Mỗi làn điệu dân ca trong kho tàng dân ca xứ Thanh đều là những sản phẩm văn hóa lâu đời, thể hiện cuộc sống, tâm tư, ước vọng, tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước. Qua tìm hiểu lời ca, giai điệu, tiết tấu, các hình thức diễn xướng… có thể thấy phần nào tính cách, nếp sống, văn hóa, tín ngưỡng của người dân Thanh Hóa so với các vùng phụ cận và văn hóa Việt nói chung.
Phổ thơ là soạn thêm phần nhạc trên cơ sở lời một bài thơ để tạo ra một bài hát. Nói cách khác, phổ thơ là một nghệ thuật dùng tư duy âm nhạc để tạo cho các vần thơ có sẵn thành giai điệu. Có thể nói, các nghệ nhân dân gian xưa là những nhạc sĩ tài ba trong lĩnh vực phổ thơ, họ đã lấy các câu ca dao, tục ngữ hoặc tự mình sáng tác sau đó phổ thành những bài ca sống mãi với thời gian, để lại muôn đời cho các thế hệ nối tiếp. Có nhiều thủ pháp phổ thơ cho một bài hát, nhưng thủ pháp đảo trật tự từ, thêm từ đệm và từ láy là những cách làm phổ biến nhất để tạo nên đặc trưng một bài dân ca.
1. Thủ pháp đảo trật tự từ
Đảo trật tự từ (còn gọi là đảo ngữ) là một hình thức tu từ nhằm đổi vị trí thông thường của một từ, cụm từ trong câu nhưng không làm mất đi quan hệ cú pháp vốn có của nó. Hiện tượng đảo trật tự từ hay gặp trong dân ca Việt Nam (nhất là trong nghệ thuật sân khấu chèo). Thủ pháp đảo trật tự từ trong dân ca được thể hiện ở chỗ: 4 từ sau của câu 6 (trong thơ lục bát) được hát trước rồi sau đó mới theo trình tự hát lại từ đầu cho đến hết bài. Hiện tượng này hay xảy ra trong các câu hát có cấu trúc lời thơ xuôi chiều 6+8.
Trong diễn xướng Múa đèn Đông Anh, trong 10 bài ca thì đã có 4 bài dùng thủ pháp này. Đó là các bài: Vãi mạ, Dệt cửi, Đan lừ, và Xe chỉ vá may.
Ví dụ bài Xe chỉ vá may có lời thơ như sau:
Ngồi buồn xe chỉ, chỉ xe
Xỏ kim, kim xỏ, ngồi hè vá may
Tay mang khăn gói lội sông
Mồ hôi gió đượm, thương chồng phải theo
Khi trở thành lời ca, những vần thơ trên được chia thành đoạn nhạc và hát như sau:
“Xe chỉ mà chỉ ơ xe ơ ta ngồi buồn xe chỉ mà chỉ ơ xe. Xỏ kim ôi a kim xỏ, ngồi hè vá may. Tay mang khăn gói tình lội qua sông, mồ hôi gió đượm gái thương chồng qua lới nọ mà phải theo, gái thương chồng qua lới nọ mà phải theo”. Với thủ pháp này, câu 6 của thể thơ lục bát đã trở thành 10 từ, theo đó âm nhạc cũng được mở rộng hơn 2 ô nhịp. Do nhắc lại 2 lần nên nội dung chủ đề bài ca cũng được nhấn mạnh hơn.
Ta có thể tham khảo thêm phần nhạc và lời của thủ pháp phổ thơ này qua bài Hát thánh ca (Chèo chải - Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa)
Rời Nam, gặp hội Thăng bình
Cửu như thiên bảo phúc đình đới dương
Khi vào bản nhạc, ta thấy:
2. Thủ pháp dùng từ đệm
Có thể nói, bất kỳ bài dân ca nào của người Việt cũng dùng thủ pháp chen những từ đệm vào lời ca, những từ đệm này mang sắc thái riêng từng vùng miền. Trong quá trình nghiên cứu, chúng ta thường gặp hiện tượng từ đệm được xuất hiện bằng nhiều dạng khác nhau như: ôi, a, ơi a, dầu mà, rằng mà, tang tình... Các từ này có thể có nghĩa, làm chức năng bổ nghĩa cho lời ca, cụ thể hóa, nhấn mạnh ý thơ và phần nào đó trợ tải ý nhạc cho thành phần chính. Cũng có khi nó không có nghĩa, mà chỉ có tác dụng tạo nên không khí hoặc phong cách hát, luyến láy đặc trưng cho từng vùng dân ca. Các từ đệm này tuy ở mỗi dân tộc, mỗi vùng, miền và mỗi thể loại dân ca sử dụng khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích thay đổi cấu trúc nội tại của thành phần câu nhạc và cùng với các hình thức luyến láy, đã làm cho giai điệu của bài ca thêm mềm mại, uyển chuyển, duyên dáng hơn.
Trong dân ca quan họ Bắc Ninh, có lẽ do ra đời muộn hơn, nên trình độ sáng tác của người dân cũng cao hơn, âm nhạc cũng có chất chuyên nghiệp hơn. Vì vậy, có những câu thơ chỉ có 8 chữ nhưng các nghệ nhân dân gian đã vận nên một bài dân ca dài đến 17 ô nhịp mà vẫn hoàn chỉnh, không hề đơn điệu.
Trong dân ca xứ Thanh, lời thơ mộc mạc, ngắn gọn hơn, tuy cũng có dùng các từ đệm như: i, a, ơ, ôi a, i a, mà... nhưng chỉ là điểm thêm không đáng kể, nên cấu trúc âm nhạc thường không dài.
Ví dụ bài Thắp đèn:
Hai từ đệm i, a trong bài đã làm cho trường độ của câu nhạc dài hơn do được thêm hai nốt đơn và một nốt đen (hai phách), đồng thời cũng làm cho giai điệu của bài ca duyên dáng hơn.
Tuy nhiên, dân ca xứ Thanh cũng sử dụng từ đệm rất hiệu quả. Có những làn điệu dân ca chỉ có 1 câu thơ lục bát nhưng đã có tới 17 từ đệm mà giai điệu vẫn cân đối, dịu dàng:
Ví dụ lời bài ca:
Gập gềnh đường đá cheo leo,
Chị em sắp sửa ta ra cạy đò
Khi thành câu hát:
Hát cạy đò
(Trích Chèo chải - Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa)
Đặc biệt, trong bài Xe chỉ vá may (Múa đèn Đông Anh), ngoài các từ đệm như vừa nêu ở trên, chúng tôi còn thấy xuất hiện từ đệm qua lới nọ. Đây là loại từ đệm ta chỉ thấy trong bài Cây trúc xinh, một bài quen thuộc của dân ca quan họ Bắc Ninh và trong nghệ thuật chèo:
Hoặc từ đệm tình tính tang dùng trong điệu Cò lả (dân ca đồng bằng Bắc Bộ) cũng thấy xuất hiện trong bài Người nghỉ tôi về (Diễn xướng Thủy phường, Đông Sơn):
3. Thủ pháp dùng từ láy (điệp ngữ)
Từ láy có nghĩa là nhắc lại. Có nhiều kiểu láy: láy lại một từ, một cụm từ hoặc láy lại cả câu.
Láy lại một từ hay cụm từ: Đây là thủ pháp dùng một từ, hoặc cụm từ nhắc lại nhiều lần để hoàn thiện cấu trúc nhạc, tạo sắc thái riêng cho từng thể loại dân ca. Trong 137 làn điệu dân ca xứ Thanh sưu tầm mới và biên tập lại, có 71 làn điệu dân ca được sử dụng thủ pháp này. Trong đó, phần lớn là dân ca của đồng bào Kinh, còn dân ca đồng bào thiểu số ít thấy xuất hiện. Riêng trong 10 bài ca của diễn xướng múa đèn Đông Anh thì hầu như bài ca nào cũng dùng thủ pháp này.
Trong bài Thắp đèn (múa đèn Đông Anh) có lời thơ:
Thấp thoáng bóng ngọn đèn quang
Còn không ta lấy, dở dang ta đừng
Trong nhà đèn thắp tứ ngày rạng
Lòng em lại muốn chơi trăng ngoài thềm
Muốn cho trong ấm ngoài êm
Khi thành câu hát: “Thấp thoáng bóng ngọn đèn quang, còn không ta lấy dở dang ta đừng, dở dang ta đừng. Trong nhà ta đèn thắp tứ ngày ràng rạng, ràng rạng ia lòng em lại muốn tứ ngày rạng chơi, chơi trăng ngoài thềm, ngoài thềm. Còn muốn cho, muốn cho trong ấm a i êm êm lại ngoài êm”.
Đôi khi có những cụm từ được láy lại nhiều lần như bài Hát mừng trong Múa đèn Thiệu Quang, Thiệu Hóa.
áo lượt i a áo lượt quần là, cô Cả thời áo lượt quần là
Láy lại cả câu thơ: Thủ pháp này cũng giống như thủ pháp láy lại một từ hay cụm từ, nhưng là nhắc lại cả câu thơ. Thông thường, nếu là thơ lục bát thì tiết thứ 2 của câu 6 thường được nhắc lại hai lần để tạo sự cân đối trong cấu trúc nhạc.
Trong 10 bài ca của diễn xướng Múa đèn, có 3 bài dùng biện pháp này: Đi cấy, Nhổ mạ, Đi gặt.
Trong bài Đi cấy có lời thơ như sau:
Lên chùa bẻ một cành sen
Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng...
Khi thành câu hát: “Lên chùa bẻ một cành sen, lên chùa bẻ một cành sen, ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng...”.
Hoặc bài Cửa đóng then cài (dân ca Đông Anh, Thanh Hóa), ta thấy thủ pháp này sử dụng khá hoàn hảo:
Như vậy, các nghệ nhân dân gian rất tài tình khi dùng nhiều thủ pháp để hoàn thiện bài ca, nhờ đó các bài ca có giai điệu mềm mại hơn, nhấn mạnh và lột tả được nội dung muốn truyền tải, tạo được nét riêng của từng thể loại dân ca, từng dân tộc, từng vùng, miền. Các thủ pháp này ở vùng dân ca nào cũng có, song mỗi vùng đều sử dụng cách riêng để tạo ra nét đặc trưng của mình và dân ca xứ Thanh cũng đã làm được điều đó.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017
Tác giả : VI MINH HUY