Tám năm sau phần gần nhất, chú gấu trúc Po đã quay trở lại “đại náo” phòng vé từ ngày 8/3/2024 với Kung Fu Panda 4. Suốt 16 năm qua, loạt phim Kung Fu Panda đã ghi dấu ấn đậm nét trên màn ảnh rộng và trong lòng khán giả toàn cầu. Được sáng tạo từ năm 2008 bởi bộ đôi đạo diễn John Stevenson và Mark Osborne, Kung Fu Panda đã trở thành một trong những loạt phim hoạt hình thành công bậc nhất thế giới, mang về tổng cộng 1,8 tỷ USD doanh thu toàn cầu cho 3 phần đã ra mắt (gấp gần 5 lần kinh phí bỏ ra).
“Gà đẻ trứng vàng” của Dreamworks
Kung Fu Panda ra mắt phần 1 vào năm 2008, tạo nên hiệu ứng “gây sốt” toàn cầu. Phim được chiếu ra mắt tại LHP Cannes, sau đó “càn quét” rạp chiếu với doanh thu khủng (gấp gần 6 lần kinh phí). Sau thành công phòng vé thu về gần 632 triệu USD với bộ phim đầu tiên, hai phần tiếp theo, Kung Fu Panda 2 và Kung Fu Panda 3 đã lần lượt ra mắt vào năm 2011 và 2016. Tổng ba phần phim đang mang về cho thương hiệu 1,8 tỷ USD tại phòng vé toàn cầu, đưa Kung Fu Panda trở thành loạt phim hoạt hình có doanh thu lớn thứ 10 mọi thời đại.
Kung Fu Panda sẽ không còn là Kung Fu Panda nếu thiếu đi Jack Black
Sau 16 năm, loạt phim vẫn là một trong những thương hiệu nổi bật nhất của hãng phim DreamWorks, sở hữu cả một “vũ trụ” bao gồm từ điện ảnh đến truyền hình lẫn trò chơi, sách truyện đều rất “ăn khách”. Và Kung Fu Panda 4 cũng đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa DreamWorks trở lại vinh quang phòng vé. Gấu trúc Po đã đi được một chặng đường dài, từ chú gấu vụng về đam mê võ Kungfu trở thành Thần Long Ðại Hiệp danh tiếng vang dội khắp chốn. Sau ba cuộc phiêu lưu bất chấp tử thần, đánh bại những kẻ phản diện đẳng cấp bằng lòng dũng cảm vô song và kỹ năng võ thuật điêu luyện của mình, Thần Long Ðại Hiệp giờ đây được định mệnh kêu gọi… hãy… nghỉ ngơi đi. Cụ thể hơn, Po được đề cử trở thành Thủ lĩnh tinh thần của Thung lũng Bình Yên. Và việc này đã mang đến một số vấn đề khiến Po lại phải nhọc lòng “luyện công”. Vừa chính thức khởi chiếu, Kung Fu Panda 4 đã trở thành top 1 phim hoạt hình có vé bán trước cao nhất lịch sử.
Gấu trúc Po: Từ “No Name” (Vô danh) đến nhân vật “Quốc dân”
Hình tượng chú gấu Po đã len lỏi vào trái tim hàng triệu khán giả toàn cầu nhờ cách xây dựng gần gũi, truyền cảm hứng. Phần 1 của Kung Fu Panda là hành trình để Po đi tìm về bản ngã của mình. Một chú gấu trúc thích ăn bánh bao, được kỳ vọng sẽ kế thừa… xe mì của bố lại mang trong mình đam mê mãnh liệt với kung fu. Sau khi trở thành học trò của Sư phụ, Po từng bước chinh phục những đỉnh cao của bộ môn võ thuật với tốc độ tiếp thu thần kỳ, còn đánh bại kẻ ác và khiến nhóm Ngũ Ðại Hào Kiệt phải bái phục.
Sang phần 2, Po tiếp tục vượt qua những khó khăn mới, đối mặt với “bóng ma” quá khứ và những thứ khiến cậu nghi ngờ vào bản thân. Việc đánh bại tên công độc ác đã giúp Po có được niềm tin, dùng quá khứ làm “nhiên liệu” cho tương lai. Sang đến phần 3, việc tìm lại gia đình “gốc” đã tiếp thêm sức mạnh, giúp Po trở thành anh hào đáng tin cậy của Thung lũng Bình Yên, và là người xứng đáng trở thành Thần Long Ðại Hiệp trong truyền thuyết. Po thật sự trưởng thành sau gần 10 năm, song Po vẫn là Po - tốt bụng, trong sáng và đáng học hỏi.
Ở Kung Fu Panda 4, khán giả sẽ có dịp thấy một Po khác xưa khá nhiều. Ðối mặt với kẻ thù khó lường như , Po không hề nao núng nhờ tin tưởng tuyệt đối vào chính mình. Hành trình “tuyển dụng” hậu bối của Po đầy thú vị và bất ngờ.
Bryan Cranston lồng tiếng cho vai Cha ruột của Po
Sẽ không ngoa khi nói rằng Kung Fu Panda 4 là hành trình “tuyển dụng nhân sự” của gấu Po sau khi trở thành anh hùng mới của Thung lũng Bình Yên. Anh đã lên đường và tìm kiếm hậu duệ có thể kế thừa ngôi Thần Long Ðại Hiệp, một người học trò thật gương mẫu và có thể tín nhiệm. Cốt truyện này tạo điều kiện thuận lợi để mở ra thế giới mới, mang đến nhiều nhân vật mới trong hành trình “chiêu mộ” nhân tài của gấu Po, từ phe chính diện đến cả phản diện đều gây tò mò. Po có dịp gặp gỡ một nhóm bạn với vẻ ngoài dễ thương, nhưng bên trong lại “bạo lực ngầm” và có phần ghê rợn. Ngoài ra, sát cánh với Po trong cuộc phiêu lưu mới này là Zhen - nàng cáo võ công cao cường nhưng đầy bí ẩn. Cùng nhau, 2 “thầy trò” đối đầu với phản diện mới Tắc Kè Bông, với năng lực sức mạnh ghê gớm và rất khôn lỏi. Thậm chí, hắn còn biến thành một phiên bản Po khác đầy tàn ác, hứa hẹn tạo nên cuộc “so găng” máu lửa giữa Po “hàng auth” và Po “pha ke” trên màn ảnh.
Bộ phim được đầu tư khủng về kỹ xảo và âm nhạc
Kung Fu Panda 4 được đầu tư công phu, tỉ mỉ về phần hình ảnh và kỹ xảo, với nhiều chi tiết chưa từng có trong các phần phim trước đây. Ðạo diễn Mike Mitchell gọi đây là “bức thư tình” gửi đến phần 1.Với tham vọng mở rộng thế giới Kung Fu Panda, Mitchell và đội ngũ ekip DreamWorks đã nâng cấp công nghệ quay và thiết kế các đòn đánh kung fu trong phim.
Phía sản xuất của Kung Fu Panda 4 đã mời cả tổ diễn viên đóng thế thường xuyên cộng tác với Marvel để hỗ trợ các cảnh hành động trong phim. Chưa kể, đây sẽ là dự án Kung Fu Panda có nhiều màu sắc lấy cảm hứng từ anime nhất trong cả series.
Ian McShane lồng tiếng vai Báo Tai Lung
Âm nhạc cũng là yếu tố quan trọng làm nên thành công của cả loạt phim Kung Fu Panda và tất nhiên không thể thiếu ở phần 4 lần này. Giống với 3 phần trước, huyền thoại trong giới soạn nhạc Hans Zimmer sẽ trở lại cùng người cộng sự nổi tiếng, nhạc sĩ Steve Mazzaro.
Bên cạnh bộ đôi “Batman và Robin” của làng nhạc phim thế giới, Kung Fu Panda 4 còn chiêu đãi người xem ở phút cuối với bản cover trứ danh từ hit Baby One More Time của Britney Spears, được trình bày bởi Tenacious D, ban nhạc do nam chính lồng tiếng cho Po - Jack Black thành lập cùng với đồng nghiệp Kyle Gass.
Sự trở lại của dàn diễn viên với những tên tuổi huyền thoại
Dàn diễn viên của phim gây bất ngờ khi đều trở lại đông đủ, ngoài ra còn có những cái tên mới đặc sắc. Ðó là “Huyền thoại” Jack Black lồng tiếng cho gấu Po. Kung Fu Panda sẽ không còn là Kung Fu Panda nếu thiếu đi Jack Black. Chính tài nghệ của Black đã thổi hồn vào nhân vật gấu Po, trở thành một “anh hùng” võ hiệp gần gũi, đáng yêu và tràn đầy cảm hứng. Cũng nhờ Black mà đội ngũ ekip đã gạt bỏ ý tưởng biến Po thành “kẻ học đòi đáng ghét”, cho cậu một bộ tính cách tốt đẹp và thú vị hơn hẳn. Ðó là Dustin Hoffman - lồng tiếng vai Sư phụ. Không chỉ đóng vai Sư phụ trong Kung Fu Panda mà ngoài đời, nam diễn viên Dustin Hoffman cũng được xem là “sư phụ” mà nhiều đàn em noi gương, học hỏi. Ðó là Bryan Cranston - lồng tiếng vaiLi - cha ruột của Po hay Ian McShane - vai Báo Tai Lung, Awkwafina - vai Cáo Zhen, Quan Kế Huy - lồng tiếng vai chú tê tê Han...
Jack Black và Awkwafina trong phòng lồng tiếng cho phim Kung Fu Panda 4
Kung Fu Panda 4 còn lần đầu tiên mang đến cho khán giả một phản diện nữ và cũng là kẻ ác hiếm hoi gần như chỉ đứng một chỗ vì quá thông minh. Ðó chính là nhân vật Tắc Kè Bông do ngôi sao Viola Davis lồng tiếng. Khác với những phản diện của 3 phần phim trước vốn phụ thuộc vào sức mạnh và võ thuật, Tắc Kè Bông lại thiên về trí tuệ và mưu mô nhiều hơn. Là một “pháp sư Trung Hoa” mang trên mình những tà thuật bí hiểm, Tắc Kè Bông còn là một con bò sát có miệng lưỡi sắc bén, biết “thao túng tâm lý”.
Trong Kung Fu Panda 4 lần này, vai trò đạo diễn lần đầu được giao cho Mike Mitchell - “cha đẻ” nhiều siêu phẩm hoạt hình như Shrek Forever After (Shrek 4 - Cuộc phiêu lưu cuối cùng), Trolls (Quỷ lùn tinh nghịch), Alvin and the Chipmunks: Chipwrecked (Sóc siêu quậy 3: Trên đảo hoang)…
THỦY ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 565, tháng 3-2024