Tiềm năng của thị trường nghệ thuật Việt Nam

Tháng 4/2024, Nhà đấu giá Millon đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với các đối tác Việt Nam để thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội. Sự kiện này là dấu mốc khởi đầu để văn phòng đại diện Millon Pháp tại Việt Nam hoạt động theo quy chuẩn của một nhà đấu giá quốc tế, tăng cường giao lưu văn hóa Việt - Pháp, tạo sự sôi động cho thị trường đấu giá nghệ thuật Việt, từ đó nâng tầm nghệ thuật, văn hóa Việt Nam. Ông Alexandre Millon - Chủ tịch Nhà đấu giá Millon Pháp đã trả lời phỏng vấn của phóng viên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhân dịp ông sang Việt Nam tham dự buổi lễ ký kết hợp tác này.

Ông Alexandre Millon

Thưa ông Alexandre Millon, bắt đầu từ khi nào Nhà đấu giá Millon quan tâm đến hội họa Việt Nam cũng như nghệ thuật Việt Nam nói chung?

Nhà đấu giá Millon được thành lập từ năm 1928, có trụ sở chính tại Trung tâm đấu giá Drouot, thuộc quận 9 tại Paris. Ngoài thế mạnh về cổ vật, đồ tạo tác quý hiếm, chúng tôi còn rất quan tâm tới các tác phẩm nghệ thuật. Tôi còn nhớ vào năm 2010, bức tranh sơn dầu Chiều tà của Vua Hàm Nghi đã được bán đấu giá tại Millon và người điều hành phiên đấu giá đó chính là tôi. Tôi đã rất ngạc nhiên trước mức giá rất tốt cho tác phẩm này ở Pháp vào thời điểm đó. Kể từ đó, Millon đặc biệt quan tâm đến các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam. Qua tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật Việt Nam, tôi cũng nhận thấy một phần lịch sử của hai nước Việt - Pháp gắn liền với nhau, Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, sau này là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và kể từ đó, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đã diễn ra không ngừng. 

Toàn cảnh buổi lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa nhà đấu giá Millon - Pháp với các đối tác Việt Nam diễn ra tại Hà Nội

Vậy từ khi nào Nhà đấu giá Millon có dự định thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam?

 Cùng với đại diện của giới văn hóa tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng tính minh bạch và đảm bảo từ các cuộc đấu giá công khai ở Pháp đã góp phần trả lại “một kho báu đã biến mất” cho đất nước nơi nó đã được tạo ra. Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, Millon không ngừng tìm kiếm, nghiên cứu đưa ra thị trường những tác phẩm quý của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, các tác phẩm của họa sĩ Pháp về Việt Nam cũng như các món cổ vật quý giá, nhất là các cổ vật ví như tác phẩm nghệ thuật của các cựu hoàng Triều Nguyễn. Trong đó, ấn tượng nhất chính là Ấn vàng “Hoàng Ðế Chi Bảo” năm 1823, nặng 10,78kg. Ðây là con dấu vàng của vua Minh Mạng (trị vì từ năm 1820 đến năm 1841). Năm 2022, Millon với sự trợ giúp của Chính phủ Pháp cũng như sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Bộ VHTTDL Việt Nam, đã đưa về Việt Nam thành công báu vật quốc gia này. Việc tổ chức đấu giá hiện vật lịch sử này và kết quả của nó đã thuyết phục tôi rằng, Millon cần tiến xa hơn nữa đối với thị trường nghệ thuật Việt Nam và giao lưu văn hóa Pháp - Việt. Sau nhiều tìm hiểu, tiếp cận thực tế tại Việt Nam, tôi nhận thấy tiềm năng, sự phát triển tại đây nên đã có những kế hoạch mở ra quan hệ đối tác địa phương để quảng bá các tác phẩm và đồ tạo tác nghệ thuật của Việt Nam. 

Hiện vật lịch sử - Ấn vàng Hoàng Đế Chi Bảo đã trở về Việt Nam vào cuối năm 2023 - Ảnh BTC

Vậy, việc một hãng đấu giá nghệ thuật đặt chi nhánh tại Việt Nam có những thuận lợi gì, thưa ông?

Thuận lợi đầu tiên là các phiên đấu giá được hợp chuẩn luật quốc tế, luật pháp Việt Nam, minh bạch nguồn gốc xuất xứ, giá trị, thanh khoản… qua việc được niêm yết công khai. Khách hàng có thể tiếp cận thông tin được từ nhiều nguồn mở.

Thứ hai là khách hàng được tham quan các tác phẩm nghệ thuật trước phiên đấu giá. Việc này rất quan trọng bởi khi tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm và hiện vật, cảm xúc, cảm quan sẽ khác với việc xem hình ảnh gián tiếp. Ngoài ra, khách hàng còn được trải nghiệm những cảm xúc trong không gian trưng bày tinh tế, được trao đổi thông tin với những người cùng sở thích, đam mê, từ đó tìm thấy cơ hội đầu tư mới. Một thuận lợi lớn nữa là các tác phẩm nghệ thuật sẽ không phải di chuyển giữa Pháp và Việt Nam, tiết kiệm chi phí lớn, giúp tâm lý người mua và bán được yên tâm khi hiện vật quý hiếm được đảm bảo an toàn.

Hộp sơn mài hình chữ nhật - xuất xứ Trường Mỹ thuật Đông Dương, thế kỷ XX

Khi một hãng đấu giá lựa chọn một quốc gia để đặt chi nhánh thì có nghĩa là quốc gia đó có tiềm năng lớn để phát triển thị trường đấu giá tài sản nghệ thuật. Ðây là một ngành nghề có tính chất đặc biệt, liên quan đến thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa và đặc biệt thanh khoản lớn, mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách quốc gia.

Bình phong sơn khắc - Tác phẩm này là thành quả của sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương - tham gia phiên đấu giá ngày 20/4/2024

Ðể tham gia phiên đấu, nhiều khách hàng sẽ đến Việt Nam tham dự trực tiếp. Mỗi năm sẽ có nhiều phiên đấu, nếu nhiều hãng mở chi nhánh tại Việt Nam thì từ các cuộc đấu giá này, thương hiệu quốc gia về nghệ thuật sẽ được định hình, lan tỏa trên thị trường nghệ thuật thế giới như các trung tâm đấu giá ở Hong Kong, Singapore…

Ông nhận thấy những tiềm năng gì ở thị trường nghệ thuật Việt Nam?

Trong gần 10 năm Nhà đấu giá Millon tổ chức đấu giá dành riêng cho nghệ thuật Việt Nam tại Paris, chúng tôi nhận thấy khoảng 80% người mua là nhà sưu tập Việt Nam, trong khi người bán hầu hết là người châu Âu. Hầu hết các hiện vật và tác phẩm đã quay trở lại làm phong phú thêm các bộ sưu tập của Việt Nam, đặc biệt nhờ các cuộc đấu giá công khai. Bởi vậy, Millon Việt Nam được lập ra với mục tiêu tạo điều kiện cho người bán các tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam tin tưởng ủy thác các hiện vật quý, người mua có cơ sở pháp lý để thực hiện sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật với các giá trị nguồn gốc công khai, minh bạch và giảm bớt rủi ro hay chi phí mua bảo hiểm đắt đỏ khi phải di chuyển giữa các quốc gia.

Tĩnh vật hoa của họa sĩ Lê Phổ

Vậy, các phiên đấu giá duplex live (kết nối ghép) Pháp - Việt sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

Lợi ích từ nền tảng số đã cho ra đời các cuộc đấu giá live, khi phiên đấu giá tổ chức ở Paris nhưng các nhà đầu tư, nhà sưu tập Việt Nam có thể tham dự từ Việt Nam qua điện thoại hoặc trực tuyến trong một phòng trưng bày tại Hà Nội để thưởng lãm nghệ thuật và giao lưu. Các phiên đấu giá này sẽ tuân thủ pháp luật của Pháp về đấu giá công khai và tuân thủ đầy đủ những quy định của pháp luật Việt Nam. Hình thức này sẽ tạo thêm cơ hội cho các nhà sưu tầm nghệ thuật châu Á có thể đến Việt Nam tham gia buổi đấu tại Paris thông qua Millon Việt Nam. Ðây là động thái quyết liệt trong việc tiếp cận thị trường nghệ thuật Việt Nam. Trong giao lưu văn hóa, đấu giá là cầu nối giao lưu tuyệt vời để công chúng biết đến các tác phẩm nghệ thuật có thể đang được lưu giữ ở Pháp, cũng có thể ở Việt Nam.

Tranh lụa Thiếu nữ của Trần Đông Lương (1925-1993) trong phiên đấu giá ngày 20/4

Vào ngày 20/4/2024, phiên đấu giá duplex live Nghệ thuật Việt Nam đã diễn ra đồng thời tại Paris và Hà Nội. Các tác phẩm nghệ thuật của nhiều danh họa tên tuổi được thẩm định tại Việt Nam được trưng bày tại Hà Nội và các tác phẩm được đánh giá cao nhất, thẩm định tại Pháp được trưng bày ở Paris. Sự mới mẻ và hấp dẫn của hình thức duplex đã “kích hoạt” cảm giác hồi hộp của các nhà sưu tập từ khắp nơi trên thế giới, để người bán có được mức giá tốt nhất cho những tác phẩm mà họ đã giao phó cho Millon. Ðây chính là phương châm của chúng tôi! 

Tác phẩm Hoa cúc vàng của họa sĩ Lương Xuân Nhị tham gia phiên đấu giá ngày 20/4/2024 của Nhà đấu giá Millon

Dự án này sẽ được thực hiện theo luật nghiêm ngặt về quản lý đấu giá công khai ở Pháp, với một đối tác Việt Nam, có tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Ví dụ, chúng tôi có thể tiếp các nhà sưu tập Việt Nam tại Hà Nội và cung cấp cho họ tất cả sự đảm bảo cũng như thông tin họ cần, đồng thời giới thiệu tác phẩm ở Pháp. Qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa Pháp và Việt Nam, thúc đẩy thị trường nghệ thuật Việt Nam như một phần của mối quan hệ hợp tác này. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

LÊ MINH (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí VHNT số 568, tháng 4-2024

;