ÂM CHUẨN, TIẾT TẤU TRONG TRÌNH DIỄN TÁC PHẨM VIOLON

Trong trình diễn tác phẩm âm nhạc, âm chuẩn, tiết tấu là yếu tố thể hiện đầy đủ nhất âm hưởng của tác phẩm cũng như thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Việc xác định mối tương quan về cao độ giữa bậc âm, sắp xếp chúng theo những quy tắc đã dẫn đến việc ra đời các hệ thống thang âm, điệu thức. Các mối tương quan, hệ thống âm thanh ấy là hạt nhân cốt lõi, là yếu tố quan trọng quyết định đến diễn trình âm nhạc. Việc xác định âm chuẩn, tiết tấu trong trình diễn violon góp phần không nhỏ vào quá trình nghiên cứu âm nhạc, nâng cao chất lượng đào tạo nghệ sĩ violon ở nước ta.

1. Hệ thống thang âm điệu thức tạo nên bản sắc riêng của âm nhạc Việt Nam

Hệ thống thang âm điệu thức dân tộc đã được nhà nghiên cứu Trần Văn Khê phân chia thành: hệ thống thang âm điệu Bắc (hơi Bắc, Nhạc, Đảo, Quảng), hệ thống thang âm điệu Nam (thang âm xuân, ai, oán dạng I, oán dạng II - chưa kể thang âm quá độ II).

Có thể coi đây là hai hệ thống thang âm, điệu thức chính trong âm nhạc Việt, trong đó có sự biểu cảm tinh tế khác nhau giữa các hơi, điệu. Như thang âm Bắc hơi Bắc phải khác hơi Quảng, hơi Nhạc phải khác hơi Đảo. Ngay trong hơi Bắc thì sự tươi sáng của nhạc chèo (như Lới lơ, Sắp qua cầu...) không thể đồng nhất với quan họ hay câu hò khoan, hò hụi miền Trung, mặc dù chúng đều có âm hưởng tươi vui... Không những vậy, một số dạng thang âm thuộc hệ âm nhạc Tây Nguyên vùng núi Quảng Trị, Thừa Thiên hay Chàm, Khơme Nam Trung Bộ cũng có nhiều điểm dị biệt đáng kể.

Dù hệ thống thang âm Bắc, Nam để chỉ trạng thái, sắc màu tình cảm của nhạc âm trong mỗi bài bản cụ thể, song chúng ta không thể nhận thức một cách máy móc hai khái niệm đó theo tính chất đối cực trưởng - thứ trong lý thuyết âm nhạc cổ điển phương Tây. Bởi, trong thang âm điệu thức của các dân tộc, quốc gia trên thế giới có nhiều điểm trùng hợp, song không bao giờ giống nhau hoàn toàn. Chính sự phong phú, đa dạng của các nguyên lý sắp xếp, cấu tạo nên hệ thống thang âm, điệu thức cũng như các phương thức thực hành diễn tấu âm nhạc đã trở thành tấm gương phản chiếu các truyền thống thẩm mỹ, tư duy thẩm mỹ và cốt cách tâm hồn của mỗi dân tộc, quốc gia. Chính vì vậy, dù chữ nhạc hò, xư, sang… có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng người nghe không bị nhầm lẫn giữa nhạc Hoa và nhạc Việt, bởi mối tương quan về cao độ, bậc âm không giống nhau.

2. Xác định âm chuẩn, tiết tấu trong trình diễn những tác phẩm âm nhạc Việt Nam qua nghiên cứu violon

Đối với nghệ sĩ violon chuyên nghiệp, âm chuẩn là vấn đề đầu tiên để thể hiện tác phẩm âm nhạc. Bởi, violon là nhạc cụ không gắn phím cố định như nhiều nhạc cụ khác nên người học khó xác định vị trí cao độ của âm thanh, tìm được âm chuẩn. Nghệ sĩ phải xác định sự chuẩn xác của mỗi âm thanh bằng cảm nhận. Điều này đòi hỏi sự rèn luyện công phu, bền bỉ trong thời gian dài. Bên cạnh đó, violon là nhạc cụ có khả năng tạo ra biên độ dung sai rất lớn trong một bậc âm, với sự chính xác tới 1/4 cung, thậm chí 1/8 cung hay lớn hơn nữa, do đó việc xác định âm chuẩn là rất cần thiết trong quá trình học tập, rèn luyện, trình diễn.

 
 
 
Học sinh Học viện Âm nhạc QGVN biểu diễn Violon
Ảnh Tất Dương 
 

Khái niệm về âm chuẩn trong hoạt động âm nhạc là nói tới mối tương quan về cao độ giữa các bậc âm trong hệ thống hàng âm, với một âm được lấy làm chuẩn, làm mốc. Như vậy, âm chuẩn là một quy ước về cao độ của một bậc âm. Cùng với tiết tấu, nó được xem là xương sống, khung sườn cơ bản tạo nên tác phẩm âm nhạc.

Âm chuẩn được hợp thành bởi các thành tố mang tính bản chất, xác định chất lượng âm nhạc, đó là: cao độ, tiết tấu, tính chất âm thanh. Trong hoạt động âm nhạc, tiết tấu, nhịp điệu liên quan đến tất cả những gì thuộc về thời gian, sự chuyển động. Đặc biệt, tính thời gian, sự vận động ở đây được biểu hiện ở sự tổ chức cấu trúc bằng những khoảng thời gian nhất định, được phản ánh bằng sự vận động uyển chuyển, đều đặn của tiết tấu, nhịp phách bằng tốc độ thời gian, sự chặt chẽ nghiêm khắc mang tính vật lý cơ học. Việc sáng tạo ra những quy ước để xác định trường độ âm thanh được xem là một hình thức ký tự về tiết tấu giúp loài người ghi lại những chuyển động. Đây là bước tiến quan trọng trong đời sống âm nhạc chuyên nghiệp thế giới mà ta vẫn quen gọi là âm nhạc cổ điển châu Âu.

Trong bất kỳ một tác phẩm âm nhạc nào, âm thanh theo quy ước ký tự trên bản phổ là căn cứ đầu tiên để xác định âm chuẩn, tiết tấu. Bên cạnh hệ quy chiếu trong hàng âm bình quân của châu Âu thì những tác phẩm âm nhạc Việt Nam hiện đại, còn có âm chuẩn, tiết tấu mang đặc điểm riêng, theo hệ thống thang âm điệu thức dân tộc.

Với những ưu thế của riêng mình, cây đàn violon có khả năng thể hiện cả 3 yêu cầu sau về âm chuẩn:

Thứ nhất là chuẩn cố định, những cao độ đã được bình quân như trên các đàn phím: piano, guitar, accordion, organ...

Thứ hai là chuẩn biến đổi theo âm hưởng hòa thanh (Đô# khác với Rê b…). Đây là sự biến đổi hết sức tinh tế, tạo nên đặc điểm vô cùng phong phú đối với cả âm thanh lẫn âm sắc mà mỗi tác phẩm âm nhạc đặt ra, mỗi trường phái, phong cách âm nhạc biểu hiện… Đây là ưu thế gần như tuyệt đối mà violon có được nhờ vào khả năng tạo ra những độ dung sai lớn trong mỗi một bậc âm đã đề cập ở trên. Khả năng ấy đã tác động mạnh mẽ vào thính giác của khán giả mà chúng ta thường gặp trong phong cách biểu diễn của các nghệ sĩ bậc thày như: Paganini, Heifetz, Gidon Kremer, Jaque Thibaud, Menuhin cũng như trong các tác phẩm của Debussy, Ravel, Bartok và âm nhạc hiện đại sau này.

Thứ ba là chuẩn di động. Đây là đặc điểm thường gặp khi thể hiện những tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng hoặc khai thác từ thang âm, điệu thức âm nhạc dân gian. Tùy theo âm điệu cụ thể mà cái “hơi”, “hồn” nhạc ấy đặt ra, việc xử lý cao độ nhờ ngón bấm chuẩn xác, rồi từ ngón bấm di chuyển đến một độ cao cần thiết đã tạo nên cái âm hưởng đặc trưng mà độ chuẩn xác của âm thanh đã hòa quyện vào hơi nhạc. Khả năng kỳ thú trên của violon rất gần gũi với lối diễn tấu cổ truyền của nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Những bậc “non”, “già”, những bậc rung bậc nhấn... là yếu tố làm nên khái niệm về hơi rất tinh tế trong cảm thụ thẩm mỹ âm nhạc cổ truyền của cha ông ta.

Bên cạnh đó, hiện cũng có nhiều quan điểm trong việc trình diễn tác phẩm âm nhạc.

Một là, nhiều tác phẩm Việt Nam đã được biểu diễn, thể hiện theo tư duy máy móc, thô cứng đối với bản phổ (bản nhạc) được ký tự trên năm dòng kẻ và cao độ bình quân châu Âu. Ví dụ, trong bài hát Ta tự hào đi lên ơi Việt Nam của nhạc sĩ Chu Minh, nếu ca sĩ, nghệ sĩ violon hát hay đàn đúng với cao độ tuyệt đối trên thang âm bình quân thì quả là thiếu sót rất nhiều trong việc thể hiện hơi, hồn, âm điệu của âm nhạc dân tộc, biến câu hát, tiếng đàn thành một thứ âm điệu xơ cứng, máy móc, thô thiển.

 
 
 

Hai là, quan điểm của một số nghệ sĩ cho rằng, khi đàn hay hát những tác phẩm âm nhạc Việt Nam thì phải thể hiện cho ra chất, ra hơi nhạc dân gian truyền thống. Họ chủ ý thêm nốt luyến nốt láy một cách tùy tiện. Cách này có phần thái quá một cách cực đoan với nhận thức rằng đấy mới là âm điệu dân tộc. Khuynh hướng này vô hình chung đã làm mất đi âm hưởng, âm điệu cần thiết của mỗi hơi nhạc, hồn nhạc. Sự cường điệu ấy làm cho những đôi tai âm nhạc đích thực khó chịu, góp phần không nhỏ vào việc hạ thấp giá trị thẩm mỹ cũng như vai trò giáo dục thẩm mỹ âm nhạc của tác phẩm.

Thực tế, cả hai xu hướng trên đều biểu hiện nhận thức chưa đúng trong thưởng thức và trình diễn âm nhạc. Dưới góc độ nghiên cứu, trình diễn violon, chúng tôi cho rằng cần xuất phát từ các yếu tố thực tế trong mỗi tác phẩm để người nghệ sĩ phân tích những yêu cầu cụ thể đặt ra khi giải quyết những âm dẫn, âm át hay các quãng 4, quãng 5 một cách tỉ mỉ, có độ chính xác cao nhất. Bởi âm điệu là một thể thống nhất trong mối quan hệ hài hòa với nhịp điệu, tiết tấu và các yếu tố khác tạo nên nội dung, linh hồn của tác phẩm. Đó cũng chính là biểu hiện của một truyền thống thẩm mỹ, văn hoá, chứa đựng tư duy triết học, nhân sinh, quan điểm nghệ thuật của mỗi tác giả cũng như của cả dân tộc.

Như vậy, trong trình diễn tác phẩm âm nhạc Việt Nam thì âm chuẩn, tiết tấu được hiểu là sự kết hợp giữa tiêu chí cơ - lý học của hàng âm bình quân trong âm nhạc cổ điển phương Tây cùng với việc coi trọng cao độ tương đối giữa các âm trong hệ thống thang âm điệu thức dân tộc. Chính điều này tạo nên sự cộng hưởng trên phương diện cao độ giữa các bậc âm trong thang âm điệu thức, tạo nên sự đan xen, lan tỏa , hòa quyện lẫn nhau, thể hiện âm hưởng toàn vẹn của đường nét giai điệu tác phẩm. Điều này giúp chúng ta nhận ra màu sắc, diện mạo, bản sắc âm nhạc của một dân tộc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016

Tác giả : NGUYỄN VĂN MINH

;