1. Từ trò diễn Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống ở Xuân Phả
Trò Xuân Phả hay còn gọi là Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống là một tổ hợp gồm năm trò diễn (gọi tắt là Ngũ trò) đặc sắc ở làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, truyền tải thông điệp lịch sử về mối quan hệ bang giao Đại Việt với các quốc gia lân bang, gồm có: trò Tú Huần, Ai Lao, Chiêm Thành, Ngô quốc và Hòa Lang. Ngoài 5 trò diễn này, vào ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Hai hằng năm, trong hội tế Thành hoàng, người dân làng Xuân Phả còn tổ chức thêm hai trò chơi dân gian là Kéo hội và Chạy giải.
Trò Tú Huần với nhân vật người mẹ cùng 10 người con đều đeo mặt nạ mang những sắc thái biểu cảm khác nhau, kết hợp với những lời hát có đoạn đối đáp giữa mẹ, con và những lời hát giao duyên nam nữ cùng các động tác múa ngồi xổm, tay múa sênh, chân nhảy cóc... phản ánh câu chuyện dân gian “một mẹ mười con” của người Việt. Trò Tú Huần có 13 nhân vật, gồm một cố già, một người hầu cố, một mẹ, mười con. Các nhân vật đều mặc áo dài tứ thân màu xanh lam, đeo mặt nạ gỗ, mắt mũi to sơn màu trắng, có đốm chấm, tùy độ tuổi của con trò sẽ có số lượng răng được gắn trên mặt nạ khác nhau.
Trò Chiêm Thành với 16 nhân vật, gồm Chúa ông, người hầu Chúa, hai ông phỗng, Mế Nường, bà Nàng cùng 10 quân bái trước hương án, mang biển hiệu “Chiêm Thành đồ tiến cống” phản ánh mối quan hệ bang giao của Đại Việt với Chiêm Thành. Về trang phục, 12 trong số 16 nhân vật đều đeo mặt nạ giống nhau bằng gỗ, đục nổi mũi, mồm mím, đầu đội khăn có gắn hai sừng, mặc áo dài năm thân nhuộm đỏ hồng, quần dài trắng.
Trò Ai Lao được trình diễn với các điệu múa cùng 17 nhân vật gồm Chúa ông, Mế Mường, Quản tượng, người hầu, đoàn quân cùng voi, hổ và biển hiệu “Ai Lao đồ tiến cống” tái hiện mối quan hệ bang giao giữa Đại Việt với Ai Lao.
Trò Ngô quốc với 17 nhân vật gồm: Chúa Tàu, bà Nàng, thày Địa lý, thày Lang, anh Bán kẹo, cùng đoàn quân mặc áo lụa màu lam kết hợp các động tác hát múa chèo thuyền, siêu đao... phản ánh mối quan hệ giữa Đại Việt với phương Bắc. Về trang phục, thày Lang mặc theo lối khách Tàu, đi giày Tàu, đeo rương thuốc nhỏ; thầy Địa lý mặc áo khách màu xanh, tay cầm la bàn, đeo khăn gói đỏ; anh Bán kẹo mặc áo khách xanh, đeo sàng ở cổ trong đựng 4 con xúc sắc, mấy đồng tiền và mấy cái kẹo. Trò Ngô quốc tượng trưng vừa cho quan hệ bang giao, vừa cho quan hệ buôn bán giao thương giữa Đại Việt và phương Bắc.
Trò Hoa Lang với biển hiệu “Hoa Lang đồ tiến cống” đi đầu, có kỳ lân, ngựa dẫn đầu cùng 17 nhân vật ông Chúa, Mế Mường, người hầu và đoàn quân trong trang phục đội mũ da bò màu đen, áo dài năm thân màu lam, tay cầm quạt giấy hoa kết hợp với các động tác múa chèo thuyền, cưỡi ngựa, kéo quạt, múa cờ... Cho đến nay, có nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của trò này. Có quan điểm cho rằng, trò Hoa Lang phản ánh mối quan hệ giao lưu buôn bán giữa Đại Việt và phương Tây ở TK XVII-XVIII (1); có quan điểm cho rằng trò diễn phản ánh việc các tù trưởng vùng biên ải về cung tiến vua Đại Việt (2).
Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống ở Xuân Phả là trò diễn ra đời như kết quả của một quá trình lâu dài với nhiều lớp văn hóa được bồi tụ, được tích hợp. Đó là lớp văn hóa dân gian với những khúc giao duyên mang màu sắc của yếu tố Mường xứ Thanh; sự ảnh hưởng của lớp văn hóa cung đình có liên quan tới điệu “Chư hầu lai triều” và “Bình Ngô phá trận” do Lê Thái Tông sai biên soạn và trình diễn tại Lam Kinh nhằm truy niệm công lao của đời trước (3); lớp văn hóa của quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa với các quốc gia lân bang trong tiến trình lịch sử.
Theo xu hướng chung, nội dung trò diễn cũng như trang phục, đạo cụ liên quan đến các điệu múa ở Xuân Phả hiện nay có những thay đổi nhất định theo hướng đơn giản hóa, dễ truyền thụ. Trong lịch sử, trò diễn Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống không chỉ trình diễn ở làng Xuân Phả mà còn được biểu diễn ở nhiều nơi khác. Theo nghệ nhân Bùi Văn Hùng: Năm 1935, trò Xuân Phả được diễn tại Hội trợ Nông sản huyện Thọ Xuân, có cả quan tỉnh người Pháp đến dự. Năm 1936, trò Xuân Phả được vua Bảo Đại mời diễn tại hội chợ kinh đô Huế sau đó là diễn tại Sài Gòn và Hà Nội. Năm 1939, có một nhà hoạt động nghệ thuật người Pháp muốn đưa trò Xuân Phả sang Mỹ để biểu diễn nhưng đã bị hủy do Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ. Đến nay, trò Xuân phả không chỉ đơn thuần là một trò diễn ở làng Xuân Phả, mà là đại diện cho văn hóa xứ Thanh bên cạnh Dân ca dân vũ Đông Anh và Hò sông Mã biểu diễn tại nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh Thanh Hóa cũng như của cả nước như: Festival Huế, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Lễ hội Lam Kinh hằng năm…
2. Đến nhận diện không gian thực hành Ngũ trò ở Thanh Hóa
Mặc dù, Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống là một hệ thống trò diễn khá đặc sắc nhưng Xuân Phả không phải là nơi duy nhất trình diễn Ngũ trò, phản ánh hoạt động bang giao, văn hóa của lịch sử Đại Việt thời trung đại. Các tài liệu ghi chép, nghiên cứu cho phép nhận diện Ngũ trò tại nhiều huyện ở tỉnh Thanh Hóa.
Thứ nhất, về không gian phân bố. Kết quả thống kê nghiên cứu tư liệu chưa đầy đủ cho thấy, loại hình diễn xướng liên quan đến trò diễn Ngũ trò đã từng phân bố trên địa bàn ít nhất của 43 làng thuộc thành phố Thanh Hóa và 9 huyện của tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể số huyện có những làng, xã có và đã từng có trò diễn liên quan đến Ngũ trò, xếp theo thứ tự số giảm dần như: Thiệu Hóa (11 nơi); thành phố Thanh Hóa (9 nơi); Hoằng Hóa và Đông Sơn (6 nơi); Vĩnh Lộc và Yên Định (5 nơi); Hà Trung, Nông Cống, Quảng Xương và Thọ Xuân (2 nơi). Khi gắn điểm những địa bàn này trên bản đồ hiện nay cho thấy, những nơi trình diễn Ngũ trò có xu hướng tập trung ở khu vực ven sông Chu và sông Mã, đặc biệt là vùng hữu ngạn và vùng hợp lưu giữa sông Chu và sông Mã thuộc địa bàn các huyện Thiệu Hóa và Đông Sơn.
Thứ hai, về sự tồn tại của các trò. Theo thống kê chưa đầy đủ thì trong Ngũ trò, trò diễn được nhiều làng trình diễn nhất là trò Ngô (26 nơi), tiếp đến là trò Tú Huần (22 nơi), Ai Lao (19 nơi), Chiêm Thành (5 nơi) và Hòa Lan (3 nơi). Những nơi trình diễn cùng một lúc 3 trò Ngô - Ai Lao - Tú Huần là Thiên Linh Đông (Quảng Xương) và Dương Xá, Chí Cường (Thiệu Hóa). Có 6 làng chỉ trình diễn kết hợp 2 trò Ngô - Tú Huần và 2 làng chỉ trình diễn kết hợp trò Ngô - Ai Lao. Số các làng còn lại chỉ còn trình diễn 1 trong 5 trò. Những làng trình diễn đủ 5 trò là Xuân Phả (Xuân Trường, Thọ Xuân), Viên Khê (Đông Anh, Đông Sơn) và Cổ Bôn (Đông Thanh, Đông Sơn). Tuy nhiên, Ngũ trò ở Cổ Bôn đã bị thất truyền.
Thứ ba, về tên gọi của trò diễn. Tùy vào mỗi nơi mà tên gọi của các trò diễn có những thay đổi nhất định. Trò Tú Huần về cơ bản các nơi đều gọi là Tú Huần, nhưng ở Xuân Phả còn gọi là Lục hồn nhung. Trò Ai Lao một số làng ở Thiệu Hóa, Hoằng Hóa và Hà Trung gọi là trò Lào; làng Trịnh Xá (Yên Định) gọi là Ai Lao tiến cống đồ hoặc trò Nhảy voi; làng Chí Cường, làng Dương Xá (Thiệu Hóa) hay làng Diên Hy (Yên Định) lại gọi là trò Mường. Song, tên gọi phổ biến vẫn là trò Ai Lao, trò Lào. Trò Chiêm Thành các làng thuộc các xã Đông Anh, Đông Thanh và Đông Thịnh (Đông Sơn) gọi là trò Xiêm Thành. Trò Ngô ở Xuân Phả được gọi là trò Ngô quốc; ở làng Bôn (Đông Thanh) gọi là tuồng Ngô hoặc Ngô phường; ở Diên Hy (Yên Định) gọi là phường Ngô; ở Viên Khê (Đông Anh), Chí Cường (Thiệu Hóa)… gọi là trò Ngô. Trò Hà Lan ở Đông Thanh (Đông Sơn) gọi là Lan phường hoặc phường Hòa Lan; Đông Anh (Đông Sơn) gọi là trò Hà Lan; Xuân Phả gọi là Huê Lang hoặc Hoa Lang.
Thứ tư, về nội dung trò diễn. Mặc dù vẫn tuân theo một cấu trúc chung, nhưng có thể thấy, thành phần nhân vật, trang phục và nội dung trò diễn của Ngũ trò ở các địa phương là khá đa dạng và ở mức độ nào đó có những điều chỉnh nhất định.
Ở những nơi có trò Tú Huần, nội dung lời hát và động tác biểu diễn xoay quanh việc người mẹ đặt tên cho các con, kết hợp với các động tác diễn tả việc cày cấy, kiếm củi, học hành, vui chơi... Khác với Xuân Phả, ở Đức Giáo (Hoằng Hóa) và Thiên Linh Đông (Quảng Xương), không có nhân vật Cố già và hầu Cố, chỉ có 1 mẹ và 10 con; ở Lễ Môn, Nguyệt Viên và Vĩnh Trị (thành phố Thanh Hóa); Thiệu Dương, Thiệu Đô và Thiệu Phúc (Thiệu Hóa) đều gồm bố mẹ và 12 con; trong khi ở Viên Khê (Đông Sơn) chỉ có 1 mẹ và 4 con... Về trang phục, ở làng Vạc (Thiệu Hóa), các nhân vật đóng bố, mẹ, con mặc áo/ váy, lần lượt màu nâu, tím và gụ; trong khi ở làng Dương Xá (Thiệu Hóa), bố và mẹ đều mặc áo màu đen, tay cầm quạt...
Trò Chiêm Thành: Nếu ở Xuân Phả có 16 nhân vật, ở Đông Anh (Đông Sơn) chỉ có 7 nhân vật gồm: 2 Mõ, 1 thầy Thuốc, 1 Mí Mẩn, 1 anh Mếu, 1 người chết, 1 anh trống. Về trang phục, 12 nhân vật ở Đông Anh đều đeo mặt nạ với 12 bộ quần áo các màu chứ không mặc áo dài năm thân nhuộm đỏ hồng, quần dài trắng như ở Xuân Phả. Về nội dung trò diễn, ở Viên Khê (Đông Sơn), trò diễn không có lời, chỉ có các động tác theo từng nhịp trống mõ, nội dung câu chuyện không liên quan đến triều cống mà xoay quanh việc làm hồi sinh người chết (4).
Trò Ai Lao: Nếu ở Xuân Phả gồm 17 nhân vật, sang đến trò Triềng (Yên Định), số nhân vật giảm xuống còn 11 người (gồm 1 chúa Lào, 2 nàng hầu, 4 người đội lốt 2 con voi, 2 quản tượng, 2 người bê lễ vật). Ở Đông Anh (Đông Sơn), số nhân vật giảm tiếp xuống còn 6 trong 5 vai gồm Thông sự, Che lộng, Dẫn cản, cô gái, hai người vác ngà voi. Ở Đại Bàng Tộc (Tân Phúc, Nông Cống) nhân vật ít hơn, trong đó có 1 Chúa và 2 cô gái Lào. Về trang phục, nếu ở Xuân Phả, 10 quân đội mũ có rễ si, không đeo mặt nạ, quần áo màu trắng; ông Chúa mặc áo thụng màu xanh chàm, quần dài trắng; Mái Mường mặc áo khoác ngắn màu trắng, váy dệt hoa văn Lào thì ở Đông Anh, Thông sự mặc quần dài trắng, áo vàng hai thân; cô gái mặc váy dài đen; người dẫn cản quần trắng áo xanh. Về nội dung trò diễn, ở làng Triềng tái hiện câu chuyện nhân ngày làng Triềng mở hội tế thần, chúa Lào nhận được tin đem voi và lễ vật sang cung tiến (5); trong khi ở Đại Bàng Tộc tái hiện nội dung làng mở hội tế Đại Vương, chúa Lào đem lễ vật đến cúng tiến mong đất nước Chúa an khang, thịnh vượng (6).
Trò Ngô quốc: Ở Xuân Phả có 17 nhân vật thì ở Cổ Bôn (Đông Sơn) có khoảng 40 người tham gia; ở Đông Anh (Đông Sơn) có 15 nhân vật. Về trang phục, ở Viên Khê (Đông Sơn), thầy Thuốc và thầy Địa lý mặc áo dài thâm; ông Ngô già, ông sư mặc áo nâu; ba người nông dân (bẻ ngô) mỗi người một màu áo nâu, xanh và xám; cô gái mặc yếm đỏ và áo trắng; ba ông xứ (lái buôn) áo màu tím than; ông Bụt mặc áo vàng đeo mặt nạ; ông thợ đúc chuông áo xanh; bà vải đốt nhang áo dài hồng (7) trong khi ở Xuân Phả, 10 quân đội mũ hình nón, áo bằng lụa màu lam, áo chúa thêu thêm mặt hồ phù; nàng tiên mặc áo xiêm dài, đầu đội mũ hoa sen; ông Địa lý mặc quần áo theo lối Tàu. Về nội dung trò diễn, ở Cổ Bôn (Đông Thanh) là cuộc đón tiếp sứ đoàn sang tiến cống Đại Việt, có đoạn đối đáp giữa Thông sự và sứ Ngô; ở Diên Hy (Yên Định) thì không có múa, chỉ có lời hát và phần đối đáp giữa Thông sự, người phiên dịch và sứ Ngô (8); ở Viên Khê (Đông Sơn), trò Ngô xoay quanh nội dung cô gái trêu ghẹo ông Ngô già và thầy thuốc cứu chữa cho ông Ngô già khỏe mạnh (9).
Trò Hòa Lan: Nếu ở Xuân Phả, trò này có 17 nhân vật thì ở Đông Anh (Đông Sơn) giảm bớt 1 nhân vật. Về trang phục, ở Đông Anh, nhân vật Chúa mặc áo thêu rồng, đầu đội mũ cánh chuồn, áo yếm trắng, 10 quân mặc áo màu vàng nhạt, công chúa mặc áo vàng thêu rồng, có thêm một mặt nạ, kỳ lân, siêu đao, ngựa (10) trong khi ở Xuân Phả, 10 quân đều đeo mũ da bò màu đen trừ Chúa đội mũ hình rồng chầu mặt nguyệt, cùng mặc áo dài năm thân màu lam, quần trắng. Về nội dung trò diễn, ở Viên Khê (Đông Sơn), lời hát có nội dung liên quan đến tình yêu nam nữ và lời hát chúc mừng, cầu phúc, không đề cập đến yếu tố nước ngoài (11); trong khi ở Đông Thanh, nội dung chỉ khác trò Ngô chút ít, thay cách gọi “Bớ chú Ngô kia” bằng “Bớ chú Hòa Lan kia”, đồng thời ghép, bổ sung với các trò Ngô, trò Chiêm Thành do người dân yêu thích yếu tố hài (12) của trò diễn.
Kết luận
Trò diễn Xuân Phả ngày nay là một tổ hợp nghệ thuật múa, hát và trò diễn đặc sắc của vùng dân gian xứ Thanh. Tên gọi Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống đã cho thấy phần nào sự cấu thành bởi nhiều lớp văn hóa đan xen, được hình thành và hoàn thiện trong một thời kỳ dài lịch sử của trò diễn này.
Bằng việc nghiên cứu các đặc điểm về không gian phân bố, tên gọi, nội dung trò diễn, trang phục... có thể thấy Ngũ trò không chỉ giới hạn trong phạm vi làng Xuân Phả (Xuân Trường, Thọ Xuân) mà phải chăng đã có một “không gian” thực hành diễn xướng ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Đó là những “mảnh ghép” góp phần vào bức tranh toàn cảnh về một hệ thống trò diễn Ngũ trò ở xứ Thanh, loại hình di sản văn hóa phi vật thể mang trong mình nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa.
Bản đồ gắn điểm phân bố không gian diễn xướng Ngũ trò một lần nữa cho phép chúng ta có thể nghĩ đến vai trò và tầm ảnh hưởng của cố đô Lam Kinh (Thọ Xuân) đối với loại hình trò diễn này. Giữ vị trí quan trọng thứ hai sau kinh đô Thăng Long ở TK XV, Lam Kinh không chỉ là đất phát tích nhà Lê mà trong góc nhìn văn hóa, nơi đây là vùng đất kết tụ của rất nhiều lớp văn hóa của nhiều thời kỳ, thời đại văn hóa, đóng vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng những giá trị văn hóa, nghệ thuật. Tổ hợp Ngũ trò có thể được phân bố dựa trên đặc điểm địa lý tự nhiên là theo kết nối hệ thống sông Chu đến các địa bàn lân cận, trải dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, trong đó, nơi hợp lưu giữa hai sông Chu và sông Mã cũng chính là nơi Ngũ trò tập trung với mật độ cao (huyện Thiệu Hóa và thành phố Thanh Hóa).
Từ chỗ, đã từng có nhiều nơi thực hành trò diễn liên quan tới Ngũ trò, cho đến nay, chỉ còn có Xuân Phả (Thọ Xuân) và Viên Khê (Đông Sơn) là duy trì đầy đủ cả 5 trò của Ngũ trò. Việc duy trì sự tồn tại của Ngũ trò ở Xuân Phả và Viên Khê là một nỗ lực đáng ghi nhận của người dân, chính quyền và là bài học kinh nghiệm có giá trị. Sau một khoảng thời gian gián đoạn do nhiều lý do chủ quan và khách quan, từ sau những năm 90 của TK XX, những người có tâm huyết, những nghệ nhân của hai nơi này đã bắt đầu quá trình phục dựng lại các trò diễn của địa phương mình và sau đó nhận được sự hỗ trợ đáng ghi nhận của các Sở ban ngành ở Thanh Hóa để duy trì và phát triển trò diễn. Hiện nay ở Viên Khê, trò diễn Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống chỉ phục dựng được 4 trò, riêng trò Ai Lao vẫn chưa được phục dựng mặc dù có đầy đủ tư liệu về trò diễn. Nghệ nhân Lê Thị Cảnh sống tại thôn Viên Khê 1 - người đứng đầu đội múa của thôn cho biết: Thôn Viên Khê 1 và Viên Khê 2 trước đây là một thôn cũng diễn cả 13 trò diễn Dân ca dân vũ Đông Anh, trong đó có Ngũ trò, sau khi chia tách, thôn Viên Khê 2 phụ trách trò Ai Lao vì vậy thôn Viên Khê 1 chỉ có thể phục dựng lại trò Ai Lao với sự đồng ý của thôn Viên Khê 2. Do vậy, cần có những khích lệ, động viên, chính sách hợp lý từ phía chính quyền và người dân để phục dựng được trò diễn Ai Lao ở đây nếu không trong khoảng thời gian tới trò diễn Ai Lao ở Viên Khê rất có thể chịu chung số phận với các trò diễn đã mất ở Cổ Bôn, Kẻ Rủn... Và mặc dù số làng hiện còn lưu giữ được Ngũ trò như Xuân Phả không nhiều, nhưng việc đầu tư về con người, kinh phí và chính sách để lưu giữ lại loại hình diễn xướng Ngũ trò tại các làng như một “không gian” thực hành diễn xướng là việc làm cần thiết, vì loại hình diễn xướng này phản ánh một thời kỳ hưng thịnh, vị thế của vương triều Lê sơ nói riêng và Đại Việt nói chung. Ngũ trò Xuân Phả không chỉ truyền tải thông điệp về mối quan hệ bang giao còn phản ảnh quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa của quốc gia Đại Việt độc lập tự chủ với các quốc gia lân bang trong nhiều thời kỳ của lịch sử.
________________
1. Hoàng Anh Nhân, Khảo sát trò Xuân Phả, Viện Âm nhạc, Âm nhạc, Hà Nội, 1997.
2. Trần Thị Liên, Trò diễn dân gian vùng Đông Sơn (Tóm tắt Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Lịch sử), Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, 1996, tr.11.
3. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.134.
4. Hoàng Anh Nhân (chủ biên), Trò diễn trong hội làng cổ truyền xứ Thanh, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2016, tr.122-124.
5, 6, 8, 12. Lê Kim Lữ, Trò diễn dân gian trên đất Thanh Hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2011, tr.253, 307, 330-338, 297.
7, 10. Lê Thị Cảnh, Dân ca dân vũ Đông Anh - Viên Khê 1, 1991, tr.20-26.
9. Vũ Ngọc Khánh, Trò Ngô, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, 1984.
11. Sở VHTTDL Thanh Hóa, Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian dân ca dân vũ Đông Anh, Hà Nội, 2017, tr.14
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh - Nguyễn Vũ Hải Nguyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021