Theo số liệu thống kê đến tháng 1-2020, Việt Nam “có 68,17 triệu người (chiếm 70% dân số) dùng internet, cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 châu Á; 65 triệu người (chiếm 67% dân số) dùng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook và là một trong 10 nước có số người dùng YouTube cao nhất thế giới. Trong đó, 94% người dùng internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên” (1). Vì vậy, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam.
Khoa học và công nghệ hiện đại, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 điện tử, mạng internet… đã tạo nên không gian mạng và trở thành mạng lưới bao phủ khắp toàn cầu. Đặc điểm lớn nhất của không gian mạng là có số lượng người sử dụng đông đảo và mỗi người đều có một “IP” (2) khác nhau, trong đó, phần lớn là lớp trẻ, số lượng thông tin truyền tải không hạn chế, lan truyền với tốc độ nhanh và từ xa, rất tiện ích.
Các quan điểm thù địch trên không gian mạng không còn riêng lẻ, rời rạc như trước mà đã cộng hưởng với nhau thành một dàn hợp xướng. Theo thống kê, hiện nay có tới hơn “63 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, hàng ngàn trang web, blog, trang mạng xã hội tập trung tuyên truyền chống phá ta. Hằng năm, có hơn 3.000 tài liệu chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng” (3). Có thể nói, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trên môi trường không gian mạng là cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, quyết liệt, đầy nguy hiểm. Đó cũng là yêu cầu mới đặt ra nhưng cũng là tất yếu khách quan trong tiến trình cách mạng XHCN và là nội dung của bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN) đúng như Ph.Ănghen đã khẳng định: “Tất cả mọi cuộc đấu tranh trong lịch sử, không kể nó diễn ra trên địa hạt chính trị, tôn giáo, triết học, hay trên bất kỳ một địa hạt tư tưởng nào khác, thực ra chỉ là biểu hiện ít nhiều rõ rệt của cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội” (4). Vì vậy, đây được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Trong đó đội ngũ giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội có vai trò hết sức to lớn.
Giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội là những giảng viên, trợ giảng được biên chế ở các khoa của các nhà trường. Về cơ bản, họ được tuyển chọn kỹ lưỡng về nhận thức, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, được đào tạo cơ bản ở các nhà trường trong và ngoài quân đội; là nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ huy, cán bộ khoa học ở các nhà trường quân đội. Hiện nay, giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội là thế hệ sinh ra trong thời kỳ đổi mới đất nước, gắn với xu thế hội nhập quốc tế và cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại. Giảng viên trẻ có tư duy nhạy bén, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nhanh, cùng với tiềm năng sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ là lực lượng xung kích trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng lý luận với các quan điểm thù địch trên không gian mạng hiện nay. Do vậy, tìm ra những giải pháp tác động, kích thích, phát huy tính tích cực chính trị, tiềm năng sáng tạo để họ tích cực, chủ động đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng là vấn đề rất quan trọng đặt ra đối với các nhà trường quân đội hiện nay.
Có thể hiểu, tích cực chính trị trong đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên trẻ các nhà trường quân đội là toàn bộ những biểu hiện của sự tự giác, chủ động, sáng tạo trong nhận thức và hoạt động tham gia vào quá trình đấu tranh tư tưởng, lý luận trong thực tiễn trên những cơ sở, điều kiện, nhiệm vụ và trách nhiệm của giảng viên trẻ nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế thực hiện nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng thời gian vừa qua của đội ngũ giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tính tích cực, chủ động của bản thân giảng viên chưa cao, ngay ở Trường Sĩ quan Chính trị, “Một số giảng viên còn thiếu tích cực trong tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, có kết quả hoàn thành nhiệm vụ thấp, chưa chủ động, tích cực đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch trong và ngoài quân đội, nhất là trên không gian mạng” (5). Ở các nhà trường quân đội khác, hiện tượng một số bài viết chưa kế thừa đầy đủ tri thức lý luận để luận giải làm rõ cơ sở, mục đích chính trị của quan điểm sai trái. Một số bài viết dài dòng, chưa lôgic, nặng về tính phê phán câu chữ đơn thuần mà thiếu độ sâu về tính lịch sử, khoa học và chính trị. Có bài viết phản bác trực diện quan điểm sai trái nhưng không nắm vững cơ sở, bản chất chính trị và nội dung cần tập trung phản bác của luận điểm đó... Vì vậy, khi đưa các bài viết đó lên không gian mạng ít người đọc, ít người tham gia bình luận, nên tính chiến đấu và hiệu quả chưa thật tốt. Số lượng các bài viết đăng tải lên còn trùng lặp nhiều. Còn xảy ra tình trạng viết bài nhưng cóp nhặt quá nhiều trên mạng internet và không mang tính thời sự... Những hiện tượng đó không phải là hiếm. Cùng với đó, cơ chế, chính sách, đầu tư bảo đảm thực sự thuận lợi để động viên, phát huy vai trò của giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội trong tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng chưa thật đồng bộ. Từ thực tiễn đó cho thấy, vấn đề phát huy tính tích cực chính trị của đội ngũ giảng viên trẻ các nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng đang được đặt ra một cách cấp thiết.
Để phát huy tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng cần có những giải pháp hợp lý.
Nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cho giảng viên trẻ
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, góp phần nâng cao tính tích cực chính trị trong đấu tranh tư tưởng - lý luận trên không gian mạng của giảng viên trẻ. Bởi lẽ, nhận thức là cơ sở của hành động, nhận thức đúng đắn là nhân tố quyết định đến thái độ, hành vi. Nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng là cơ sở nền tảng để giảng viên trẻ có thể tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng một cách có hiệu quả. Hơn nữa, các thế lực thù địch hết sức tinh vi, xảo quyệt và giỏi thuật ngụy biện, thường đem hiện tượng quy kết cho bản chất, để đảo ngược nhận thức, đánh tráo khái niệm nhằm xuyên tạc, bóp méo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng. Bởi thế, nếu giảng viên trẻ không có kiến thức toàn diện, không am hiểu sâu sắc lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng thì không thể vạch trần bản chất các quan điểm, tư tưởng phản động của các thế lực thù địch; không thể phản bác đập tan được những quan điểm, tư tưởng phản động, cơ hội, xét lại để bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng.
Nâng cao nhận thức của giảng viên trẻ cần tập trung các nội dung chủ yếu sau: Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội, ưu tiên tuyển chọn những giảng viên trẻ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá bậc đại học và sau đại học có phẩm chất tốt, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có nguyện vọng trở thành giảng viên để tiếp tục đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm nói chung và đấu tranh tư tưởng - lý luận nói riêng; Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức toàn diện cho giảng viên trẻ; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy trong tích cực hóa việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho giảng viên trẻ; Tiếp tục nâng cao nhận thức cho giảng viên trẻ về tầm quan trọng của đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng; Làm tốt công tác định hướng, thông tin khoa học để giảng viên trẻ tiếp cận các tri thức khoa học, tổ chức nhiều buổi thông tin chuyên đề do các chuyên gia giỏi, những nhà khoa học đầu ngành ở trong và ngoài quân đội chủ trì, chú trọng thông tin khoa học về các quan điểm sai trái, thù địch, có phân tích, nhận định, đánh giá cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nước ta.
Thường xuyên bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng cho giảng viên trẻ
Đấu tranh tư tưởng, lý luận trong điều kiện, môi trường không gian mạng đã trở thành một cuộc chiến căng thẳng, quyết liệt và phức tạp, với những yêu cầu và đòi hỏi rất cao. Để đấu tranh một cách trực diện với những quan điểm thù địch trên không gian mạng không chỉ đòi hỏi phải có một trình độ lý luận, một sự nhận thức sâu sắc về những vấn đề mà mình tham gia đấu tranh, mà còn phải có phương pháp trình bày, cách thức thể hiện chính kiến khoa học với đầy đủ lý lẽ thuyết phục.
Do vậy, phải thường xuyên bồi dưỡng cho họ phương pháp đấu tranh và kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật để đấu tranh. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng: Bồi dưỡng kinh nghiệm đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng cho giảng viên trẻ; Khuyến khích giảng viên trẻ vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng; Bồi dưỡng cho giảng viên trẻ kỹ năng thu thập, xử lý thông tin và kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, đồng thời trang bị cho giảng viên trẻ những kỹ năng về sử dụng trang bị, phương tiện công nghệ thông tin, kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng phân biệt các dạng tài liệu trên mạng internet...; Tích cực đưa giảng viên trẻ vào thực tiễn đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng để rèn luyện và kiểm nghiệm bản lĩnh chính trị, năng lực đấu tranh của họ. Đồng thời, cần tích cực và mạnh dạn đưa giảng viên trẻ tham gia vào các hoạt động đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng với những tình huống mang tính phức tạp. Bởi lẽ, khi đối mặt với những tình huống như thế buộc giảng viên trẻ phải trăn trở, suy nghĩ, huy động hết bản lĩnh và khả năng để tìm ra các phương thức giải quyết một cách hữu hiệu.
Thường xuyên quan tâm, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt, tạo môi trường xã hội thuận lợi cho giảng viên trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng
Đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng là lao động đặc biệt, đòi hỏi cao về thể lực, tâm lý và trí lực. Do đó, cần được bù đắp, chăm sóc chu đáo để tiếp tục làm việc có hiệu quả, họ cần có những điều kiện nhất định về vật chất, tinh thần, tư tưởng và tâm lý. Sự quan tâm tạo điều kiện làm việc và sinh hoạt của các cấp lãnh đạo, chỉ huy và của đồng đội không chỉ có tác dụng củng cố, bồi dưỡng thể lực, tâm lý và trí lực, mà còn có ý nghĩa động viên tư tưởng rất lớn, tạo sự gắn bó với nhà trường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Do đó, lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chức năng các cấp cần có sự quan tâm thỏa đáng đến các chế độ đãi ngộ đối với họ về vật chất và tinh thần như: chế độ tiền lương, phụ cấp và các điều kiện bảo đảm cho sinh hoạt học tập, tự học tập năng cao trình độ mọi mặt và chuyên môn; nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng; bảo đảm chế độ khen thưởng theo hướng khuyến khích, phát huy tính tích cực chính trị của họ trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng.
Chủ động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể và chính quyền địa phương nơi đóng quân tạo điều kiện hợp lý hóa gia đình, ổn định cuộc sống cho các chủ thể để họ yên tâm công tác. Đồng thời, tạo môi trường xã hội và điều kiện thuận lợi để họ tích cực đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng. Biểu dương, khen thưởng, tạo cho giảng viên trẻ niềm vinh dự lớn lao, lòng tự hào được cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng.
Phát huy tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng là hệ thống các tác động mang tính khách quan, nhằm đánh thức tiềm năng, khơi dậy và phát triển nội lực, thúc đẩy giảng viên trẻ tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ lý luận, trình độ làm chủ phương tiện kỹ thuật hiện đại, trình độ ngoại ngữ, trình độ nhận diện và đấu tranh với các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng. Để phát huy tốt tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ các nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng, cần nhận thức đúng, chủ động tiến hành đồng bộ các giải pháp.
______________
1. IP: Internet Protocol - giao thức internet, là một địa chỉ đơn nhất được sử dụng để nhận diện và liên lạc với nhau trên không gian mạng.
2. Thái Thị Duy Quyên, Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, tapchicongsan.org.vn, 11-12-2020.
3. Phan Sỹ Thành, Nâng cao nhận thức và tinh thần chủ động trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nghean.dcs.vn, 30-10-2019.
4. C.Mác và Ph.Ănghen, Ngày mười tám tháng sương mù của Lu-i Bô-na-pác-tơ, tập 21, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.373-374.
5. Bùi Quang Kha, Nâng cao chất lượng giảng viên ở Trường Sĩ quan Chính trị; dangcongsan.vn, 12-1-2021.
Ths LƯU NGỌC CÔNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022