Mùa này ở quê, những con nước ngập ngụa phù sa cuộn trào mỗi sáng tinh mơ, tạo cho không gian làng quê thanh bình một cảm giác thanh thản, khoan khoái. Dòng nước son về, mang lại nguồn thu nhập từ thủy sản không nhỏ cho người dân. Các nông cụ đánh bắt cá như lưới, chài, vó, đáy, dến... hầu như không ngơi nghỉ. Chúng hoạt động đêm ngày dưới dòng nước để giăng bẫy các loài thủy sản, trong đó có tép bạc.
Nhiều nơi thường gọi tép bạc (còn gọi tép bạc đất) là tôm nhưng thực chất tép bạc vỏ mỏng, không càng, màu bạc, có râu và chót đuôi màu đỏ, con lớn cỡ ngón tay cái. Tép bạc là nguyên liệu chế biến rất nhiều món ăn ngon, ngọt. Tuy nhiên, người ở quê tôi thường nướng lá chuối. Cứ hễ sau khi đi làm đồng về, bắt được mớ tép là xỏ xâu nướng. Món này dễ làm, ngon, không tốn nhiều thời gian nên ai cũng thích.
Tép bạc đất sống được đem đi rửa sạch, để ráo nước, không cần cắt râu hay đuôi. Tép bạc tuy nhỏ nhưng rất mạnh, búng cao, xa. Cần cẩn thận cho tép vào rổ rồi xóc vài lần trong nước trước khi lấy ra, đừng chạm tay vào kẻo đầu tép đâm chảy máu. Bà con thường chạy ra sau vườn nhà chặt mấy tàu lá chuối xiêm non lau sạch rồi rửa cho ướt. Sở dĩ phải nướng lá chuối xiêm vì loại lá này thơm, dẻo - không như lá chuối già giòn, rách. Cho chút ít nướng lên tàu lá chuối để khi nướng trên than hồng, có chút nướng vương, lửa không cháy áp khô lá đến quéo, thịt tép vì thế cũng mau ngả màu đỏ au. Nhiều người tiện tay chặt thêm một tàu lá dừa già róc từng lá, lấy xiên que để lụi tép. Ở tàu lá dừa già, que xiên sẽ cứng chắc, dễ xiên tép hơn và không khó khăn khi trở nguyên liệu nướng.
Tép có thể nướng thô hoặc ướp gia vị. Tuy nhiên, tép bạc nướng thô với lá chuối không ngán lại có mùi thơm rất đặc trưng, nguyên thủy. Mang que xiên lụi tép cho đều, đầu đuôi thẳng hàng để dễ nướng. Trong thời gian này, tranh thủ đi nhóm lửa để có than nướng ngay khi xỏ tép xong. Ở quê, củi khô rất nhiều nên việc tìm củi làm than thật là dễ dàng. Tốt hơn nên nhóm than vỏ dừa, vì lâu tàn lại có mùi dầu tỏa ra dễ chịu (do cơm dừa còn vương lại).
Khi đã có than, đặt vỉ nướng lên bếp, sau đó để khoảng 3 lớp lá chuối hơi ướt nước (cho lá không cháy thành tro) rồi đặt từng xâu tép lên. Lấy một tàu chuối nữa úp lại để hương vị tép không bay hơi và mau chín. Nướng kiểu này vừa hợp vệ sinh mà nguyên liệu không khét vì không trực tiếp áp lửa. Độ 4 phút thì lật mặt tép một lần cho chín đều. Khi tép chín, mang ra đĩa dùng nóng.
Đến công đoạn làm nước chấm. Không cần phải làm nước chấm chua ngọt. Cho một muỗng canh nước sôi đĩa to, trong đó có sẵn bột ngọt. Khi bột ngọt tan đều, vắt chanh, cho tí ớt tươi dầm rồi đổ nước mắm gia truyền vào. Lại chịu khó chạy ra vườn hái một ít rau răm rửa sạch, đem xắt nhuyễn vào đĩa nước mắm. Tước từng con tép bạc nướng chín cho vào đĩa nước mắm, trộn đều lên và dùng. Món này ăn với cơm, bún hoặc làm thức nhắm đều ngon tuyệt.
Tép bạc đất tuy nhỏ nhưng vị không thua gì tôm biển, thịt ngọt, giòn. Đã vậy tép được nằm gọn lỏn trong lá chuối xiêm, khiến cho hướng thơm nhân đôi. Cái mùi hương của lá chuối khi qua lửa nó nồng nàn, rồi thấm vào thịt tép, khiến người nhìn không thể cưỡng lại được. Nhưng nhớ, khi ăn cần lột bỏ đầu tép kéo xóc vào trong miệng.
Tép bạc đất không phải lúc nào cũng có mà tùy vào con nước, theo mùa. Vì vậy, dù là hương vị làng quê dân dã nhưng món tép bạc nướng lá chuối được xem là món lạ, mỹ vị thiên hương.
Tác giả: Đặng Trung Thành
Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020