Kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam rất phong phú, ẩn chứa nhiều bài học giá trị về đạo đức, lẽ sống, tình người và lòng yêu quê hương đất nước. Vài năm nay, nhiều người trẻ Việt dành thời gian tìm hiểu, khám phá lịch sử, đồng thời diện lại phục truyền thống xưa. Yếu tố này góp phần tạo làn sóng mới không chỉ trong lĩnh vực khảo cứu mà lan tỏa mạnh mẽ cả trong điện ảnh.
Hai diễn viên Ngân Thảo và Văn Anh với phục trang trong phim
Xu thế làm phim từ chất liệu dân gian Việt
Truyện cổ tích, dân gian Việt Nam vẫn được coi là “kho báu” của điện ảnh, có nhiều tiềm năng khai thác. Những câu chuyện này rất quen thuộc với người dân ở mọi lứa tuổi và sự quen thuộc, nổi tiếng từ câu chuyện gốc là điểm mạnh đầu tiên để nhà làm phim sử dụng trong quá trình bồi đắp câu chuyện, nhân vật và quảng bá tác phẩm. Bên cạnh đó, việc tái hiện những nhân vật quen thuộc trong tiềm thức của nhiều thế hệ trên màn ảnh cũng tạo nên sự hấp dẫn và khơi gợi trí tò mò của khán giả. Từ đó, nhà làm phim cũng có thể mạnh dạn tạo ra phiên bản mới từ những câu chuyện cổ tích, dân gian để tạo nên những bất ngờ thú vị. Tuy nhiên, việc này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro nếu phiên bản mới không như khán giả mong đợi.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều tác phẩm điện ảnh khai thác chất liệu dân gian. Việc đưa truyện cổ tích, dân gian lên màn ảnh rộng nếu thực hiện tốt sẽ góp phần xây dựng nét văn hóa bản địa cho điện ảnh Việt Nam Các phim điện ảnh khai thác chuyện cổ tích, dân gian hoặc những nhân vật truyền kỳ, tạo giai thoại được truyền miệng đa phần đều gặt hái thành công về doanh thu.
Bộ áo dài của nghệ sĩ Hồng Đào cho thấy độ cầu kỳ, tinh xảo của kiểu dáng áo dài ngũ thân tay chẽn, với các hoạ tiết mang đậm chất đặc trưng của giới cung đình quý tộc Huế
Văn hóa dân gian khơi nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim trong nhiều tác phẩm điện ảnh, đặc biệt trong thời gian gần đây, nhiều đạo diễn đã chọn khai thác đề tài này trong những dự án được đầu tư chỉn chu. Có thể kể đến đạo diễn Trần Hữu Tấn với series Tết ở làng Ðịa Ngục từng gặt hái thành công khi phát sóng trên Truyền hình K+, từ đó mở ra dự án điện ảnh Kẻ ăn hồn với thành công đáng kể về doanh thu và tạo động lực cho nhiều nhà làm phim khác cùng khai thác đề tài kinh dị dựa trên truyền thuyết dân gian. Năm 2024, Trần Hữu Tấn tiếp tục làm phim Cám - một dị bản kinh dị, lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám (khởi chiếu tháng 9/2024). Ðạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng trào lưu làm phim từ yếu tố dân gian vừa lan tỏa văn hóa truyền thống, vừa tạo ra tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút khán giả trong và ngoài nước. Trong các phim của mình, anh đưa vào nhiều chất liệu dân gian như đám cưới chuột, cờ người, nghề làm nhang, trò đánh đu ngày hội... Khi xem các phim kinh dị của Hàn, Nhật hay Thái Lan, anh nhận ra họ dùng rất nhiều chất liệu văn hóa nước họ. Gần đây, Exhuma (Quật mộ trùng ma) ăn khách ở châu Á, góp phần lan tỏa văn hóa Hàn Quốc. Anh và đồng nghiệp cũng muốn tạo ra loạt phim kinh dị mang bản sắc Việt.
Mở ra vũ trụ phim kinh dị thuần Việt có chất liệu dân gian
Cũng tâm huyết với ý tưởng làm phim kinh dị mang bản sắc Việt, đạo diễn Lưu Thành Luân và nhà sản xuất Võ Thanh Hòa đang dự định tạo nên một trilogy (bộ ba phim) điện ảnh lấy chất liệu dân gian làm chủ đạo, mở đầu bằng dự án phim Quỷ cẩu. Khởi chiếu vào cuối năm 2023, bộ phim kinh dị Quỷ cẩu đã bất ngờ lập thành tích với doanh thu hơn 108 tỷ đồng. Sau thành tích ấn tượng của Quỷ cẩu tại phòng vé phim Việt năm 2023, đạo diễn Lưu Thành Luân và Giám đốc sáng tạo Võ Thanh Hòa tiếp tục kết hợp cùng nhau để mang đến dự án tiếp theo trong dòng phim trilogy của vũ trụ phim kinh dị thuần Việt lấy chất liệu dân gian chủ đạo. Phim Trilogy là bộ ba phim có nội dung độc lập nhưng lại tạo nên một sự liên kết nhất định để tạo nên một thể hoàn chỉnh về thông điệp, hình ảnh hoặc chất liệu chủ đạo. Dựa trên ý tưởng của dòng phim trilogy từ Hollywood, giám đốc sáng tạo Võ Thanh Hòa cùng đạo diễn Lưu Thành Luân đã quyết định lựa chọn Linh miêu là cột mốc quan trọng tiếp theo trong trilogy sau cú hích phòng vé đến từ Quỷ cẩu.
Cảnh phim Kẻ ăn hồn
Nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc thẳng thắn: “Quỷ cẩu là bước dò đường - đúng như vậy, chính thành công của Quỷ cẩu đã trở thành đòn bẩy, động lực lớn để chúng tôi mạnh dạn theo đuổi ý tưởng này.”
Tương tự như Quỷ cẩu, dự án Linh miêu (dự kiến khởi chiếu từ ngày 22/11/2024) tiếp tục khai thác truyền thuyết linh dị dân gian Việt Nam.
Với những nét đẹp văn hóa truyền thống dân gian nổi bật, được lồng ghép trong không khí cổ kính và huyền bí, kịch bản Linh miêu tạo ra nhiều nút thắt thú vị liên quan sử dụng chất liệu văn hóa làm chủ đạo để khơi lên thông điệp nhân sinh, có thể xoay quanh những con người làm khảm sành cũng có thể là màu sắc cung đình hấp dẫn.
Ði theo tinh thần của toàn bộ chuỗi phim linh dị dân gian, Linh miêu lấy cảm hứng từ thời kỳ chuyển giao thoát khỏi chế độ thuộc địa, đi vào những câu chuyện linh dị dân gian để kể về câu chuyện liên quan đến cuộc sống, lòng người và cài cắm các thông điệp về nhân quả cùng cốt lõi trong mối quan hệ gia đình. Yếu tố văn hóa truyền thống của Huế chính là khởi nguồn cho tất cả những bí ẩn, những hiện tượng tâm linh trong toàn bộ mạch truyện.
Trong Linh miêu, xưởng khảm sành sứ là nghề chính của cả gia đình Dương Phúc và cũng là nơi nảy sinh cho những cái kỳ bí hiện hữu. Và nghệ thuật khảm sành cũng chính chất liệu văn hóa chủ đạo được ê-kíp tập trung khai thác. Xuất xứ trong dân gian và đến thế kỷ XVII, nghề khảm sành sứ trở thành nghệ thuật trang trí trong cung đình Huế. Men khảm sành sứ được thực hiện theo nguyên tắc Âm dương Ngũ hành hòa hợp. Ðể từ đó, nghệ thuật khảm sành sứ lại trở thành hồn cốt cho vẻ đẹp của những lăng tẩm, đền đài và các ngôi mộ táng. Ðể từ nét đẹp dân gian trở thành làng nghề, biến hóa nên nghệ thuật trang trí cung đình thì việc chọn men khảm sành sứ không thể tùy tiện.
Cảnh làm phim Cám
Bên cạnh đó, những hình ảnh đầu tiên đến từ dàn diễn viên diện áo dài Huế của những năm 1960 gây chú ý. Ðạo diễn Lưu Thành Luân cho hay: “Vì câu chuyện mang màu sắc của Cố đô những năm 1960 và đây là thời gian áo dài xứ Huế có những bước chuyển thú vị. Thế nên, chúng tôi cũng muốn thông qua lần công bố dàn diễn viên giới thiệu tạo hình của các nhân vật trong phim”.
Trong bộ ảnh được nhà sản xuất công bố có thể thấy ngoài nhân vật của Hồng Ðào, các nhân vật khác đều diện các kiểu áo dài đơn giản vừa có nét giao thoa giữa nét truyền thống của cổ phục và các kiểu trang phục tân thời. Ðặc biệt, bộ áo dài của nghệ sĩ Hồng Ðào cho thấy độ cầu kỳ, tinh xảo của kiểu dáng áo dài ngũ thân tay chẽn, với các hoạ tiết mang đậm chất đặc trưng của giới cung đình quý tộc Huế. Ðiều này phần nào phản ánh vị trí, giai cấp và tư tưởng của các nhân vật.
Nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc hào hứng chia sẻ: “Theo tôi, làm phim là một cách thức để truyền tải một thông điệp nhân văn, một quan điểm xã hội, câu chuyện về con người hoặc một nét đẹp văn hóa truyền thống đến khán giả đại chúng. Sự bắt nguồn của việc khai thác các đề tài kinh dị mang màu sắc dân gian cũng xuất phát từ ý tưởng đó. Thế nên chúng tôi đều muốn mượn Linh miêu để phần nào đó gửi gắm, lưu giữ đẹp của văn hóa Huế, cụ thể là nghệ thuật khảm sành. Qua đó giúp người xem có thể cảm nhận hành trình từ nét đẹp dân gian trở thành làng nghề, nâng tầm nghệ thuật trang trí cung đình đáng tự hào của người dân xứ Huế”.
NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024