SỰ TIẾP NHẬN TIỂU THUYẾT VÀ PHÓNG SỰ VŨ TRỌNG PHỤNG

Vũ Trọng Phụng là một trong những cây bút tiêu biểu trong lịch sử văn học Việt Nam nói chung và dòng văn học hiện thực phê phán nói riêng. Ngay từ khi phóng sự đầu tay ra đời, Vũ Trọng Phụng đã tạo nên cơn sốt trong giới nghiên cứu, phê bình và bạn đọc, với những biến động thăng trầm, những mâu thuẫn cần giải quyết. Vấn đề Vũ Trọng Phụng “như một nghi án kéo dài, như để khiêu khích dư luận suốt trong nhiều thập kỷ” (Nguyễn Hoành Khung). Các nghiên cứu tập trung ở hai thể loại, tiểu thuyết và phóng sự, đã đưa ông lên vị trí một tiểu thuyết gia trác tuyệt trên địa hạt văn chương và ông vua phóng sự đất Bắc trong làng báo.


1. Sự tiếp nhận tiểu thuyết, phóng sự Vũ Trọng Phụng giai đoạn 1930-1945

 Nhà văn Vũ Trọng Phụng cho ra đời phóng sự đầu tay vào thời điểm nhạy cảm của văn học, mang đến cho làng văn những tác phẩm với nhiều mảng khác nhau cùng nhiều tầng ý nghĩa. Lối viết táo bạo, những cách tân nghệ thuật độc đáo của Vũ Trọng Phụng thu hút nhiều người quan tâm với những ý kiến trái ngược nhau.

Ngay từ khi trình làng, các phóng sự như: Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Cơm thầy cơm cô (1936), Lục xì (1937), Một huyện ăn tết (1938)... được dư luận chú ý một cách đặc biệt. Phùng Tất Đắc trong lời tựa cuốn Kỹ nghệ lấy Tây đã ngợi ca “ngòi bút phóng sự của ông Vũ Trọng Phụng đã nói tới một độ rất cao trong nghệ thuật. Cuốn sách này vào hàng những công trình ảnh hưởng xa rộng hơn, những công trình có thể vạch phương hướng cho văn nghệ” (1). Ở một góc độ khác, nhà văn Phùng Tất Đắc, Mai Xuân Nhân đã xem Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng như một kiệt tác đưa Vũ Trọng Phụng đến con đường bổn phận của một nhà cầm bút sống trong cái tình thế trầm trọng của một thời đại khó khăn, rối rít và đã xô lối phóng sự xứ này bước được một bước dài rất vẻ vang.

Trong hàng loạt bài phê bình đăng trên Văn học tạp chí, Lê Tràng Kiều đã sớm nhận ra sở trường, phong cách độc đáo của Vũ Trọng Phụng “không giống như văn Balzac, Flaubert, cũng không giống như văn Emile Zola và Guy de Maupassant. Văn ông gồm cả những giọng mạnh mẽ hùng hồn, nhí nhảnh và lẹ làng” (2). Vũ Trọng Phụng đã hiện diện trên văn đàn như một tay thiện nghệ trong văn tả thực. Vũ Trọng Phụng là một trong những người đưa phóng sự Việt Nam giai đoạn 1932-1945 lên đỉnh cao, với thế giới quan tiến bộ, phản ánh những vấn đề nhức nhối của xã hội đương thời, nói lên nỗi cảm thông với những con người dưới đáy xã hội.

Tuy nhiên, song song với việc ca ngợi là sự lên án dữ dội văn chương Vũ Trọng Phụng tập trung vào các phóng sự, hiện thực phản ánh quá bạo. Tiêu biểu cho luồng ý kiến này là Thái Phỉ, Nhất Chi Mai (Nhất Linh), Lê Thanh, Mộng Sơn, Như Phong... châm ngòi cho cuộc bút chiến thế kỷ, tâm điểm vấn đề của giai đoạn 1930-1945. Trên tờ Tin văn, tháng 5-1936, khi lên án loại văn sĩ viện chủ nghĩa tả chân để tả cảnh dâm uế một cách táo bạo, Nhất Chi Mai trong bài viết Ý kiến một người đọc dâm hay không dâm đã đả kích văn Vũ Trọng Phụng có nhiều chỗ thật nhơ nhớp, nhiều câu sống sượng, trần truồng, phản chiếu tính tình, lý tưởng của nhà văn nhìn thế giới qua cặp kính đen, một bộ óc cũng đen và một nguồn văn càng đen nữa.

Các ý kiến xung quanh tiểu thuyết, phóng sự Vũ Trọng Phụng xuất phát từ những hướng tiếp cận khác nhau mà phân thành hai hướng chính: phản đối và ủng hộ, nhưng đôi lúc trong sự phản đối ấy, họ vẫn thừa nhận tài năng độc đáo của nhà văn. Nhìn chung, các ý kiến phản đối xung quanh tác phẩm của Vũ Trọng Phụng khá giống nhau, đối chiếu hình tượng trong tác phẩm với sự thực ở đời, từ đó, kết luận những hình tượng của Vũ Trọng Phụng là méo mó, thiếu trong sáng, thiếu cái tâm của người cầm bút. Dù sự phản đối Vũ Trọng Phụng nhẹ nhàng hay gay gắt thì cách sáng tạo của nhà văn cũng đã trở thành vấn đề văn học nóng bỏng những năm 30 TK XX.

 Vũ Trọng Phụng đã có bút chiến để đáp lại dư luận đương thời. Đây cũng là dịp duy nhất ông có cơ hội đối thoại với người tiếp nhận tác phẩm của mình qua hai bài: Thư ngỏ cho ông Thái Phỉ chủ báo tin văn về bài văn chương dâm uế đăng trên Hà Nội báo, ngày 29-3-1936 và bài: Để đáp lời báo ngày nay: dâm hay không dâm đăng trên báo Tương lai, ngày 25-3-1937, bày tỏ nhân sinh quan cũng như quan điểm làm văn: “Tả thực cái xã hội khốn nạn, công kích cái xa hoa, dâm đãng của bọn người có nhiều tiền, kêu ca sự thống khổ của dân nghèo bị bóc lột, bị áp chế, cưỡng bức”. Đồng thời, Vũ Trọng Phụng khẳng định: “Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời” (3).

Bên cạnh những ý kiến phản đối, có một lượng không nhỏ những bài phê bình khen ngợi, bênh vực các sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Ngay sau cái chết của Vũ Trọng Phụng, trên Tao đàn, số đặc biệt tháng 12-1939 đã thể hiện tình cảm yêu thương nhân phẩm, cũng như khâm phục tài năng của ông. Về phương diện tiểu sử, với bài điếu văn Anh Vũ Trọng Phụng (1939), Lưu Trọng Lư đã cung cấp một tư liệu khái quát về tính cách con người Vũ Trọng Phụng: “Chỉ là một người bình dị, một người cha đứng đắn, một người chồng đứng đắn hơn, một người con rất hiếu, người của khuôn phép, người của nề nếp” (4). Những gì Lưu Trọng Lư viết đã góp phần minh định rõ hơn về con người Vũ Trọng Phụng. Trong con người giản dị ấy có một thứ văn chương làm cho kẻ trọc phú phải giật mình, kẻ trưởng giả phải cáu kỉnh.

Những đánh giá về Vũ Trọng Phụng ở thời điểm này, với các bài viết được in trên Tao đàn, có giá trị khẳng định con người cũng như tài năng của Vũ Trọng Phụng. Đồng thời đó cũng là những định hướng quan trọng cho việc tiếp nhận ở giai đoạn sau. Khi đánh giá về Địa vị Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam cận đại, Trương Tửu đã có cái nhìn thấu suốt trong cách đánh giá khi đặt Vũ Trọng Phụng trong hoàn cảnh lịch sử, thời đại, cá nhân để đi đến kết luận về những tác phẩm của ông. Trên phương diện xã hội, Trương Tửu nhận thấy “trong lúc mưu sinh, cái linh hồn ngây thơ của ông bị tắm gội trong những hoàn cảnh phức tạp, ở đó sự va chạm bi đát và trào phúng của các hạng người thường diễn ra hàng ngày, hàng giờ, hàng phút cùng với những cái gì có thể gọi là tồi tệ cực điểm của các thứ phong tục, tâm lý hạ đẳng” (5). Điều này đã khiến Vũ Trọng Phụng có thái độ xử thế bi quan và hoài nghi.

Những năm 1939-1945, các bài viết về Vũ Trọng Phụng không phải hoàn toàn xuôi chiều, thậm chí có những bài đả kích phê phán rất gay gắt. Nhưng theo nhà nghiên cứu Cao Kim Lan, khi tiếp nhận văn học được coi là một tiêu chí quan trọng để đánh giá một tác phẩm văn học nghệ thuật thì những cách hiểu khác nhau về tác phẩm của Vũ Trọng Phụng tuy tạo ra xung đột, song lại là cánh cửa để ngỏ phát hiện những giá trị mới từ mã ngôn ngữ, mã nghệ thuật và văn hóa kết tinh trong đó.

2. Sự tiếp nhận tiểu thuyết, phóng sự Vũ Trọng Phụng giai đoạn 1945 - 1985

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được đề cao, chủ nghĩa hiện thực trong văn học quá khứ được quan tâm. Năm 1949, tại hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã trân trọng nói về công lao của Vũ Trọng Phụng trong việc vạch rõ cái xấu xa, thối nát của xã hội. Những phóng sự này đã gây xôn xao dư luận, không chỉ đồng tình mà còn phản đối. Cũng từ đây, sự khai phá, tìm tòi, phát hiện những cái mới, hiện thực phản ánh trong tác phẩm nghệ thuật trở thành đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu.

Sau hòa bình lặp lại (1954), đất nước bị chia cắt làm hai miền, việc nhìn nhận, đánh giá giá trị văn hóa, văn học ở hai miền cũng khác nhau. Trên văn đàn, giới nghiên cứu quan tâm tới những hiện tượng nổi trội. Ba cuốn tiểu thuyết: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê được in, phát hành rộng rãi với các bài giới thiệu của Nguyên Hồng, Trương Tửu, Nguyễn Tuân, Hoàng Cầm. Hoàng Cầm nhận thấy điển hình phổ biến của các nhân vật Số đỏ: “Đọc đi đọc lại số đỏ, đối chiếu với cuộc sống thành thị lúc bấy giờ, tôi tìm thấy rất nhiều nhân vật trong thực tế: những Xuân tóc đỏ, những Phó Đoan, những thầy Min Đơ, Min Toa nhan nhản trên hè phố, trong tiệm nhảy và trong những chỗ sâu kín, tối tăm nhất của xã hội thuộc địa phong kiến” (6).

Năm 1956-1957, các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều tới sự nghiệp văn chương của Vũ Trọng Phụng. Bên cạnh đó, những bài viết trong tập san Vũ Trọng Phụng với chúng ta đánh giá cao tiểu thuyết, phóng sự của Vũ Trọng Phụng. Phan Khôi coi phóng sự: Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Cạm bẫy người đều là những tác phẩm thông cảm, tố khổ cho hạng người cùng khổ ở Việt Nam. Nhìn tổng thể, việc nghiên cứu Vũ Trọng Phụng giai đoạn này thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, những ý kiến khẳng định giá trị tác phẩm của ông là bản lề, đặt cơ sở thúc đẩy một xu hướng nghiên cứu mới.

Sóng gió nổi lên khi nhóm nhân văn giai phẩm đề cao Vũ Trọng Phụng nhằm thực hiện mưu đồ chính trị. Ngay lập tức, những cây bút phê bình thời ấy đã chĩa mũi nhọn phê phán văn chương Vũ Trọng Phụng với thái độ chê bai kịch liệt. Hoài Thanh đã lớn tiếng cảnh báo những người đề cao Vũ Trọng Phụng, mặc dù ông thừa nhận nhà văn dựng lên một số điển hình “ném vào xã hội đương thời”. Đây cũng là giai đoạn tác phẩm của Vũ Trọng Phụng bị xét lại, lên án, kết tội, thậm chí giá trị tác phẩm Vũ Trọng Phụng bị phủ nhận hoàn toàn. Cuộc đấu tranh chống nhân văn giai phẩm đã tạo cơ hội để lối phê bình quy chụp có điều kiện nảy nở. Hoàng Văn cho rằng trong Lục xì và một vài tác phẩm khác là “cả một ý thức thừa nhận thú tính, cổ lệ nhục dục”. Còn Vũ Đức Phúc nhận định phóng sự Vũ Trọng Phụng là “những mẩu chuyện bên cạnh bàn đèn thuốc phiện”.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình có những nhận xét, đánh giá chung về tiểu thuyết, phóng sự của Vũ Trọng Phụng với một thái độ nhiệt tình ủng hộ. Nguyễn Mạnh Tường đã từng nói: “Cách mạng như cơn bão táp, khuynh đảo xã hội cũ, đang kiến lập một xã hội mới. Nhìn lại lịch sử văn học nước nhà trong hai cuộc đại chiến, tôi không thấy một tác phẩm nào đặc sắc và tiêu biểu hơn các cuốn sách anh để lại cho chúng ta” (Nhớ Vũ Trọng Phụng). Các nhà phê bình đã thấy tính chất cách mạng trong từng trang viết của Vũ Trọng Phụng, quyết dùng ngòi bút để công nhiên phơi bày tất cả những tội ác của xã hội đương thời.

 Vũ Trọng Phụng được quan tâm nhiều ở miền Nam vào năm 1966, nhiều tạp chí văn chương đã thực hiện các chuyên đề về ông. Tạp chí Văn ra số đặc biệt mang tên: Đặc biệt tưởng niệm Vũ Trọng Phụng, các bài viết có cái nhìn mới mẻ về sáng tác của Vũ Trọng Phụng, nhất là mảng tiểu thuyết. Tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đầy những cái bẩn nhưng có tác dụng làm sạch cả một xã hội, là bàn chải cứng, xà bông đen. Một bức họa sâu sắc đầy đủ về tình trạng xã hội đã được thiết lập trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng.

Cũng ở miền Nam vào những năm 60 TK XX, công tác nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng được chú ý. Trên tạp chí Văn học (Sài Gòn, số 94, ngày 5-8-1969), Nguyễn Duy Diễn cũng bày tỏ sự ủng hộ những sáng tác của Vũ Trọng Phụng qua bài viết: Vũ Trọng Phụng nhà văn tả chân bất hủ. Tác giả đã khái quát tài năng và nhận định Vũ Trọng Phụng đã để lại bản cáo trạng đầy đủ về những cạnh góc thối nát của xã hội. Tác giả Đinh Hùng đánh giá Số đỏ là một thứ thấu kính hội tụ đặc biệt, lọc ánh sáng qua cái tiêu điểm xã hội Việt Nam Âu hóa, khiến chúng ta nhìn thấy những dị hình, dị tướng méo mó lệch lạc của một nhân loại mà tà tính, thú tính được dịp phát triển lấn mất cả nhân tính, thiện tính. Các nhà nghiên cứu Đào Duy Anh, Trương Tửu, Nguyễn Hoành Khung đầu những năm 80 TK XX vẫn tiếp tục tìm tòi, chỉ ra đóng góp của Vũ Trọng Phụng. Đây là thời kỳ tài năng của Vũ Trọng Phụng được khẳng định.

3. Sự tiếp nhận tiểu thuyết, phóng sự Vũ Trọng Phụng từ 1986 đến nay

Trong không khí đổi mới toàn diện, các giá trị văn học quá khứ được nhìn nhận lại, có đủ thời gian để sàng lọc cũng như thẩm định trên phương diện lý luận nhằm đánh giá lại một loạt vấn đề, hiện tượng văn học. Trải qua những năm đầy sóng gió, bước sang thời kỳ mới, vị trí của Vũ Trọng Phụng ngày càng được khẳng định được nhìn nhận trên quan điểm lịch sử cụ thể, khách quan. Giai đoạn này, sự đánh giá về Vũ Trọng Phụng khá thuận chiều, các nhà nghiên cứu có cái nhìn đúng mức hơn, đánh giá cao những ưu điểm, phê phán nhẹ nhàng, thông cảm với những nhược điểm của nhà văn, thừa nhận những mặt có giá trị trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Có những khám phá phát hiện trên tinh thần khách quan, khoa học, công bằng khi đặt nhà văn vào vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học Việt Nam.

Nhiều năm trở lại đây, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng trở lại trong nhà trường, việc giảng dạy và nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ nhiều giá trị khác nhau, tiếp cận được nhiều cái mới. Đồng thời, bước đầu giải mã cấu trúc văn bản tác phẩm hoặc tập hợp tác phẩm của nhà văn theo chủ đề thể loại. Đây được coi là cột mốc trong lịch trình tiếp nhận Vũ Trọng Phụng. So với giai đoạn trước đó, quá trình tiếp nhận tiểu thuyết và phóng sự Vũ Trọng Phụng giai đoạn này đã có những chuyển biến đáng kể.

 Năm 1987, khi Tuyển tập Vũ Trọng Phụng ra đời và đến nay đã qua nhiều lần tái bản cùng nhiều tác phẩm khác được in riêng lẻ. Vị trí của Vũ Trọng Phụng đã được nâng lên. Hàng loạt nhà văn, nhà nghiên cứu dành nhiều trang viết ca ngợi Vũ Trọng Phụng. Những đóng góp của các nhà nghiên cứu có ý nghĩa tích cực trong việc tiếp cận, khảo sát và nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng.

Tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, đã cho đăng một loạt những công trình, bài nghiên cứu: Nhà văn, tư tưởng, phong cách; Lời giới thiệu tuyển tập Vũ Trọng Phụng; Lời giới thiệu hai tập phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô; Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn… Những công trình này đã đánh giá từng giai đoạn sáng tác của nhà văn, đồng thời chỉ rõ những thành công và hạn chế, ưu điểm và nhược điểm, giải thích nguyên nhân chủ quan và khách quan, xa và gần dẫn đến tính chất phong phú, sinh động, nhưng phức tạp của hiện tượng văn học này. Như vậy có thể thấy, tầm đón nhận trước đây với những đánh giá sơ lược, phiếm diện đã, nhường chỗ cho một cách đánh giá mới, hay đó cũng chính là sự dịch chuyển tầm đón nhận sang một giai đoạn mới.

Tại Đại hội Nhà văn toàn quốc lần thứ 3 (tháng 9-1983), Nguyễn Khải đã kiên định đánh giá Số đỏ là một cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học, là hiện tượng vô tiền, khoáng hậu, đặc biệt, không chỉ là một thứ văn học đáp ứng thói quen thưởng thức văn chương bình thường mà là một bộ sử thi về xã hội thành thị Việt Nam.

Nếu ở những giai đoạn trước, một số nhà nghiên cứu xếp Số đỏ vào truyện khiêu dâm, thì năm 1989 với bài viết Đánh giá lại Số đỏ, Phan Cự Đệ đã trả lại giá trị đích thực, khẳng định vị trí của tác phẩm trong sự nghiệp của Vũ Trọng Phụng. Với Số đỏ, Vũ Trọng Phụng đã cắm một cái mốc quan trọng trong nghệ thuật điển hình hóa hiện thực, trong nghệ thuật trào phúng của văn xuôi Việt Nam.

Tiểu thuyết và phóng sự của Vũ Trọng Phụng đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi, với sức thu hút dư luận đông đảo từ khi tác phẩm ra đời đến nay, phá tan không khí im lặng của dòng văn học hiện thực phê phán. Các ý kiến tranh cãi dù còn mâu thuẫn, đối kháng, nhưng phần nhiều vẫn thừa nhận Vũ Trọng Phụng là một tài năng nghệ thuật độc đáo. Bởi Vũ Trọng Phụng có một lối viết riêng, tư duy phong cách nghệ thuật riêng như một ma lực lôi cuốn tất cả mọi người.

______________

1, 2, 4, 5, 6, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Trọng Phụng về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.9, 329, 62, 68, 119.

3. Vũ Tuấn Anh, Những sự kiện văn học Việt Nam (từ 1865-1945), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2012, tr.308. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : TRẦN THỊ HUYỀN

;