Kế thừa thành tựu quan trọng của năm 2023, toàn Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết tâm tăng tốc về đích, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Năm Quý Mão 2023 dần khép lại. Mùa xuân mới Giáp Thìn 2024 đang đến. Trong thời khắc chuyển giao năm cũ, đón chào mùa xuân mới với niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân, chúng ta cùng nhìn lại một năm hoạt động đầy sôi động của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nước nhà và tự hào nhận thấy: “Chưa bao giờ văn hóa, thể thao và du lịch nhận được nhiều sự quan tâm, chăm lo lớn như hiện nay” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII: “Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức rất thành công, đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được dư luận rộng rãi trong cả nước hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ cao”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trò chuyện với nghệ nhân dân tộc Mường tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh: Trần Huấn
 

Với phương châm xuyên suốt đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ: “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, Bộ VHTTDL đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó đã triển khai xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trình Chính phủ ban hành 1 Nghị quyết và 7 Nghị định; ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư; lần đầu tiên tham mưu Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc về công nghiệp văn hóa, qua đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển nhanh và bền vững, thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thu hút vốn đầu tư, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân và khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Có thể nói, việc không ngừng hoàn thiện thể chế đã giúp hình thành khuôn khổ hành lang pháp lý ngày càng đồng bộ hơn để chúng ta huy động các nguồn lực cho ngành, trong đó việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025-2035 để trình Quốc hội quyết định được xem là điểm nhấn về tham mưu, đề xuất chính sách cho ngành.

Bộ VHTTDL đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa quan trọng của đất nước, của ngành với điểm nhấn là chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam; kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2023) gắn với Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 và Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc. Tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức các ngày hội VHTTDL cấp vùng, trong đó có những sự kiện lần đầu tiên được tổ chức như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên…, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, lan tỏa những giá trị văn hóa và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi khác (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh…), góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ta tới bạn bè quốc tế, thu hút khách du lịch. Đặc biệt, các hoạt động văn hóa đối ngoại có sự chuyển biến thực chất, đóng góp vào thành quả chung trong công tác đối ngoại của đất nước, văn hóa Việt Nam đã hiện diện nhiều hơn tại các sự kiện lớn của khu vực và quốc tế. Bộ VHTTDL đã ký kết 15 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, qua đó tăng cường hợp tác, hội nhập sâu rộng về văn hóa với nhiều quốc gia.

Toàn ngành tập trung đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa cơ sở ở địa bàn khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Bám sát các nội hàm, thành tố của“Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” để hướng dẫn các địa phương xác lập và làm sâu sắc thêm hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với xây dựng môi trường văn hóa cơ sở ngày càng thực chất, hiệu quả.

Lĩnh vực di sản văn hóa cũng ghi nhận những đột phá rất đáng tự hào. Ngành tiếp tục hành trình kết nối giữa bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dộc tộc; triển khai Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025. Nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa, về vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - du lịch, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương có di sản.

Về lĩnh vực thể thao, tập trung phát triển dựa trên hai trụ cột là thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, thể thao quần chúng không chỉ bồi đắp về sức khỏe, thể chất con người Việt Nam, mà qua đó còn phát hiện những nhân tố mới, để đưa vào tập huấn, đào tạo, từ đó bổ sung lực lượng vận động viên ưu tú, đạt được thành công trong đấu trường khu vực và từng bước vươn ra đấu trường châu Á và thế giới. Thể thao Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương khi thi đấu ở nước ngoài tại SEA Games 32. Đội bóng đá nữ cũng lập nên kỳ tích lần đầu tiên dự Vòng chung kết World Cup nữ 2023. Dẫu rằng, ở môn thành tích cao trong đấu trường thế giới, tỷ lệ đạt huy chương vàng của Việt Nam  còn ở mức khiêm tốn, nhưng về thực lực, chúng ta đã có sự cố gắng và đạt được chỉ tiêu khi nhận nhiệm vụ trước Đảng và Nhà nước mỗi khi xuất quân.

Về du lịch, Bộ VHTTDL đã chủ động tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng với cơ quan chủ trì báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại Kỳ họp thứ 5, tháo gỡ được điểm nghẽn nhiều năm qua về visa. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng tập trung tham mưu tổ chức 2 hội nghị toàn quốc về du lịch dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị quyết 82 -NQ/CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” tháng 3/2023: “Ngành Du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng: Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", với sự vào cuộc chủ động của các doanh nghiệp du lịch, ngành Du lịch đã tập trung xây được sản phẩm riêng biệt, phát huy lợi thế từng vùng, miền, đồng thời cụ thể hóa 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó, du lịch đã lấy lại vị thế với bước tiến đáng ghi nhận. Tổng số khách du lịch quốc tế trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt khách, đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm 2023; tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Triển lãm ảnh "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người" tại thủ đô Brasilia, Brazil (9/2023) trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil của Thủ tướng - Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

 

Tuy nhiên, cũng với tinh thần cầu thị và khiêm tốn, chúng ta cũng thẳng thắn nhận thấy vẫn còn đó những điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực chưa được khơi thông, vẫn còn rất nhiều băn khăn, trăn trở về cách nghĩ, hướng đi có chiều sâu, căn cơ, bài bản cho từng lĩnh vực: Dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng chúng ta vẫn thiếu vắng những tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của công cuộc đổi mới. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về thụ hưởng các giá trị văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành VHTTDL còn mỏng, một số lĩnh vực thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, quản lý giỏi. Đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành còn thiếu.

Năm 2024, là năm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bước vào giai đoạn bản lề, tăng tốc để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Toàn ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục cụ thể hóa căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thư gửi toàn Ngành VHTTDL nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống: “Chúng ta không chủ quan, tự mãn, quá vui mừng, say sưa trước những kết quả bước đầu và cũng không hề nhụt chí, nản lòng trước những khó khăn, thách thức đang còn phải đối mặt” để xác lập các giải pháp đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, vừa có chiều rộng nhưng phải có chiều sâu, chọn việc, chọn điểm, cùng với đó làm rõ trách nhiệm của địa phương, trung ương, cùng cộng đồng trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của Ngành, theo đó:

Tập trung xây dựng thể chế chính sách, hoàn thiện các dự án Luật theo Nghị quyết của Quốc hội; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nghị định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực như Nghị định về Văn học, Nghệ thuật biểu diễn… Chú trọng hoàn thiện khuôn khổ về mặt pháp lý khi Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; khẩn trương triển khai ngay khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tránh độ trễ giữa chủ trương và tổ chức thực hiện, gây lãng phí nguồn lực.

Làm tốt công tác tham mưu và tổ chức các sự kiện sự kiện quan trọng của đất nước, của Ngành VHTTDL như: Kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và nhiều sự kiện khác ở cấp khu vực và cấp địa phương. Trong tổ chức thực hiện, cần nâng tầm chiều sâu của sự kiện, vừa đảm bảo được các hoạt động thiết thực, hiệu quả, thực sự trở thành ngày hội văn hóa mà ở đó nhân dân thật sự là trung tâm, vừa là chủ thể xây dựng, chủ thể sáng tạo và thụ hưởng. Đây là yêu cầu cao, nên toàn ngành phải cụ thể hóa và phân tách các nguồn lực, xác định trách nhiệm nhưng vẫn phải đảm bảo được các yêu cầu về nhiệm vụ chính trị và hiệu quả của sự kiện. Đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương xây dựng sự kiện trở thành sản phẩm du lịch, góp phần phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa có chiều sâu. Không chỉ dừng lại ở kết quả bước đầu mà phải đi vào thực chất theo hướng xây dựng môi trường văn hóa thật sự dân chủ, hiện đại, văn minh gắn với từng địa bàn dân cư, tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; vận động để người dân thực hành, bồi đắp, hun đúc những giá trị chuẩn mực mới phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Chú trọng tổng kết, đúc rút các hệ giá trị chuẩn mực về văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ mới; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và đoàn công tác của Bộ VHTTDL trong chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền huyện Thường Tín (Hà Nội) - Ảnh: Trần Huấn

 

Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Chương trình Bơi an toàn phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Đà Nẵng ; Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 tại Hải Phòng. Tập trung cho Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic 2024 tại Pháp. Chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic Paris 2024, Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ 6 (AIMG6) tại Thái Lan và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới năm 2024.

Triển khai sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết của Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao trong khu vực;  đẩy mạnh quảng bá xúc tiến trong và ngoài nước; phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2024. Phấn đấu đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 110 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 850 nghìn tỷ đồng.

Toàn ngành tập trung thực hiện tốt công tác cán bộ, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện nguồn cán bộ, đổi mới, nâng cao cách đánh giá cán bộ (đánh giá cán bộ theo vị trí việc làm, bảo đảm thực chất, hiệu quả, lựa chọn đúng người, đúng việc).

Nhiệm vụ của năm 2024 là rất nặng nề, nhưng với quyết tâm “Tăng tốc về đích” nhất định toàn Ngành sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

 

NGUYỄN VĂN HÙNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

;