Toàn cảnh Hội nghị - Hội thảo xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)- ảnh: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL
Năm 2023, không chỉ là năm bản lề, năm giữa nhiệm kỳ ngành VHTTDL thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, năm thứ hai triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (năm 2021) mà còn là năm tiếp tục phát huy giá trị cốt lõi, tinh thần “dân tộc, khoa học, đại chúng ” của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 - nền tảng lý luận văn hóa của Đảng ta sau 80 năm ra đời, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, cũng là năm đánh dấu bước tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về VHTTDL.
Ngay từ đầu năm 2023, để triển khai nhiệm vụ, giải pháp “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đẩy nhanh việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát thực tiễn. Rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, quản lý hiện hành có liên quan; sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp” tại Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thực hiện 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận của Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chỉ đạo các đơn vị, toàn Ngành tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ việc thể chế hóa và các giải pháp cụ thể tạo chuyển biến tích cực, toàn diện về VHTTDL, trong đó tập trung hàng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật của Ngành.
Triển khai, nhiệm vụ được giao, Vụ Pháp chế đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp, gây ra “điểm nghẽn”, “nút thắt” cản trở hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực của Ngành; những vấn đề từ thực tiễn mới phát sinh chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh và đặc biệt là thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng tạo nguồn lực cho phát triển VHTTDL theo đúng tinh thần “Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước” mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra.
Năm 2023, theo yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân, Bộ đã chỉ đạo Vụ Pháp chế rà soát 11 chuyên đề, với tổng số 984 văn bản được rà soát (1) kiểm tra theo thẩm quyền 227/227 văn bản phải được kiểm tra, góp phần vào công tác hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật của Ngành. Đồng bộ với công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, năm 2023, Bộ VHTTDL đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật của Ngành, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, tham mưu, trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Thi đua và Khen thưởng… Ngoài ra, Bộ đang xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), hoàn thiện lập đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trình Chính phủ 4 dự thảo Nghị định.
Các văn bản quy phạm pháp luật trên được xây dựng, ban hành bảo đảm đúng lộ trình triển khai các nhiệm vụ lập pháp được giao tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5-11-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Những quy định trên đã từng bước thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về VHTTDL, tiếp tục đồng bộ hóa và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Ngành, triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 là chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, trong đó thể chế, chính sách, pháp luật đóng vai trò quan trọng.
Thời gian qua, cùng với pháp luật chuyên ngành, Bộ đã và đang rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách về thuế, đất đai, cơ chế tài chính, cơ chế khuyến khích sáng tạo trong các luật chuyên ngành để tạo điều kiện huy động tối đa nguồn lực cho phát triển VHTTDL, góp phần tháo gỡ một số “điểm nghẽn” về nguồn lực ở các pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật PPP... Mới đây nhất, Bộ đã góp ý đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đề nghị xây dựng Luật thuế giá trị gia tăng theo hướng có chính sách thuế ưu đãi với văn hóa, thể thao.
Mặc dù Bộ đã chủ động xây dựng Đề án tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình giai đoạn 2021-2026 và Đề án định hướng công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về VHTTDL giai đoạn 2026-2030, tuy nhiên năm 2024 và các năm tiếp theo đặt ra cho công tác xây dựng hoàn thiện thể chế những yêu cầu ngày càng cao hơn. Theo đó cùng với tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách về VHTTDL, sơ kết các luật chuyên ngành như Luật Thể thao, Luật Thư viện… tổng kết các văn kiện của Đảng tại các nghị quyết chuyên đề, như tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ sẽ tiếp tục thể chế hóa một số chủ trương, chính sách về văn hóa. Năm 2024 cũng là năm Bộ sẽ tiếp tục rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất lộ trình phù hợp để xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm đối với những vấn đề đang được điều chỉnh bởi văn bản dưới luật, tập trung xây dựng trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trình đưa vào kế hoạch lập pháp của Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và xây dựng các nghị định, thông tư. Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trên phải bảo đảm triển khai 5 quan điểm, 5 nhiệm vụ giải pháp được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14-8-2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW, xây dựng và phát triển VHTTDL theo chủ trương, chính sách của Đảng, việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật ngành VHTTDL đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đã, đang và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua và tiếp tới để khẳng định đúng vị thế, vai trò của ngành VHTTDL.
_______________
1. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 62 văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; tổ chức triển khai thực hiện công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023.
NGUYỄN THANH SƠN
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL
Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023