Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam hiện nay

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (1). Nguồn lực nói đến ở đây là nguồn lực tinh thần, tức các giá trị văn hóa truyền thống được kết tinh, phản ánh trong di sản văn hóa. Với ý nghĩa đó, chúng ta có thể nhận thấy vai trò to lớn của di sản văn hóa trong quá trình phát triển đất nước hiện nay.

1. Một số thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam hiện nay

Nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa, về vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từng bước được nâng cao

Sự nghiệp đổi mới đã mang lại nhiều thành tựu to lớn, cùng với những thành tựu về kinh tế, nhận thức của người dân về vốn di sản văn hóa dân tộc ngày càng được nâng cao, đặc biệt từ khi Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa và Nhà nước chọn ngày 23-11 hằng năm (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ tích) làm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã trở nên rộng khắp.

Ở tầm vĩ mô, đã hướng sự phát triển đất nước gắn liền với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Đã tổ chức tốt công tác thông tin đối ngoại tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới” (2).

Ở cấp vi mô, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương, với các sinh hoạt cộng đồng. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ngoài việc gắn với công tác giáo dục truyền thống và bảo vệ môi trường, còn hướng tới xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách. Người dân ý thức được tầm quan trọng và lợi ích của hoạt động này để nâng cao mức sống vật chất và tinh thần, cho nên ngày càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hệ thống văn bản pháp luật và các chính sách về di sản văn hóa từng bước được xây dựng, bổ sung làm căn cứ để triển khai các hoạt động tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc

Trong thời kỳ đổi mới, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Luật Di sản Văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2009. Đồng thời, ban hành 8 Nghị định về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, gồm: Nghị định số 86/2005/NĐ ngày 8-7-2005 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa; Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25-6-2014 quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28-10-2015 quy định về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn; Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21-9-2017 quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 25-12-2018 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Chính phủ đã xây dựng và triển khai thực hiện một loạt chiến lược, chương trình, các đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tiêu biểu như: Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020; Đề án Đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030; Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020…

Để đảm bảo hoạt động bảo tồn và phát huy di sản được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, Bộ VHTTDL đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực di sản văn hóa, đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ các chương trình, đề án nhằm giữ gìn, bảo quản lâu dài tài sản văn hóa của dân tộc. Tính đến thời điểm này, hầu hết các di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa được UNESCO công nhận đã được lập quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có thể kể tới: Khu di tích lịch sử đền Hùng, Khu di tích thành Cổ Loa, Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thành Nhà Hồ, Quần thể Di tích Cố đô Huế, Khu Phố cổ Hội An, Khu di tích Phố Hiến, Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử...

Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về di sản văn hóa đã ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ, từng bước xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức xã hội, qua đó tạo hành lang pháp lý và định hướng thống nhất cho các hoạt động trong lĩnh vực này trên phạm vi cả nước.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có nhiều khởi sắc và đạt được những thành tựu quan trọng

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 28 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 7 di sản tư liệu. Cả nước hiện có 3.551 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (112 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt); 191 bảo vật quốc gia; 364 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều lễ hội truyền thống lớn được khôi phục, như: lễ hội đền Hùng, chùa Yên Tử, chùa Thầy, lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), Tây Sơn (Bình Định), đền Bà Chúa Xứ (An Giang), chùa Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội cầu ngư ở miền Trung…

Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không còn phù hợp với thời đại đã được điều chỉnh kịp thời, như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) không tổ chức chém lợn giữa sân đình; hội phết đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) đã thay đổi hình thức cướp phết sang nghi thức thực hành trình diễn; lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ), nghi thức đập đầu trâu được thay bằng nghi thức thực hành trình diễn; lễ hội Đông Cuông (xã Thanh Khương, Văn Yên, Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu; các làng Cơ Tu thuộc huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) bỏ tục đâm Trâu; lễ hội đền Trần Thái Bình không tổ chức lễ phát ấn...

Một số nghề thủ công truyền thống có nguy cơ thất truyền bước đầu được phục hồi, đó là nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam), nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày (Bắc Kạn), nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Xá Phó (Lào Cai), nghề dệt Dèng (thổ cẩm) của người Tà Ôi (Thừa Thiên Huế), nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè Trà Đông (Thanh Hóa).

Phần lớn di sản văn hóa sau khi được tôn tạo, phục hồi hoặc được UNESCO ghi danh đã trở thành điểm đến được mong chờ trong công tác giáo dục truyền thống, là địa chỉ du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách tới tham quan, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, năm 2018, khu di tích đền Hùng đón 8 triệu khách (không bán vé); Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón 1,6 triệu khách, thu từ vé khoảng 46 tỷ đồng (chưa kể 300 lượt miễn vé cho các hoạt động giáo dục truyền thống); quần thể di tích cố đô Huế đón 3,5 triệu khách, thu từ vé 375 tỷ đồng; vịnh Hạ Long đón 4,1 triệu khách, thu từ vé 1.184 tỷ đồng; Quần thể danh thắng Tràng An đón 6,25 triệu khách, thu gần 666 tỷ đồng (phí danh lam và phí chở đò); Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đón 900 lượt khách, thu 231 tỷ đồng; phố cổ Hội An đón 2,32 triệu khách, thu hơn 266 tỷ đồng…

Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội dành cho công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di sản văn hóa

Nhờ huy động được các nguồn lực, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã mang lại những hiệu quả thiết thực, trở thành điểm nhấn của địa phương trong phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương có di sản.

Chẳng hạn, năm 2011 lượng khách du lịch đến Quần thể danh thắng Tràng An khoảng hơn 1 triệu người, nhưng đến năm 2018 lượng du khách đến đây là gần 6,3 triệu người (riêng du khách quốc tế gần 735.000 người). Du lịch phát triển tất nhiên sẽ góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Chỉ tính riêng dịch vụ chở đò, bảo vệ, làm vệ sinh môi trường, trông coi xe… các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động địa phương. Như vậy, du lịch phát triển góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Bình.

Công tác xã hội hóa đã góp phần phục dựng và truyền dạy nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, như nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, thực hành nghi lễ trong hoạt động tín ngưỡng và lễ hội truyền thống, đặc biệt truyền dạy tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian cho thế hệ trẻ của các dân tộc ít người. Nhiều trung tâm và câu lạc bộ, như câu lạc bộ Cồng chiêng, Ca trù, Quan họ, hát Xoan, dân ca Ví, Giặm, Đờn ca tài tử... đã hoạt động khởi sắc trở lại là nhờ sự góp sức của các nghệ nhân, doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội.

Hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được tăng cường, mở rộng. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, Việt Nam đã thu hút được sự hỗ trợ và đầu tư từ nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế dành cho lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Việt Nam cũng tham khảo, học tập được các bài học kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến di sản văn hóa, đồng thời tranh thủ được sự đồng thuận của các quốc gia, của tổ chức UNESCO và các nước thành viên Liên hợp quốc trong bảo vệ lợi ích, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bằng những giá trị di sản văn hóa dân tộc.

2. Hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở nước ta trong thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế sau đây:

Một là, hệ thống văn bản pháp luật về di sản văn hóa còn thiếu đồng bộ, vì vậy chưa xử lý được đầy đủ những phát sinh, vướng mắc trong quá trình quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di sản văn hóa vật thể, một số quy định pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo với pháp luật về di sản văn hóa.

Luật Di sản văn hóa hiện hành của nước ta chưa có điều khoản nào đề cập đến di sản văn hóa phi vật thể thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO. Tất nhiên, chúng ta cần sửa đổi, bổ sung loại hình này vào Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình chờ sửa đổi, bổ sung chúng ta cần có một văn bản pháp quy quy định trách nhiệm, quyền hạn cũng như mối quan hệ giữa trung ương và địa phương trong việc quản lý nhà nước loại hình di sản này.

Hệ thống văn bản pháp luật về di sản văn hóa còn những điểm chưa cụ thể, chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tình hình mới. Chẳng hạn như cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; các quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của các tổ chức, cá nhân khi được tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác di sản văn hóa một cách ồ ạt ở các địa phương trong thời gian qua.

Hai là, công tác quản lý trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tình trạng xâm lấn di sản văn hóa vật thể, di chỉ khảo cổ; việc buôn bán, lấy trộm, săn lùng cổ vật hay giả lập các địa điểm thờ cúng trong khuôn viên di sản văn hóa; vấn đề quản lý tiền công đức ở các cơ sở tôn giáo; hiện tượng mê tín dị đoan trong các cơ sở thờ tự, trong các hoạt động lễ hội… dù đã được ngăn chặn nhưng vẫn còn tồn tại ở khá nhiều địa phương.

Thời gian vừa qua, một số đơn vị, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện việc cấp các bằng chứng nhận như: “Đền thiêng linh ứng đạt tiêu chuẩn văn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam”, “Phong tặng nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt”, “Việt Nam linh thiêng cổ tự”, “Tôn vinh nghệ nhân”, “Nghệ nhân văn hóa dân gian”, “Công nhận cây di sản Việt Nam”, “Cây di sản”, “Công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” và công nhận các đạo sắc phong tại các cơ sở thờ tự/di tích là tài liệu quý, hiếm... Đây là những chứng nhận không có căn cứ pháp lý hay quy định của Nhà nước nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn thực hiện một cách công khai.

Ba là, nhận thức về phát huy giá trị di sản văn hóa trong mối quan hệ với bảo tồn và phát triển chưa thật sự sâu sắc và toàn diện. Nhiều địa phương, nhiều nơi còn khá lúng túng trong việc xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội, dẫn đến tình trạng xây dựng các công trình kinh doanh, dịch vụ một cách tùy tiện, lộn xộn gây ảnh hưởng và làm biến dạng di sản văn hóa.

Vấn đề tận thu, khoán thu cũng như việc sửa chữa, tu bổ di sản văn hóa vật thể sai quy cách; việc trình diễn thực hành di sản văn hóa phi vật thể vì mục đích lợi nhuận hay bị tác động bởi các lợi ích kinh tế… dẫn đến tình trạng tiếp nhận những đồ thờ tự không phù hợp, hay phục hồi sai lệch các giá trị của lễ hội truyền thống.

Một số cá nhân, doanh nghiệp quá chú trọng khai thác di sản để phát triển du lịch mà quên đi nhiệm vụ cốt lõi là bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa. Dư luận đã nhiều lần cảnh báo những vụ việc xâm phạm nghiêm trọng ở các di sản, như công trình đường lên núi Cái Hạ trong khu vực di sản Tràng An (Ninh Bình), tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), việc dựng tượng Bà Chúa Xứ tại Núi Sam ở An Giang, sự khai thác quá mức của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước ở Đà Nẵng hay tình trạng ô nhiễm môi trường ở các di sản văn hóa (do du lịch phát triển), đặc biệt là ở những lễ hội có quy mô lớn, diễn ra nhiều ngày... Đó là những thách thức đang đặt ra đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở nước ta hiện nay.

3. Một số định hướng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tôn trọng, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành Văn hóa mà là của các ngành, các cấp và toàn xã hội, trong đó cơ quan văn hóa và giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Để lan tỏa, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong nhà trường. Trước hết cần đổi mới nội dung chương trình, hình thức thể hiện sao cho hấp dẫn giới trẻ. Chẳng hạn, có thể sản xuất những chương trình, ấn phẩm Multimedia tiếp cận từ nhiều góc độ về những giá trị văn hóa tốt đẹp ẩn chứa trong di sản văn hóa. Hoặc tổ chức các cuộc thi, trò chơi dân gian, biểu diễn văn hóa dân gian, trình diễn nghề truyền thống và những sự kiện liên quan đến di sản văn hóa phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và sở thích của giới trẻ (có thể mời người dẫn chương trình là những nhân vật nổi tiếng đang là thần tượng của giới trẻ hoặc tổ chức các hoạt động trên nền tảng công nghệ và thực nghiệm ngay tại di sản văn hóa hoặc/ và tại nhà trường).

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phát huy tính tích cực của hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa, những phong tục, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam… Thực hiện tốt công tuyên truyền, không chỉ góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp, mà còn ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại hay những trào lưu văn hóa không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về di sản văn hóa. Văn bản pháp luật càng đầy đủ, chi tiết, cụ thể càng tạo thuận lợi để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả. Thực tiễn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở nước ta trong thời gian qua đã xảy ra một số trục trặc và những vướng mắc đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Chẳng hạn như vấn đề quản lý hoạt động xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, việc tôn tạo, tu bổ, phục dựng di sản văn hóa, thậm chí cả việc một số cá nhân vi phạm quy chế quản lý cũng như pháp luật của Nhà văn hóa, việc tôn tạo, tu bổ, phục dựng di sản văn hóa, thậm chí cả việc một số cá nhân vi phạm quy chế quản lý cũng như pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhưng đến nay vẫn chưa có một chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo tính răn đe. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn của thời kỳ mới, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ và quản lý di sản văn hóa, như tiếp tục sửa đổi Luật Di sản văn hóa, đồng thời rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để khắc phục những điểm chưa cụ thể, chưa đầy đủ, chưa phù hợp trong các văn bản này.

Cần tổng kết, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý và hoạt động văn hóa cũng như người dân về các nội dung quản lý di sản ở cơ sở. Chẳng hạn, quy định về tên gọi, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy; cơ chế phối hợp quản lý di sản văn hóa trong phạm vi địa phương giữa đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ di sản văn hóa và các tổ chức, cá nhân liên quan; cơ chế tài chính trong việc trích lại phần trăm từ nguồn thu bán vé của các di sản văn hóa cho việc quản lý, bảo vệ, cho các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và công tác bảo tồn di sản văn hóa.

Cần chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác di sản văn hóa. Thực hiện nghiêm Quy định số 284-QĐ/TW ngày 5-2-2010 của Ban Bí thư về Tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đảm đương công việc và Thông tư số 09/2019/TT-BVHTTDL ngày 9-9-2019 của Bộ VHTTDL quy định tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở VHTTDL.

Coi trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với sự phát triển bền vững đất nước. Sử dụng, bổ nhiệm cán bộ có phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn phù hợp. Nghiên cứu tổng kết những mô hình ban quản lý di sản (di tích) hoạt động có hiệu quả và phù hợp với từng loại di tích để nhân rộng trong toàn quốc.

Ngoài ra, cần xây dựng, bổ sung chính sách xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp có đóng góp trực tiếp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; điều chỉnh chính sách đãi ngộ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú nhằm tạo điều kiện nhiều hơn nữa để nghệ nhân trao truyền kỹ năng, bí quyết; tặng thưởng cho những cá nhân, tập thể có những đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc (hiến tặng cổ vật, tài trợ cho các chương trình nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa, kể cả những cá nhân, doanh nghiệp có thành tích cao trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa)...

Di sản văn hóa vốn thuộc về cộng đồng, do vậy bảo tồn và phát huy di sản phải hướng tới cộng đồng. Trong quá trình triển khai các hoạt động này, cần chú trọng nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng sở tại, để mỗi người dân trở thành những nhân tố tích cực, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Chính cộng đồng dân cư tại chỗ là người trực tiếp bảo vệ, thực hành cũng như phát hiện sự xuống cấp, những hành vi xâm hại di sản văn hóa.

Tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, hợp tác về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, các hoạt động trưng bày giới thiệu di sản văn hóa… Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, chúng ta có thể tiếp cận được những quan điểm mới, những cách làm hay của các nước trong việc xử lý các vấn đề chung của thế giới về di sản văn hóa, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, tổ chức quốc tế đối với di sản văn hóa Việt Nam.

___________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.34.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.49.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ VHTTDL, Báo cáo số 91/BC-BVHTTDL về một số vấn đề quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội, Hà Nội, 12-4-2019.

2. Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa, Báo cáo số 883/BC-DSVH về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Hà Nội, 15-12-2020.

Tác giả: TS Nguyễn Tiến Thư

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

 

;