Tình anh em - đề tài không mới nhưng chưa bao giờ cũ với các nhà làm phim. Anh em không chỉ đơn giản là người thân, họ còn là những mối dây liên kết chặt chẽ gia đình với nhau. Bộ phim mới của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) với tựa đề Người một nhà là một minh chứng cho điều đó.
Sở trường là những bộ phim tình cảm gia đình như Chiều ngang qua phố cũ, Trở về giữa yêu thương, Thông gia ngõ hẹp, Anh có phải đàn ông không?..., đạo diễn Trịnh Lê Phong một lần nữa tiếp tục khai thác đề tài gia đình với bộ phim Người một nhà. Lần này, những góc nhìn về gia đình được anh đặt ra qua số phận của hai anh em sinh đôi. Tình anh em từng được khai thác trên phim truyền hình, gần đây nhất là bộ phim Cây táo nở hoa (remake từ phim Hàn Quốc What’s WrongPoong Sang (Liver or Die - Sống hay chết) do đài KBS sản xuất năm 2019) từng gây tiếng vang khi phát sóng trên kênh HTV2. Lần này, với một kịch bản thuần Việt, Người một nhà mang đến câu chuyện xúc động về hai anh em sinh đôi bị chia cắt từ nhỏ, khi bố mẹ ly hôn để rồi 15 năm sau mới gặp lại. Khi ấy, họ đã là hai thân phận khác biệt, mở ra hành trình trở về, hàn gắn và xoa dịu những vết thương trong quá khứ.
Trailer mở đầu bằng tình tiết Trí - người anh bất ngờ liên lạc với em trai trong thân phận một kẻ thất bại. Còn người em trai khi ấy đã có một gia đình êm ấm bên vợ và con gái. Cả hai đều đã là những người đàn ông trung niên, không còn trẻ nhưng cũng không quá già để làm lại cuộc đời. Tuệ muốn mở rộng cửa để chia sẻ hơi ấm gia đình cho anh mình cũng như mở ra con đường để anh trở về. Nhưng cuộc sống không phải bao giờ cũng như ta muốn bởi những định kiến đã ăn sâu, trở ngại đầu tiên đến từ chính vợ anh.
Trong vai cặp song sinh Trí và Tuệ, Duy Hưng và Tuấn Tú đã có những vai diễn mới mẻ
“Nếu ai cũng như em thì những người như anh Trí biết sống ra sao trong xã hội này?”. Câu cảm thán của Tuệ cũng chính là nỗi lòng đau đáu của một người em tuy không sâu sắc, cũng chẳng thành đạt trong đời nhưng luôn yêu quý tôn sùng anh mình vô điều kiện. Còn Trí vốn tính nghĩa hiệp, ngang tàng nhưng luôn sẵn sàng che chở cho em và chịu thiệt thòi về mình. Luôn khao khát được yêu thương, Trí có thể hận cả thế giới nhưng lại luôn mềm lòng với em trai mình. Tình cảm của hai anh em song sinh trong những khác biệt cả về tính cách và số phận chính là sức hút của Người một nhà, vừa mang lại những phút giây xúc động về tình cảm gia đình - nhìn từ quan hệ anh em ruột thịt, lại vừa là những bài học ý nghĩa. Nó khiến người ta phải nhìn lại mình trong quan hệ với người thân, để rồi bao dung hơn, sẻ chia đồng cảm hơn. Không chỉ ấm áp bởi hành trình đi tìm lại hơi ấm tình thân, bộ phim còn là những câu chuyện xúc động về hành trình sửa sai và hàn gắn, xoa dịu những vết thương quá khứ.
Lâu nay, trong phim truyền hình Việt, mối quan hệ gia đình thường được khai thác qua tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Lần này, thông qua số phận của hai anh em sinh đôi, tình cảm gia đình được nhìn nhận ở một lăng kính vừa quen vừa lạ. Quen ở chỗ, nhiều khi sai lầm của cha mẹ đã khiến cuộc đời của con cái đi theo những hướng khác nhau. Mới lạ ở chỗ, từ tình anh em ruột thịt, mối quan hệ gia đình được nhìn nhận ở một góc khác biệt, vừa ấm áp tình thân, lại vừa như một hành trình cùng nhau trưởng thành. Bởi nhiều khi vì muốn giúp nhau, muốn sửa chữa sai lầm nhưng những non dại, khờ khạo đã khiến họ mắc thêm lỗi lầm. Sau tất cả, tình anh em mộc mạc chân thành, xen lẫn sự che chở bao dung và lòng ngưỡng mộ biết ơn giữa Trí và Tuệ đã mang đến một bộ phim xúc động và giàu trắc ẩn, mang đến những cung bậc cảm xúc dung dị mà ngọt ngào.
Một nét riêng trong phong cách của Trịnh Lê Phong, đó là luôn nhìn nhận những giá trị cũ bằng góc nhìn mới mẻ. Trong việc khai thác nhân vật, anh cũng luôn chọn một góc nhìn độc đáo khi khám phá những nét riêng biệt còn ẩn giấu trong mỗi diễn viên. Một lần nữa, khán giả lại được khám phá nét bi trong một Vân Dung chuyên diễn hài. Sau vai diễn Diễm Loan vừa nhẹ dạ, vừa đồng bóng, tính cách hời hợt nông cạn nhưng không làm hại ai được diễn với lối diễn tưng tửng nhưng có chiều sâu trong Hướng dương ngược nắng, Vân Dung tiếp tục có một vai diễn bi.
Bi kịch của gia đinh bà Thư đến từ người chồng gia trưởng, độc đoán, vũ phu, thích dùng bạo lực để giải quyết mọi chuyện và sự cạm chịu, nhẫn nhục bề ngoài của bà đã khiến mâu thuẫn gia đình ngày càng trầm trọng. Sai lầm của cha mẹ đã khiến con trẻ tổn thương và chia lìa, sự chia cắt này đã góp phần gây ra bi kịch cho cuộc đời Trí.
30 năm chuyên diễn hài, đây là lần đầu tiên Vân Dung có một vai diễn bi đúng nghĩa, không xen lẫn chút hài sở trường nào. Vân Dung chia sẻ, ban đầu chị hoang mang lo lắng “nếu không diễn hài thì mình sẽ diễn gì?”. Trước đây vai Diễm Loan vẫn xen lẫn chút hài hước thông qua nét tính cách ngây ngô vô hại khiến nhân vật có nét đáng yêu, duyên dáng và rất đời. Giúp cho Diễm Loan tuy là tiểu tam nhưng lại không khiến khán giả ghét mà còn khiến cảm xúc của khán giả bị “đảo chiều” bởi có Diễm Loan khiến phim không bị nặng nề, nhiều khán giả còn thấy vui mỗi khi bà xuất hiện.
30 năm chuyên diễn hài, đây là lần đầu tiên Vân Dung có một vai diễn bi đúng nghĩa
Lần này, bà Thư là một nhân vật hoàn toàn khác, một người phụ nữ hám tiền và không ngần ngại chà đạp lên mọi thứ để có tiền. Cũng mang những bi kịch của một phụ nữ hôn nhân không tròn vẹn, cũng sai lầm và phải trả giá nhưng bà Thư có số phận khắc nghiệt, sóng gió hơn. Vân Dung chia sẻ, chị thích tư duy làm phim và cách chỉ đạo diễn xuất của Trịnh Lê Phong. Chị tin tưởng anh đến nỗi anh chỉ cần 5 phút để thuyết phục chị đồng ý nhận một vai diễn hoàn toàn khác biệt với mình. Và Vân Dung khẳng định trong buổi họp báo ra mắt Người một nhà: “Khán giả sẽ thấy một Vân Dung không hài hước, hóm hỉnh và cũng không đáng yêu nhưng sẽ để lại một ấn tượng rất đặc biệt!”.
Vào vai ông Ðông - chồng của bà Thư, NSƯT Quốc Trọng chia sẻ: “Tôi từng vào vai các “lão già bẩn bựa” trong Người phán xử, Biệt dược đen… Lần này tiếp tục là một vai diễn như vậy nhưng ở một góc độ khác. Nếu ở Biệt dược đen là một ông bố thao túng được cả các quan chức địa phương thì ông Ðông là một “cao bồi già” nghèo khổ ở xóm, chỉ dọa được vợ con mình nên tôi tìm một cách diễn khác để khán giả thấy những màu sắc khác về một ông bố nhiều sai lầm gây ra bởi thói độc đoán, vũ phu”.
Trong vai cặp song sinh Trí và Tuệ, Duy Hưng và Tuấn Tú đã có những vai diễn mới mẻ. Ngoài đời, tuy Duy Hưng ít tuổi hơn Tuấn Tú nhưng vẻ phong trần, nét khắc khổ hằn sâu trên mặt Trí đã khiến anh trông già dặn hơn hẳn người em vô tư, lạc quan tuy hơi nông nổi. Hai diễn viên lần đầu tiên kết hợp nhưng tỏ ra rất ăn ý, tạo ra những cảm xúc chân thật và nhiều tình huống cảm động.
NSƯT Quốc Trọng trong vai ông Đông
Bức tranh xã hội trong phim còn đa sắc nhờ những nhân vật như Khải (Hà Việt Dũng) - bạn xã hội của Trí - một người vừa tham vọng vừa nghĩa khí. Bên cạnh đó, trái tim cô độc của Trí cũng sẽ được sưởi ấm bởi một cô hàng xóm có cùng một nỗi cô đơn là Diệp (Quỳnh Châu). Sau vai Luyến lươn “gây bão” màn ảnh nhỏ, Thanh Hương trở lại trong vai Khanh vợ Tuệ - một người phụ nữ tốt tính, chăm chỉ, biết vun vén cho gia đình nhưng vì cuộc sống mưu sinh vất vả mà trở nên ích kỷ, hẹp hòi, cố chấp.
Biện kịch Huyền Lê chia sẻ: “Tôi muốn xây dựng các nhân vật ở tầng sâu hơn, ai cũng có uẩn khúc của riêng mình. Nhân vật của Vân Dung cũng vậy, đó là một người mẹ mà mọi người nhìn vào có thể thấy đáng sợ nhưng thẳm sâu trong trái tim người mẹ ấy có suy nghĩ và cách bảo vệ con mình rất riêng. Cho đến cuối thì tất cả đều nhận ra rằng gia đình họ không ghét nhau đến thế bởi tình yêu thương và quan tâm bị ẩn giấu. Trải qua nhiều biến cố, rồi họ cũng nhận ra: Dù thế nào chăng nữa, họ vẫn là người một nhà!”
Bộ phim truyền hình Người một nhà lên sóng lúc 21h40 thứ năm, thứ sáu hằng tuần trên kênh VTV3, bắt đầu từ ngày 28/3/2024.
VŨ TỐ QUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 565, tháng 3-2024