Nghi lễ “Cúng Tổ tiên” của dân tộc Lô Lô, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Nằm trong chuỗi các hoạt động diễn ra Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” từ ngày 12 đến 13-2-2022, tại làng dân tộc Lô Lô, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đã tái hiện Nghi lễ “Cúng Tổ tiên” của dân tộc Lô Lô, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nhằm giới thiệu nét văn hóa cổ truyền dân tộc Lô Lô đến du khách.

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam ta đã có từ rất lâu đời. Đó là một phong tục đẹp, giàu bản sắc, có tính chất giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Tự bản thân phong tục thờ cúng tổ tiên đã mang trong nó những giá trị văn hóa nhân bản cao quý. Đất nước Việt Nam ta đa sắc tộc, mỗi dân tộc lại có cách thực hành tín ngưỡng khác nhau.

Theo quan niệm của người Việt Nam nói chung, người Lô Lô nói riêng thì tổ tiên trước hết là người cùng huyết thống như cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ… những người đã sinh ra mình. Tổ tiên cũng là những người có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại. Không chỉ thế, tổ tiên còn là những người có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước để bản làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cơ sở quan trọng đầu tiên cho việc hình thành bất cứ tôn giáo tín ngưỡng nào cũng là quan niệm tâm linh của con người về thế giới. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Lô Lô xuất phát từ nhận thức “vạn vật hữu linh” - mọi vật đều có linh hồn, và bắt đầu từ giới tự nhiên xung quanh mình, và linh hồn trở thành đầu mối của tín ngưỡng. Từ quan niệm đó hình thành nên niềm tin về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa người đã chết và người sống (cùng chung huyết thống). Người đã chết bằng linh hồn trở về chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ.

Ngoài lý do tin vào những người đã khuất, ý thức tôn trọng cội nguồn và đức tính hiếu thảo của người Lô Lô cũng là cơ sở quan trọng hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, lúc họ đã chết cũng như khi còn sống, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm liên tục và lâu dài của con cháu đối với tổ tiên. Trách nhiệm được biểu hiện không chỉ trong các hành vi sống (giữ gìn danh dự và tiếp tục truyền thống của gia đình, dòng họ, đất nước) mà còn ở trong các hành vi cúng tế cụ thể. Từ đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dần được hình thành.

Trong những sinh hoạt dân gian thì “Lễ cúng tổ tiên” thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô. Theo phong tục, khi gia đình có người chết từ 3 đến 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên (ông tổ “duỳ khế”) và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị (hình người) để thờ cúng. Người Lô Lô cho rằng, tổ tiên là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: tổ tiên gần (duỳ khế) - các ông tổ 3 đến 4 đời và tổ tiên xa (pờ xi) - những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở đi. Các gia đình Lô Lô thường lập bàn thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ, được cắm hoặc cài ở vách phía trên bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên.

Các lễ vật dâng cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô gồm 3 phần chính: Lễ hiến tế, Lễ tưởng nhớ và Lễ tiễn đưa tổ tiên.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ

Lễ hiến tế tổ tiên (lễ cúng tổ tiên): thầy cúng chính (Vàng Dích Quỷ) làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng để báo cáo, mời tổ tiên về dự lễ và hưởng lễ vật do con cháu dâng lên. Sau đó, nghi thức đánh trống đồng được tiến hành. Nhờ niềm tin tâm linh và lòng nhiệt tình mà suốt một ngày lễ, đoàn múa nghi lễ vẫn múa dẻo, nhịp nhàng theo nhịp trống, không hề thấy mệt mỏi.

Nghi thức đánh trống đồng

Lễ đưa tiễn tổ tiên: Lễ tiễn đưa tổ tiên được bắt đầu trong tiếng trống đồng. Giữa sân, gia chủ đốt một đống lửa lớn và thầy cúng thưa với tổ tiên về việc “con cháu dâng lễ vật phẩm, tiền, vàng để tiễn đưa tổ tiên trở về trời; xin tổ tiên nhận lễ vật do con cháu trong dòng họ dâng lên, người dẫn đường đã có, tổ tiên hãy về trời và hãy phù hộ cho con cháu ở trần gian, tổ tiên hãy yên tâm ở cõi vĩnh hằng...”. Sau đó, thầy cúng đốt tiền, vàng và lễ cúng kết thúc vào lúc rạng sáng hôm sau.

Thầy cúng hóa giấy tiền vàng

Lễ vật sau khi hiến tế tổ tiên được chế biến thành các món ăn và chia đều để cảm ơn những người đã giúp dòng họ làm lễ, như thầy cúng, người hóa trang Ma cỏ, đầu bếp, người đánh trống đồng, người cho mượn trống đồng… và mời mọi người đến dự lễ ăn cơm, uống rượu chia vui với gia đình...

Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản; cầu cho mưa thuận, gió hòa, bà con dân bản, gia đình dồi dào sức khỏe, không ốm đau bệnh tật và nhà nhà, mọi người sống đoàn kết, hạnh phúc.

Thời gian tổ chức nghi lễ này thường bắt đầu từ ngày 25 đến 30 tháng Chạp, các hộ gia đình sẽ tổ chức cúng tại nhà. Còn lễ cúng tại miếu làng thì các hộ gia đình đóng góp lễ và cùng tổ chức, hay tùy theo từng năm các hộ gia đình tự sắm từng mâm lễ riêng của mình đem đến nhờ thầy cúng làm lễ và dâng lên miếu làng. Để được tái hiện trích đoạn Nghi lễ “Cúng tổ tiên” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, trước đó thầy cúng Lò Sì Páo và các nghệ nhân, đồng bào người dân tộc Lô Lô, thôn Sảng Pả A, thị Trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã phải thực hiện một lễ “Xin tổ tiên bàn thờ” tại Miếu làng để xin phép tổ tiên và phải xin âm dương được sự cho phép của “ông tổ” thì thầy cúng và bà con mới được phép mang phong tục của mình đến và thực hiện nghi lễ tại đây.

Sau phần Lễ đến phần hội của đồng bào Lô Lô

Người Lô Lô luôn có quan điểm “Mọi vật có thể đổi thay theo năm tháng, nhưng giá trị bản sắc văn hóa không thể phai mờ” vì vậy họ luôn gìn giữ những nét riêng vốn có, truyền thụ lại những phong tục, tập quán cho con cháu trong gia đình, dòng họ. Nghi lễ “Cúng tổ tiên” là nghi lễ mang tính linh thiêng, cùng với trống đồng, điệu nhảy, điệu múa, trang phục... tất cả đều đặc sắc, độc đáo đầy chất nghệ thuật của riêng người dân tộc Lô Lô, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang mà không nơi nào có được.

Bài, ảnh: TUẤN MINH

;