Vai trò của thực hành mỹ thuật đối với giáo sinh ngành Giáo dục mầm non

Việc học mỹ thuật và hướng dẫn thực hành bộ môn Sư phạm mỹ thuật vốn được coi là bộ môn đáng ngại nhất đối với sinh viên ngành Giáo dục mầm non. Chính vì thế, trong việc giảng dạy, rất cần khả năng truyền cảm hứng sáng tạo từ phía giảng viên để người học có thể phát huy được năng lực tiềm ẩn... Làm thế nào để khi giải quyết các tình huống thực hành sư phạm mỹ thuật, người học dần phá bỏ được rào cản tâm lý và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, yêu trẻ, say nghề giáo là câu hỏi mà nhiều chuyên gia, nhiều trường đại học đặt ra, nhằm nâng cao vai trò của thực hành bộ môn Sư phạm mỹ thuật đối với các trường có đào tạo ngành giáo dục mầm non, đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng thời hiện đại.

1. Mở đầu

Nhận biết một sinh viên có phong cách học tập thế nào rất quan trọng đối với việc giáo dục sinh viên nói chung và sinh viên ngành Giáo dục mầm non nói riêng. Hầu hết mỗi người đều có “phong cách” học tập riêng, cũng như có một kênh tiếp nhận thông tin đến não bộ hiệu quả. Có người có khả năng vượt trội về tiếp nhận thông tin qua thính giác, có người tiếp nhận thông tin nhanh nhạy bằng thị giác và học tập hiệu quả nhất bằng cách nhìn nhận hình ảnh. Một số người nghiêng về vận động thì có khả năng học tập với kiến thức thông qua các hoạt động ứng dụng. Nắm bắt được đặc điểm đối tượng, hiểu được khả năng riêng của người học để từ đó, giúp giáo sinh ngành Giáo dục mầm non tiếp nhận thông tin một cách trọn vẹn nhất và học tập hiệu quả các môn mỹ thuật là điều mà các trường có đào tạo Sư phạm mỹ thuật quan tâm, nhằm cải thiện chương trình đào tạo cũng như áp dụng hiệu quả các phương pháp dạy học hiện đại.

Không cần trải qua một kỳ thi năng khiếu mỹ thuật khi đi học ngành Giáo dục mầm non nhưng khi dự tuyển dụng, sinh viên đã tốt nghiệp ngành này lại phải đáp ứng yêu cầu ứng dụng nhiều phương pháp và kiến thức tạo hình vào các chủ đề giáo dục phù hợp cho trẻ dưới 6 tuổi. Đây là một trong những khó khăn của giáo sinh mầm non khi học tập, nghiên cứu và thực hành tại trường được đào tạo cũng như đến thực tế ở cơ sở.

Với sự chú trọng thực tập sư phạm nhằm gắn kết chặt chẽ lý thuyết với thực hành, tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội để va chạm thực tế ở các cơ sở mầm non, các trường có đào tạo giáo viên mầm non luôn tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng nhân lực. Bên cạnh đó, nhà trường sư phạm mỹ thuật đồng thời chú trọng phát triển năng lực nghệ thuật cho các em để sau khi ra trường, họ sớm trở thành những giáo viên mầm non tài năng, tự tin.

Sinh viên ngành Giáo dục mầm non được thực tập giảng dạy các môn học nhằm giúp trẻ mầm non phát triển ngôn ngữ, làm quen với toán, khám phá khoa học, tổ chức hoạt động tạo hình, giáo dục âm nhạc, phát triển thể chất, hoạt động vui chơi. Đặc biệt, các học phần mỹ thuật giúp sinh viên ngành Giáo dục mầm non có khả năng học tốt hơn các học phần chuyên môn với phương thức tích hợp, liên môn tương tác thực hành.

 Tư duy hình ảnh giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng gợi liên tưởng ký hiệu hình ảnh, rất tốt để phát huy sự tiếp nhận thông tin nghiêng về thị giác khi thực hành đọc truyện diễn cảm cho trẻ mầm non. Sự tích hợp các môn học theo thuyết Trí thông minh đa diện của Howard Gardner (1) cung cấp các hoạt động hấp dẫn với nhiều phong cách học tập khác nhau, giúp sinh viên có khả năng ứng dụng vào tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non ở các cơ sở giáo dục, nơi các em thực tập và giảng dạy sau này.

2. Phát huy vai trò thực hành các học phần sư phạm mỹ thuật qua việc dạy và học mỹ thuật theo sở thích và năng lực đặc thù

Sinh viên nói chung, sinh viên ngành Giáo dục mầm non nói riêng có sự tiếp nhận thông tin theo sở thích cá nhân. Dạy học mỹ thuật (tạo hình và trải nghiệm sáng tạo mỹ thuật) lựa theo sở thích cá nhân hoặc nhóm sở thích sẽ giúp các em dễ dàng liên hệ với những điều đã biết và thuận lợi trong việc liên hệ mỹ thuật với các bộ môn khác, như toán học, vật lý, hóa học... Ít nhất, với kiến thức được tích lũy từ các học phần mỹ thuật, sinh viên có khả năng áp dụng kiến thức mỹ thuật trong môi trường sáng tạo theo chủ đề cụ thể để thực hành sư phạm hiệu quả, kích thích ý tưởng sáng tạo và tình yêu nghệ thuật của trẻ em.

 “Trẻ em vẽ gì?... là câu hỏi lý giải nguồn gốc về sự nảy sinh, phát triển hoạt động tạo hình về bản chất hoạt động tạo hình của trẻ em” (2). Một sự thật là con người biết vẽ trước khi biết viết nhưng theo thời gian với nhiều mối quan tâm khác, chỉ có một số rất ít cá nhân tiếp tục được đầu tư, nuôi dưỡng và có thiên hướng theo ngành nghề liên quan đến mỹ thuật. Bởi vậy, nhiều sinh viên ngành Giáo dục mầm non tự đánh giá bản thân không có năng khiếu hoặc e ngại thể hiện bản thân trong quá trình sáng tạo mỹ thuật. Phá bỏ rào cản ngôn ngữ tạo hình giữa những sinh viên thích và không thích mỹ thuật để các em học cách tương tác, học trải nghiệm và sáng tạo mọi lúc, mọi nơi là kỳ vọng của các nhà giáo khi giảng dạy và đào tạo giáo sinh ngành giáo dục mầm non.

Lựa chọn các chủ đề sáng tạo mỹ thuật hấp dẫn, phù hợp yêu cầu của giáo viên mầm non tương lai trên cơ sở lĩnh hội mục tiêu chương trình Giáo dục mầm non. Ba tiêu chí: Tạo dựng phong cách học tập mỹ thuật cho sinh viên; thiết kế các hoạt động mỹ thuật đáp ứng và phát huy được trí thông minh có thể là chìa khóa mở ra khả năng thẩm mỹ của sinh viên ngành Giáo dục mầm non, góp phần phát huy vai trò của thực hành sư phạm với các học phần mỹ thuật cho sinh viên ngành học này.

3. Phát huy vai trò của các hoạt động dạy - học mỹ thuật với thực hành sư phạm theo chủ đề, hoạt động góc cho sinh viên

Nhiều bậc phụ huynh cũng phải thừa nhận, các cô giáo của con mình ở lớp học mầm non thật đa tài, kiên trì và thông minh... Để có được điều đó, chắc chắn cần sự rèn luyện và môi trường rèn luyện đầu tiên với họ chính là cái nôi ở trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành giáo dục mầm non.

Để nâng cao vai trò của các học phần mỹ thuật nhằm phát huy lợi thế của thực hành sư phạm đối với sinh viên ngành Giáo dục mầm non, cần hai yếu tố:

Về phía giảng viên, luôn đặt tâm lý của mình vào vị trí của người học, dạy sinh viên ngành giáo dục mầm non từ những bài học cơ bản về đường nét, cách sắp xếp bố cục, đến việc xử lý hình khối, phối hợp các màu sắc và pha trộn màu theo các nguyên lý tạo hình. “Giáo dục nghệ thuật chính là khéo léo hướng dẫn để khám phá và ươm mầm năng khiếu...” (3). Kết hợp những bài học cơ bản với trải nghiệm sáng tạo: làm đồ chơi, đồ dùng cho trẻ mầm non, hướng dẫn trang trí môi trường hoạt động ở trường mầm non và hướng dẫn phương pháp tổ chức tạo hình cho trẻ mầm non... Tất cả đều là những bài học đơn giản, gần gũi, nét vẽ phù hợp tư duy tạo hình cho trẻ mầm non, không quá cầu toàn hay khuôn mẫu trong đào tạo kiểu hàn lâm.

Về phía sinh viên, cần nghiên cứu, tìm hiểu các phương pháp dạy học hiện đại trên thế giới. Áp dụng phương pháp dạy học phát huy thuyết Trí thông minh đa diện cho các chủ đề, bài học và sáng tạo nhằm phục vụ việc học tập, nghiên cứu, thực tập sư phạm, giảng dạy hiệu quả.

Trong 8 dạng năng lực mà thuyết Trí thông minh đa diện đề ra, gồm năng lực ngôn ngữ, toán học - logic, không gian, vận động, âm nhạc, thiên nhiên - trí thông minh về thế giới tự nhiên, giao tiếp, nội tâm, việc học tập các học phần mỹ thuật sẽ giúp sinh viên phát huy được năng lực không gian và năng lực thiên nhiên - trí thông minh về thế giới tự nhiên, trang bị cho các em kiến thức cơ bản về trang trí góc hoạt động trong môi trường giáo dục mầm non hiệu quả.

Hoạt động sư phạm mỹ thuật với những trải nghiệm thú vị được thiết kế nhằm cung cấp cho sinh viên một môi trường sáng tạo mỹ thuật thích hợp với sự phát triển của bản thân các em, đáp ứng đầy đủ các dạng năng lực ở mỗi nhóm sinh viên. Về cơ bản, học sinh mầm non được học các môn toán học, khoa học - xã hội, học đọc, học âm nhạc và tạo hình. Bởi vậy, sinh viên ngành Giáo dục mầm non cần được đào tạo về những học phần tương ứng, phối kết hợp các hoạt động như vẽ hình họa với phương thức tạo khối cơ bản, điêu khắc với nặn và chắp ghép, trang trí với những bài học màu sắc và các bảng màu để ứng dụng dạy vẽ trang trí cho trẻ mầm non được vận dụng các hình thức phong phú như thủy ấn (vẽ tranh trên nước với sơn tổng hợp), vẽ màu dạ dầu tạo độ loang với cồn trên vải thô, khám phá màu sắc từ thảo mộc...

Yêu cầu sinh viên thiết kế chủ đề thực hành, sắm vai trẻ mầm non trong môi trường hoạt động ở các giờ tổ chức hoạt động tạo hình; thực hiện các công việc đơn giản, như tìm mảnh ghép giữa số và hình, yêu cầu họ tìm ra giải pháp để hướng dẫn học sinh lứa tuổi mầm non thực hiện sản phẩm tạo hình với giấy bìa trắng, bút chì, bút dạ màu hay vật liệu hữu ích. Hướng dẫn sinh viên lên ý tưởng cho các mảnh ghép, tạo hình với đất sét, giấy bìa... Khuyến khích trẻ vẽ bất cứ hình thù gì mà các em yêu thích với hình dáng ngộ nghĩnh, phác họa lên giấy rồi tô màu với những gam tươi sáng.

Mục đích, ý nghĩa của việc cho sinh viên thực hành thiết kế đồ chơi, đồ dùng dạy học trong giáo dục mầm non là giúp sinh viên thực hành thiết kế theo chủ đề; xác định rõ ràng mục đích giáo dục; sử dụng học liệu hiệu quả trên cơ sở hình thành ý tưởng, biết cách tiến hành các thao tác, vận dụng kiến thức cơ bản đã học về tạo hình để trải nghiệm sáng tạo và hoàn thiện sản phẩm phù hợp với mức độ an toàn, thẩm mỹ phù hợp tâm lý và sở thích của lứa tuổi mầm non, để sau này thực hành hướng dẫn trẻ. Sau hoạt động sáng tạo thiết kế đồ chơi, đồ dùng cho trẻ mầm non, sinh viên cần phải thuyết trình được cách sử dụng và khai thác sản phẩm, đồng thời đánh giá được hiệu quả giáo dục của sản phẩm.

Các đồ chơi, công cụ, vật liệu… trong hoạt động trải nghiệm của sinh viên nhằm mục đích rèn luyện cho các em thói quen, năng lực quan sát, đánh giá về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu phù hợp tâm sinh lý cho trẻ mầm non. Dạy học gắn với hoạt động trải nghiệm là phương thức kết nối kiến thức, kỹ năng với thực tiễn cuộc sống phong phú, sinh động. Sinh viên ngành Giáo dục mầm non cần được thỏa sức sáng tạo, say mê tìm hiểu, khám phá và lĩnh hội những kiến thức tạo hình để tìm kiếm các kỹ năng mới. Ngoài ra, giúp các em thấu hiểu hơn ý nghĩa của sự lao động, sáng tạo khi làm ra một sản phẩm nào đó phục vụ cho công việc dạy - học cho trẻ sau này.

 Giáo sinh ngành Giáo dục mầm non rất cần nắm chắc cách sử dụng từng bộ sản phẩm, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được trang cấp cho nhóm lớp, lớp, nhóm trẻ. Vì vậy, việc trải nghiệm sáng tạo đồ chơi, dồ dùng và khai thác phần mềm Spark để thiết kế giáo án điện tử, khai thác triệt để các tính năng của từng bộ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi dùng trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm hỗ trợ việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non là hoạt động sư phạm mỹ thuật cần thiết cho sinh viên. Quá trình học, trải nghiệm, sáng tạo đồ chơi, đồ dùng cho trẻ mầm non từ vật liệu tái chế/ vật liệu hữu ích góp phần tạo ra một không gian tối ưu cho môi trường học tập tốt, thân thiện với thiên nhiên cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non trên tinh thần “thấy - thích - vẽ bằng suy nghĩ của mình về thế giới xung quanh..” (4).

Ngoài việc thực hành thiết kế đồ chơi, đồ dùng dạy học, sinh viên mầm non cần phát huy hơn nữa vai trò của thực hành trang trí môi trường hoạt động ở trường mầm non, bởi sau này khi dạy học ở các cơ sở giáo dục, các em không chỉ là giáo viên chủ nhiệm mà còn kiêm luôn vai trò như một “nhà thiết kế nội ngoại thất nơi học tập cho trẻ”.

Việc thực hành thiết kế trang trí các góc hoạt động trong và ngoài lớp học theo các chủ đề nghề nghiệp, chủ đề học tập, trang trí khu vui chơi sinh thái cho trẻ mầm non với các mô hình sáng tạo từ vật liệu hữu ích hay các bài tập tạo hình 2D, 3D, thiết kế trang trí góc kiến trúc trong trường mầm non từ cảm hứng phim hoạt hình hay các câu chuyện cổ tích, sẽ giúp sinh viên tích lũy được kinh nghiệm và yêu thích hơn môn học sáng tạo, phá bỏ rào cản tâm lý không có năng khiếu của chính mình.

Kết luận

Giáo dục mỹ thuật cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non cũng được coi như sự vận hành các phương thức tạo hình hiệu quả, nhẹ nhàng, tinh tế gần gũi, sáng tạo như với những “trẻ lớn” bởi chính các em sau này được giảng dạy ở môi trường nuôi dưỡng trẻ thơ không áp đặt tư duy, không gò ép trẻ sáng tạo hay coi nhẹ hoạt động tạo hình ở trẻ mầm non. Bởi vậy, thực hành sư phạm với các học phần mỹ thuật đối với sinh viên ngành Giáo dục mầm non có vai trò quan trọng, góp phần nuôi dưỡng năng lực tiềm ẩn của sinh viên hay chí ít cũng tạo nên động lực được khai phá từ tư duy sáng tạo của sinh viên trước các ngôn ngữ tạo hình và nguyên lý tạo hình, để sáng tạo một cách trong sáng, hồn nhiên, đáng yêu nhất, tự mình tạo nên các tác phẩm nghệ thuật có gu thẩm mỹ tốt, có giá trị thẩm mỹ theo hướng tích cực, phù hợp ngành nghề mà các em được đào tạo, để sau này trở thành giáo viên mầm non không chỉ giỏi chuyên môn, thành thạo nghiệp vụ mà còn thực sự tài năng, khéo léo, thông minh, trí tuệ.

Qua đánh giá của các chuyên gia và khảo sát từ phía một số cơ sở giáo dục mầm non, sau khi ra trường, 100% số sinh viên ngành Giáo dục mầm non tại các trường như Trường Đại học Thủ Đô, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật mầm non - Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư đều có vị trí việc làm xứng tầm, có cơ hội thể hiện tình yêu nghề, mến trẻ và trở thành nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục nước nhà.

______________

1. Thuyết Trí thông minh đa diện hay còn gọi là Thuyết Đa trí tuệ, của Howard Gardner (sinh năm 1943), một nhà tâm lý học phát triển người Mỹ, giáo sư tại  Trường Đại học Giáo dục Harvard thuộc Đại học Har- vard, Mỹ. 

2. Hà Nhật Thăng, Thực hành tổ chức hoạt động giáo dục (Giáo trình đào tạo giáo viên trung học cơ sở, hệ cao đẳng sư phạm), Nxb Giáo dục, 1999, tr.9-10.

3. Akiyoshi Torll, Đọc vị trẻ qua nét vẽ, tập 1, 2, Nxb Lao động, 2016, tr.12.

4. Lê Thanh Thủy, Phương pháp tổ chức tạo hình cho trẻ mầm non, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2014, tr.10.

TS ĐÀO THỊ THÚY ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

;