Làng Như Áng - nay là tổ dân phố Liên Đình, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Với địa thế một bên là núi cao, một bên là biển rộng, dòng sông uốn lượn và cồn cát chạy dài, tạo nên bức tranh làng quê tươi đẹp.
Làng cổ Như Áng, gắn liền với Lễ Thành Hầu - vị tướng thời Lý có nhiều công lao giúp vua bình Chiêm nên được vua nhà Lý phong đất và giao cho vị tướng này mở mang, khai phá, trấn giữ vùng cửa sông, giáp biển xung yếu và xây dựng làng xóm ngày càng đông đúc, trù phú. Trải qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn, triều đình đã phong cho thần 9 đạo sắc, một trong số những sắc phong ghi mỹ tự của Lễ Thành Hầu là: “...Thượng đẳng tôn thần, đương cảnh bản thổ thành hoàng, thiếu bảo Lễ quận công oanh liệt dực bảo trung hưng trác vĩ”.
Vào TK XV, vua Lê Thánh Tông trên đường chinh phạt phương Nam đã cho thuyền neo lại cửa biển này và cảm tác viết nên bài thơ nổi tiếng Du Hải Môn lữ thứ, ngợi ca cảnh đẹp núi sông và làng chài thơ mộng: Nguyệt Áng hà âm thiềm ảnh lộng (Dòng sông Nguyệt Áng ban đêm bóng trăng lồng lộng). Sông biển nơi đây từng in dấu phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn của thủy quân Quang Trung trên đường tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh, giải phóng đất nước khỏi ách quân xâm lược.
Do cư trú và sinh sống trong môi trường nơi cuối sông đầu biển, đã hình thành trong phương thức sản xuất, tính cách, phong tục tập quán của cư dân chài lưới mang đậm sắc thái văn hóa biển. Ngư dân làng biển Như Áng hiện còn bảo tồn và lưu giữ được những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc và phong phú mà các làng biển khác ở vùng duyên hải này đến nay đã bị mai một.
Làng biển Như Áng có diện tích 8.1230 ha, nhưng trên dải đất nhỏ hẹp này lại có tới 7 công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, trong đó có 3 đình (đình trong, đình giữa và đình ngoài), 2 đền nghè, 1 miếu và 1 văn chỉ. Những di tích này nằm ở vị trí linh địa, thắng cảnh đẹp với đại dương xanh mênh mông, đầy nắng gió trước mặt, núi kề với biển soi bóng làng cổ bên dòng Lạch Bạng. Trên doi đất phía Tây của làng xưa có đền Nghè thờ Lễ Thành Hầu được xây dựng từ thời Lý - Trần, dưới chân đền là bãi cát mịn màng chạy dài theo sông ra tận cửa biển, tạo nên bãi tắm đẹp. Bên cạnh đền Nghè về phía Tây khoảng 100m là đền thờ Tứ vị Thánh Nương, nhờ sự che chở phù hộ của tứ vị, dân làng được yên ổn làm ăn.
Đền Lạch Bạng, nơi thờ Tứ vị Thánh Nương - Ảnh baothanhhoa.vn
Tuy làng Như Áng không xây chùa, nhưng bà con thường sang chùa Đót Tiên để lễ Phật. Ngôi chùa nằm bên kia sông, cách làng khoảng 400m. Chùa tựa vào núi, nhìn ra sông theo hướng Tây Nam đối diện với làng Như Áng. Trên núi Du Xuyên đổ bóng xuống làng Như Áng có tảng đá thiêng, tương truyền vua Lê Thánh Tông chợt thấy ánh sáng của viên ngọc quý phát ra trên đỉnh núi, vua cho rằng sông núi nơi đây tích tụ linh khí của trời đất, bèn đặt tên cho huyện này là Ngọc Sơn, thay cho trước đó có tên huyện là Kiết Thuế (núi non phía Nam tựa hình dải khăn), nhân dân trong vùng ngưỡng vọng và coi đó là di tích thiêng liêng.
Sống trong môi trường sông biển, nên từ bao đời nay, người dân làng Như Áng làm nhiều nghề dựa vào biển cả như: lấy tổ yến trên vách đá ở đảo Mê, nghề nạo ngao, lấy rau cạo, đóng thuyền... nhưng đánh cá, buôn bán và chế biến hải sản vẫn là nghề chính. Trong ca dao làng biển có rất nhiều câu tự hào về sự tài ba, đảm đang, công việc vẹn toàn của trai thanh, gái lịch đất này:
Trai làng vào lộng, ra khơi
Gái làng chợ búa khắp nơi đã từng
Trai thời ra bể, vào sông
Gái thời đan lưới, lo trông cửa nhà
Trước năm 1945, cùng với việc đánh cá, buôn bán, làng Như Áng còn nổi tiếng về đặc sản gắn với nghề làm nước mắm. Dân gian vẫn còn khắc ghi câu ca nước mắm làng Như Áng và một số làng nơi cửa sông Lạch Bạng xứ Thanh:
Tiếng đồn nước mắm Do Xuyên
Bộ Đầu, Như Áng chợ phiên đắt hàng
Do Xuyên, Như Áng, Bộ Đầu là những làng nằm đối diện nhau bên cửa sông Lạch Bạng thông ra biển, nước mắm nơi đây có độ đạm cao được những nhà giàu Bắc Kỳ sành ăn ưa chuộng. Trước năm 1954, cả tổng Tuần La có 20 hộ chuyên làm nghề chế biến hải sản để làm nước mắm, riêng làng Như Áng đã có 12 gia đình. Họ dùng thuyền chuyên chở hàng buôn bán tận Hà Nội, Nam Định và đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài tỉnh, dân vùng này thường gọi là: “đi trẩy”. Những gia đình có nghề gia truyền, giỏi buôn bán, có uy tín trong vùng là thuyền của các ông: Mục Thước, Bản Đanh, Cố Hữu... Thuyền trẩy là loại thuyền mành to, dài 40 thước, rộng 10 thước, sức chở 30 tấn, di chuyển trên sông biển sử dụng tới 3 buồm. Nước mắm được đựng trong những chiếc chum lớn bằng sành chắc chắn, không sợ sóng gió. Thường thời gian mỗi chuyến đi và về kéo dài khoảng 45 ngày. Nghề làm nước mắm không chỉ nuôi sống người dân làng biển mà qua việc buôn bán, trao đổi sản phẩm này với các vùng miền khác đã hình thành tục tải mã - mua sắm và phong mũ áo mới cho những vị thần linh để đón chào năm mới.
Cư dân biển Như Áng có cuộc sống no đủ, khỏe mạnh, ra khơi vào lộng bình yên, đánh bắt được nhiều tôm cá và buôn bán gặp nhiều may mắn... đồng thời được thiên nhiên ưu đãi. Họ cho rằng có được phúc lớn đó chính là nhờ những vị thần linh thiêng và tổ tông giúp đỡ, vì thế hằng năm, những kỳ lễ tết chính là dịp để họ tri ân và tạ ơn các vị thần linh, tiên tổ đã bảo trợ cho họ trong cuộc sống đầy rủi ro và bất trắc.
Hằng năm, đã thành lệ, cư dân biển các làng Như Áng lo sắm sửa đồ tế lễ, dâng cúng thần linh như đồ thờ, mũ, hia, quần áo... Tất cả những đồ lễ này, dân làng đều phải nhờ các chủ mành buôn nước mắm ra Hà Nội, Nam Định mua về. Là việc của làng nên chủ thuyền nào được “chọn mặt gửi vàng” giao cho việc mua sắm, họ cảm thấy rất vinh dự và cố gắng để có thể hoàn tất công việc. Thông thường, vào trung tuần tháng 11 hằng năm, dân làng họp bàn việc tải mã, còn gọi là: “hội trẩy” và thông báo cho các chủ thuyền mành trong làng cùng dự. Trong cuộc họp, chủ mành nào được làng giao việc mua sắm đồ lễ thì phải chứng tỏ là người có năng lực, vốn liếng dư dật, giỏi việc buôn bán, gia thất đề huề, hai bên nội ngoại vẹn toàn. Sau khi được làng giao việc, chủ thuyền mành phải làm vệ sinh, lau chùi thuyền sạch sẽ, tươm tất. Khi thuyền đã chuyển hàng xong, trước khi rời bến, dân làng tổ chức rước kiệu và đưa bát hương của hai vị thần ở đền Tứ vị và Nghè Hầu - thành hoàng làng - lên hai chiếc thuyền rước mũ, đi trước dẫn đường. Kiệu rước đến tận bến sông, từ bến đến thuyền có hai cầu ván bắc song song cho người lên xuống. Bát hương của thần được đặt trang trọng trước mũi thuyền. Theo sau hai thuyền này là cả đoàn thuyền dài chở mắm, gọi là: “đoàn thuyền tòng mã”, theo đường sông và biển ra đất kinh kỳ, kẻ chợ. Kể từ lúc này, chủ thuyền được gọi là Quan Phục, có nghĩa là người giữ việc quan trọng, thờ cúng thần. Xưa kia, hành trình ra Nam Định, Hà Nội của thuyền mành Như Áng thường diễn ra như sau: chặng đầu tiên sau khi xuất bến, ghé nghỉ ở Lạch Đài, thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình rồi tiếp tục ngược sông lên bến phà Đen hay Nam Định. Trên suốt cuộc hành trình và mỗi lần ghé lại bán hàng hải sản, nếu cửa biển, bến sông nào có đền thờ, miếu mạo thì chủ mành - Quan Phục - phải rước bát hương Thành hoàng làng mình lên đền, miếu ấy để bái lạy.
Khi thuyền cập bến, bán hàng ở Hà Nội hoặc Nam Định, Quan Phục cho mời các chủ thuyền mành Như Áng bán nước mắm ở khu vực này đến họp. Theo lệ, hàng hóa của thuyền tải mã bao giờ cũng được ưu tiên bán trước. Có khách mua hàng, tất cả các thuyền bán nước mắm phải giới thiệu cho họ tới mua ở thuyền tải mã. Bởi vì cả người giới thiệu khách và người mua đều quan niệm rằng, mua hàng của thuyền tải mã là hàng của thần thánh, họ sẽ gặp được nhiều điều may mắn, nên thuyền của Quan Phục bán rất chạy và thu được nhiều lời. Hàng bán xong, Quan Phục mua sắm đầy đủ các lễ vật dâng thần mà làng yêu cầu và làm một bữa tiệc, mời những chủ thuyền mành cùng làng dự liên hoan. Các chủ mành bán nước mắm đến dự đều mang theo quà, tiền mừng Quan Phục. Trên đường trở về, mỗi lần qua các đền chùa ven sông biển thì giống như lúc ra đi, thuyền tải mã đều phải rước bát hương của Thành hoàng lên đền bái tạ. Khi thuyền về cập bến, dân làng đã đợi sẵn, đưa kiệu đến tận thuyền để rước bát hương cùng mũ áo, đồ thờ của thần về hoàng cung với nghi thức thành kính, trọng thể.
Vào cuối tháng Chạp, chuẩn bị đón năm mới đến, từ tối 30 Tết, cụ tiên chỉ, ông từ, đại diện dân làng và chủ thuyền Quan Phục biện một lễ nhỏ, kính cẩn tâu với Thành hoàng và xin phép làm lễ mộc dục, tắm tượng và phong mũ áo cho thần. Nước tắm tượng là nước ngũ vị hương có màu đỏ, sau khi hoàn tất lễ mộc dục thì phong mũ áo mới. Sau khi phong áo mũ cho thần, bộ y phục cũ được chia thành nhiều mảnh, phân phát cho những người chức sắc, chủ thuyền Quan Phục, ông từ và bà con dân làng đem về đặt lên bàn thờ của gia tiên, hay mang theo trong người để làm khước. Cư dân làng biển tin rằng, có được mảnh vải thiêng ấy của thần sẽ giúp họ mạnh khỏe, vào lộng ra khơi bình yên, “lưới dài, chài rộng”, đánh bắt được nhiều cá tôm, xua đi những điều bất trắc trong cuộc sống.
Tải mã là mỹ tục đặc sắc, giàu tính nhân văn không chỉ của cộng đồng đối với các vị thần linh, tiên tổ mà còn thể hiện sự tôn trọng, cách ứng xử hòa mục giữa những người dân biển trong lao động sản xuất và buôn bán cùng nhau. Mỹ tục đó trải qua thời gian dần bị lãng quên, rất cần được khôi phục và phát huy trong cuộc sống hôm nay và mai sau.
TS HOÀNG MINH TƯỜNG
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa