Tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong số 112 di tích quốc gia đặc biệt, có gần 30 di tích lịch sử quân sự cách mạng (LSQSCM). Đây là bộ phận của di sản văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc nuôi d ưỡng, giáo dục lòng yêu nư ớc, niềm tự hào dân tộc, sự trân trọng đối với truyền thống văn hóa quý báu Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc đấu tranh trên mặt trận t ư t ưởng văn hóa diễn ra quyết liệt, các thế lực thù địch đang sử dụng những thủ đoạn tinh vi hòng xuyên tạc lịch sử, phủ nhận lịch sử hào hùng của dân tộc và quân đội, việc sử dụng sự thực lịch sử thông qua di tích LSQSCM để đấu tranh chống lại những luận điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử là phương pháp tốt nhất. Những người làm công tác quản lý di tích LSQSCM phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh này. Điều này đặt ra yêu cầu cao đối với hoạt động nghiệp vụ bảo tồn, tôn tạo và quản lý di tích LSQSCM trong bối cảnh hiện nay.
1. Bối cảnh và vai trò của các di tích LSQSCM hiện nay
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện văn hóa chính trị quan trọng của Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng đã nhận định đầy đủ về bối cảnh xã hội hiện nay: “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững; quyết tâm thực hiện thắng lợi các quan điểm, mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ trọng tâm” (1) mà Đại hội đã xác định để “phấn đấu đến giữa TK XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (2).
Vai trò lớn nhất của các di tích LSQSCM trong bối cảnh hiện nay chính là giáo dục nhân cách, lối sống, lý tưởng cách mạng. Di tích LSQSCM chính là trường học thực hiện chức năng giáo dục tốt nhất. Trong giáo dục thanh niên hiện nay, những giá trị của di tích LSQSCM giữ vai trò rất quan trọng. Di tích LSQSCM Việt Nam cho thấy bản chất sức mạnh dân tộc trong hoạt động quân sự là văn hóa, nhân văn, nhân đạo. Đánh giặc bằng văn hóa mà cốt lõi là giá trị nhân văn là nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, phát triển ở đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện rõ qua các chứng tích được lưu giữ tại di tích LSQSCM, qua hồi ức và những câu chuyện lịch sử sâu sắc mà chúng ta tiếp nhận khi hành hương về cội nguồn lịch sử.
Các di tích LSQSCM cung cấp cho chúng ta bài học về thế trận lòng dân trong chiến tranh, khoa học quân sự của Việt Nam; cung cấp cho chúng ta hệ thống tri thức về tính chất, quy luật của chiến tranh và khởi nghĩa vũ trang, công tác chuẩn bị lực lượng vũ trang, xây dựng quốc phòng và chuẩn bị cho chiến tranh, cũng như phương thức tiến hành chiến tranh. Các di tích LSQSCM cũng cho ta thêm tự hào về quân đội nhân dân anh hùng. Trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn dựa vào nhân dân, sát cánh cùng với nhân dân, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, làm sáng ngời hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng danh là quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam.
2. Vai trò của công tác quản lý di tích LSQSCM
Quản lý di tích LSQSCM có vai trò quan trọng trước hết vì chức năng của hoạt động quản lý:
Một là, quản lý nhằm tạo ra sự thống nhất ý chí trong tổ chức giữa quản lý và đối tượng quản lý; giữa các đối tượng quản lý cùng hệ thống. Nếu không có sự thống nhất này thì quản lý không thực hiện được nội dung quan trọng là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu đã đề ra và không thể điều chỉnh hành vi của những con người khác nhau nhằm gắn kết từng người, từng nhóm người độc lập đối với nhau thành một hệ thống.
Hai là, định hướng sự phát triển của tổ chức trên cơ sở xác định mục tiêu chung và hướng mọi nỗ lực của các đối tượng quản lý vào mục tiêu đó cũng là vai trò của quản lý. Quản lý giúp hoạch định những kế hoạch hoạt động của tổ chức trong một giai đoạn qua phân tích nhu cầu của thực tiễn, trong quá trình hoạch định đưa ra giải pháp chính và giải pháp dự phòng để công việc đạt được hiệu quả tốt nhất. Quản lý đưa ra những kế hoạch bám sát mục tiêu, đồng thời sử dụng những phương thức nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển.
Ba là, vai trò tổ chức, điều hòa, phối hợp và hướng dẫn hoạt động của các cá nhân, tổ chức, giảm độ bất định nhằm đạt được mục tiêu quản lý. Quản lý là sự điều hòa, phối hợp hoạt động của một tổ chức, một hệ thống từ trung ương đến cơ sở, vì vậy cần tạo ra sự thống nhất, phối hợp nhịp nhàng. Quản lý phát huy vai trò phân công nhiệm vụ, công việc theo khả năng của từng cá nhân, đơn vị trong tổ chức nhằm phát huy được hết năng lực của cá nhân, đơn vị tăng khả năng sáng tạo, hiệu quả công việc.
Bốn là, tạo động lực cho mọi cá nhân trong tổ chức bằng cách kích thích, động viên; uốn nắn lệch lạc, sai sót nhằm giảm bớt thất thoát, sai lệch trong quá trình quản lý. Để tạo ra động lực hoàn thiện mục tiêu công việc, quản lý đưa ra những giải pháp để kích thích khả năng sáng tạo, nhiệt huyết của cá nhân, tổ chức để hoàn thành công việc. Các hình thức nhằm kích thích, động viên thường sử dụng trong quản lý đó là giáo dục, khen thưởng… Quản lý đưa ra các hình thức nhằm uốn nắn những lệch lạc, sai sót qua các hình thức như nhắc nhở, cảnh cáo, phạt hành chính… tùy thuộc vào mức độ sai phạm.
Năm là, tạo môi trường và điều kiện cho sự phát triển của mọi cá nhân và tổ chức, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững và có hiệu quả. Nhà quản lý thiết lập những nguyên tắc, nâng cao cơ sở vật chất, quan tâm đến đời sống con người để tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện.
Công tác quản lý di tích LSQSCM được đẩy mạnh, nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý, môi trường quản lý được thuận lợi. Nếu không tăng cường quản lý, thì rất khó giữ gìn, bảo tồn được các giá trị của di tích LSQSCM. Các di tích LSQSCM ở nước ta phong phú về sự kiện, nhân vật, chất liệu, thời gian xuất hiện, tồn tại sớm, muộn, quy mô khác nhau nên tình trạng kỹ thuật cũng khác nhau. Các di tích LSQSCM cũng ra đời từ nhiều hoàn cảnh lịch sử, không gian khác nhau. Trong các di tích LSQSCM, một số nơi còn bảo tồn được dấu tích cả trận địa của quân ta và trận địa phía địch bị ta đánh chiếm. Một số di tích lại có nhiều công trình tưởng niệm được xây dựng sau khi diễn ra các sự kiện hoặc sau khi các nhân vật lịch sử quân sự qua đời. Do đó, việc đánh giá hiện trạng của di tích LSQSCM để đưa ra phương án bảo tồn, tu bổ và phục hồi phù hợp với từng di tích nhất thiết không làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn các giá trị nguyên gốc của di tích là một yêu cầu, nội dung quan trọng của quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Vấn đề nữa là chất lượng kỹ thuật của các di tích LSQSCM không đều nhau, có những xuất xứ ra đời khác nhau nên sự toàn vẹn, nguyên gốc của các di tích phần lớn bị mất mát, mai một khá lớn. Những di tích là nơi thờ cúng các nhân vật và kỷ niệm một số sự kiện chiến tranh được xây dựng, trùng tu trong thời phong kiến truyền lại đến ngày nay. Những di tích khác chỉ đến những năm gần đây mới được xếp hạng bảo vệ. Việc xác định sự xác thực về tính chất, quy mô, chất liệu, nội dung để xác định yêu cầu nâng cao chất lượng quản lý di tích LSQSCM là một việc làm rất quan trọng. Việc lựa chọn chất liệu tu bổ, phục hồi di tích phải đảm bảo vừa có thể tồn tại lâu dài cùng năm tháng, vừa không làm mất giá trị nguyên gốc của di tích. Di tích được phục hồi theo quy mô như thế nào để có thể hình dung diện mạo của di tích gốc, áp dụng những phương thức bảo tồn nào... luôn là những bài toán khó đặt ra cho những người làm công tác quản lý di tích LSQSCM.
Các di tích LSQSCM được làm bằng nhiều loại chất liệu khác nhau, từ những hầm, hào, địa đạo đào trong lòng đất, lòng núi được gia cố bằng tre, gỗ hoặc không gia cố tùy theo tính chất của tình huống sử dụng, đến các công trình được xây dựng bằng gạch, gỗ như các đền thờ hoặc bằng xi măng cốt thép ở các lô cốt, hầm hào, trận địa phòng ngự, trận địa bao vây tấn công trong các cuộc kháng chiến... Vì vậy, khi thực hiện việc bảo quản tu bổ và phục hồi di tích phải có sự nghiên cứu khảo sát kỹ để đề xuất việc sử dụng chất liệu tu bổ, phục hồi phù hợp, vừa tạo cho di tích có sự bền vững, vừa không làm mất tính xác thực của di tích. Trên thực tế, chúng ta đã tu bổ khá nhiều hầm hào công sự, địa đạo bằng các chất liệu khác nhau như hầm chỉ huy của quân đội Pháp, các đoạn hào trên đồi A1, Him Lam ở Mường Phăng thuộc di tích Điện Biên Phủ hay lán trại ở Địa đạo Củ Chi… Đây là những việc làm cần thiết để đảm bảo hiệu quả lâu dài của công tác tu bổ phục hồi di tích. Điều này đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đúng mức từ khâu nghiên cứu các nguồn tư liệu, khai thác nhân chứng, khảo sát đánh giá hiện trạng, đến thực thi bảo quản tu bổ và phục hồi với phương án tối ưu nhất. Những vấn đề này chỉ có thể giải quyết nhờ có công tác quản lý di tích LSQSCM.
Kết luận
Di tích LSQSCM chính là bảo tàng sống động về lịch sử anh hùng của dân tộc ta. Đến với di tích LSQSCM là đến với lịch sử dân tộc để hiểu được đạo lý uống nước nhớ nguồn, tỏ lòng biết ơn sâu sắc với các thế hệ cha anh đi trước. Thông qua các di tích LSQSCM còn lưu giữ lại những hình ảnh, hiện vật liên quan trong các cuộc chiến tranh ở Việt Nam, thế hệ trẻ sẽ cảm nhận sâu sắc được sự khốc liệt của chiến tranh, thấy được lòng dũng cảm, ý chí kiên cường vươn lên, hướng tới hòa bình của dân tộc Việt Nam, thấy được trách nhiệm của chính mình đối với lịch sử, và Tổ quốc.
Các di tích LSQSCM có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa hiện nay. Mỗi di tích là một bảo tàng chứa đựng nhiều giá trị gắn liền với lịch sử quân sự, với các chiến thắng là những bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc. Vì thế, quản lý các di tích LSQSCM góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, làm cho nhân dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng, hiểu biết lịch sử để kế tục truyền thống lịch sử của cha ông, không ngừng rèn luyện nhân cách để trở thành con người toàn diện, biết “vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
________________
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 2, 2021, tr.323, 326.
Tài liệu tham khảo
1. Trương Quốc Bình, Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2014.
2. Vũ Thiên Bình, Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam, Nxb Lao Động, 2017.
3. Bộ Quốc phòng phối hợp với tỉnh Điện Biên, Hội thảo khoa học Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực, 2019.
4. Bộ VHTTDL, Hội nghị: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững, 2018.
5. Nguyễn Quốc Hùng, Di tích cách mạng - Bằng chứng của sự thay đổi, Tạp chí Di sản văn hóa, 2012, tr.18.
6. Luật Di sản Văn hóa số 10/ BHN- VPQH ngày 23-7-2013.
7. Nguyễn Đức Nguyên, Phát huy giá trị của các di tích cách mạng - kháng chiến trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2018.
8. Nhiều tác giả, Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2017.
9. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Bảo tồn và Bảo quản các tài sản sản văn hóa (ICCROM), Hội thảo quốc tế Về bảo tồn - cơ hội và thách thức cho các giá trị di sản văn hóa, 2018
Tác giả: Ths Đỗ Linh Giang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021