Hải Dương thuộc vùng châu thổ sông Hồng, nơi có những lợi thế lớn trong thực hành văn hóa và lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, trong đó có lễ hội đền/ đình Sượt (gọi tắt là Lễ hội Sượt). Là những người thực hiện dự án Bảo tồn Lễ hội Sượt thuộc nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể 54 dân tộc ở Việt Nam thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tác giả bài viết trình bày một số nhận thức về quản lý lễ hội cổ truyền, trường hợp lễ hội Sượt ở thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
1. Đền/ đình Sượt và nhân vật phụng thờ
Đền Sượt có tên Thanh Cương linh từ. Bia thần tích ghi: Thanh Cương là một xã thuộc Tổng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, thừa tuyên Hải Dương (nay là phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Đền Sượt xây dựng từ TK XVI và đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào thời Nguyễn. Đền quay mặt về hướng Tây, kiến trúc kiểu chữ Công (工), gồm tòa bái đường, trung từ và hậu cung. Đền Sượt được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 68/QĐ-BVHTT ngày 29-1-1992.
Thần tích lưu tại Thanh Cương linh từ, do Đông các Hàn Lâm đại học sĩ thần Nguyễn Bính biên soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) cho biết về cuộc đời và sự nghiệp của đại vương Vũ Hựu khá chi tiết, tóm lược như sau.
Vào thời Lê, niên hiệu Hồng Đức, ở làng Long Thịnh, huyện Thọ Xương, phủ Thanh Đô (Thanh Hóa) có người họ Vũ, tên Đạo lấy vợ là Phạm Thị Hòa, người làng Thanh Cương (Hải Dương). Ông bà ở quê nội Thọ Xương (Thanh Hóa) làm nghề thuốc, sinh sống đức độ, nhân hậu, song chậm đường con cái. Sau khi lập đàn cầu đảo ba ngày, ông Vũ Đạo mộng thấy trên trời vân vũ huyền ảo, 12 vị tiên đồng trang phục ngũ sắc rực rỡ nhảy múa hát ca, bay về trời, sau đó rồng vàng xuất hiện. 100 ngày sau, bà vợ thụ thai. Sau 14 tháng, sáng ngày 10-3-1472 (năm Nhâm Thìn), sinh một con trai, khôi ngô, tướng mạo khác thường, đặt tên Vũ Hựu. Khi bà sinh, mây kéo về phủ kín bầu trời. Nơi bà sinh hàng đàn chim bay về hội tụ. Ngay từ nhỏ, Vũ Hựu đã nổi tiếng thông minh trí dũng và rất ham rèn luyện võ nghệ. Năm 21 tuổi, Vũ Hựu thi Văn, đỗ Hoàng Giáp, thi Võ, đỗ Tạo sĩ. Nhà vua cử ông làm Đốc trấn hai xứ Kinh Bắc và Sơn Nam. Khi giặc Chiêm xâm lấn vùng đất Thanh Hóa, Nghệ An, phụng mệnh vua, ông chia quân thủy bộ, bày trận, đánh thắng giặc. Vua mở yến tiệc khao quân và phong cho làm Đại vương, thưởng 100 hốt vàng, 1.000 cuộn gấm, nhưng ông một mực xin về nghỉ ngơi. Trên đường về quê, đến núi Vân Đài, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, lên núi ngắm cảnh non sông đất nước, bỗng trời tối sầm, sấm chớp nổi lên ầm ầm và ông hóa luôn ở đó, nhằm ngày mùng 6-11-1520 (năm Canh Thìn) thọ 49 tuổi. Nhà vua thương tiếc, sai đình thần làm lễ an táng và cho lập đền thờ trên núi, cho phép hai bên nội ngoại được lập đền thờ cúng. Vua Lê Chiêu Tông truy phong ông là Đại Vương và phong Thượng đẳng phúc thần, sắc phong là Minh quốc linh ứng, hiển hựu đại vương. Triều đình giao cho ba nơi thờ chính nghi lễ quốc tế, 21 nơi khác phụng sự. Quy định quê nội (Thanh Hóa), quê ngoại (Hải Dương) thờ cúng muôn đời, được miễn thuế và thu phen tạp dịch. Từ đó hằng năm cứ đến ngày 10-3 và ngày 6-11 (âm lịch), dân làng Sượt mở lễ hội, tổ chức dâng hương tưởng nhớ công lao của đức thánh.
Như vậy, trải qua thời gian, quá trình huyền thoại hóa một nhân vật lịch sử đã diễn ra, khiến Hoàng giáp, Tạo sĩ Vũ Hựu trở thành Thượng đẳng phúc thần đại vương được thờ cúng tại đền/ đình Sượt. Không rõ lễ hội nơi đây hình thành từ bao giờ, nhưng trong tâm thức dân gian, đây là một lễ hội lớn, thu hút sự tham gia của cộng đồng không chỉ ở Hải Dương mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác.
2. Phục dựng lễ hội đền/ đình Sượt
Trước năm 1945, vào những năm quốc thái dân an, phong đăng hòa cốc, lễ hội Sượt tổ chức lớn. Vào năm khó khăn, quy mô Lễ hội Sượt thu hẹp. Nội dung lễ hội có những nghi lễ, tục lệ, trò diễn và trò chơi đặc sắc gồm: Các nghi lễ tế tự, nấu rượu Hồng tửu, nuôi ông lợn làm lễ tế Thánh, lễ tế Xuân bằng trâu, lễ hội diện, làm cỗ thượng tiến dâng Thánh, trò đánh Bệt, các trò chơi dân gian.
Lễ hội Sượt được phục dựng và duy trì từ năm 1990 trở lại đây theo chủ trương của Nhà nước và nguyện vọng của người dân.
Đình Sượt - Ảnh: Lan Oanh
Ngay từ đầu tháng 3 âm lịch, Ban khánh tiết đền tổ chức lau rửa đồ thờ tự, họp bàn tổ chức lễ hội. Từ ngày 9-3 âm lịch, công tác sửa soạn, chuẩn bị cho lễ hội và tại các gia đình trong phường Thanh Bình về cơ bản đã hoàn tất. Từ những nguyên liệu đã được chuẩn bị từ trước, tối ngày 9 âm lịch, tại các cụm dân cư, nhân dân tổ chức giã bánh dày, mổ lợn làm cỗ dâng thánh. Anh Đinh Trọng Hùng, cư dân khu 4 cho biết: “Dù thường xuyên công tác xa nhà, nhưng cứ dịp lễ hội, tôi đều cố gắng thu xếp công việc để về dự, tham gia giã bánh dày. Tôi vui vì được sum vầy cùng anh em bà con hàng xóm, đoàn kết cùng nhau đóng góp công sức làm bánh tiến thánh”. Cùng với hoạt động giã bánh dày là công tác chuẩn bị mổ lợn tế. Lợn tế phải được chuẩn bị từ trước. Ông Đặng Đình Lực ở phố Nguyễn Lương Bằng cho biết: “Ông lợn phải là lợn đực màu trắng, được nuôi cẩn thận. Trước ngày khai hội một tháng, gia đình nuôi lợn phải luôn giữ sạch sẽ, thoáng mát. Trọng lượng ông lợn tế thánh phải trên 50 kg”. Lợn tế sau khi làm thịt, được đặt phủ phục lên giá. Đầu lợn gài hoa đỏ. Mình lợn được phủ mỡ chài. Bốn chân lợn đều gài bọc giấy trang kim. Các khu dân cư - vốn là các giáp trước đây đều có lợn tế, bánh dày tế thánh.
Ngày 10-3, khoảng từ 7 đến 8 giờ sáng, chủ tế làm lễ xin đức thánh cho thực hiện các nghi lễ tiến hành mộc dục long kiệu. Tiếp đó, toàn bộ hậu cung được dọn dẹp để đưa long kiệu đức thánh ra gian hữu đền Sượt, quây màn vải đỏ kín tứ phía và các thành viên đã lựa chọn trong cộng đồng làm lễ mộc dục. Lễ mộc dục xong xuôi tiếp theo là lễ khai mạc và dâng hương với sự tham dự đại diện của trung ương, tỉnh và bà con nhân dân.
Lễ rước kiệu từ đền Sượt về đình Sượt diễn ra sau khai hội với đầy đủ nghi trượng, cờ quạt, lỗ bộ, cờ thần, long ngai bài vị đức thánh, lễ vật, dàn bát âm… dân làng và khách thập phương tạo ra đoàn rước kiệu từ đền tới đình Sượt. Ngay sau khi lễ tế tại đình Sượt kết thúc, cả đoàn rước kiệu, lúc này còn có thêm các kiệu ông Lợn và các kiệu cỗ thượng tiến, kiệu bánh dày, xôi, hoa quả, lễ vật của các khu dân cư tiếp tục hành trình lễ rước từ đình quay về đền.
Trưa ngày chính hội, lễ ngoại tán, tế thánh và xin âm dương bằng đòn gánh diễn ra tại sân đền trong không khí tưng bừng lễ hội với đám rước hoành tráng. Thời gian chiều là lúc dành cho các cuộc thi tài giữa các khu dân cư. Thi làm chấm cỗ bánh dày. Tổ chức các trò chơi dân gian như leo cầu kiều cạn, bịt mắt đập niêu, cờ người, chọi gà.
Ngày 11-3, từ sáng sớm đã diễn ra các cuộc thi đấu cờ tướng, bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá… giữa các cụm dân cư. Buổi chiều diễn ra cuộc thi đấu vật, kéo co, thi thổi xôi, giã bánh dày. Buổi tối có giao lưu văn nghệ, hát trống quân.
Ngày 12-3, các hoạt động đua chải và quan trọng nhất trong buổi sáng là lễ tế Xuân. Tế Xuân tại đền Sượt là tế trâu. Ông Trâu được chọn từ trước, có chế độ chăm sóc riêng. Sáng sớm tinh mơ, người ta đã chọn ra những người thạo việc đảm nhận việc mổ trâu tế thánh. Ông Trâu được làm sạch, thui vàng, khiêng đặt trên kiệu và rước ra đền tế Thánh. Kiệu được trang trí đẹp mắt trong tư thế ông Trâu phủ phục trên kiệu nhưng đầu ngẩng cao kiêu hãnh. Lễ tế Xuân thể hiện niềm mong ước được đức thánh phù hộ cho toàn thể nhân dân có một năm học tập và làm việc thành công, may mắn. Sau lễ tế Xuân là tục đuổi Bệt, một trò diễn được người dự hội mong chờ, họ đứng vòng trong, vòng ngoài chờ đón đội đuổi bệt xuất hiện và diễn trò tái hiện trận đánh năm xưa của đức thánh. Cuối cùng, tấm da hổ (áo hổ) cũng được/ bị xé tan tành thành nhiều mảnh nhỏ tràn đầy năng lượng thiêng - trở thành vật may/ vật khước cho người dự lễ hội Sượt.
Sau cùng, lễ thả cây đám được tiến hành tại ao đền, đình. Cây đám nổi lên, trôi về phía Bắc của ao thì người ta tin rằng, may mắn đã mỉm cười với người dân vì Thánh đã đồng ý phù hộ cho dân.
3. Sự thay đổi trong tổ chức và quản lý lễ hội
Lễ hội Sượt có sự biến đổi về không gian lễ hội khi 3 làng Thanh Cương, Đức Minh và Kim Chi sáp nhập thành phường Thanh Bình. Vì thế, tổ chức và quản lý lễ hội có sự thay đổi. Cơ cấu tổ chức của làng Thanh Cương trước đây gồm bốn giáp đông, tây, nam, bắc. Chuẩn bị lễ vật như bánh dày, ông lợn là việc của các giáp. Mổ lợn, giã bánh dày diễn ra tại nhà ông Đám. Các giáp mời các gánh hát, chủ yếu là gánh hát chèo, biểu diễn mua vui tại nhà ông trưởng giáp. Việc nấu rượu Hồng tửu cũng do các giáp thực hiện. Trong các lễ vật, chỉ có lễ vật ông Trâu trong tế Xuân là do làng chuẩn bị. Quá trình đô thị hóa, từ làng xã trở thành phố phường khiến việc tổ chức lễ hội có sự thay đổi. Khi trở thành phường Thanh Bình, việc tổ chức và quản lý lễ hội do UBND phường thực hiện. Vai trò các giáp của làng Thanh Cương xưa trong tổ chức lễ hội không còn, vì vậy các lễ vật do 4 giáp chuẩn bị không còn nữa. Nói cách khác, vai trò cộng đồng trong làng thông qua các giáp đã được một tổ chức hành chính cấp phường thực hiện. Tuy nhiên, các gia đình vẫn chuẩn bị lễ vật của nhà mình để mang ra đền/ đình dâng cúng đại vương Vũ Hựu như xưa.
Đáng lưu ý, niềm tin tưởng vào nhân vật thờ - đại vương Vũ Hựu tại đền/ đình Sượt của người dân các thế hệ không hề phai nhạt. Trong chiều sâu tâm khảm, nhiều người cho rằng đức thánh đền Sượt rất thiêng. Họ đến đền Sượt bày tỏ nguyện vọng trước đức Thánh và được đức Thánh phù trợ. Những người đến cầu phúc, cầu tài, cầu những điều tâm đức thường được phù hộ và ứng nghiệm nhiều năm nên uy linh của ngôi đền/ đình ngày càng lan tỏa. Do có sự chuyển đổi từ làng xã thành phường, bộ máy quản lý, tổ chức lễ hội Sượt có thay đổi nhưng cấu trúc và thành tố của lễ hội Sượt không thay đổi. Đám rước và các trò chơi như chọi gà, cờ tướng, đấu vật… vẫn được thực hiện thành kính, vui vẻ. Năm 1999, trò đánh Bệt được phục hồi sau một thời gian gián đoạn đã được người dân nhiệt tình tham gia. Năm 2012, lễ hội Sượt được tổ chức quy mô hơn với ý thức phục hồi những nghi lễ và trò diễn, trò chơi trong lễ hội như giai đoạn trước 1945.
Niềm tin tưởng vào vị thánh/ đại vương Vũ Hựu khiến lễ hội Sượt từ xưa đã được coi như là một lễ hội vùng có quy mô lớn, thu hút nhân dân từ nhiều tỉnh, thành về dự. Ngày nay, đền/ đình Sượt vẫn là một trung tâm tín ngưỡng hưng thịnh. Đặc biệt, những ngày đầu xuân, ngày rằm, mùng 1, ngày lễ hội thu hút đông đảo nhân dân đến sinh hoạt tín ngưỡng, thể hiện niềm tin, sự biết ơn với thánh Vũ Hựu linh thiêng.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích và lễ hội Sượt
Lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa có nhiều thành tố của văn hóa dân gian, lễ hội dân gian có trong nội tại những thế mạnh mà các loại hình sinh hoạt văn hóa khác khó có thể so sánh với nó. Chính vì tính nguyên hợp, tổng hòa sâu sắc từ các thành tố đơn lẻ, cho nên trong lễ hội, bên cạnh những giá trị, còn kèm theo cả những yếu tố phái sinh phản giá trị - xét theo quan điểm quản lý các hoạt động văn hóa ở những thời điểm nhất định. Đảng, Chính phủ, Bộ VHTTDL và các tỉnh, thành phố, quy định việc quản lý lễ hội phải tuân thủ nhất quán từ trung ương xuống địa phương. Tuy vậy, vẫn cần điều chỉnh nhất định đối với những vùng/ miền cụ thể.
Thứ nhất, về công tác tổ chức: Mặc dù đã thành thông lệ, việc phục hồi lễ hội ở tầm quy mô lớn được tổ chức bài bản từ năm 1999, với sự nỗ lực của nhân dân địa phương và ngành Văn hóa Thông tin (nay là VHTTDL), thế nhưng, việc bàn bạc để đạt đến nhất trí trong tổ chức lễ hội tốt đẹp suôn sẻ, thực tế lại không hề dễ dàng. Thông qua các kỳ bàn thảo từ tháng chạp đến tháng 3 âm lịch, có thể nhận thấy các kỳ họp diễn ra nhiều. Bên cạnh mặt tốt là sẽ có được sự đồng thuận cao giữa chính quyền, các đoàn thể, nhân dân và ban quản lý di tích, thì cũng dễ nhận ra mặt hạn chế là do tính chuyên môn chưa cao trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Theo quy định, các lễ hội truyền thống chỉ được diễn ra trong 3 ngày, trừ những lễ hội có quy định riêng. Theo lịch trình, thời gian lễ hội đã diễn ra dài ngày hơn quy định, rõ ràng có những điểm chưa phù hợp.
Thứ hai là công tác điều hành: Diễn trình lễ hội là một sinh hoạt văn hóa thường niên, về cơ bản sẽ được duy trì đều đặn. Dẫu vậy, lễ hội mỗi năm mỗi khác với những diễn biến thay đổi của tình hình kinh tế, xã hội... Đây là điều cần có sự “lành nghề, thao lược” của những cán bộ chuyên môn và tâm huyết với lễ hội truyền thống địa phương. Trong điều hành hoạt động lễ hội, về cơ bản, những sơ suất thường đi liền với sự co giãn thời gian của các hoạt động, bị thay đổi so với dự kiến ban đầu của ban tổ chức. Phần lễ kéo dài, nhưng cũng có đoạn/ phần bị cắt ngắn nên gây nhiều hẫng hụt cho những người không có cơ hội tham dự các hoạt động lễ hội mà họ mong đợi. Ví dụ, thời gian rước kiệu từ đền tới đình và từ đình trở về đền nhanh chóng hơn dự kiến. Đám rước “khiêng kiệu chạy băng băng” khiến nhịp điệu nông nghiệp - mùa màng của các lễ hội truyền thống bị đứt rời. Đây là lý do khiến nhiều người không có cơ hội chứng kiến vì đám rước diễn ra chóng vánh hơn dự kiến. Lễ xin âm dương bằng đòn gánh vào khoảng 13 giờ (đầu giờ Mùi) là thời gian nghỉ trưa theo nhịp sinh học của con người. Thế nên, nhiều “ông già bà cả” không được tham dự/ chứng kiến nghi lễ “tung đòn gánh xin âm dương” - là một nghi lễ quan trọng, hấp dẫn, gay cấn cho cả người thực hiện nghi lễ và cộng đồng, đã gây nuối tiếc cho không ít người.
Công tác điều hành còn thể hiện sự bất cập tại thời điểm diễn ra tục đánh Bệt. Với mong muốn được sở hữu một phần “lộc thánh” thông qua nghi lễ đánh/ đuổi Bệt, người dân - ở đây đại đa số là nam thanh niên đã không ngại “va chạm mạnh” để có “lộc” trong tay. Mong muốn này đã khiến tình trạng chen lấn xô đẩy, chèn ép diễn ra ngay khi nghi lễ tạ thánh chưa được thực sự hoàn thành. Hành vi chen lấn xô đẩy của người dự hội đe dọa sự an toàn cho các “nhân vật” (ông chú và ông hổ/ bệt) khi họ chưa kịp hoàn tất các nghi lễ theo nghi thức truyền thống. Vấn đề đặt ra ở đây là tình trạng mất kiểm soát đã bị đẩy lên cao trào bởi chính những thành viên trai tráng trong đám rước. Không những họ không trở thành lực lượng giữ an toàn cho trò diễn nghi lễ diễn ra liên tục mà chính họ còn trở thành lực lượng khiến nghi lễ bị gián đoạn nặng nề hơn.
Thứ ba, điều bất cập khác gắn với lễ vật tế Xuân của lễ hội. Vì ông Trâu được giao cho một nhóm người thực hiện các công đoạn để trở thành Trâu tế, nên sự tham dự của cộng đồng vào công việc chuẩn bị lễ vật khá hạn chế. Điều này có mặt tốt là lễ vật sẽ được chuẩn bị nhanh chóng, bài bản. Nhưng mặt khác, thiếu vắng sự tham gia của cộng đồng khu dân cư khiến cho “tính thiêng” của lễ vật dường như bị giảm sút ít nhiều. Các nghiên cứu về khoa văn hóa dân gian cho biết, tính thiêng của các hiện tượng văn hóa dân gian phụ thuộc rất nhiều vào hành vi của chủ thể văn hóa. Sự “vắng mặt” của chủ thể văn hóa thông qua những hành động văn hóa cụ thể sẽ khiến kết quả hoạt động văn hóa dân gian bị giảm thiểu mối dây liên kết rất nhiều - mà ở đây là tính thiêng thể hiện qua lễ vật dâng cúng tế Xuân - ông Trâu. Nên chăng có thể điều chỉnh để trả lại cho chủ thể văn hóa những hoạt động mà họ được quyền và có trách nhiệm gánh vác khi cộng đồng cùng tổ chức lễ hội.
Các di tích lịch sử - văn hóa ở thành phố Hải Dương nói chung, các di tích thuộc cụm di tích đền/ đình Sượt nói riêng có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân nơi đây. Do vậy, cùng với hệ thống các di tích khác, cụm di tích đền/ đình Sượt cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để thực sự làm cho di tích thờ đại vương Vũ Hựu xứng đáng với tầm vóc một danh tướng văn võ song toàn đã đi vào đời sống tâm linh. Với những ý nghĩa đó, xin đề cập một số nội dung nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị của cụm di tích và lễ hội thờ đại vương Vũ Hựu như sau:
Cần hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý di tích với các cơ quan quản lý liên quan. Di tích đền/ đình Sượt cần được tổ bảo vệ thường xuyên trực tiếp theo dõi, bảo vệ cổ vật và phát hiện tình trạng hư hỏng, sai sót.
Các đơn vị quản lý cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra di tích để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến giá trị của di tích khi trùng tu, tu bổ, tôn tạo theo kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.
Cần có những biện pháp bảo quản mang tính phòng ngừa, hạn chế hư hỏng, không làm ảnh hưởng đến những yếu tố nguyên có của di tích cũng như các di vật, cổ vật trong di tích. Cần phòng ngừa và tăng cường khả năng chịu ảnh hưởng tác động của thời tiết, nhất là độ ẩm vào mùa mưa sẽ là những điều kiện thuận lợi để côn trùng, nấm mốc gây hại cho các di vật, cổ vật có trong di tích. Cần có sự phối kết hợp giữa cơ quan quản lý văn hóa và cơ quan công an, chính quyền địa phương để xử lý kiên quyết, dứt điểm những hành động gây ảnh hưởng đến di tích hay môi trường cảnh quan của di tích.
Cụm di tích đền/ đình Sượt cần được giữ nguyên không gian lịch sử vốn có, tránh sự xâm phạm vào không gian vật chất của các địa điểm đó. Ở những địa điểm này, cần thiết phải dựng các tấm biển, bia, ghi dấu sự kiện lịch sử… trong đó giới thiệu ngắn gọn về nội dung, ý nghĩa của từng nơi thờ trong di tích.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng, để cộng đồng nhận thức đầy đủ, từ đó có thái độ và hành động đúng đắn tham gia tích cực vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Khi cộng đồng hiểu rõ được ý nghĩa, giá trị của di sản, họ sẽ thêm tự hào về di sản của quê hương, coi chúng như một phần của đời sống văn hóa tinh thần. Từ đó, ý thức bảo vệ di sản của mỗi người sẽ nâng lên, những hành động làm tổn hại cụm di tích sẽ bị/ được chính cộng đồng lên án, loại trừ.
Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn di sản văn hóa đền/ đình Sượt, có thể sử dụng bằng nhiều hình thức khác nhau như trên các phương tiện truyền thông đại chúng; Tổ chức họp bàn trực tiếp với người dân về bảo vệ di tích. Cũng có thể gắn những nội dung này vào các hương ước, nội quy xây dựng cụm dân cư, gia đình văn hóa…
Cần gia tăng chất lượng quảng bá về các di tích lịch sử - văn hóa thuộc khu vực thành phố Hải Dương nhằm thu hút khách du lịch. Việc quảng bá cần tập trung trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm xuất bản, tờ rơi, biển quảng cáo, thông qua các công ty du lịch. Trên cổng thông tin điện tử của Hải Dương hiện nay đã có các mục về di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, tuy nhiên số lượng di tích được đưa ra còn ít ỏi với thông tin giới thiệu sơ lược. Có lẽ, để phục vụ tốt cho việc quảng bá, giới thiệu cụ thể, sâu rộng hơn về các di tích cần xây dựng một trang web dành riêng cho di sản văn hóa trên địa bàn toàn thành phố, bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Việc tổ chức tham quan cho du khách không chỉ dừng lại ở các điểm di tích thuộc cụm đền/ đình Sượt trong thành phố mà cần mở rộng, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo bằng cách kết hợp giữa di tích cạnh nhau với các sản phẩm đặc trưng của vùng như các làng nghề truyền thống ở Ninh Giang (làng nghề làm bánh gai nổi tiếng), làng nghề ở Mao Điền (nghề nón lá), làng nghề gốm Chu Đậu... Hẳn đây sẽ là những tour du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đặc biệt là du khách quốc tế.
Tựu trung, niềm tin của người dân thể hiện qua sự gắn bó với di tích và lễ hội vẫn là hạt nhân quan trọng tạo nên sức hút tâm linh kỳ diệu cho lễ hội Sượt trong quá khứ và hiện tại. Dù rằng khó tránh những điểm bất cập phái sinh, song, với tất cả những kết quả đã đạt được và chủ động hạn chế những bất cập được cảnh báo, cho dù tình hình kinh tế, xã hội không thuận lợi do bị ảnh hưởng bởi COVID-19, lễ hội Sượt không tổ chức, chủ động lược gọn nghi lễ, trò diễn, lễ vật, chỉ tiến hành nghi lễ dâng rượu Hồng tửu, nhưng có thể khẳng định rằng các lễ hội truyền thống (nói chung) sẽ vẫn có những hoạt động hiệu quả, ích lợi nhằm góp phần khẳng định thêm giá trị to lớn của di sản văn hóa trong đời sống văn hóa quý báu người dân Hải Dương và cả nước nói chung.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Dũng, Đền - đình Sượt, sự tích, kiến trúc và lễ hội, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2009.
2. Hải Dương di tích và danh thắng, Sở VHTT Hải Dương, 1999.
3. Tài liệu điền dã tại lễ hội đền/ đình Sượt của tác giả, 2014.
Tác giả: PGS, TS Phạm Lan Oanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021