Dấu ấn thể thao Ninh Bình: 30 năm hội nhập và phát triển

Cùng với sự phát triển của ngành Thể thao Việt Nam, 30 năm qua, ngành Thể dục Thể thao (TDTT) Ninh Bình đã phát huy được những giá trị truyền thống, dần khẳng định vị thế, đóng góp xứng đáng vào thành tích chung của nền thể thao nước nhà. Hoạt động TDTT ở Ninh Bình diễn ra sôi nổi, rộng khắp, đa dạng, phong phú và vai trò, vị thế của TDTT trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao.

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, “khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, những năm qua, Ninh Bình dành sự quan tâm xứng đáng đối với sự phát triển TDTT. Phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Xây dựng nông thôn mới được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực và phát triển rộng khắp, từ thành phố đến các vùng nông thôn. Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng theo hướng xã hội hóa, chất lượng phong trào được nâng cao, ổn định và đi vào nề nếp; số người tham gia tập luyện TDTT tăng nhanh, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT luôn được đầu tư mua sắm, sửa chữa, xây mới. Dịch vụ về TDTT cũng tăng cả về quy mô cũng như chất lượng dịch vụ. Hoạt động và kết quả kinh doanh trong lĩnh vực TDTT trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển mạnh, tiêu biểu là các loại hình TDTT gắn với hoạt động văn hóa, du lịch như: thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, thể dục thể thao trị liệu, yoga, cầu lông, bóng đá, bóng bàn, bida, quần vợt, golf, bơi, võ thuật, chèo thuyền kayak... đã thu hút hàng triệu lượt người tham gia các loại hình dịch vụ thể thao, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước, số lượng lao động trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh loại hình TDTT cũng liên tục tăng.

Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Ninh Bình lần thứ III - Ảnh: Sở VHTT Ninh Bình cung cấp

TDTT trong nhà trường, trong lực lượng vũ trang, công nhân lao động, người cao tuổi, thanh thiếu niên, người khuyết tật ngày càng được quan tâm và phát triển mạnh mẽ. Công tác rèn luyện, huấn luyện thể lực và phát triển phong trào TDTT là một trong những nội dung chính nhằm nâng cao sức khỏe, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, tăng năng suất lao động, phòng tránh các tệ nạn xã hội... Cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT trong các cơ quan, trường học, đơn vị được tăng cường, nhiều công trình được đầu tư xây mới; 100% các đơn vị có sân bãi, trang thiết bị phục vụ huấn luyện thể lực và rèn luyện TDTT như: sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, xà đơn, xà kép… tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu, tham gia các hội thao, hội khỏe, giải thi đấu. Các liên đoàn, hội thể thao ở địa phương đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức được nhiều giải thể thao, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người hâm mộ như các giải: cầu lông, bóng bàn, quần vợt, golf... Các liên đoàn, hội thể thao của tỉnh đã phát huy vai trò, hiệu quả và có nhiều đóng góp trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành TDTT như: chủ động, tích cực trong công tác xây dựng kế hoạch và phối hợp cử lực lượng vận động viên tham dự thi đấu tại các giải thể thao quốc gia.

Nhìn lại thời kỳ mới tái lập tỉnh đến đầu những năm 2000, phong trào TDTT mới được nhen nhóm, số lượng người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên chỉ đạt tỷ lệ 15%, số gia đình tập luyện thể thao đạt 10%, cơ sở vật chất thiếu thốn với chỉ 290 câu lạc bộ TDTT cơ sở, 3 sân thể thao cơ bản, 26 nhà tập cầu lông, 340 sân bóng đá. Đến năm 2021, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ đạt 33%; số gia đình tập luyện thể thao đạt 28,5%; có trên 670 câu lạc bộ TDTT cơ sở duy trì hoạt động thường xuyên ở các môn thể thao cơ bản như: điền kinh, bóng chuyền, bơi lội, cầu lông, quần vợt, bóng bàn, đạp xe, golf, cờ tướng, cờ vua, bóng đá... Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động TDTT ngày càng được quan tâm, nâng cấp và xây mới quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân, với trên 670 sân thi đấu cầu lông, 145 sân thể thao cơ bản, 450 sân bóng đá, 70 sân quần vợt, 280 sân bóng chuyền, 235 sân bóng rổ, 25 bể bơi cố định… Đặc biệt, Nhà thi đấu TDTT tỉnh Ninh Bình đã phát huy tốt việc đăng cai và tổ chức các giải thể thao trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương và con người Ninh Bình đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Hoạt động thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh trong những năm gần đây đã góp phần phát triển toàn diện con người về đức - trí - thể - mỹ, từ đó nâng cao tính tự giác, chủ động rèn luyện, giúp người dân đảm bảo sức khỏe cho hoạt động học tập, lao động, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Trên cơ sở những thành quả của thể thao quần chúng, Ninh Bình đã xây dựng và phát triển thể thao thành tích cao đạt được những kết quả đáng tự hào. Thông qua phát triển thể thao thành tích cao góp phần quảng bá hình ảnh con người, quê hương Ninh Bình đối với bạn bè trong nước và quốc tế, thúc đẩy phong trào TDTT của quần chúng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thể chất cho toàn dân, đáp ứng chất lượng nguồn nhân lực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hoàn thiện hệ thống tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao, nâng cao thành tích thi đấu, tăng cường hội nhập với nền thể thao trong nước và quốc tế; xây dựng đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao, đóng góp nhiều vận động viên cho các đội tuyển quốc gia. Để đạt thành tích cao, Ninh Bình cần tập trung đầu tư những môn thể thao trọng điểm, thế mạnh, đầu tư đào tạo, huấn luyện các vận động viên xuất sắc để tham gia thi đấu tại các kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games), châu Á (ASIAD).

Nhìn lại những năm sau khi tái lập tỉnh, thể thao thành tích cao của tỉnh Ninh Bình bắt đầu từ con số không: không vận động viên, không huy chương. Năm 1996, Ninh Bình có 14 vận động viên (8 vận động viên điền kinh, 6 vận động viên cờ vua), 6 vận động viên đạt cấp 1, với tổng số 23 huy chương các loại. Sau 30 năm, thể thao thành tích cao của Ninh Bình có bước phát triển vượt bậc, các đội tuyển có nhiều thành tích đáng kể như: bóng chuyền, vật, cờ vua, cử tạ, điền kinh, võ Karatedo, Judo, Boxing, quần vợt… Thành tích của các vận động viên thể thao tại các đấu trường trong nước, quốc tế không chỉ ghi nhận nỗ lực của các vận động viên và kết quả đào tạo thể thao thành tích cao của tỉnh mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc quảng bá hình ảnh Ninh Bình đến với đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế. Thành tích của đoàn vận động viên thể thao Ninh Bình tham gia các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc ngày càng được xếp thứ hạng cao. Năm 2014, tham gia thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII đạt 17 huy chương xếp thứ 35. Năm 2018, tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII đạt 18 huy chương, xếp thứ 24 toàn quốc.

Để đi đúng định hướng phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh, Ninh Bình đã luôn coi trọng việc thu hút nhân tài thể thao nhằm tạo cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ vận động viên trẻ trong tỉnh. Trong suốt một thời gian dài, nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền, và các doanh nghiệp, Ninh Bình đã trở thành điểm đến tin cậy của nhiều tài năng thể thao với các bộ môn: bóng chuyền, vật, cờ vua, điền kinh, Karate… Công tác đào tạo các môn thể thao thành tích cao là quá trình chuẩn bị kỳ công với sự kế tiếp của đội ngũ làm công tác thể thao là bước đi, tầm nhìn xa trông rộng để đưa thể thao vùng đất này bước vào thời kỳ mới. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Ninh Bình là cái nôi đào tạo của các thế hệ vận động viên. Hằng năm, Trung tâm đã tuyển chọn, đào tạo từ 150 đến 200 vận động viên, trong đó đa phần là các vận động viên trẻ, được đào tạo 11 môn thể thao thành tích cao, trong đó có nhiều vận động viên tham gia tập huấn và thi đấu tại các đội tuyển quốc gia. Tới đây, những gương mặt vận động viên trẻ này sẽ đại diện cho thể thao Ninh Bình tranh tài ở các sân chơi trong nước và quốc tế, đưa thể thao Ninh Bình trên cơ sở bề dày truyền thống tiếp tục có được những dấu ấn mới.

Tuyến vận động viên đội tuyển được duy trì ổn định và đạt thành tích tốt, các vận động viên trong nhóm giành huy chương tại Đại hội TDTT toàn quốc được chú trọng đầu tư tập huấn, đến nay luôn đạt được thành tích tốt trong tập luyện và thi đấu. Khoảng hơn một thập niên trở lại đây, việc xác định các môn thể thao trọng điểm để có sự tập trung đầu tư, phát triển được UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, giao ngành Văn hóa và Thể thao tổ chức thực hiện và đặc biệt quan tâm đến các môn thể thao Olympic, trong đó ưu tiên các môn đã đạt được thành tích tại các giải thể thao lớn trong nước, quốc tế. Tên tuổi của các vận động viên như Nguyễn Đình Cương, Trương Thanh Hằng từ lâu đã trở thành huyền thoại của làng điền kinh Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á, vận động viên Hà Văn Hiếu và Trần Văn Tưởng đã trở thành biểu tượng đẹp của làng Vật khi bách chiến, bách thắng từ giải quốc nội tới SEA Games. Võ sĩ Judo Nguyễn Thị Thanh Thủy là một gương mặt quen thuộc trên hầu hết các bục nhận huy chương. Và không thể không kể đến những chiến công lẫy lừng mà đội tuyển bóng chuyền Tràng An Ninh Bình đã đạt được, vô địch giải bóng chuyền quốc gia các mùa giải: 2006, 2010, 2012, 2021; Á quân mùa giải 2009; vô địch Cúp Hùng Vương các năm 2009, 2010, 2012, 2013 và nhiều lần vô địch Cúp Hoa Lư... Với bảng thành tích đó, đội tuyển bóng chuyền Tràng An Ninh Bình ghi tên mình vào danh sách các đội bóng giàu thành tích nhất của bóng chuyền Việt Nam. Danh tiếng của đội bóng chuyền nam Tràng An Ninh Bình là niềm tự hào của thể thao thành tích cao Ninh Bình và từ lâu, đã trở thành một thương hiệu đặc trưng của Ninh Bình với cả nước. Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử thể thao tỉnh, Ninh Bình đã thành lập Đội bóng chuyền nữ hạng mạnh Ninh Bình - Doveco. Ngay sau khi thành lập, Đội bóng chuyền nữ hạng mạnh Ninh Bình - Doveco đã thi đấu Giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia Bamboo Airways và xếp trong 4 đội mạnh nhất giải; tham gia Giải Bóng chuyền Cúp Hùng Vương 2021, đạt giải Ba.

Trong chiến lược phát triển TDTT của tỉnh những năm tới, ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu đãi và thu hút các tài năng thể thao, Ninh Bình đặc biệt quan tâm và khuyến khích việc đào tạo thế hệ vận động viên trẻ. Chính điều đó tạo cho thể thao Ninh Bình thời gian qua có những bước chuyển đáng ghi nhận. Giai đoạn 2022-2026, Ninh Bình phấn đấu: từng bước nâng số môn đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao, từ 12 môn (năm 2021) lên 14 môn; hằng năm cử 40-45 đoàn vận động viên tham gia các giải quốc gia và quốc tế, đạt từ 140 đến 160 huy chương các loại; phấn đấu hằng năm có 20-25 vận động viên tham gia đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia thi đấu các giải quốc tế và khu vực, đạt 20-25 huy chương tại các loại; đóng góp từ 6-8 vận động viên cho Đoàn thể thao Việt Nam tham dự các kỳ SEA Games 31, 32, 33; đạt thành tích từ 2-3 huy chương tại mỗi kỳ SEA Games; nâng cao thành tích thể thao của tỉnh, phấn đấu có từ 90-95 vận động viên của 10 môn thể thao tham gia thi đấu, đạt thành tích từ 8-9 huy chương vàng, xếp hạng từ 22-26/65 tỉnh, thành, ngành tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022... Tiếp tục xây dựng đội bóng chuyền nam trụ vững hạng mạnh và nằm trong 4 đội dẫn đầu tại giải Vô địch quốc gia hằng năm; xây dựng và phát triển Đội bóng chuyền nữ trụ vững hạng mạnh và hướng tới nằm trong 5-6 đội mạnh tại giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia hằng năm.

Những thành tích đạt được trong 30 năm qua là minh chứng rõ nhất cho sự phát triển của thể thao tỉnh nhà. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình có cơ sở và niềm tin để khẳng định, thể thao Ninh Bình đang đi đúng hướng và phát huy hiệu quả trong cách làm của mình. Trong những giai đoạn tiếp theo, thể thao Ninh Bình sẽ ngày càng phát triển mạnh, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân tỉnh Ninh Bình nói riêng.

VŨ HỒNG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;