Thư viện là một bộ phận của trường đại học, có tác động và vai trò quan trọng tới chất lượng giáo dục. Hoạt động thông tin - thư viện là yêu cầu lớn cho tất cả các trường đại học trong cả nước, trong đó có Đại học Khoa học (ĐHKH) Huế. Bài viết tập trung vào nghiên cứu những hướng chính để nâng cao chất lượng học tập của sinh viên ĐHKH Huế thông qua việc tăng cường các hoạt động thông tin - thư viện (TTTV).
Thư viện Đại học Huế là tiền thân của Trung tâm TTTV Trường ĐHKH Huế. Tháng 10-1976, Trường Đại học Tổng hợp Huế ra đời, thư viện tiếp quản một phần cơ sở của Thư viện Viện Đại học Huế. Năm 2001, Thư viện được di dời về tòa nhà 4 tầng trong khuôn viên ĐHKH Huế (vốn đổi tên từ Trường Đại học Tổng hợp Huế) và là thành viên của Đại học Huế.
Trung tâm TTTV Trường ĐHKH Huế có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng học tập của sinh viên. Thư viện ĐHKH Huế không ngừng thay đổi phương thức phục vụ, bảo quản tài liệu, ứng dụng khoa học công nghệ để bắt nhịp xu thế chuyển đổi số chung của các thư viện trường đại học, cao đẳng cả nước.
1. Vài nét về phương pháp học tập của sinh viên Trường ĐHKH Huế hiện nay
Thực hiện đổi mới giáo dục Đại học, Trường ĐHKH Huế thay đổi phương thức đào tạo sang tín chỉ. Mục đích tạo ra những con người vừa hồng vừa chuyên, vừa hồng thắm mà lại chuyên sâu theo tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đọc sách, nhất là đọc sách trên thư viện, chưa thành thói quen của sinh viên. Thực tiễn có thể thấy rằng, văn hóa đọc trong nhà trường là phần không thể thiếu. Qua đọc sách, sinh viên sẽ lĩnh hội kiến thức, vận dụng vào học tập, nghiên cứu và ứng dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, ngoài giờ học trên giảng đường, sinh viên dành thời gian cho đọc sách còn quá ít ỏi. Thực trạng này có thật ở một bộ phận sinh viên nhà trường. Khi công nghệ số, công nghệ thông tin lan tràn, ồ ạt, thay vì miệt mài trên thư viện, sinh viên có thể tra cứu thông tin trên Google dễ dàng. Hiện tượng này khiến cho việc đọc và nghiên cứu tài liệu thư viện của sinh viên bị suy giảm. Và điều đó, khiến Thư viện cần thay đổi phương thức phục vụ qua việc số hóa.
Cùng với đọc sách, tự học là yêu cầu thứ nhất trong giáo dục Đại học, lấy người học làm trung tâm. Mặc dù vậy, nhiều sinh viên chưa ý thức việc tự học. Tự học là phương thức mới mẻ với nhiều sinh viên, nhất là ở các khóa mới, sinh viên chưa chuẩn bị tâm thế, vẫn quen với cách học truyền thống ở phổ thông trung học. Thêm vào đó, nhiều sinh viên chưa biết cách khai thác hiệu quả nguồn lực thông tin tại thư viện.
Để đẩy mạnh công tác giáo dục Đại học, thư viện giữ vị trí quan trọng, Trung tâm TTTV ĐHKH Huế là một trong những nhân tố đảm bảo chất lượng của sinh viên.
2. Vai trò của Thư viện đối với hoạt động tự học của sinh viên
Cho đến thời điểm hiện tại, thay đổi của Thư viện Trường ĐHKH Huế đều hướng đến phục vụ tốt việc học tập của sinh viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 cùng với các kênh thông tin tạo nên sự cạnh tranh với ngành Thư viện, là thách thức cho thư viện đại học nhưng đồng nghĩa đó là cơ hội để ngành vượt lên bản thân mình. Thư viện Trường ĐHKH Huế được trang bị hiện đại, số hóa nhưng cũng không bỏ qua nền tảng truyền thống. Vì vậy đã thu hút, giúp đỡ sinh viên tiếp cận kho tàng sách vở, Ebook. Hoạt động TTTV ngày càng nhạy bén, thức thời, phát huy tính tự chủ, độc lập, sáng tạo của sinh viên.
Giáo dục Đại học đang chuyển biến theo hướng giảng viên là người “định hướng”, sinh viên cần tự chủ, tích cực, chăm chỉ hơn và năng động hơn thông qua “tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin”(1) tại thư viện. Người thầy không truyền giảng kiến thức một chiều mà có sự đối thoại, trao đổi với sinh viên. Nhiệm vụ của trường đại học về đổi mới toàn diện giáo dục càng trở nên cấp thiết, sát thực tế hơn, nhất là đào tạo tài phải đi đôi với đức. Chất lượng giáo dục tăng lên cần sự đồng bộ của nhiều bộ phận liên quan với trường đại học, trong đó có hoạt động TTTV.
Trung tâm TTTV ĐHKH Huế đáp ứng nhu cầu dùng tin, sử dụng tài liệu, học liệu, tài liệu tham khảo, tài liệu nâng cao cho sinh viên, giảng viên... Hiện tại, ngoài tài nguyên in ấn, thư viện có tài nguyên điện tử, tài nguyên số. Nhờ được cán bộ thư viện lên kế hoạch, lập kế hoạch về học liệu, tài liệu mà giảng viên và sinh viên thực hiện tốt hơn việc đào tạo theo tín chỉ. Không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên lên thư viện học tập, Trung tâm TTTV còn khuyến khích người đọc khai thác dữ liệu từ thư viện số, tài nguyên số. Số lượt bạn đọc trung cấp truy cập trên Trung tâm điện tử là 559.291. Thư viện số, tài liệu số đáp ứng nhu cầu dùng tin đa dạng của sinh viên, giảng viên nhà trường.
4. Một số giải pháp tăng cường hoạt động TTTV góp phần đổi mới phương pháp học tập của sinh viên trường ĐHKH Huế
Thực trạng
Thư viện ĐHKH Huế là địa chỉ văn hóa, tri thức nhằm lưu giữ, chia sẻ, lan tỏa văn hóa đọc, phong trào tự học, tự nghiên cứu khoa học của sinh viên. Mặc dù cán bộ Trung tâm đã cố gắng, nhưng sự kết nối giữa thư viện và nhà trường đôi khi chưa nhất quán về các mặt bổ sung tài liệu, phát triển nguồn lực thông tin, hợp tác giữa cán bộ thư viện và giảng viên, tiếp cận bạn đọc.
Bằng việc áp dụng thành tựu của công nghệ số, Trung tâm tạo nên môi trường đọc, học vừa truyền thống, vừa hiện đại. Thư viện vẫn lưu giữ những hình ảnh quen thuộc của sách, giá sách, bàn ghế đọc sách đồng thời là các máy móc, thiết bị công nghệ. Môi trường đọc sách đã thay đổi, từ chỗ bị giới hạn bởi không gian đến việc “những phát triển về thư viện số, thư viện ảo, thư viện thông minh” (2). Những yếu tố trên, tạo cho sinh viên khoảng không gian mang tiện ích tối đa, sinh viên không chỉ khai thác tài liệu mà còn phát huy khả năng kiến tạo, sáng tạo tri thức.
Với mục đích giúp sinh viên đạt được hiệu quả tốt nhất thông qua quá trình tìm hiểu tài liệu in ấn, tài liệu số nên góc đọc riêng, phòng đọc tài liệu sách, tạp chí, luận văn… cũng được phân công, sắp xếp hợp lý. Bài trí của thư viện bằng việc đặt các bình hoa, treo các bức tranh, bố trí tác phẩm điêu khắc… luôn tạo nên cảm nhận thẩm mỹ và thái độ tích cực đối với sinh viên. Những gam màu nóng, lạnh kết hợp khiến người học tập trung hơn nhờ tác động thị giác. Cảnh quan thư viện hài hòa với xung quanh, tạo cho thư viện không gian xanh, tiện nghi, tiện ích để sinh viên không chi khai thác hiệu quả mà còn đạt được mục đích học tập.
Trung tâm TTTV ĐHKH Huế đồng thời xây dựng nhiều sinh hoạt chuyên đề. Những hoạt động tại TTTV diễn ra hằng tháng, hằng quý theo chuyên đề thu hút mối quan tâm của các bạn yêu sách, muốn nâng cao hiểu biết văn hóa, xã hội. Hình thức sinh hoạt chuyên đề diễn ra ngay tại Thư viện, được cán bộ, nhân viên chuẩn bị, lên kế hoạch từ trước, có bố trí giới thiệu sách, báo, mỹ thuật hoặc khách mời làm diễn giả.
Hoạt động TTTV được Trung tâm quan tâm nhưng vẫn còn điều bất cập do kinh nghiệm thực hiện của đội ngũ nhân viên còn thiếu, phương tiện truyền thông chưa đạt hiệu quả mong muốn, quy chế về quy trình tổ chức cũng như kinh phí hạn chế.
Tài nguyên in ấn là nguồn thông tin phong phú cho sinh viên tiếp cận tri thức. Song, hiện nay, số lượng tài nguyên này đang đứng trước một số khó khăn do nhiều tài liệu đã quá cũ, lỗi thời, không còn đáp ứng được công tác học tập, cần chọn lọc, thanh lý, trong khi đó kinh phí nhà trường có hạn. Hiện tượng đọc sách in, sách truyền thống giảm sút so với trước bởi sự đa dạng của các kênh thông tin. Thực tế như vậy, đòi hỏi Trung tâm TTTV Trường ĐHKH Huế liên tục có sự bổ sung, điều chỉnh nguồn tài liệu, phát triển nguồn tài nguyên in ấn đúng, đủ, phù hợp, có liên kết chia sẻ để làm sao đáp ứng người dùng tin. Vốn tài liệu của Trung tâm bao gồm sách, tài liệu chuyên khảo, giáo trình, ấn phẩm định kỳ, luận văn, luận án…
Bảng 1: Thống kê tài nguyên thông tin tính đến năm 2021
Mặc dù nhiều năm gần đây, việc bổ sung tài nguyên in ấn tại Trung tâm TTTV ĐHKH Huế có giảm vì đầu tư cho tài nguyên số nhưng sách, báo, tạp chí in vẫn chiếm vị trí quan trọng. Kế thừa, phát triển tài liệu truyền thống, thư viện hiện ứng dụng công nghệ thông tin, điều đó không có nghĩa là việc sử dụng phần mềm, số hóa thay thế hết ý nghĩa của đọc, học tại Thư viện cũng như mượn tài liệu về nhà. Tài nguyên điện tử, tài nguyên số có những ưu điểm như nhanh chóng, tiện lợi cho người dùng tin sử dụng, khai thác năng suất hơn, tiết kiệm, dễ bảo quản thông tin, phát triển nguồn tin…
Cơ hội tiếp cận tài nguyên thông tin của sinh viên nhiều hơn, bao gồm sách giấy và cả Ebook. Đây là nhu cầu, đòi hỏi cấp thiết của người học. Thư viện với hướng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu hướng chính giúp củng cố, bảo tồn, phát huy giá trị tri thức, văn hóa đưa sự nghiệp giáo dục đại học đổi mới toàn diện, căn bản. Tài nguyên điện tử, tài nguyên số rất phong phú, đa dạng. Thư viện ĐHKH Huế cố gắng đưa nguồn tài liệu nội sinh là luận văn, nghiên cứu khoa học lên bộ sưu tập số. Để công tác bổ sung vốn tài liệu khoa học và thuận lợi, Trung tâm đã đưa mục “Đề nghị bổ sung” trên trang web của Trung tâm. Thông qua mục này, cán bộ giảng viên và sinh viên có thể đề xuất tài liệu cần bổ sung vào Thư viện. Ngoài ra, năm 2020, Trung tâm đã sử dụng phần mềm Vebrary 5 vào công tác bổ sung tài liệu. Với phân hệ này, bắt đầu từ khâu đặt tài liệu, chức năng kiểm tra của phần mềm đã giúp cho việc kiểm tra tránh mua trùng bản đối với tài liệu dạng in ấn. Đặc biệt, nó giúp cho việc điều chỉnh cơ cấu bổ sung giữa các chủ đề, giữa các loại hình tài liệu.
Bảng 2: Số lượng nguồn lực thông tin từ năm 2016 đến năm 2021
Trung tâm TTTV Trường ĐHKH Huế đã có nhiều cải cách, thay đổi để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới giáo dục đại học, sự nhạy bén, thức thời và tính năng động của Thư viện đã cải thiện nhu cầu dùng tin của người dạy và người học. Tuy còn tồn tại bất cập, Trung tâm sẽ quán triệt, sát sao, phối hợp tốt hơn nữa với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nhà trường.
Giải pháp
Thực tiễn và kết quả mà Trung tâm đạt được đã cho thấy sự cố gắng và vận động không ngừng của cán bộ, nhân viên. Để tiếp tục chuyển đổi và nâng cao hoạt động, thư viện nhà trường đề ra một số phương hướng.
Cán bộ thư viện là nhân tố chính làm nên thành công của sứ mệnh thư viện, thực hiện việc lưu trữ, bảo quản, tái tạo tri thức, xây dựng xã hội học tập, văn hóa đọc. Hiện, Thư viện bám sát vào mục tiêu đào tạo của nhà trường, tăng cường công nghệ thông tin, căn bản điều chỉnh cả khâu quản lý, khâu tổ chức, dịch vụ, tương tác với sinh viên để tìm ra hướng đi mới, thư viện phát triển khả năng tự học của sinh viên, kết nối và lan tỏa tri thức, văn hóa. Đội ngũ nhân viên của thư viện hầu hết đều được đào tạo bài bản, đủ về chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao. Người cán bộ trong thư viện số hóa, công nghệ yêu nghề, biết thay đổi mình, chấp nhận thử thách, đòi hỏi của xã hội thông tin. Xác định như vậy, nhân viên thư viện mới chủ động, tích cực, tiếp nhận thêm kiến thức, bất cứ vị trí công việc nào đều làm giỏi, làm tốt, cán bộ phòng, ban nào đều tự chịu trách nhiệm, phối hợp với đồng nghiệp, đoàn kết trong tập thể, nỗ lực vượt lên yếu kém, hạn chế của bản thân.
Cần có chế độ bồi dưỡng nghiệp vụ theo chính sách cho đội ngũ nhân viên. Việc làm này cần thiết bởi nhiều khâu trong Thư viện luôn đổi mới và chuyển mình. Cán bộ thư viện rất cần những khóa học ngắn hạn để nâng cao kiến thức. Qua quá trình đó, khả năng sáng tạo, vận dụng, điều hành công việc sẽ chủ động, linh hoạt, thuyết phục hơn. Người làm công tác thư viện đồng thời tự trang bị cho mình vốn ngoại ngữ, khoa học kỹ thuật công nghệ, kỹ năng mềm. Trung tâm TTTV Trường ĐHKH Huế khuyến khích cán bộ trẻ, có năng lực. Những cán bộ này tuy kinh nghiệm còn thiếu, kỹ năng chưa sâu nhưng nhiệt tình, giàu lý tưởng.
Đối tượng phục vụ chính của Trung tâm là sinh viên. Đã có lúc, ý nghĩa của Thư viện bị xem nhẹ, nhiều sinh viên chưa quan tâm và coi trọng việc tự học, nghiên cứu trên thư viện. Thư viện ĐHKH Huế đã kịp thời thích nghi và nhập cuộc vào xây dựng thư viện số, thư viện điện tử. Đa số sinh viên rất chăm chỉ, muốn tiếp thu sâu, rộng kho tàng tri thức, thực hành, vận dụng tốt. Họ đã tìm thấy ở Thư viện nguồn tư liệu, nguồn lực thông tin từ cơ bản đến nâng cao và chuyên sâu. Năm thứ nhất đại học, hầu hết sinh viên đều được Trung tâm TTTV ĐHKH Huế tập huấn, qua đây, sinh viên làm quen với môi trường học tập mới, hình thành kỹ năng, biết cách học, khai thác dữ liệu trên thư viện. Sinh viên đọc giáo trình, sách tham khảo, báo, tạp chí chuyên ngành, tài liệu quý, hiếm. Trình độ tra cứu cơ sở dữ liệu, đọc tài liệu điện tử được nâng lên, khả năng ngoại ngữ được cải thiện. Sinh viên đến thư viện mượn sách in giấy, tự học… Có thể nói, người dùng tin, từ chỗ chưa biết, chưa hiểu nhiều về dịch vụ của Thư viện, đến chỗ khai thác tối ưu tiện ích. Người dùng tin được hướng dẫn, định hướng về việc lựa chọn thông tin, chọn lọc thông tin và nhất là làm chủ nguồn tin. Sinh viên biết nên đọc giáo trình nào, khai thác tài liệu nào, sử dụng thông tin, áp dụng vào thực tế sao cho hiệu quả.
Trung tâm tạo nên mạng lưới thư viện với thư viện các trường đại học thành viên của Đại học Huế, Trung tâm Học liệu Huế. Tài nguyên thông tin được khai thác, tận dụng tối đa, hỗ trợ, thúc đẩy nhau sẽ giải quyết được những bất cập mà Thư viện ĐHKH Huế, thư viện các trường đại học, các Khoa trực thuộc Đại học Huế đang mắc phải.
Tri thức được mở rộng, nguồn lực thông tin không ngừng tăng lên, Trung tâm TTTV ĐHKH Huế là cầu nối để củng cố vai trò của thư viện đại học nói riêng và ngành Thư viện nói chung. Khi khoa học công nghệ phát triển, kỷ nguyên số, kỷ nguyên thông tin bùng nổ, việc kết nối tri thức, thông tin trở nên nhanh chóng, tiện lợi hơn. Giao lưu, trao đổi quốc tế giúp Trung tâm có thêm nguồn tài liệu, nguồn thông tin thông qua biếu, tặng bằng hình thức sách in hay tư liệu điện tử.
Kết luận
Tăng cường hoạt động TTTV tại Trung tâm TTTV trường ĐHKH Huế góp phần giải quyết các vấn đề nâng cao chất lượng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh.
Hơn lúc nào hết, ý nghĩa và tầm quan trọng của thư viện đại học càng trở nên cần thiết. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ cùng với xu thế hội nhập là những đòi hỏi và thách thức cho ngành Thư viện nói chung và cho thư viện các trường đại học nói riêng. Cần có những đổi mới hoạt động, bắt kịp những tiến bộ của thời đại để góp phần phục vụ đắc lực cho chất lượng học tập của sinh viên. Để làm được điều đó, ngoài những nỗ lực của các cán bộ thư viện, Thư viện Trường ĐHKH Huế cần có sự quan tâm chỉ đạo và có định hướng từ các cấp lãnh đạo của nhà trường, của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
_____________________
1. Nguyễn Thanh Sỹ, Một số biện pháp phát triển nguồn lực thông tin tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Tạp chí Thông tin và Tư liệu, số 4, 2020. tr. 38-45.
2. Trần Thị Kiều Nga, Không gian thư viện trong thế kỷ 21, Tạp chí Thông tin và Tư liệu, số 2, 2019, tr.38-40.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Tùng Sơn, Phạm Thị Thảo, Quyền tiếp cận thông tin và những biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Luật thư viện, Tạp chí Thông tin và Tư liệu, số3, 2021. tr.13-19.
2. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, moet.gov.vn.
3. Nguyễn Thị Thu Hà, Xây dựng nguồn học liệu phục vụ đào tạo tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Khoa học Huế, Tạp chí Thông tin và tư liệu, số 6, 2018, tr.35-40.
5. Nguyễn Thị Minh Phượng, Bồi dưỡng viên chức ngành thông tin và thư viện theo vị trí việc làm trong kỷ nguyên số, Tạp chí Thông tin và Tư liệu, số 3, 2019, tr.8-13.
6. Võ Hoàng Lan, Liên kết chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin ở thư viện các trường, khoa trực thuộc Đại học Huế, Tạp chí Thông tin và tư liệu, số 3, 2021, tr.30-36.
8. Võ Hoàng Lan, Tăng cường hoạt động thông tin phục vụ bạn đọc tại Trung tâm - Thư viện Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Tạp chí Thông tin và tư liệu, số 3, 2019, tr.41-45.
NGUYỄN QUỲNH TRƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022