Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, trang phục các dân tộc là loại hình văn hóa mang nhiều giá trị và ẩn chứa lượng thông tin lớn về đời sống tộc người. Có nhiều thành tố trong một bộ trang phục, trong đó, hoa văn là một trong những thành tố quan trọng. Vì nhiều lý do, trang phục các dân tộc thiểu số thường rất ít biến đổi qua thời gian. Do vậy, trang phục truyền thống đã bộc lộ rõ các yếu tố văn hóa, xã hội, tín ngưỡng tôn giáo và những đặc điểm của đời sống tộc người.
Hoa văn là yếu tố thẩm mỹ có giá trị, nổi trội trên các sản phẩm tạo hình. Bản thân hoa văn cũng là một sản phẩm tạo hình, vì vậy, việc sử dụng hoa văn để trang trí trên trang phục sẽ góp phần làm tăng giá trị tạo hình cho bộ trang phục đó; đồng thời, chủ nhân của trang phục dùng hoa văn như một phương tiện để biểu đạt giá trị sống, tư duy thẩm mỹ và khẳng định khả năng sáng tạo của các cá nhân, cộng đồng. Hoa văn trên trang phục dân tộc nói chung và hoa văn trên trang phục của người Mông nói riêng là “điểm” đọng lại những giá trị văn hóa của cả tộc người, là ngôn ngữ biểu đạt về đời sống tín ngưỡng, xã hội cộng đồng theo suốt chiều dài lịch sử.
1. Giá trị thẩm mỹ của hoa văn trên đồ vải
Giá trị của đồ vải chính là những nét hoa văn tinh tế, thể hiện mọi mặt của cuộc sống đời thường, từ núi cao, rừng sâu, con suối đến những công cụ dùng trong sinh hoạt hằng ngày, hay đơn giản chỉ là một bông hoa dại trên triền núi. Hoa văn trên vải là một yếu tố vật chất cụ thể nhưng lại phục vụ cho giá trị quan hệ tín ngưỡng, triết lý vũ trụ nhân sinh, nhiều vấn đề thẩm mĩ qua các thời đại mà người Mông đã trải qua được ẩn trong nhiều họa tiết và phong cách bố cục hoa văn. Qua các hiện vật thổ cẩm, chúng ta có thể có một số đánh giá về giá trị thẩm mỹ hoa văn trên vải của người Mông cụ thể như sau:
Về bố cục hoa văn
Bố cục của hầu hết các hoa văn trên vải của người Mông là những mảng đầy đặn trên toàn bộ bề mặt sản phẩm, đồ án thường là các dải ô hình thoi xếp chéo kéo dài hoặc những ô hình vuông, kẻ sọc theo lối mở, xung quanh mỗi thành phần được bao các mô típ đường viền. Trong mỗi ô hình thoi, hình vuông là các hoa văn có tên gọi quy định tính chất của chúng. Các hoa văn trên vải có bố cục cũng khá đầy đặn, chặt chẽ nhưng theo lối dóng, không thêm bớt, điều đó thể hiện tính quy phạm khắt khe của hoa văn trên trang phục. Trong trang trí thổ cẩm, trang phục và các loại đồ dùng bằng vải khác, bố cục của nó còn thể hiện một đặc điểm là tính lặp lại trên dưới, trước sau, trong ngoài. Các hoa văn thể hiện trên từng ô được lặp đi lặp lại theo hang lối mà bố cục các ô quy định. Mỗi mảng trang trí là một đề tài, mỗi hoa văn cũng là một đề tài trong tổng thể ấy. Nếu tách rời một trong các hoa văn sẽ làm mất đi ý nghĩa của mảng trang trí hoặc sẽ trở thành khiếm khuyết. Một đặc điểm chung của bố cục đồ án hoa văn trên vải của người Mông là sự kết hợp nhiều hoa văn chính và hoa văn phụ theo trong ý đồ của người tạo hình, do đó, sự kết hợp nào, họ cũng có cách chọn lọc, cách thể hiện về loại hoa văn, chất liệu và cả màu sắc. Mục đích của việc xen cài kết hợp là tôn cao những họa tiết chính, làm nổi bật những hoa văn có chứa đựng những hàm ý nhất định. Cuối cùng, tính đối xứng là đặc điểm chung của bố cục đồ án hoa văn trên vải, tính đối xứng thể hiện trên toàn bố cục cũng như trên mỗi hoa văn.
Về môtip hoa văn
Các môtip hoa văn dệt trên vải là sự phản ánh trung thực xã hội, những hoạt động lao động sản xuất và hoạt động văn hóa tinh thần. Qua đó, nó biểu hiện mối quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên, sự hòa đồng vốn có như là quy luật bất biến. Mặt khác, hoa văn còn là sự thể hiện giá trị văn hóa tinh thần, một sản phẩm có tính nghệ thuật do bàn tay con người sáng tạo, vừa có yếu tố truyền thống, vừa có yếu tố cách tân (nội sinh hay ngoại sinh). Nghệ thuật tạo hình hoa văn đa dạng về đối tượng phản ánh, nhưng tập trung hơn cả là đối tượng thiên nhiên, gồm các loại hoa, lá, động vật; là kho tàng chứa đựng tri thức dân gian về nghệ thuật tạo hình. Điều đó chứng minh mối quan hệ gắn bó giữa đời sống con người với tự nhiên.
Về kiểu dáng hoa văn, mỗi dân tộc có sự biến đổi khác nhau nhưng đều có chung một số dạng cơ bản sau: môtip hoa văn hình học, mô tip hoa văn thực vật, mô tip hoa văn động vật. Sự giống nhau ngẫu nhiên hoặc do tiếp thu lẫn nhau giữa các nền văn hóa khác như hoa văn hình vuông, hình ô trám... không đếm xuể, chứng tỏ tính phổ biến của một số hoa văn cá biệt là kết quả của sự hòa nhập văn hóa các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Điều đó càng chứng tỏ nghệ thuật tạo hoa văn trên vải của các dân tộc thiểu số Việt Nam là một nghệ thuật có sự phát triển lâu dài và ổn định thể hiện rõ tính chất dân gian mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc. Nghệ thuật này cần được gìn giữ và phát huy ứng dụng nhiều hơn nữa vào trong các thiết kế hiện đại, đặc biệt là trong thiết kế thời trang.
Về màu sắc hoa văn
Trong trang trí hoa văn cũng như nghệ thuật hội họa, màu sắc là yếu tố hết sức quan trọng góp phần tạo nên âm hưởng của mỗi tác phẩm. Tuy vậy, đối với dân tộc Mông và các dân tộc thiểu số khác, cách tạo màu đa số sử dụng các hợp chất từ thiên nhiên với kỹ thuật còn hạn chế nên bàng màu tương đối nghèo nàn nhưng bên cạnh đó bằng kỹ thuật phối sợi màu một cách hết sức tinh tế nên các hoa văn vẫn nổi bật và rực rỡ. Mỗi dân tộc có một phong cách phối màu riêng mà không thể lẫn vào đâu được. Bên cạnh những quy phạm của tín ngưỡng, hoa văn còn có các quy phạm mang tính gia truyền, tộc truyền, nó đã trở thành lối mòn đậm nét trong tâm thức và lề thói nghệ thuật thêu dệt. Sự thay đổi màu so với cường độ cao trong hoa văn trên vài chỉ có thể làm nó rực rỡ hơn mà không bị rối và toát lên những ý tưởng con người muốn biểu đạt bằng hoa văn được rõ ràng hơn.
Về kỹ thuật tạo hoa văn
Hoa văn của các dân tộc thiểu số được biểu đạt theo nhiều phương thức khác nhau, mỗi phương thức đều gắn liền với một kỹ thuật tạo hình, tùy theo từng loại sản phẩm mà xử lý các mảng hoa văn và màu sắc cũng như kỹ thuật tạo hoa văn. Có khi dùng kỹ thuật dệt chỉ màu để tạo hoa văn vì hoa văn trên vải có diện rộng và được lặp đi, lặp lại. Bên cạnh đó, các kỹ thuật thêu trên, in sáp ong, ghép vải, ghép hạt cườm.... là những kỹ thuật đặc trưng của người Mông. Kỹ thuật thêu ghép hoa văn trên vải đặc biệt là in sáp ong tạo nên những mảng lớn trên y phục. Điều này chứng tỏ kỹ thuật tạo hoa văn trên vải rất đa dạng, góp phần làm cho nghệ thuật tạo hình nói riêng và nền văn hóa các dân tộc thiểu số thêm đặc sắc.
2. Sự biến đổi của hoa văn trên vải
Trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, mọi lĩnh vực đều có sự thay đổi một cách rõ nét. Sự biến đổi diễn ra từ những vùng gần khu du lịch đến các bản làng vùng sâu với những cấp độ khác nhau. Môi trường giao tiếp văn hóa được mở rộng, giao thông đã tương đối thuận tiện, đẩy lùi tính khép kín làng bản của người Mông… Những nhân tố trên tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa tinh thần người Mông, nó làm nảy sinh những yếu tố văn hóa mới trên cơ tầng cổ truyền của văn hóa Mông. Quá trình hội nhập kinh tế, văn hóa… sự thay đổi và phát triển về cơ sở hạ tầng đã tạo ra những tác động không nhỏ đến mọi mặt trong đời sống của người Mông ở Lào Cai. Vì thế mà nghệ thuật tạo hình dân gian trong đó có hoa văn trên đồ vải của người Mông ít nhiều cũng có sự biến đổi nhất định.
Biến đổi về chất liệu vải
Người Mông dệt vải bằng sợi lanh, họ quan niệm lúc chết phải mặc trang phục vải lanh, bởi lẽ “chỉ có mặc vải lanh mới không lạc tổ tiên. Mặc vải lanh thì ma tổ tiên mới nhận được mặt con cháu”. Vải lanh, sợi lanh với người Mông đã trở thành tín hiệu để nhận biết cội nguồn, kể cả lúc sống hay khi đã chết, đó là sợi dây liên hệ giữa thế giới người sống và người chết, sợi dây liên hệ giữa người bình thường và thế giới thần linh, sợi dây liên hệ giữa thầy cúng với thế giới thần linh… Cây lanh đã trở thành cây biểu trưng trong đời sống của người Mông. Tuy nhiên, hiện nay chất liệu tạo ra trang phục không bó hẹp vào sợi lanh mà mở rộng sang vải công nghiệp. Điều dễ nhận thấy là vải công nghiệp như vải bông được bán rất nhiều tại chợ.
Hiện nay, váy của người Mông Hoa ở Bắc Hà, người Mông Đen ở Sa Pa đa số được may bằng vải công nghiệp, thay chỉ thêu tơ tằm truyền thống bằng sợi len. Điển hình là chiếc quần cộc cả nữ Mông Đen ở Sa Pa hiện nay hầu hết được may bằng vải công nghiệp từ Trung Quốc đưa sang hoặc từ dưới xuôi lên. Vải lanh chỉ dùng để may trang phục trong ngày cưới hoặc để dành mặc lúc chết. Khi xã hội phát triển, người Mông có sự trao đổi với các tộc láng giềng, cùng tiếp nhận chất vải mới thay thế vải truyền thống là một nhu cầu, họ ít chú trọng tới việc ngồi hàng giờ, hàng tháng để gắn với khung dệt thủ công.
Thay đổi chất liệu sợi chỉ thêu
Trước đây, chỉ tơ dùng thêu hoa văn được gỡ từ kén tằm và phải mất rất nhiều công đoạn như luộc, gỡ, xe thành sợi, tẩy màu, sau đó ngâm nhuộm với hỗn hợp các loại cây, lá, rễ, củ hay quả trên rừng để tạo ra các màu chỉ thêu. Nhuộm nhiều lần thì sợi chỉ tạo sự no màu nên sợi chỉ cho sắc đằm, thắm, lâu phai. Khi sử dụng loại chỉ thêu này tạo cho mặt đồ án trang trí có độ chuyển màu êm, sâu. Chính vì vậy mà trong quá trình điền dã thực địa, chúng tôi thấy có những bộ trang phục có tuổi đời 60 năm mà vẫn giữ được màu.
Hiện nay, thay vì dùng chỉ nhuộm màu tự nhiên thì họ đã chuyển sang dùng chỉ sợi len công nghiệp đã sẵn những màu cần dùng hoặc chưa ưng ý thì mua thêm phẩm màu về nhuộm kết hợp với một số lá cây để giữ, hãm màu. Về cách thức nhuộm vẫn được làm thủ công để giữ cho màu bền và thắm. Riêng màu đen thì đồng bào vẫn vẫn sử dụng cây chàm để nhuộm vải bởi họ rất thích vải nhuộm chàm, đa số các gia đình vẫn giữ nếp trồng chàm để lấy thuốc nhuộm vải và nhuộm chàm là một công đoạn trong nghệ thuật in sáp ong. Đặc biệt hoa văn của người Mông Hoa chỉ thêu trên vải lanh mới đẹp nên họ vẫn duy trì nghề nhuộm vải bằng cây chàm.
Biến đổi về nghệ thuật tạo hình hoa văn
Quá trình biến đổi và phát triển, các nhóm Mông sinh sống trên cùng một khu vực chịu ảnh hưởng lẫn nhau về kiểu dáng, hình thức trang trí trên vải, họ sử dụng ngày càng nhiều màu sắc và trang trí trên vải, hoặc sử dụng ngày càng ít và trang trí đơn giản. Sự phát triển này diễn biến theo xu hướng hòa nhập về thổ cẩm, không có sự phân biệt giữa các nhóm và tạo nên đặc trưng mới theo vùng.
Tạo hình hoa văn trên vải của người Mông biến đổi không đáng kể, có thì số hoa văn cũng rất ít. Điển hình là mẫu hoa văn trái tim trên tay áo nữ giới Mông Đen. Những người trẻ rất thích mẫu hoa văn mới này, họ thêu xen kẽ với hoa văn truyền thống, làm phong phú thêm hệ thống hoa văn. Đồng bào cho rằng việc tạo thêm các loại hoa văn đó, mục đích là để làm cho quần áo đẹp hơn, phong phú hơn nên hiện nay hoa văn này trở nên phổ biến. Đó là những ảnh hưởng tác động từ bên ngoài vào trong tư duy, tình cảm, nghệ thuật của người Mông ở đây.
Những năm gần đây, sợi len của Trung Quốc tràn ngập các chợ của đồng bào dân tộc miền núi nên các nhóm Mông cũng như nhiều tộc người khác đã mua về sử dụng thay thế cho chỉ thêu truyền thống, làm cho hiệu ứng của hoa văn thay đổi. Nếu trước đây thêu bằng sợi tơ săn nhỏ sẽ cho hiệu quả thẩm mỹ về đường thêu hoa văn sắc nét, bề mặt óng. Sợi bông thêu hoa văn do cùng chất với vải nên độ co, nở khi ngấm nước, khi nắng khô đồng đều nhau không bị cong, dúm hay quá căng tạo sự tách biệt giữa mảng họa tiết trang trí và nền vải chàm cho cảm giác hòa quyện. Do đặc tính hút màu và lên màu từ từ của chất bông mà màu sắc trang phục thường đằm thắm, dung dị. Khi thay thế các sợi len vốn là các sợi pha nên độ bám màu, ngấm màu không sâu, vì thế tương quan màu sắc hoa văn trở nên chói, lòe loẹt và thiếu sự mịn óng trên bề mặt các mảng trang trí.
Hoa văn trang trí trên trang phục của người Mông Hoa dàn trải từ áo tới cả váy. Đặc biệt, chân váy là nơi tập trung nhiều hoa văn nhất. Qua khảo sát cho thấy, hiện nay có nhiều chân váy được in hoa văn công nghiệp thay vì thêu tay truyền thống. Với phương pháp in, việc tạo hoa văn trở nên đơn giản hơn nhiều, có thể diễn tả được màu sắc phức tạp, lồng ghép và chồng lên nhau một cách dễ dàng nên giá thành của chiếc váy giảm, người phụ nữ Mông không còn mất nhiều thời gian cho việc tạo hoa văn trang trí. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thực hiện được trên những loại vải có bề mặt tương đối phẳng và nhược điểm của phương pháp này là dễ bay màu hơn trong quá trình sử dụng, do màu không thấm sâu được trong sợi vải; đôi khi không thấy ranh giới rõ ràng của nền và họa tiết hoa văn. Sự thay thế này vô hình làm cho yếu tố tộc người và văn hóa thẩm mỹ dần mờ nhạt, đơn điệu.
3. Nguyên nhân biến đổi về đồ vải của người Mông
Đồ vải ra đời trước hết là vì con người, do con người tạo ra và đáp ứng nhu cầu trong đời sống của người Mông. Do quá trình hội nhập, toàn cầu hóa nhanh chóng, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ cùng với tác động của kinh tế thị trường, thay đổi nhu cầu xã hội, nhất là Lào Cai là một tỉnh trọng điểm biên giới Việt – Trung nên cơ sở hạ tầng, đời sống xã hội, chế độ chính sách thay đổi tác động tới các yếu tố văn hóa, đời sống nghệ thuật dân gian cũng biến đổi.
Nếu như trước đây, đồ vải của người Mông làm ra chỉ đảm bảo nhu cầu mặc của các thành viên trong gia đình thì nay đã trở thành hàng hóa, có mặt trên thị trường, đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho cuộc sống của người dân. Trong quá khứ, người phụ nữ Mông dành cả tháng, cả năm thậm chí cả đời chỉ để se lanh, khâu áo, thêu hoa văn, làm ra một bộ áo quần thật đẹp và chỉ mặc duy nhất một lần là khi về với tổ tiên; thì ngày nay, người phụ nữ nhanh nhẹn bắt kịp với xu thế thị trường, mua những tấm vải lanh có sẵn, nguyên phụ liệu thêu vá phong phú về màu sắc và chất liệu; kết hợp với các công cụ sản xuất hiện đại như máy may, máy thêu, máy đính cúc để làm ra những sản phẩm đồ vải vừa có nét truyền thống pha lẫn với hiện đại. Điều quan trọng là thời gian để làm ra những sản phẩm ấy rút ngắn rất nhiều so với trước kia, may một bộ trang phục mất 3 đến 4 ngày, thêu bằng máy chỉ mất 1 tới 2 ngày. Một sản phẩm hoàn thiện trong 1 tuần và như vậy họ có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm đồ vải vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, vừa làm kinh tế nâng cao đời sống.
Bên cạnh đó, thị hiếu của người Mông nhất là giới trẻ có nhiều thay đổi, sống trong môi trường du lịch, giao thương thông suốt, người dân có điều kiện tiếp xúc với văn hóa bốn phương thông qua khách du lịch cùng với quá trình toàn cầu hóa, thông tin bùng nổ, sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau là xu thế chung của thời đại, thanh niên hiện nay đã có quan điểm sống hướng ngoại và cởi mở hơn. Điều đó cho thấy sự thay đổi tâm lý cộng đồng rõ rệt, nhiều thanh niên ngại mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vì lý do không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Qua đó thấy rõ sự đổi thay về thị hiếu của một bộ phận giới trẻ dân tộc Mông trong thời kỳ hội nhập, cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự mai một của đồ vải và hoa văn trên đồ vải. Nhưng sự thay đổi đó là tất yếu, con người có chọn lọc, tiếp thu các thành tố văn hóa phù hợp và hấp dẫn với bản thân mỗi người.
4. Những vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn đồ vải và hoa văn trên đồ vải của người Mông ở Lào Cai
Để nét văn hóa, giá trị nghệ thuật của người Mông được bảo lưu và phổ biến trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, để hoa văn trên đồ vải của người Mông có cơ hội phô diễn trên trang sản phẩm tạo hình hiện đại, chúng tôi mạo muội đưa ra các khuyến nghị sau đây:
Ghi chép, hệ thống, sắp xếp, phân loại và đánh giá đúng giá trị các hoa văn đã từng tồn tại, làm nhiệm vụ trang trí cho các sản phẩm đồ vải của dân tộc Mông. Từ đó bỏ sung vào “hồ sơ” kho tàng vốn cổ của mỹ thuật dân tộc vốn đã rất đa dạng và phong phú.
Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật khơi dậy ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ cho đồng bào thông qua hoạt động cụ thể nhằm hồi cố, giao lưu trưng bày các sản phẩm dệt truyền thống, dựng lại các công cụ, quy trình sản xuất truyền thống…
Có chính sách khuyến khích phục dựng các làng nghề truyền thống, thành lập các hợp tác xã thủ công hay những nhóm thợ có tay nghề cao để sản xuất những mẫu mã mới dựa trên các kỹ năng thủ công truyền thống, phục vụ cho nhu cầu xã hội.
Đưa hoa văn truyền thống dân tộc Mông và các dân tộc thiểu số vào chương trình đào tạo các chuyên ngành của nghệ thuật tạo hình. Đây chính là điều kiện để hoa văn có được mảnh đất gieo mầm, lưu giữ, phát triển và vận dụng một cách hiệu quả nhất.
________________
1. Diệp Trung Bình, Hoa văn trên vải các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc Bắc Bộ Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1997.
2. Bộ Văn hóa - Thông tin, Triển lãm trang phục và hoa văn thổ cẩm các dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2005.
3. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nxb Mỹ thuật, 2003.
4. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu Văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2003.
5. Nguyễn Văn Chỉnh, Từ điển Mèo - Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971.
6. Nguyễn Thị Đức, Văn hóa trang phục từ truyền thống đến hiện đại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998.
7. Nguyễn Văn Huy (chủ biên), Từ điển hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.
8. Hoàng Thị Mong, Ma Thị Tiên, Trang trí dân tộc thiểu số, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1994.
9. Ngô Đức Thịnh, Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000.
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018