Sự nghiệp Văn hóa và Thể thao Ninh Bình: 30 năm đổi mới và phát triển

Ba mươi năm qua, kể từ ngày tái thành lập tỉnh Ninh Bình (1-4-1992 - 1-4-2022), ngành Văn hóa và Thể thao Ninh Bình không ngừng trưởng thành, đổi mới và phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Các hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng đi vào chiều sâu và nâng chao chất lượng phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018) - Ảnh: Sở VHTT Ninh Bình cung cấp

Phát huy hào khí linh thiêng của vùng đất Cố đô lịch sử - quê hương cách mạng văn hiến, anh hùng, mảnh đất từng là kinh đô đầu tiên của nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta, Ninh Bình lưu giữ khá nhiều giá trị văn hóa đa dạng, phong phú. Để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống phục vụ công cuộc xây dựng quê hương Ninh Bình phát triển toàn diện, bền vững, ngành Văn hóa, Thể thao của tỉnh đã không ngừng củng cố đội ngũ cán bộ, xây dựng bộ máy, cơ sở vật chất, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao mà nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Sau 30 năm, ngành Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, được thể hiện khá rõ trên một số mặt công tác trọng tâm.

Đối với lĩnh vực văn hóa, đã tập trung thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững. Các hoạt động văn hóa được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia, hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và vùng đồng bằng. Ngành Văn hóa, Thể thao tham mưu tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao ở địa phương như: Chào mừng các ngày kỷ niệm, lễ, Tết, các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Đại hội thi đua yêu nước tỉnh, tổ chức Lễ hội Hoa Lư hằng năm, cuộc thi Người đẹp Hoa Lư, đáng chú ý là sự kiện UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 5, kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt; Lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch quốc gia tại tỉnh Ninh Bình, Năm Du lịch quốc gia Hoa Lư - Ninh Bình 2021, Liên hoan Múa quốc tế, Liên hoan Múa rối quốc tế, kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh; Liên hoan hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc tại tỉnh Ninh Bình; Liên hoan ca khúc cách mạng… Các hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng những đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng khắp trong nhân dân, khơi thức niềm tin, niềm tự hào và sự đồng lòng nhất trí của đông đảo nhân dân, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thi đua lao động sáng tạo xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hoạt động xe thư viện lưu động tại các trường học trên địa bàn tỉnh - Ảnh: Sở VHTT Ninh Bình cung cấp

Hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng diễn ra sôi nổi từ tỉnh tới cơ sở, nhiều liên hoan, hội diễn, chương trình văn nghệ đã thu hút được sự tham gia của đông đảo quần chúng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh có 2 câu lạc bộ (CLB) cấp tỉnh, 181 CLB cấp huyện và có 837 tổ, đội, nhóm văn nghệ quần chúng ở cơ sở, thu hút hàng ngàn diễn viên, hội viên không chuyên tham gia. Nhiều mô hình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống duy trì hoạt động có hiệu quả như: CLB hát Chèo (huyện Yên Mô, Yên Khánh); CLB Ca trù (huyện Kim Sơn); CLB hát Xẩm (xã Yên Thành, huyện Yên Mô); Nghệ thuật Trống Nhảy (Tân Khẩn, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn); Nghệ thuật Múa trống (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh); Đội Kèn đồng (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn); các CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan… Các hoạt động văn hóa quần chúng làm sống động đời sống văn hóa cộng đồng, tạo sự chuyển biến trong việc duy trì và phát triển đời sống văn hóa cơ sở, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Trong giai đoạn từ năm 1992-2022, bình quân mỗi năm, tỉnh tổ chức hàng ngàn cuộc giao lưu văn nghệ giữa các đội, nhóm, CLB văn nghệ ở cơ sở; thực hiện gần 600 buổi chiếu phim lưu động phục vụ trên 150 nghìn lượt người xem, thực hiện trên 20 cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật; luân chuyển gần 400 ngàn lượt sách, báo trong hệ thống thư viện cộng đồng, đón tiếp trên 10 nghìn lượt khách đến tham quan Bảo tàng, trưng bày lưu động các chuyên đề Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử pháp lý, Kinh đô Hoa Lư… của bảo tàng tại các huyện, thành phố...

Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được củng cố, phát triển. Đoàn Chèo Ninh Bình mở rộng quy mô và chất lượng hoạt động, được nâng cấp thành Nhà hát Chèo Ninh Bình. Trong 30 năm qua, Nhà hát đã dàn dựng và khôi phục gần 30 vở chèo, tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật chèo chuyên nghiệp quy mô toàn quốc và khu vực đều đạt được giải thưởng cao. Ninh Bình có 1 tác giả kịch bản được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 1 nghệ sĩ nhân dân, 10 nghệ sĩ ưu tú. Các vở diễn tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đạt 4 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, các cá nhân tham gia đạt 91 huy chương (trong đó, có 37 huy chương vàng, 40 Huy chương bạc, 14 huy chương đồng). Mỗi năm, Nhà hát thực hiện lưu diễn hàng trăm buổi phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm, đã gặt hái những thành quả đáng tự hào. Toàn tỉnh có 1.821 di tích được kiểm kê, có 388 di tích đã xếp hạng, bao gồm 307 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản thế giới), 5 bảo vật quốc gia, hơn 39.000 hiện vật bảo tàng được lập hồ sơ lý lịch đưa vào quản lý, phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục truyền thống ở địa phương; nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư, trùng tu, nâng cấp phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu. Một số di tích trở thành điểm đến thường xuyên của du khách như: Cố đô Hoa Lư, quần thể danh thắng Tràng An, Nhà thờ đá Phát Diệm, Núi Non Nước...

Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh khá phong phú về loại hình, gồm nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian... đến nay đã kiểm kê được 430 di sản, có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 6 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển du lịch. Các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê, Lễ hội làng Bình Hải, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ, Lễ hội đền Thái Vi,... được duy trì và tổ chức thực hiện nề nếp, khơi dậy tính cố kết cộng đồng và bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho nhân dân. Năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2021-2025.

Các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện hiệu quả, đã và đang đóng góp thiết thực trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nhiều đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp tỉnh, hội thảo về bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức. Hiện nay, Sở đã thực hiện đề tài: Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh và đang thực hiện Đề án: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt; Đề án Bảo tồn nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất cố đô Hoa Lư giai đoạn 2021-2030; Đề án Xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; tổ chức các hội thảo: Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam; Thân thế, sự nghiệp thiền sư Nguyễn Minh Không; Hội thảo trực tuyến quốc tế Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát Xẩm trong xã hội đương đại...

Hằng năm, có hàng chục di tích lịch sử văn hóa được nhà nước và nhân dân đầu tư tu bổ, tôn tạo. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là một điểm nhấn quan trọng, thu hút đông đảo du khách về Ninh Bình, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành Du lịch và nhiều ngành nghề dịch vụ khác.

Công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình được triển khai hiệu quả, gắn với xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư. Việc thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực, làm lành mạnh hóa môi trường sống, sinh hoạt của nhân dân.

Khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình - Ảnh: Sở VHTT Ninh Bình cung cấp

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh từ năm 1996, đã thực sự trở thành cuộc vận động rộng lớn, ngày càng nâng cao chất lượng, có sức lan tỏa và thu hút toàn xã hội tham gia, góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở các khu dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa được tăng cường; quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy; khả năng sáng tạo, quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng. Tính đến tháng 12-2021, toàn tỉnh có 90,68% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 95,59% khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 77,98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; 117/119 (98,32%) xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 18/24 (đạt 75,00%) phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. 100% làng, thôn, xóm, bản đã xây dựng, tổ chức thực hiện tốt quy ước, hương ước. Hằng năm, 90% đám cưới, đám tang được tổ chức theo nếp sống văn minh, tỷ lệ đám cưới không mời thuốc lá, đám tang thực hiện hỏa táng, điện táng tăng lên đáng kể. Đến hết năm 2021, có 86,31% đám cưới không mời thuốc lá; 35,3% đám tang thực hiện hỏa táng, điện táng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 243 lễ hội, việc tổ chức lễ hội trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Các lễ hội được tổ chức đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và tín ngưỡng linh thiêng với những hoạt động đặc sắc, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng.

Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư mở rộng bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thông qua thực hiện Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở và huy động các nguồn lực xã hội. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động 1 trung tâm văn hóa tỉnh, 8 trung tâm văn hóa huyện, thành phố; 142/143 (99,30%) xã, phường, thị trấn có Nhà Văn hóa, 148 Khu thể thao được sử dụng cho 140/143 xã, phường, thị trấn (đạt 97,90%); 1.599/1.679 (95,24%) thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, phố có Nhà văn hóa gắn với sân thể thao, khu thể thao đơn giản. Việc huy động sức dân đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa và trang thiết bị hoạt động chủ yếu thông qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã phát huy công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.

Ở lĩnh vực Thể dục, Thể thao, đã xây dựng và phát triển toàn diện cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.

Hoạt động thể thao quần chúng gắn với phong trào Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại, trong thời gian qua, có những bước phát triển mạnh mẽ với nhiều loại hình hoạt động thường xuyên thông qua các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao, Hội khỏe Phù Đổng, các hội thi, lễ hội và các giải vô địch thể thao từng môn từ tỉnh đến cơ sở. Phong trào được các tầng lớp nhân dân tự nguyện tham gia, phát triển rộng khắp, xuất hiện nhiều CLB, hội, liên đoàn thể thao trong nhân dân và trong các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, trường học. Hằng năm, trung bình trên địa bàn tỉnh tổ chức hơn 600 cuộc thi đấu, giao hữu thể thao, các môn thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển như: đấu vật, kéo co, bắn cung, bơi lội, đua thuyền, chạy bộ, đạp xe..., các môn mới như Yoga, bida, cầu lông, bóng bàn, tennis, golf, thể dục thẩm mỹ, gym... thu hút được đông đảo người dân tham gia tập luyện. Toàn tỉnh có gần 700 CLB thể thao. Tỷ lệ trường học đảm bảo giáo dục thể chất là 100%, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thường xuyên tăng đều hằng năm, năm 2004 là 19%, đến năm 2014 là 27% và đến nay đã có 33% người dân thường xuyên luyện tập thể thao, tỷ lệ số gia đình thể thao đạt 28,5%. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao ngày càng được quan tâm, thường xuyên được nâng cấp và xây mới quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân, với trên 670 sân thi đấu cầu lông; 145 sân thể thao cơ bản; 450 sân bóng đá; 70 sân quần vợt; 280 sân bóng chuyền; 235 sân bóng rổ; 25 bể bơi cố định…

Năm 2004, Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh được thành lập (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao), có chức năng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh. Trung tâm đã tích cực xây dựng nguồn nhân lực, từ cán bộ lãnh đạo quản lý đến đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên và thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng thi đấu. Trung tâm luôn duy trì tốt công tác đào tạo thường xuyên cho các tuyến vận động viên và tập trung đầu tư trọng điểm cho các vận động viên có khả năng giành huy chương, cử các vận động viên tham gia tập huấn và thi đấu cho đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia.

Đặc biệt, sau khi được tiếp nhận công trình nhà thi đấu thể thao phục vụ SEA Games 22 đến nay, Trung tâm đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ luyện tập và thi đấu. Thể thao thành tích cao Ninh Bình tập trung ở các môn bóng chuyền, điền kinh, cờ vua, vật, karate... Trong 10 năm trở lại đây, thể thao thành tích cao Ninh Bình gặt hái được nhiều thành tích, đặc biệt là những huy chương vàng, bạc cấp thế giới, châu Á, Đông Nam Á và SEA Games. Thành tích vận động viên đạt huy chương và đẳng cấp năm sau cao hơn năm trước, đóng góp cho đội tuyển Trẻ và đội Tuyển quốc gia. Các môn thể thao thế mạnh được đầu tư và duy trì thường xuyên như: bóng chuyền, điền kinh, cờ vua, vật… Đội tuyển bóng chuyền nam đánh dấu bước trưởng thành và ổn định phong độ, thành tích thi đấu được xếp thứ hạng cao trong cả nước, bốn lần vô địch giải bóng chuyền quốc gia các mùa giải năm 2006, 2010, 2012, 2021.

Năm 2021, ngành Văn hóa, Thể thao đã tham mưu thành lập Đội bóng chuyền nữ hạng mạnh Ninh Bình - Doveco. Đây là lần đầu tiên, tỉnh Ninh Bình có đội tuyển Bóng chuyền nữ hạng mạnh. Ngay sau khi thành lập, Đội bóng chuyền nữ hạng mạnh Ninh Bình - Doveco đã tích cực tập luyện và tham gia thi đấu Giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia Bamboo Airways, xếp top 4 đội mạnh nhất; tham gia Giải Bóng chuyền Cúp Hùng Vương 2021 và đạt giải Ba.

VĐV Hà Văn Hiếu, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Ninh Bình, nhận huy chương môn vật tại SEA Games 30 - Ảnh: Sở VHTT Ninh Bình cung cấp

Ngoài tham dự các giải thể thao cấp khu vực, quốc gia và Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, Ninh Bình đã tiếp nhận, đăng cai tổ chức có hiệu quả các giải đấu thể thao quốc gia, giải đấu của các bộ, ngành trong cả nước, góp phần quảng bá hình ảnh Ninh Bình và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương như SEA Games 22, Giải bóng chuyền nữ quốc tế các năm 2013, 2016, Giải Việt dã toàn quốc và Marathon Giải Báo Tiền phong, Giải Bóng chuyền các CLB Nam châu Á, tổ chức các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh, tổ chức giải việt dã marathon toàn quốc (năm 2018), Giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia vòng II Bamboo Airways 2021... qua đó khẳng định tiềm năng, thế mạnh của Ninh Bình có thể đăng cai tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao tầm thế giới trong tương lai. Năm 2022, tỉnh Ninh Bình đăng cai tổ chức thi đấu môn Karate trong khuôn khổ SEA Games 31.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Sở quan tâm, tích cực triển khai nâng cao chỉ số cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, ngành đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa và thể thao: Xây dựng hệ thống quản lý thông tin và tạo lập cơ sở dữ liệu một số các hiện vật tiêu biểu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cho Bảo tàng tỉnh; Xây dựng hệ thống quản lý thông tin phục vụ cho công tác quản lý Thư viện tỉnh Ninh Bình. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các khu vực khai quật tại Khu di tích Lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư được ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360; 100% hồ sơ lưu trữ di tích trên địa bàn tỉnh được số hóa để tích hợp vào phần mềm Quản lý di tích, từng bước số hóa, tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn hóa, thể thao theo lộ trình để tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của tỉnh, của quốc gia.

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, ngành Văn hóa và Thể thao đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ VHTTDL giao, giữ vững sự đoàn kết, nhất trí, kỷ cương, kỷ luật; bộ máy quản lý nhà nước của ngành tiếp tục được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Ghi nhận những kết quả đã đạt được, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Bước sang giai đoạn mới với nhiều thời cơ, song cũng nhiều thách thức, ngành Văn hóa và Thể thao tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra. Trong đó, tập trung xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, thực sự là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng Ninh Bình phát triển toàn diện, bền vững trên mọi bình diện của đời sống xã hội; xây dựng con người Ninh Bình phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với bối cảnh đất nước mở rộng hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế.

Những thành tựu đạt được trong 30 năm qua là động lực để ngành Văn hóa, Thể thao Ninh Bình tiếp tục phấn đấu thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao đi sâu vào chất lượng, nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển bền vững quê hương đất nước.

TS NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;