Về mối quan hệ giữa phát triển lĩnh vực văn hóa với các lĩnh vực khác trong đường lối phát triển đất nước nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định rất rõ: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển của kinh tế, xã hội, ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, để các ngành công nghiệp văn hóa trở thành những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho xã hội. Điều này, được thể hiện thông qua Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được thực hiện thông qua nhiều công cụ và phương thức khác nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh sự phát triển công nghệ thông tin, kỹ thuật số, internet đã có những tác động mạnh mẽ đến văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam nói riêng, các tác phẩm nghe - nhìn được cung cấp trên các nền tảng số, có thể tiếp cận đến nhiều đối tượng khác nhau, trên nhiều quốc gia một cách nhanh chóng và rộng khắp.
Hoạt động kinh doanh sáng tạo nội dung số ở Việt Nam trên các nền tảng YouTube, TikTok và Facebook đang trở thành một ngành phát triển mạnh mẽ với sự tăng trưởng đáng kể trong vài năm gần đây. Hoạt động sáng tạo nội dung số bao gồm sản xuất nội dung và tạo ra thu nhập trên các nền tảng xuyên biên giới miễn phí như: YouTube, Facebook, và TikTok, nhưng cũng đồng thời bao gồm cả hoạt động kinh doanh âm nhạc, phim và chương trình truyền hình trực tuyến trên các nền tảng dịch vụ như: Spotify, Amazon Music và Netflix, hay cung cấp hình ảnh, video, tranh, bản vẽ thiết kế và giáo dục trực tuyến, trò chơi trực tuyến (games online). Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh này còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách, khung pháp lý, đặc biệt là liên quan đến thuế.
Bài viết này sẽ nêu thực trạng quy định thuế giá trị gia tăng (GTGT) và một số vấn đề bất cập trong việc áp dụng cách tính thuế GTGT cho các sản phẩm nghe - nhìn xuất khẩu trên nền tảng số và đề xuất để hoàn thiện chính sách thuế GTGT nhằm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này, không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế.
1. Chính sách thuế GTGT của Việt Nam đối với hoạt động kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn xuất khẩu
Nguyên tắc áp dụng
Việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế liên quan đến ít nhất 2 quốc gia khác nhau (nước xuất khẩu và nước nhập khẩu). 2 nguyên tắc pháp lý cơ bản được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khuyến nghị để xác định quyền đánh thuế là: nguyên tắc “xuất xứ” (origin principle) và nguyên tắc “điểm đến” (destination principle).
Theo nguyên tắc “xuất xứ” (origin principle), mỗi quốc gia sẽ đánh thuế trên GTGT tạo ra trên lãnh thổ của mình. Theo đó, các quốc gia xuất khẩu sẽ đánh thuế hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu như đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp trong nội địa, trong khi quốc gia nhập khẩu sẽ không đánh thuế GTGT hàng hóa nhập khẩu và cho phép khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu theo tỷ lệ mà pháp luật nước nhập khẩu quy định đối với hàng hóa, dịch vụ tương tự nếu được cung cấp trong nội địa.
Theo nguyên tắc “điểm đến” (destination principle), mỗi quốc gia chỉ đánh thuế đối với hàng hóa, dịch vụ được xác định là tiêu dùng tại lãnh thổ quốc gia đó, bao gồm hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu và hàng hóa, dịch vụ cung cấp trong nội địa; ngược lại, quốc gia sẽ không đánh thuế và cho phép hoàn thuế đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ được xác định là tiêu dùng ngoài lãnh thổ quốc gia đó (hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu), thường được gọi bằng thuật ngữ: “không có thuế GTGT”, hoặc “thuế suất 0%”.
Chính sách thuế GTGT của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở áp dụng nguyên tắc “điểm đến”, cụ thể: thu thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho tiêu dùng trong nội địa, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu; ngược lại, áp dụng thuế suất 0% (không phải nộp thuế GTGT đầu ra, được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào) cho hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở nước ngoài (hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu) (Điều 3, Điều 8 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12, Điều 6 Nghị định 209/2013/NĐ-CP, Điều 2, Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC).
Chính sách thuế GTGT hiện hành
Theo quy định của Điều 8 Luật thuế GTGT về hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%, theo đó, hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không phải nộp thuế GTGT đầu ra, được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào. Luật thuế GTGT cũng quy định rõ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam với quy định cụ thể như sau:
“Điều 8. Thuế suất
1. Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT quy định tại Điều 5 của Luật này khi xuất khẩu, trừ các trường hợp sau đây:
a) Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài;
b) Dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài;
c) Dịch vụ cấp tín dụng;
d) Chuyển nhượng vốn;
đ) Dịch vụ tài chính phái sinh;
e) Dịch vụ bưu chính, viễn thông;
g) Sản phẩm xuất khẩu quy định tại Khoản 23, Điều 5 của Luật này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ”.
Tại Khoản 1, Điều 6 Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định thêm như sau:
“e) Bộ Tài chính quy định cụ thể một số trường hợp hàng hóa, dịch vụ khác cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài được áp dụng thuế suất 0% và hàng hóa, dịch vụ cung ứng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng tiêu dùng ở Việt Nam không được áp dụng mức thuế suất 0%”.
Nội dung này được quy định chi tiết tại Điều 9, Thông tư số 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, Điều 1, Thông tư số 130/2016/TT-BTC) về các trường hợp áp dụng thuế suất 0%, điều kiện áp dụng thuế suất 0% và các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0%, cụ thể, đối với các sản phẩm văn hóa, quy định như sau:
“1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại Khoản 3 Điều này…
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
a. Đối với hàng hóa xuất khẩu
- Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
- Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.
b. Điều kiện áp dụng đối với dịch vụ xuất khẩu:
- Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
- Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
3. Các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% gồm:
- … chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài…
- Các dịch vụ sau cung ứng tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài không được áp dụng thuế suất 0% gồm:
+ Thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, giải trí, hội nghị, khách sạn, đào tạo, quảng cáo, du lịch lữ hành”.
Theo quy định này, để các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh xuất khẩu sản phẩm nghe - nhìn được hưởng ưu đãi thuế suất thuế GTGT là 0%, phải đáp ứng điều kiện đối với dịch vụ xuất khẩu và không thuộc các trường hợp không áp dụng thuế suất 0%.
Thực trạng thu thuế GTGT
Đối với doanh nghiệp: Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam kinh doanh sản phẩm văn hóa, giải trí và sản phẩm nghe - nhìn không được hưởng mức thuế suất thuế GTGT là 0% đối với doanh thu xuất khẩu nội dung thông qua các nền tảng số. Qua ghi nhận từ phản ánh của một số doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh xuất khẩu nội dung thông qua các nền tảng số của doanh nghiệp được cơ quan thuế xác định là dịch vụ “văn hóa”, “giải trí”, hoặc “quảng cáo” thuộc đối tượng quy định được liệt kê tại gạch đầu dòng thứ 5, khoản 3, Điều 9, Thông tư số 219/2013/TT-BTC, nên không được hưởng thuế suất thuế GTGT ở mức 0%. Chẳng hạn: Doanh nghiệp A của Việt Nam có doanh thu từ YouTube là 100$, trong đó, 30$ doanh thu từ tiêu dùng ở Mỹ và 70$ doanh thu từ tiêu dùng ở các nước khác. Đối với 30$ doanh thu từ tiêu dùng ở Mỹ, doanh nghiệp A phải nộp 30% thuế (tương ứng với 9$) và nhận về 70% (tương ứng với 21$). Thực tế, doanh nghiệp A nhận về số tiền là 91$, là nguồn thu tính thuế tại Việt Nam. Đối với 91$ này, doanh nghiệp A phải nộp 10% thuế GTGT đối với khoản thu 91$ (tương ứng 9,1$).
Đối với cá nhân: Các cá nhân có thu nhập từ các nền tảng trực tuyến dưới mức 100 triệu đồng/ năm không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế GTGT (1). Các cá nhân có thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm từ các nền tảng này phải tuân theo quy định về thuế. Mức thuế suất là 5% thuế GTGT tính trên doanh thu và 2% thuế TNCN tính trên doanh thu. Chẳng hạn: Cá nhân B của Việt Nam có doanh thu từ YouTube là 100$, trong đó, 30$ doanh thu từ tiêu dùng ở Mỹ và 70$ doanh thu từ tiêu dùng ở các nước khác. Đối với 30$ doanh thu từ tiêu dùng ở Mỹ, cá nhân B phải nộp 30% thuế (tương ứng với 9$) và nhận về 70% (tương ứng với 21$). Thực tế, cá nhân B nhận về số tiền là 91$, là nguồn thu tính thuế tại Việt Nam. Đối với 91$ này, cá nhân B phải nộp 5% thuế GTGT đối với khoản thu 91$ (tương ứng 4,55$) và 2% thuế TNCN (1,82$).
2. Một số vấn đề cần thảo luận
Từ quy định của pháp luật và thực tế áp dụng thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh sản phẩm văn hóa, giải trí nói chung và hoạt động kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn xuất khẩu trên nền tảng số nói riêng còn một số vấn đề cần thảo luận, cụ thể:
Thứ nhất, thông thường, các hình thức khai thác kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn bao gồm: chủ sở hữu quyền tự kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn (có thể hiểu là cung cấp dịch vụ văn hóa, giải trí…) và chủ sở hữu quyền không trực tiếp khai thác nhưng cấp quyền cho đối tác khác để kinh doanh (chuyển nhượng quyển sở hữu trí tuệ cụ thể là chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan).
Theo quy định pháp luật được nêu ở trên có thể hiểu như sau: chủ sở hữu quyền tự kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn (cung cấp dịch vụ văn hóa, giải trí…), nếu xác định được việc cung cấp dịch vụ xuất khẩu này cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài (2) được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam (trong và sau thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ) thì không thuộc đối tượng theo quy định tại gạch đầu dòng thứ 5 khoản 3 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, tức dịch vụ xuất khẩu này được hưởng thuế suất 0%. Ví dụ: Nhà sản xuất video của Việt Nam đăng tải video trên nền tảng giải trí của nước ngoài và thu phí người xem ở nước ngoài, bán thời gian quảng cáo. Nhà sản xuất video trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh (quyết định mức phí chi trả cho 1 lượt xem, bán thời gian quảng cáo). Trong trường hợp này, hoạt động của nhà sản xuất video là hoạt động cung cấp dịch vụ văn hóa, giải trí hoặc dịch vụ quảng cáo cho tổ chức cá nhân ở nước ngoài, trong đó, việc tiêu thụ dịch vụ diễn ra tại nước ngoài.
Chủ sở hữu quyền không trực tiếp khai thác, kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn nhưng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để kinh doanh, thì hoạt động chuyển nhượng này không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo Khoản 21, Điều 5 Luật Thuế GTGT. Ví dụ: Nhà sản xuất video ký hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với video cho nền tảng giải trí nước ngoài để phổ biến có thu phí trên không gian mạng. Nền tảng giải trí này trực tiếp và tự mình thực hiện việc phổ biến video, thu phí người xem, bán thời gian quảng cáo. Trong khi đó, nhà sản xuất video không tham gia vào quá trình kinh doanh này. Trong trường hợp này, hoạt động của nhà sản xuất video không phải là hoạt động cung cấp dịch vụ văn hóa, giải trí hoặc dịch vụ quảng cáo, mà là hoạt động chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan đối với sản phẩm nghe - nhìn cho nền tảng giải trí nước ngoài.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong cả hai trường hợp nêu trên, nếu xác định hoạt động kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn thuộc đối tượng chịu thuế GTGT ở mức thuế suất 10% đều không phù hợp với bản chất quy định của pháp luật.
Thứ hai, trong các điều kiện xác định được hoạt động kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn là dịch vụ văn hóa, giải trí hoặc dịch vụ quảng cáo, có hai trường hợp xảy ra: Trường hợp thứ nhất: Doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và được tiêu dùng tại nước ngoài, thì dịch vụ này được áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất 0% (căn cứ Khoản 1, Điều 9, Thông tư số 219/2013/TT-BTC); Trường hợp thứ hai: Doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng được tiêu dùng tại Việt Nam, dịch vụ này không được áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất 0% (căn cứ quy định tại điểm e, Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP, các trường hợp không được áp dụng thuế suất 0% quy định tại gạch đầu dòng thứ 5, Khoản 3, Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, là các hàng hóa, dịch vụ sau cung ứng tại Việt Nam (tiêu dùng ở Việt Nam) cho tổ chức, cá nhân nước ngoài). Cụ thể, đối với doanh nghiệp áp dụng mức thuế suất 10% hoặc 5% trên giá tính thuế, đối với cá nhân áp dụng mức thuế suất 5% hoặc 2% trên doanh thu.
Ví dụ: Nhà sản xuất video của Việt Nam đăng tải video trên nền tảng giải trí của nước ngoài và thu phí người xem, bán thời gian quảng cáo. Nhà sản xuất video trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh (quyết định mức phí chi trả cho 1 lượt xem, bán thời gian quảng cáo). Có 2 đối tượng khách hàng của nhà sản xuất video này, bao gồm: người trả phí xem video và doanh nghiệp mua thời gian quảng cáo ở nước ngoài; người trả phí xem video và doanh nghiệp mua thời gian quảng cáo ở Việt Nam (các giao dịch đều thông qua nền tảng giải trí của nước ngoài).
Như vậy, đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn theo hình thức kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí hoặc dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng số nước ngoài, các dịch vụ này cần được phân loại theo đối tượng tiêu dùng cụ thể (ở nước ngoài hoặc tại Việt Nam) để áp dụng mức thuế suất phù hợp, theo nguyên tắc “điểm đến” mà pháp luật Việt Nam đang áp dụng.
3. Kiến nghị
Những phân tích trên cho thấy, hệ thống chính sách thuế hiện hành về hoạt động kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn xuất khẩu, đặc biệt trên môi trường số đặt ra thách thức cho chính các doanh nghiệp của Việt Nam trong xu hướng hội nhập ngày càng sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt, so với thế giới, các doanh nghiệp của nước ta trong lĩnh vực này còn khá non trẻ.
Bài phân tích cũng đưa ra một số đề xuất để gia tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần phải xác định được bản chất của hoạt động kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn là hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ hay là hoạt động cung ứng dịch vụ văn hóa, giải trí để áp dụng mức thuế GTGT phù hợp theo quy định hiện hành.
Thứ hai, cần có phương pháp để xác định bản chất của hoạt động kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn trong mỗi giai đoạn của quá trình trao đổi, mua bán hoặc sử dụng dịch vụ, từ đó xác định được giai đoạn trao đổi, mua bán hoặc sử dụng dịch vụ để được hưởng thuế suất ưu đãi 0% ở Việt Nam phải là hoạt động xuất khẩu dịch vụ từ Việt Nam cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, được tiêu dùng ở nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, với đối tượng khách hàng tiêu dùng đa dạng, cả ở Việt Nam và nước ngoài.
Đối với dịch vụ cung cấp trên môi trường số (không thông qua kiểm soát hải quan như hàng hóa thông thường), có thể tham khảo theo hướng dẫn của OECD về khu vực tài phán có quyền đánh thuế, cụ thể: Trường hợp khu vực tài phán có quyền đánh thuế (tức là khu vực tài phán tiêu dùng dịch vụ) được xác định là ngoài Việt Nam: áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; Trường hợp khu vực tài phán có quyền đánh thuế (tức là khu vực tài phán tiêu dùng dịch vụ) là tại Việt Nam: áp dụng thu thuế GTGT theo thuế suất tương ứng với dịch vụ tương tự cung cấp trong nội địa vì dịch vụ được coi là tiêu dùng tại Việt Nam.
Thứ ba, đối với doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh sản phẩm nghe - nhìn xuất khẩu trên các nền tảng số tại nước ngoài, cần có cơ chế phân định phần nguồn thu của doanh nghiệp, cá nhân từ tiêu dùng ở nước ngoài và phần nguồn thu của doanh nghiệp, cá nhân từ tiêu dùng tại Việt Nam, từ đó, xác định được mức thuế áp dụng phù hợp. Đối với nguồn thu của doanh nghiệp, cá nhân từ tiêu dùng ở nước ngoài thì được hưởng thuế suất thuế GTGT là 0%; đối với nguồn thu của doanh nghiệp, cá nhân từ tiêu dùng tại Việt Nam, áp dụng mức thu thuế GTGT phù hợp theo quy định hiện hành của pháp luật về thuế GTGT.
Thứ tư, mặc dù không thuộc phạm vi phân tích của bài này, nhưng cần nghiên cứu, bổ sung kinh nghiệm về việc xây dựng chính sách ưu đãi thuế của một số nước trong khu vực và trên thế giới để hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, giúp các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa có thể tăng khả năng cạnh tranh của mình cũng như thu hút được đầu tư không chỉ trong nước mà còn nước ngoài.
________________
1. Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1-6-2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
2. Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ. Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Tài liệu tham khảo
1. OECD, Addressing the Tax Challenges of the Digital Economy, Action 1 - 2015 Final Report (Giải quyết các thách thức về thuế của nền kinh tế kỹ thuật số), OECD Publishing, 5-10-2015.
2. OECD, International VAT/GST Guidelines (Hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế hàng hóa và dịch vụ trong thương mại quốc tế), OECD Publishing, 12-4-2017.
3. Phan Thị Hương Vũ, Đánh thuế đối với dịch vụ xuất khẩu trong đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 15 (487), 8-2023.
ĐỖ QUANG MINH - NGUYỄN THỊ TRANG - NGUYỄN VIỆT TIỆP
Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023