ thủ đô và các tỉnh thành lân cận.
Khí hậu: huyện Gia Bình thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm 23,30C, mặc dù không có những hiện tượng thời tiết đặc biệt, nhưng thời tiết ở đây đã bổ trợ cho các yếu tố khác để làm nên nét hấp dẫn đối với khách du lịch.
Sông ngòi: phần diện tích của xã Đại Bái có hệ thống sông Đuống chảy qua, dòng sông Đuống trên địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 42km. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có sông Đông Côi và nhiều ngòi lạch. Hệ thống sông ngòi của xã có vai trò là nguồn cung cấp nước và tiêu úng cho sản xuất nông nghiệp, là tuyến giao thông đường thủy quan trọng của địa phương. Các làng mạc, các khu quần cư trên địa bàn Bắc Ninh nói chung, huyện Gia Bình nói riêng đã hình thành dọc bờ các con sông này. Cư dân nơi đây dựa vào sông và gắn bó với sông không chỉ qua các hoạt động phát triển kinh tế mà còn trong đời sống tinh thần. Các di tích lịch sử văn hóa có giá trị hình thành cùng làng mạc dọc sông; các truyền thuyết dân gian, những làn điệu dân ca trữ tình hình thành nơi đây… Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động về làng quê Kinh Bắc, là nguồn tài nguyên có giá trị khai thác các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tài nguyên du lịch nhân văn
Huyện Gia Bình có hệ thống tài nguyên nhân văn rất đa dạng và phong phú, trong đó, có giá trị nhất về mặt văn hóa, lịch sử và phát triển du lịch phải kể đến hệ thống di tích lịch sử, văn hóa mà tiêu biểu là đình, chùa.
Hiện nay, làng lưu giữ được quần thể di tích cổ kính linh thiêng gồm: đình Văn Lãng, đình Diên Lộc, chùa Diên Phúc, lăng mộ tổ sư Nguyễn Công Truyền, điếm Sôn, giếng Ông Gióng... là những dấu tích minh chứng cho bề dày lịch sử của mảnh đất này, đồng thời là những công trình văn hóa tâm linh thờ thánh, thờ phật và còn là nơi thờ phụng, tưởng niệm sâu sắc về những danh nhân, người con của dân làng Đại Bái đã có nhiều công lao với đất nước, quê hương. Trong hệ thống di tích làng Đại Bái, đình Diên Lộc, chùa Diên Phúc và lăng tổ nghề Nguyễn Công Truyền đã được xếp hạng cấp Quốc Gia, Quyết định số 1570/VH-QĐ, ngày 5-9-1989.
Di sản văn hóa phi vật thể: dân ca quan họ Bắc Ninh là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ có nguồn gốc ở vùng văn hóa Kinh Bắc. Ngày 30-9-2009, tại kỳ họp thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28-9 tới ngày 02-10-2009), dân ca quan họ Bắc Ninh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Lễ hội truyền thống: ở Đại Bái, ngày hội làng là ngày mùng 10-4 âm lịch, đặc biệt, làng có lễ hội giỗ tổ nghề gò đúc đồng vào 29-9 âm lịch hàng năm. Vào ngày hội, việc tế tổ được giao cho những người đứng đầu các họ lớn, là những họ chủ trì ở các xóm, các phường nghề, những người đứng đầu ấy gọi là các cụ trùm (hoặc hương trùm), gọi chung là nóc các cụ trùm. Chỉ các nóc hương trùm mới được giao vai tế chủ. Bên cạnh ngày lệ chính vào ngày 29-9, còn có ngày mồng 6-2 và ngày 16-8, là ngày xuân thu nhị tế, dân làng sắm sửa lễ vật ra đình để dâng tổ nghề thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với người đã mang lại sự ấm no cho dân làng.
Nghề thủ công gò, đúc đồng: đây là nghề chính và nguồn sống chủ yếu của người dân làng Đại Bái. Hoạt động sản xuất nơi đây ban đầu được tổ chức dưới dạng các phường sản xuất chuyên môn hóa theo từng mặt hàng như phường chuyên gò đồng, chuyên làm mâm, làm ấm, làm chậu thau, rút dây đồng... Chính sự chuyên môn hóa này đã làm cho làng nghề Đại Bái ngày càng phát triển. Toàn xã có khoảng 600 hộ (chủ yếu ở thôn Đại Bái) làm nghề đúc đồng truyền thống và các loại hình dịch vụ phụ trợ như vận tải, thu gom vật liệu, trưng bày sản phẩm... góp phần giải quyết cho 2.000 lao động địa phương và những vùng phụ cận, với mức thu nhập trung bình từ 500-700 nghìn đồng/người/tháng. Huyện Gia Bình có cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái có vốn đầu tư 20,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 100 lao động, giá trị sản xuất mỗi năm là 16,8 tỷ đồng (1).
Văn hóa ẩm thực: khi nói đến văn hóa ẩm thực vùng đất ngàn năm văn hiến nhất thiết phải đề cập đến không gian của làng quê Kinh Bắc với phong tục cổ của người Việt. Trong mỗi bữa tiệc liên hoan hay hội hè, đình đám đều không thể thiếu những liền anh liền chị, trong chiếc áo mớ ba mớ bảy ngân nga làn điệu quan họ. Ngoài ra, trong các lễ hội văn hóa dày đặc của miền quê Kinh Bắc không thể thiếu được các món ăn truyền thống để phục vụ người tham dự như một món quà thể hiện sự hiếu khách khi bạn đến.
Nhận thấy được những tiềm năng phát triển du lịch làng nghề với sự tham gia của cộng đồng ở Đại Bái, Hội đồng nhân dân huyện Gia Bình đã đưa ra Nghị quyết phê duyệt kế hoạch thực hiện phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch của huyện giai đoạn 2015-2020, đồng thời duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống, giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc văn hóa vùng Kinh Bắc cổ, xây dựng tour, tuyến du lịch nội vùng, liên vùng để tạo những tuyến du lịch bền vững.
________________
1. UBND xã Đại Bái, Báo cáo tổng kết tình hình dân số, kinh tế, văn hóa xã hội năm 2016, 2016
Tác giả: Ngô Thị Minh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018