Hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chiến lược công nghiệp hóa phù hợp với thực tiễn đất nước với quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng công nghệ, phương tiện hiện đại với nền kinh tế tri thức để tạo ra năng suất lao động cao. Phát triển lực lượng sản xuất của Việt Nam cần coi khoa học, công nghệ là nền tảng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). Đảng ta khẳng định: “khoa học, công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại... Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới” (1). Tiếp đến, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng ta chú trọng phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đảng ta nhận thấy: “đây là xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” (2).
1. Nội dung phát triển lực lượng sản xuất gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực then chốt.
Trên cơ sở yêu cầu, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chú trọng “phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu” (3) bởi:
Thứ nhất, phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực then chốt vì đây là nội dung chủ yếu, là khuynh hướng phát triển chủ đạo của các nước trên thế giới. Đó chính là lợi thế và là cơ hội rút ngắn khoảng cách của nước ta khi thực hiện CNH, HĐH hiện nay. Việt Nam thực hiện CNH, HĐH trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, với sự bùng nổ của tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ gen, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới... đúng như tiên đoán của C.Mác và Ph.Ăngghen từ giữa TK XIX: “Tri thức sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp” (4). Từ một nền kinh tế nông nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam phải tiến hành đồng thời hai quá trình: chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp lên kinh tế công nghiệp; từ kinh tế nông - công nghiệp lên kinh tế tri thức. Trong khi ở các nước đi trước, đó là hai quá trình kế tiếp nhau thì ở nước ta, tận dụng cơ hội là nước đi sau, hai quá trình này được lồng ghép với nhau, kết hợp các bước đi tuần tự với các bước phát triển nhảy vọt, tức là gắn CNH, HĐH với phát triển kinh tế tri thức.
Tại Đại hội Đảng lần thứ IX, lần đầu tiên, Đảng ta đưa ra luận điểm quan trọng về phát triển kinh tế tri thức: Đi nhanh vào công nghệ hiện đại ở những ngành và lĩnh vực then chốt để tạo bước nhảy vọt về công nghệ và kinh tế, tạo tốc độ tăng trưởng vượt trội ở những sản phẩm và dịch vụ chủ lực. CNH gắn với HĐH ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn phát triển. Nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển kinh tế - xã hội, từng bước phát triển kinh tế tri thức ở nước ta (5).
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) cũng đã xác định: Khoa học, công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển khoa học, công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước... (6).
Thực tiễn cho thấy, CNH, HĐH là quá trình làm chuyển đổi căn bản và toàn diện nền sản xuất xã hội, từ sử dụng lao động thủ công có năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp sang lao động được đào tạo cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn, dựa trên phương pháp sản xuất công nghiệp, vận dụng những thành tựu mới của khoa học, công nghệ tiên tiến.
Thứ hai, Việt Nam cần chú trọng tới chất lượng giáo dục, đào tạo trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Vì CNH, HĐH của nước ta diễn ra trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nên nó đòi hỏi nâng cao trình độ người lao động. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực, tri thức con người phải thông qua giáo dục, đào tạo mới có được. Phát triển kinh tế tri thức được thúc đẩy bởi giáo dục, đào tạo. Sở dĩ như vậy là vì, giáo dục, đào tạo là hoạt động trực tiếp tác động đến việc nâng cao trí tuệ, sự hiểu biết và vận dụng những tri thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của con người. Cho nên, nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người Việt Nam trên cơ sở phát triển giáo dục, đào tạo là động lực của sự phát triển kinh tế tri thức, là vấn đề có ý nghĩa sống còn trước xu thế toàn cầu hóa. Đối với Việt Nam, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đang đặt ra ngày càng cấp thiết. Bởi chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo ở nước ta còn thấp so với yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH, nhất là giáo dục nghề nghiệp và đại học.
Thứ ba, CNH, HĐH phải được tích hợp từ những thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại để từ đó tạo ra những sản phẩm có kích thước gọn nhẹ, ít tiêu tốn nguyên, nhiên, vật liệu, sức lao động. Trong quá trình sản xuất, hao phí ít nhưng lại kết tinh giá trị lao động ở trình độ cao, chuyên sâu, từ đó tạo ra sản phẩm có chất lượng, có tính năng vượt trội, có giá trị gia tăng cao, lại thân thiện với môi trường. Phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực then chốt đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, hàm lượng tri thức khoa học và giá trị gia tăng của sản phẩm, từ đó tạo thành lợi thế to lớn trong cạnh tranh đối với doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung trong quá trình phát triển. Những ưu điểm, tính năng vượt trội của kinh tế tri thức, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao được kết tinh trong sản phẩm, dịch vụ đã trở thành những tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Thứ ba, CNH, HĐH phát triển giúp người tiêu dùng có quyền ưu tiên lựa chọn sản phẩm, dịch vụ do khoa học, công nghệ cao sản xuất, cung ứng, từ đó trong quá trình phát triển, cần xây dựng nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ hiện đại, tối ưu nhất. Tuy nhiên, trình độ khoa học, công nghệ ở Việt Nam hiện nay về cơ bản vẫn ở mức thấp, nền sản xuất còn dựa nhiều vào lao động thủ công, nếu Việt Nam tiến hành CNH, HĐH một cách tuần tự thì sẽ khó bắt kịp và hội nhập vào nền kinh tế tri thức, làm cho khoảng cách phát triển giữa nước ta với các nước trên thế giới không thể rút ngắn. Vì vậy, để Việt Nam nhanh chóng hướng tới một nền công nghiệp hiện đại, cần lồng ghép, đan xen CNH, HĐH và phát triển kinh tế tri thức. Chính điều đó đã đặt ra yêu cầu cho Việt Nam khi thực hiện CNH, HĐH phải xác định đó là cơ sở, định hướng, điều kiện thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: CNH, HĐH trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình CNH, HĐH trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu (7).
2. Việc phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ làm nền tảng, cần dựa vào hàm lượng tri thức có trong sản phẩm và sản xuất công nghệ cao
Một là, cần nhanh chóng thay thế, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập của đất nước. Hiện nay, thế giới đang chuyển sang nền kinh tế tri thức, việc phát triển khoa học, công nghệ là cơ sở để ra đời các công nghệ mới (vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ điện tử), làm cho nền kinh tế phát triển theo chiều sâu tức là tăng trưởng kinh tế dựa trên cơ sở nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào. Sự phát triển của khoa học, công nghệ đã thúc đẩy quá trình hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, sự phát triển của khoa học, công nghệ còn góp phần làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường. Những phát minh, sáng chế mới được ứng dụng trong sản xuất đã giải phóng được lao động nặng nhọc, độc hại cho người lao động và tạo ra sự tăng trưởng nhanh chóng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của xã hội hiện đại.
Hai là, cần tập trung phát triển các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới, công nghệ hàng không - vũ trụ… Hiện nay, những ngành công nghệ cao được xem là trụ cột của nền kinh tế tri thức. Đặc biệt, các ngành công nghệ cao có đặc điểm là tốc độ tăng trưởng cao và nhanh chóng; đóng góp to lớn vào nền kinh tế quốc dân và tạo việc làm mới; có khả năng cạnh tranh quốc tế; thời gian từ nghiên cứu khoa học đến sáng tạo công nghệ ngày càng rút ngắn hơn trước; có khả năng thâm nhập trực tiếp, nhanh chóng mọi lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, quản lý); sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời khai thác nguồn tài nguyên tri thức để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả.
Ba là, cần xây dựng và triển khai nội dung, kế hoạch hợp tác khoa học, công nghệ tiên tiến với các nước mạnh về khoa học, công nghệ vì họ là đối tác chiến lược của Việt Nam. CNH, HĐH đã thúc đẩy nước ta tăng cường hợp tác với các nước nhằm tiến hành thực hiện các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu chung, các dự án nhập kết quả nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ, các hội thảo khoa học, triển lãm công nghệ, trao đổi chuyên gia, tài liệu, thông tin khoa học... Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và triển khai nội dung, kế hoạch hợp tác khoa học, công nghệ tiên tiến của các nước mạnh về khoa học, công nghệ vẫn còn gặp nhiều hạn chế như: làm nảy sinh các vấn đề tranh chấp mới liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp - những lĩnh vực mà nước ta đang ở trình độ phát triển rất thấp so với họ. Chính vì thế, cần hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học xuất sắc trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học của Việt Nam và nước ngoài.
Bốn là, cần xây dựng các tiêu chí phấn đấu để trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Với việc xác định mô hình CNH, HĐH, trong thời gian tới cần xác định là mô hình công nghiệp hóa hiện đại. Do đó, Việt Nam cần xây dựng các hệ tiêu chí phát triển công nghiệp hiện đại. Tiêu chí công nghiệp hóa có thể hiểu là những đặc trưng để nhận biết hay để phân biệt trình độ đạt được trong tiến trình công nghiệp hóa.
Một số nhà khoa học ở nước ta cho rằng, tiêu chí để Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại gồm:
Thứ nhất, tiêu chí kinh tế: Việt Nam cần đảm bảo được tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người theo giá hiện hành ở mức 6.300-6.500 USD, việc đưa ra mức đề xuất trên phải dựa vào mức của các nước công nghiệp mới - NICs khi hoàn thành CNH, HĐH vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao theo phân loại của Ngân hàng Thế giới. Tiêu chí trên thuộc chỉ tiêu hệ thống thống kê quốc gia của Việt Nam và nó được so sánh với các nước trên thế giới. Về cơ cấu ngành kinh tế, cần đảm bảo trong nông nghiệp chiếm 10%, công nghiệp là 40-45%, dịch vụ là 45-50%, việc xây dựng tiêu chí cơ cấu ngành kinh tế phải phù hợp với xu thế chung về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiêu chí trên thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, tham chiếu phân tích quan hệ tương tác giữa các ngành và cơ cấu nội bộ mỗi ngành qua chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp cao. Về tiêu chí cơ cấu lao động phải đảm bảo nông nghiệp dưới 30%, công nghiệp dưới 35%, dịch vụ trên 35%. Việc xây dựng tiêu chí này dựa vào việc phù hợp với xu thế chung về chuyển dịch cơ cấu lao động, tiêu chí trên thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia của Việt Nam và nó gắn với nâng cao chất lượng lao động theo yêu cầu nâng cao trình độ công nghệ. Về chỉ số kinh tế tri thức - KEI phải đảm bảo được lớn hơn 7/10 điểm. Việc xây dựng tiêu chí KEI dựa vào bốn trụ cột cơ bản: thể chế kinh tế, hệ thống đổi mới công nghệ, giáo dục và nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và truyền thông. Hiện nay, nước ta chưa có chỉ số KEI trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Thứ hai là, tiêu chí xã hội: có tiêu chí tỷ lệ đô thị hóa phải trên 50%, do đo bằng tỷ lệ dân số đô thị trong tổng dân số, cần chú ý tới việc phát triển đô thị sinh thái và quản lý đô thị. Chỉ số phát triển con người - HDI phải đạt trên 7/10 điểm, bởi nó bao hàm cả tuổi thọ trung bình, phổ cập giáo dục và mức sống bình quân của người dân. Tiêu chí này thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia của Việt Nam. Hệ số GINI phải đạt từ 0,4-0,45/1, tiêu chí trên bao hàm cả chênh lệch thu nhập, độ bao phủ các chính sách an sinh xã hội. Tiêu chí trên thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia của Việt Nam.
Thứ ba là, tiêu chí môi trường: bao gồm chỉ số bền vững môi trường - ESI phải đạt trên 55/100 điểm vì nó thể hiện toàn diện chất lượng môi trường (không khí, giảm chất thải, nước sạch) và giảm tổn thương do thảm họa môi trường, việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là yếu tố tiền đề và nền tảng cho phát triển, đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới, đảm bảo sự ổn định về mặt xã hội (8).
Kết luận
Như vậy, quá trình phát triển lực lượng sản xuất của Việt Nam hiện nay diễn ra dựa trên sự phát triển của CNH, HĐH, các tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới giáo dục, đào tạo nhằm phát triển đất nước. Mục đích của quá trình CNH, HĐH là tạo ra năng suất lao động cao hơn. Các tiền đề gồm vật chất, kỹ thuật, con người, công nghệ, phương tiện, phương pháp. Quá trình này sẽ cải biến lao động thủ công thành lao động sử dụng kỹ thuật tiên tiến. Điều này là đặc điểm của thời kỳ quá độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay. Vì vậy, với việc đề ra những tiêu chí để trở thành nước công nghiệp hiện đại là cơ sở, định hướng để nước ra đặt ra kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để đẩy mạnh CNH, HĐH nhằm phát triển lực lượng sản xuất của Việt Nam hiện nay.
_______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.78.
2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.140, 120.
4. C.Mác- Ph.Ănghen toàn tập, tập 46, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.372-373.
5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.57, 78.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.90.
8. Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông, Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.190-201.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015.
2. Lê Hữu Tầng, Về động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
TS PHẠM THỊ KIÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022