Hoa sữa về trong gió - "Một Hà Nội run run heo may”

Đạo diễn Bùi Tiến Huy được biết đến với nhiều bộ phim truyền hình hút khách trên sóng giờ vàng, gần đây nhất là Chúng ta của 8 năm sau. Tiếp tục mạch phim về tình cảm gia đình từ Bà nội không ăn pizza đến Thương ngày nắng về, anh vừa cho ra mắt bộ phim truyền hình Hoa sữa về trong gió. Không chỉ là những câu chuyện gia đình, bộ phim còn là những hình ảnh đẹp, gây thương nhớ về phố và người Hà Nội. Trong những ngày Hà Nội vào thu, trước thềm kỷ niệm 70 năm giải phỏng Thủ đô, bộ phim là những hoài niệm đẹp về một Hà Nội với trầm tích thời gian và những nếp nhà mang đậm chất của người Tràng An.

Bối cảnh phim mang đậm chất Hà Nội

Nhà là nơi chốn quay về

Từ bộ phim đầu tay Bà nội không ăn pizza (2010) đồng đạo diễn với Nguyễn Khải Anh đến Cầu vồng tình yêu, Thương ngày nắng về… đạo diễn Bùi Tiến Huy ngày càng chắc tay nghề với những bộ phim gia đình, bên cạnh đề tài sở trường là tình yêu và tuổi trẻ. Mỗi bộ phim của anh đều để lại một dấu ấn đậm nét với những câu chuyện xúc động và nhân vật ấn tượng. Sau Thương ngày nắng về lấy đi nhiều nước mắt của khán giả, bộ phim Hoa sữa về trong gió một lần nữa khắc họa chân dung một người bà, người mẹ như cái neo níu giữ, gắn kết gia đình. Trên nền không gian phố mang đậm nét Hà thành, câu chuyện của một người vợ, người bà bao dung, ấm áp đã mang lại nhiều cảm xúc. 

Là cán bộ về hưu, chồng mất sớm, một mình bà Trúc nuôi dạy, dựng vợ gả chồng cho hai đứa con. Bà là người sắc sảo, bản lĩnh, chủ động trong mọi công việc, ưa hoạt động, việc gì cũng xông xáo nhiệt tình. Với bạn bè, bà sống hòa đồng còn ở nhà, bà luôn chu đáo với các con các cháu mà không phân biệt dâu rể, con gái hay con trai. Thu vén cho gia đình, chăm chút dạy dỗ cho con cháu để gìn giữ nếp nhà, bà Trúc có nhiều mâu thuẫn rất thú vị, tạo nên hình ảnh một người bà, người mẹ hiện đại khá điển hình nhưng không hề khuôn mẫu. Là người hiểu biết, luôn cư xử có lý có tình và đặc biệt rất thương yêu, chia sẻ với con cháu, nhưng bà Trúc cũng là người áp đặt và đôi khi cố chấp. Dù rất yêu thương các con nhưng bà Trúc lại không hợp với con trai khiến đôi khi thường xảy ra khắc khẩu. Ngược lại, bà lại thường đứng về phía con dâu trong khi phân xử mọi mâu thuẫn với con ruột. Bà cũng có phần nghiêm khắc với con gái nhưng lại dành phần ngọt ngào, bao dung thấu hiểu cho cháu gái để bù đắp phần thiếu hụt tình mẹ của cháu mình. Những mâu thuẫn, biến cố trong gia đình nhỏ của Hiếu - Linh, Thuận - Khang hay chuyện tình yêu, công việc của “cháu gái rượu” Trang luôn là những buồn vui, trăn trở của bà Trúc.

NSND Thanh Tú và NSƯT Thanh Quý trong một cảnh quay

Bộ phim đồng thời đề cập đến khá nhiều vấn đề xã hội, trong đó có những khúc mắc do khác biệt trong các thế hệ của nhiều gia đình, sự quan tâm thái quá làm người trong nhà đôi khi cảm thấy ngột ngạt trong chính ngôi nhà của mình hay câu chuyện áp lực học thêm, áp lực chọn nghề… Bởi vậy, những câu chuyện trong gia đình bà Trúc mang lại nhiều nét thân quen mà gia đình nào cũng thấy mình ở đó. Bởi ai cũng mong muốn những điều tốt nhất cho gia đình, cho những người thân yêu. Hành động của họ đều xuất phát từ yêu thương, nhưng không phải lúc nào cách thức họ bày tỏ tình cảm và sự quan tâm cũng gắn kết gia đình mà đôi khi lại khiến mối quan hệ trở nên phức tạp và xa cách. Sau nhiều biến cố, mỗi người đều nhận ra vấn đề và điều chỉnh lại mình, thương yêu vẫn hướng về nhau, lo toan và chia sẻ đùm bọc với nhau. Chính gia đình, trong những thăng trầm gian khó nhất, đã khiến mỗi người thay đổi và trưởng thành. Hoa sữa về trong gió sẽ là những câu chuyện muôn thuở về gia đình nhưng chưa bao giờ cũ, mang đến một không khí gần gũi, nhẹ nhàng, thân thương mà người xem có thể thấy mình trong đó để biết trân trọng, yêu thương mái ấm của mình hơn.

Diễn viên Thanh Hương và diễn viên Hoài Anh trong phim

NSƯT Lê Mạnh - Quyền Giám đốc của VFC cũng khẳng định, câu chuyện của Hoa sữa về trong gió được chắt lọc từ chính cuộc sống đời thường của các biên kịch, từ vốn sống, kinh nghiệm của các thành viên trong ê kíp sản xuất. Giống như “cuộc sống có vạn điều đương nhiên quen thuộc, như mẹ yêu con, như hết ngày nắng sang ngày mưa, như vòng đời suy rồi lại thịnh, như tình người lạnh rồi lại ấm. Và như mùa thu đến, hoa sữa lại quay về”.

Một bộ phim về phố và người Hà Nội

  Hoa sữa về trong gió mang đậm chất Hà thành từ bối cảnh, nhân vật đến câu chuyện trong mỗi nếp nhà. Bộ phim mở ra một không gian mang chút hoài niệm, với những buồn vui nhân thế trải dài qua bối cảnh nhiều không gian đặc trưng của Hà Nội. Từ những ngôi nhà phố rêu phong, khoảng không gian chật hẹp cổ kính trong những căn biệt thự Pháp cổ đến những con phố nhỏ rợp bóng cây xanh. Phố Hà Nội hiện ra thân quen, đẹp đến nao lòng với những góc nhỏ yên bình. Trên nền bối cảnh ấy, những chân dung người Hà Nội hiện lên thật gần gũi, hiền hòa mà nhân hậu. 

Nghệ sĩ Tú Oanh trong một vai diễn thú vị

Bên cạnh câu chuyện về gia đình, Hoa sữa về trong gió còn là câu chuyện về đối nhân xử thế của nhiều thế hệ, ở mỗi độ tuổi có những nỗi lòng riêng nhưng đều mang đậm nét ứng xử thanh lịch của người Tràng An xưa. Đó là bà Trúc với những người bạn, người hàng xóm thân thuộc, mỗi người một cảnh ngộ nhưng mỗi câu chuyện đều khiến người xem cảm thấy ấm lòng bởi tình người, lối sống chan hòa, dung dị của các nhân vật. Họ cư xử với nhau hài hòa nhân ái, mọi mâu thuẫn đều giải quyết bằng sự cảm thông. 

Đã lâu lắm khán giả mới được gặp lại NSND Thanh Tú - người từng nổi danh với bộ phim Sao Tháng Tám, nay trở lại đóng phim truyền hình. Trong vai một bà hàng xóm của bà Trúc, NSND Thanh Tú cho thấy phong độ diễn xuất bền vững của mình. Chỉ với một vài cảnh quay, bà đã làm nổi bật một “chân dung Hà Nội” xưa: nền nã, thanh lịch, hiền hòa với đài từ chuẩn mực. 

NSND Tiến Đạt trong vai ông Tùng - bạn bà Trúc cũng là một chân dung đậm chất Hà thành bới vẻ chỉn chu, mực thước, lịch duyệt. Bên cạnh đó còn là sự xuất hiện đầy thú vị của nghệ sĩ Tú Oanh với một vai diễn độc đáo trong tuyến nhân vật phụ hứa hẹn sẽ mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả. 

NSƯT Tiến Đạt trong vai ông Tùng

Nếu trong Thương ngày nắng về, NSƯT Thanh Quý và NSƯT Bá Anh từng đóng vai chị em thì trong bộ phim này, họ vào vai hai mẹ con với nhiều xung khắc, mâu thuẫn. Sau những vai diễn cá tính như Luyến lươn hay cô vợ nhỏ nhen trong phim Người một nhà, diễn viên Thanh Hương trở lại với một vai diễn nhẹ nhàng hơn. Một lần nữa, cô lại làm con dâu trên phim của NSƯT Thanh Quý. Nhưng lần này, cuộc đời của họ không đen tối và dữ dội như trong Cuộc đời vẫn đẹp sao mà phẳng lặng hơn với những khúc mắc trong quan điểm sống giữa con trai và con dâu bà Trúc. Những cuộc đổi vai này khiến Hoa sữa về trong gió càng trở nên hấp dẫn. Đặc biệt, phim còn là màn ra mắt màn ảnh của Hoài Anh - con gái NSƯT Võ Hoài Nam trong vai Trang - cô cháu gái nhận được nhiều tình yêu thương của bà Trúc. Tuy học Thanh nhạc và chưa từng qua lớp đào tạo diễn xuất nào, Hoài Anh vẫn cho thấy một năng khiếu diễn xuất bẩm sinh và đài từ tốt, hứa hẹn sẽ trở thành một gương mặt diễn viên triển vọng.

Hoa sữa về trong gió tiếp nối mạch phim Nếp nhà - bộ phim truyền hình của đạo diễn Vũ Trường Khoa chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cả hai bộ phim đều có điểm chung là khai thác những nét đẹp văn hóa gia đình Việt truyền thống trong không gian của Hà Nội với thông điệp: hãy giữ vững nếp nhà để nuôi dưỡng không gian tràn ngập tình yêu thương. Hoa sữa về trong gió còn là một bộ phim gia đình mát lành, ở nơi đó gia đình như một cái neo, “bà là nơi chốn quay về” - như lời bộc bạch của Trang.

Một Hà Nội nên thơ trong phim

Nói về nhân vật bà Trúc, NSƯT Thanh Quý chia sẻ, đó là một phụ nữ làm dâu phố cổ, được bà mẹ chồng uốn nắn để trở thành một người nền nã, chỉn chu. Nhân vật bà Trúc được xây dựng đúng như một cái neo níu giữ gia đình, để nhà thành nơi chốn quay về. Bà luôn yêu thương con cháu hết lòng, luôn cúi mình xuống để chia sẻ và thấu hiểu. Đây cũng là chủ đề của phim: gia đình phải luôn chia sẻ và thấu hiểu, đặt mình vào vị trí của nhau để hiểu được mong muốn của người khác. Ở bà Trúc có đầy đủ những nét đặc trưng của những người bà, người mẹ ở Hà Nội nhưng câu chuyện, vấn đề của gia đình bà Trúc và các nhân vật rất quen thuộc, phổ biến. Có thể nói, Hoa sữa về trong gió là một bộ phim vừa có Hà Nội lại vừa có chúng ta,   một bộ phim dành cho những ai sinh ra, lớn lên, những ai đang sống ở Hà Nội và yêu thành phố này.

VŨ LƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024

;