CÁC VŨ CÔNG HÓA ĐÁ TRONG ĐIÊU KHẮC CHĂM QUA TÁC PHẨM MÚA ĐƯƠNG ĐẠI

Dân tộc Chăm có một nền nghệ thuật múa truyền thống vô cùng phong phú, đa dạng được hình thành và phát triển sớm trong lịch sử. Do hoàn cảnh thay đổi, hình thái múa Chăm qua điêu khắc Chăm nay đã không còn tồn tại trong thực tế, mà chỉ còn lưu lại trên các bức phù điêu, pho tượng đá. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu vũ đạo có thể hình dung ít nhiều về những tuyệt tác của người xưa, có cơ sở để đánh thức các vũ công hóa đá sống dậy với nhiều dáng vẻ sống động khác nhau, mang cả dấu ấn của thời xa vắng lẫn hơi thở của cuộc sống đương đại. Di sản điêu khắc Chăm là kho tàng nghệ thuật quý báu, trong đó, các giá trị của múa Chăm qua điêu khắc đã, đang và sẽ được khôi phục, phát huy trong những sáng tạo mới mang nhịp sống của thời đại.


Nhiều năm qua, nghệ thuật múa Chăm đã thu hút khá đông lực lượng các nhà biên đạo múa sáng tác những tác phẩm về các vũ công hóa đá. Với đội ngũ diễn viên, biên đạo, huấn luyện ngày càng mạnh về số lượng và chất lượng, nghệ sĩ múa thời nay có đủ sức để phục hồi thành công những tác phẩm tiêu biểu được ghi chép tỉ mỉ trên các bản điêu khắc đá. Việc phục hồi thành công các vũ điệu trong điêu khắc Chăm giúp khán giả hiểu thêm về đời sống nghệ thuật của người Chăm xưa, góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa Chăm đến gần với công chúng.

Mặc dù chỉ là những hình hài hóa đá nhưng nghệ thuật của các vũ công Chăm thể hiện trên các bản điêu khắc vẫn mang đầy sức sống mãnh liệt, xuyên thời gian. Hơn nửa thế kỷ qua, nhờ vào sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu mỹ thuật Pháp và Việt Nam, hàng chục pho tượng, phù điêu có hình dáng, tạo hình múa đã được quy tập tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Nơi đây đã gìn giữ nhiều cổ vật Chăm quy mô nhất cả nước, đồng thời có nhiệm vụ chuyển giao cho thế hệ mai sau một di sản nghệ thuật độc đáo, quý báu. Dường như mỗi tác phẩm nghệ thuật ở nơi đây đều mang trong mình một câu chuyện, một số phận như vương triều đã sản sinh ra nó. Từ trong lớp bụi của thời gian, bị chiến tranh tàn phá, bao thế hệ đã dày công sưu tầm, mang các hiện vật này về dưới mái nhà chung. Chính sự tập hợp có hệ thống, trong một chỉnh thể của công tác bảo tồn đã giúp các vũ công hóa đá có cơ hội vượt qua không gian văn hóa cung đình, đền miếu đến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội hiện đại. Không ít dấu ấn của các vũ công hóa đá đã đi vào công trình nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Chăm, trong đó phải kể đến kết quả nghiên cứu của nhà vũ đạo Lê Ngọc Canh, biên đạo múa Đặng Hùng. Các nhà nghệ thuật đương đại còn dày công nghiên cứu nhiều kiểu dáng trang phục, tư thế, dáng múa, động tác múa trong di sản điêu khắc Chăm, từ đó đúc rút thành hệ thống động tác cơ bản, kiểu dáng trang phục đặc trưng cho dân tộc Chăm, rồi vận dụng vào xây dựng tác phẩm mới đầy sức sáng tạo nhằm đánh thức các vũ công hóa đá.

Do sức hấp dẫn của các vũ công hóa đá, trong mấy chục năm gần đây nhiều nghệ sĩ múa ở nước ta đã mạnh dạn khai thác, sáng tạo nên những tác phẩm múa thành công trên sân khấu đương đại. Những vũ nữ apsara đẹp mê hồn như được thổi hồn bằng một khí sắc mới của hơi thở cuộc sống hiện đại. Người, mở đầu cho công cuộc sáng tác này là nhà nghiên cứu vũ đạo Lê Ngọc Canh, từng có nhiều năm lăn lộn, tìm hiểu về nghệ thuật múa Chăm, đồng thời cũng là tác giả của 2 công trình sách: Nghệ thuật múa Chăm (1982), Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm (1995). Sau một chuyến đi xâm nhập thực tế dài ngày tại các đền tháp, làng Chăm, năm 1976, tác giả đã trình làng tác phẩm múa Thiếu nữ Chăm. Tác phẩm do Đoàn ca múa Quân đội nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội thể hiện. Với lòng đam mê, dành nhiều tâm huyết khi nghiên cứu các hình tượng múa trên các bức phù điêu, tượng đá, tác giả đã sáng tạo ra Thiếu nữ Chăm. Tác phẩm là minh chứng cho nhiều chuyến đi nghiên cứu, điền dã thực tế của tác giả ở vùng đồng bào Chăm sinh sống. Thiếu nữ Chăm mang hình hài của các vũ nữ apsara trong bộ trang phục màu vàng lộng lẫy trên bệ thờ đền tháp Chăm. Trong khung cảnh huyền bí, các vũ nữ như đang chìm đắm với giấc mộng ngàn năm bỗng dưng thức tỉnh bằng những chuyển động nhẹ nhàng, âm điệu quyến rũ của cuộc sống mới, rồi bồng bềnh, bay bổng, rộn ràng trong những động tác múa sinh động.

Thiếu nữ Chăm được công chúng khán giả, bạn bè đồng nghiệp nhiệt tình đón nhận. Trong tác phẩm, thiếu nữ Chăm rất giống với hình hài của vũ nữ Trà Kiệu với trang phục màu vàng bó sát thân người, trên đầu đội mũ hình tháp có dát vàng, đứng bất động trên bệ cao trước cửa một ngôi tháp, xung quanh bệ cao có 8 thiếu nữ cũng đang đứng bất động với những tư thế tạo hình khác nhau. Trong khung cảnh huyền bí, bỗng các thiếu nữ bừng tỉnh, chuyển động với những động tác múa uyển chuyển hòa quyện với âm nhạc tạo nên một cảnh sắc tuyệt vời. Bằng cảm nhận, người nghệ sĩ đã tạo nên tác phẩm có sức sống, các vũ nữ thiên thần như được hồi sinh trong cuộc sống vui vẻ đời thường, sự chuyển động đó chỉ xuất hiện trong giây lát, để rồi cuối cùng các thiếu nữ lại quay trở về với hình hài, dáng vẻ ban đầu. Đây là tác phẩm đầu tiên thành công đã đưa hình tượng apsara lên sân khấu múa đương đại, một tác phẩm mới lạ, hấp dẫn, thu hút người xem. Tác giả đã làm cho những pho tượng từ tĩnh chuyển sang động rồi từ động lại trở về trạng thái tĩnh. Tuy được đánh giá cao về sự sáng tạo trong biên đạo tác phẩm múa, nhưng tác giả vẫn nhận được một số ý kiến cho rằng tác phẩm chịu ảnh hưởng của múa Khơ me.

Tiếp sau sự thành công của Thiếu nữ Chăm, nhiều biên đạo múa đã mạnh dạn khám phá, khai thác giá trị của các vũ công hóa đá ở nhiều góc độ sáng tạo nghệ thuật khác nhau. Hàng loạt tác phẩm ra đời được lấy cảm hứng từ những cảm xúc về hình tượng múa trên điêu khắc Chăm, liên tiếp xuất hiện trong các chương trình của đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Thành công nhất phải kể đến tác phẩm múa Khát vọng của biên đạo múa Đặng Hùng, người đã có thâm niên trên 20 năm say mê nghiên cứu, sưu tầm về nghệ thuật múa của dân tộc Chăm. Đây là một tác phẩm đặc sắc tiếp cận thực tiễn từ những pho tượng múa cổ Chăm. Tác giả đã biến những tượng đá cổ  thành những tượng đá biết nói, có hồn, giàu sức sống. Tác phẩm đạt 3 huy chương vàng trong hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp tại Hải Phòng năm 1985. Sau đêm công diễn đầy ấn tượng tại cuộc thi, nhiều đoàn nghệ thuật đã mong muốn được học lại tác phẩm để đem đi biểu diễn phục vụ khán giả trong và ngoài nước. Với ấn tượng về bức tượng đá vũ nữ Trà Kiệu, tác giả đã không dừng lại ở ghi chép, sưu tầm mà lóe lên một cảm giác giữa mơ và thực, giữa quá khứ và hiện tại, giữa mai một và vĩnh hằng. Hình tượng apsara huyền bí trong tác phẩm được tác giả xây dựng giống hệt apsara trên bệ thờ Trà kiệu với hai chân quỳ mở, thân hình uốn cong hình chữ S, một tay vắt qua thân người thả dài xuống một bên đùi trần, tay kia nâng cao co gập khuỷu tay sát bên tai. Với tiếng gọi của cuộc sống hiện đại, apsara trong tác phẩm đã thức tỉnh, chuyển động trong niềm khát vọng vô cùng giản dị. Apsara thức dậy ngỡ ngàng rồi mau chóng bị cuốn vào vũ điệu sôi động của hai chàng trai, nàng say sưa, vui sướng hòa nhập, hạnh phúc khi được họ yêu thương, quan tâm. Khát vọng là một tác phẩm múa mang yếu tố thiêng kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa nghệ thuật múa và nghệ thuật điêu khắc. Đây là ý đồ tư tưởng của tác giả mà cũng có thể là tư tưởng chủ thể của dân tộc Chăm. Phải chăng, khát vọng và ước muốn tốt đẹp của con người đã được cụ thể hóa qua nghệ thuật múa, trong đó nghệ thuật kiến trúc cùng với hình tượng khát vọng được đẩy lên những tầng cao của tháp mà vẫn gắn chặt vào tháp một cách hoàn chỉnh, thể hiện ý niệm cao cả của một dân tộc. Thông qua tác phẩm, tác giả đã khéo léo khai thác các đường nét, tạo hình của vũ nữ Trà Kiệu bằng ngôn ngữ múa dân gian Chăm, bởi vậy apsara trong Khát vọng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc Chăm.

Khát vọng chính là thành công đầu tiên của tác giả trong việc đánh thức các vũ công hóa đá với mong muốn bước đầu khôi phục lại múa cung đình Chăm. Toàn bộ tác phẩm gợi cho người xem cảm giác lung linh, huyền ảo về một huyền thoại xa xưa của người Chăm. Đường nét, tạo hình sử dụng trong tác phẩm đẹp mắt, mang vẻ đẹp tinh khiết, sâu lắng của nữ thần, đối lập với những động tác múa của diễn viên nữ là sự mạnh mẽ của vũ công nam khi thể hiện những chàng trai Chăm trước vẻ đẹp quyến rũ của bức tượng đá vũ nữ Trà Kiệu. Tác phẩm thực sự là niềm khát vọng của dân tộc Chăm về sức sống mãnh liệt của cả một cộng đồng luôn khát khao, mong muốn khôi phục, bảo tồn nền văn hóa Chăm đang ngày càng chìm khuất trong lịch sử. Tác phẩm được đánh giá cao về sự sáng tạo trong ngôn ngữ múa và âm nhạc. Năm 2001, Khát vọng vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước.

Với sự tâm huyết, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu về nghệ thuật múa của dân tộc Chăm, trong 17 năm miệt mài, say sưa làm việc tại Đoàn ca múa Thuận Hải, từ 1981 - 1997, biên đạo múa Đặng Hùng đã sáng tác 15 tác phẩm múa do chính diễn viên của đoàn thể hiện. Các tác phẩm của biên đạo múa Đặng Hùng được khai thác, sử dụng từ những đường nét tạo hình những vũ công hóa đá, kiểu dáng trang phục nam và nữ giống trong phù điêu, tuy đã có những cải tiến phù hợp với tập quán ăn mặc của người Chăm. Trong những năm qua, những tác phẩm múa trên đã tô đậm thêm sắc màu đặc trưng cho nền nghệ thuật dân tộc Chăm đi vào lòng công chúng, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần, góp phần bảo tồn, phát triển nghệ thuật múa Chăm.

Trong cuộc hành trình khám phá, đánh thức các pho tượng múa Chăm, mỗi nhà biên đạo lại tìm thấy những vẻ đẹp có giá trị khác nhau theo cảm quan, cảm nhận của từng người. Những pho tượng vô giá ấy đã thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng của các nhà vũ đạo, nhờ đó những vũ công hóa đá ngày càng được đánh thức với nhiều dáng vẻ hấp dẫn khác nhau trong các tác phẩm múa. Năm 1985, tác giả Ứng Duy Thịnh đã gửi tới khán giả, bạn bè đồng nghiệp Khúc biến tấu từ pho tượng cổ do hai diễn viên nữ, một diễn viên nam thực hiện. Lấy cảm hứng từ những ảnh chụp, pho tượng đá cổ, có yếu tố múa, tạo hình múa, tác phẩm mang hơi thở, đường nét của Shiva-Nataraja, những chuyển động trong pho tượng cổ vô cùng mạnh mẽ, sôi động, nam tính. Tác giả đã tự tìm cách tiếp cận riêng với thủ pháp, kết cấu, tạo hình, tổ hợp múa khá độc đáo. Tác phẩm phản ánh rõ nét tính dân tộc, tính hiện đại với nhiều tạo hình biến đổi, động tác phong phú, đa dạng, giàu tính thẩm mỹ. Khúc biến tấu từ pho tượng cổ là một trong những tác phẩm độc đáo, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng trong và ngoài nước. Đến nay, đã 30 năm trôi qua nhưng tác phẩm vẫn được nhiều thế hệ diễn viên yêu thích, biểu diễn trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật cũng như các cuộc thi tài năng của ngành múa Việt Nam.

 
 
Những cánh hoa Chàm (1990). Biên đạo: Phạm Minh Phương. Ảnh: Tâm Kiên 
 
 

Năm 1990, biên đạo múa Phạm Minh Phương trong một chuyến đi thực tế tại Nha Trang, khi đứng trước tháp bà Pô Inư Nagar vào một buổi sáng sớm đầy sương như nhìn thấy những cánh hoa đang nở ra, tỏa hương từ bức tượng nữ thần. Với con mắt tinh tế, cảm nhận của nhà biên đạo, tác phẩm múa Những cánh hoa Chàm đã ra đời. Từ những hình tượng múa trong điêu khắc Chăm, tác giả đã sáng tạo, phát triển nên tác phẩm múa với nhiều đường nét, tạo hình gấp khúc, uốn lượn mang tính thẩm mỹ nghệ thuật cao, khúc chiết. Ý nghĩa của tác phẩm múa mang tính ẩn dụ sâu sa, từ bông hoa đẹp đang tỏa hương sắc, đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam, nhụy của bông hoa chính là đại diện của người Chăm. Tác phẩm rất thành công trên sân khấu chuyên nghiệp từ phát triển ngôn ngữ động tác đến trang phục biểu diễn. Đặc biệt, múa và âm nhạc đã hòa quyện với nhau, tạo cho người xem một khung cảnh cổ nhưng hiện đại. Vào đầu tác phẩm, những cánh hoa từ từ nở ra như những bàn tay phật lung linh đón những hạt sương sớm long lanh trong ánh bình minh. Tác phẩm đem lại cho người thưởng thức dáng vẻ yêu kiều, quyến rũ, nhẹ nhàng, tinh khiết của các vũ nữ thiên thần. Năm 2013, Những cánh hoa Chàm vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước.

Bên cạnh đó, còn nhiều nhà biên đạo đã sáng tác những tác phẩm múa thành công như: Huyền thoại Bhagavati, Huyền thoại Ganesa, Sinh tồn (Thu Vân); Đêm tháp cổ (Phùng Nhạn); Tượng tháp, Gốm thắm tình người (Võ Thọ Thái); Cô gái chùa tháp (Trần Phú)… Từ những tác phẩm múa độc lập có giá trị nghệ thuật trên sân khấu chuyên nghiệp, các vũ công hóa đá còn tham gia minh họa cho các ca khúc Chăm, sân khấu ca kịch Chăm, ca kịch bài chòi Bình Định trong vở Huyền Trân công chúa, xiếc uốn dẻo trong tiết mục Vũ nữ Shiva, đã có mặt trong nhiều chương trình truyền hình được phát ở các đài địa phương, trên các báo, tạp chí, sách lịch trong nước và ngoài nước. Không những thế, còn có mặt trong một số giáo trình giảng dạy ở các lớp múa trung cấp, đại học biên đạo múa, cũng như xây dựng chương trình biểu diễn ở các đoàn văn công Chăm.

Những tác phẩm kể trên là những tác phẩm múa tiêu biểu thành công trên sân khấu chuyên nghiệp được sáng tác từ cảm xúc, cảm nhận của các nhà biên đạo khi đứng trước các vũ công hóa đá. Các nhà biên đạo đã có công khai thác và đánh thức phù điêu apsara, Shiva-Nataraja, vũ nữ thiên thần trong điêu khắc Chămpa thức dậy, chuyển động trên sân khấu múa chuyên nghiệp. Cũng từ những pho tượng múa cổ Chăm đã có nhiều nghệ sĩ múa sau này tiếp bước các thế hệ nghệ sĩ đi trước, tiếp tục sáng tạo ra những tác phẩm múa mới trên cơ sở nghiên cứu những pho tượng múa trong di sản điêu khắc Chăm. Số lượng tác phẩm về vũ công hóa đá được sáng tác khá nhiều, được các nhà chuyên môn trong ngành đánh giá đạt chất lượng về nghệ thuật, mang tính thẩm mỹ cao. Điều đó chứng tỏ, các vũ công hóa đá có sức hút mạnh mẽ với các nhà biên đạo, diễn viên múa nước nhà. Đã đến lúc cần có sự quan tâm, định hướng đúng đắn về công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy rộng rãi, múa Chăm qua điêu khắc Chăm trong cộng đồng.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : NGUYỄN THÚY NGA

;