Sự biến đổi của văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa

     Đô thị hóa là quá trình tất yếu diễn ra đối với các nước trên thế giới, nhất là các nước châu Á. Tại Việt Nam, đô thị hóa diễn ra trên quy mô rộng trong khoảng gần 20 năm trở lại đây. Đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn đang tạo hiệu ứng thúc đẩy sự lan tỏa diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước, đặc biệt là các vùng nông thôn. Quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế, biến đổi xã hội…đã và đang có tác động mạnh mẽ đến các làng quê. Trong xu thế phát triển chung đó, văn hóa làng đang đứng trước một thách thức quyết liệt là giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và đổi mới, giữa dân tộc và hiện đại. Làng Việt vừa phải đổi mới, hiện đại hóa, lại vừa phải giữ được bản sắc căn cốt của văn hóa dân tộc. Và đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng và Nhà nước.

     Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (1). Trong tư tưởng đó, hai điểm quan trọng được nhấn mạnh là: thứ nhất, xây dựng, phát triển nền văn hóa phải gắn chặt với xây dựng, phát triển con người, không tách khỏi cội nguồn dân tộc; thứ hai, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà là sức mạnh nội sinh trực tiếp để phát triển bền vững. Với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

     Sự phát triển và biến đổi của văn hóa làng Lỗ Xá, xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, là một minh chứng rõ nét, phản ánh đầy đủ quá trình chuyển mình của làng quê hiện nay trong quá trình đô thị hóa tại các tỉnh theo mục tiêu, phương hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra trong Đại hội Đảng lần thứ XII.

      Là một làng được khai khẩn từ thời Vua Hùng dựng nước, Lỗ Xá có nền kinh tế nông nghiệp phát triển và văn hóa lâu đời. Diện mạo văn hóa làng Lỗ Xá được thể hiện qua quần thể các di tích, gồm: đình làng, chùa, miếu, những ngôi nhà thờ họ của 13 dòng họ trong làng; những bản hương ước; những sinh hoạt tín ngưỡng như: thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng làng; những lễ tiết trong năm như: tết Nguyên đán, lễ cưới, lễ tang, lễ mừng thọ và đặc biệt là lễ hội truyền thống của làng được tổ chức hàng năm, từ ngày mồng 8 đến ngày mồng 9 - 2 âm lịch; sự đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng… Tất cả các yếu tố văn hóa đó, cùng với những con người nơi làng quê này, chính là nền tảng vững chắc cho sự tồn tại và phát triển trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

     Làng Lỗ Xá nằm trong vùng trọng điểm của quá trình đô thị hóa tại Hưng Yên, đã có những thay đổi rõ rệt trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Cả làng hiện có gần 4 nghìn nhân khẩu trong đó có khoảng 2,2 nghìn người trong độ tuổi lao động. Những năm gần đây, ngoài phát triển nông nghiệp với việc trồng nhiều giống lúa cho năng suất, chất lượng cao, làng đã phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó chú trọng một số nghề phụ như chế biến lương thực, thực phẩm; nghề mộc; nung gạch thủ công; thương mại dịch vụ; chăn nuôi, sinh vật cảnh… Tốc độ phát triển kinh tế cao với sự chuyển dịch cơ cấu theo xu hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp (15% năm 2015), tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ (65% năm 2015) và tiểu thủ công nghiệp (20% năm 2015); đất đai có sự chuyển đổi nhanh và mạnh từ đất nông nghiệp, đất ao, hồ chưa sử dụng sang đất dùng cho các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất. Mức thu nhập bình quân đầu người của làng đạt là 13,5 triệu đồng (2015). Mức sống của người dân được nâng cao, đã có hàng trăm nhà cao tầng được xây dựng mới; có 100% số gia đình sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh kiên cố; 80% số hộ sử dụng phương tiện sinh hoạt gia đình có chất lượng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%.

     Bên cạnh sự biến đổi về kinh tế, đời sống tinh thần của người dân cũng có sự biến đổi rõ rệt. Đời sống tâm linh của người dân ngày một phong phú, đa dạng với những sự đầu tư lớn từ nhiều nguồn. Với mức sống ngày càng được nâng cao, người dân các làng quê nói chung và người dân làng Lỗ Xá nói riêng sẽ có điều kiện để quan tâm, phục hồi, phát triển văn hóa truyền thống của làng. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc công đức, đầu tư vào trùng tu hệ thống các di tích, các hoạt động văn hóa tâm linh và các hoạt động của cộng đồng. Chính việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa này của làng đã góp phần hết sức quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo điều kiện cho người dân đến thăm viếng, lễ bái, sinh hoạt tâm linh và cũng thu hút khách thập phương đến với làng để giao lưu. Phong trào văn hóa, thể thao của làng luôn được chú trọng, thực hiện theo phương châm lấy làng làm trung tân, lực lượng thanh, thiếu niên, học sinh làm nòng cốt; phát động phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ; tuyên truyền, phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa, số gia đình đạt gia đình văn hóa ngày càng tăng, 100% số hộ gia đình đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa.

     Như vậy có thể thấy, xu hướng biến đổi văn hóa làng Lỗ Xá trong quá trình đô thị hóa hiện nay là phục hồi, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tái cơ cấu để những yếu tố văn hóa này thích nghi và phát triển trong xã hội hiện đại, không hòa tan và đô thị.

     Nhìn một cách toàn diện, những biến đổi văn hóa truyền thống làng Lỗ Xá hiện nay đang diễn ra theo hướng tích cực nhiều hơn là tiêu cực. Nhưng ẩn chứa bên trong là những vấn đề tồn tại, phức tạp. Có thể lấy không ít ví dụ cụ thể như sau:

     Tốc độ đô thị hóa nhanh đã trực tiếp tác động đến không gian, cảnh quan làng. Dưới phương diện sinh thái, làng truyền thống luôn tạo ra một cảnh quan hài hòa, hướng tới cộng đồng, hữu ích cho con người, thân thiện với môi trường, cầu nối giữa hiện tại và tương lai… Những rặng tre bao quanh làng tạo nên một bức tường tự nhiên duyên dáng; hệ thống ao làng phổ biến; hệ thống cây xanh nhiều chủng loại: cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây gia vị, cây cảnh trồng dọc đường làng; bến nước… Tất cả những nét đẹp truyền thống này đã không còn giữ được mà thay vào đó là những kiến trúc xây dựng đậm chất thị thành.

     Trên thực tế, do cơ chế thị trường tạo ra cũng như việc nhận thức chưa đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và niềm tin mê muội vào “thế lực siêu nhiên” đã làm thay đổi ý nghĩa của các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của làng. Đây cũng chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mê tín dị đoan, sự nhầm lẫn, đánh đồng giữa hành vi thực hành tín ngưỡng, tôn giáo với các hoạt động mê tín dị đoan khiến nhiều người không biết đâu là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đúng đắn và lành mạnh, cho nên dễ sa vào xu hướng tiêu cực. Thậm chí, nhiều lúc, nhiều khi, hành vi mê tín dị đoan còn được núp bóng khoác áo tín ngưỡng để dễ dàng lừa gạt, làm mê muội người dân. Hơn nữa, mặt trái của cơ chế thị trường cũng dẫn đến sự lầm tưởng về giá trị của quyền lợi, của tiền tài và khiến nhiều người chạy theo những giá trị ảo. Từ đó nảy sinh ham muốn cầu xin thần thánh đem lại điều mà bản thân mong muốn. Theo đó nhiều hình thức mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại trong đời sống tâm linh của dân làng.

     Kinh tế phát triển, điều kiện sống đầy đủ vật chất, tính cá nhân được đề cao, nhưng lại khiến cho quan hệ gia đình, sự gắn kết các thành viên tròng gia đình, dòng họ lỏng lẻo, ý thức trách nhiệm trong cộng đồng giảm sút, các dịch vụ vui chơi, giải trí phát triển với nhiều mảng tối khó kiểm soát kéo theo lối sống thực dụng, ích kỷ tác động đến một phận người dân, làm nảy sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến thuần phong, mỹ tục.

     Văn hóa truyền thống được phục hồi tại làng Lỗ Xá: các di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo; lễ hội làng được tổ chức hàng năm, đời sống tâm linh phong phú, hướng về cội nguồn… đây là những tín hiệu tích cực nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trùng tu, tôn tạo các di tích một cách lai căng, không giữ nguyên bản gốc, khôi phục một cách tràn lan, thiếu kiến thức, vô hình chung đã làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống để truyền lại cho các thế hệ sau.

     Hình ảnh xanh, sạch, đẹp của làng Lỗ Xá giờ đã trở thành quá khứ. Vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra một cách khó kiểm soát, đập vào mắt mọi người là sự bừa bộn của rác thải ở mọi nơi, từ cống rãnh, đường ngõ, ao hồ. Với tâm lý “sạch nhà mình, bẩn nơi công cộng” nên rác cứ được xả vô tư khắp từ đầu làng đến cuối xóm. Điều này cho thấy ý thức, trách nhiệm của người dân đang bị mai một.

     Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và biến đổi văn hóa đã đem lại cho làng một diện mạo mới, nhiều thay đổi mới về kinh tế và văn hóa nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn như: sự mâu thuẫn về đất đai, sự khủng hoảng về lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường… Để khắc phục và giảm bớt những khó khăn, thách thức trên, rất cần có những giải pháp điều chỉnh cụ thể để cân bằng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của làng trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Một số giải pháp cụ thể như sau:

     Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục và xây dựng ý thức cộng đồng cho người dân. Đưa công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc bảo vệ những di sản văn hóa truyền thống đi sâu vào nhiều hoạt động cụ thể của các đoàn thể xã hội trong làng (hội người cao tuổi, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên…); đưa công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống vào hương ước của làng, nhằm tạo tính pháp lý trong việc thực thi, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân; xã hội hóa công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân thông qua việc huy động các nguồn lực về tài chính, trí tuệ trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của địa phương; tổ chức thường xuyên hoặc định kỳ những lớp tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở về văn hóa nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa tại địa phương; tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến về công tác bảo vệ môi trường; thực trạng, nguy cơ và các hiểm họa tác động từ ô nhiễm môi trường tới cuộc sống của người dân; những kiến thức, giải pháp cần thực hiện tại cộng đồng dân cư, trách nhiệm của các tổ chức và người dân trong việc bảo vệ môi trường.

     Những nội dung này cần được địa phương tuyên truyền trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống các cụm đài phát thanh tại nhà văn hóa làng, qua băng rôn, khẩu hiệu và qua các cuộc họp xóm, làng. Từ đó làm chuyển biến nhận thức và hành động thực hiện của mỗi tổ chức, người dân.

     Một thực tế được nhìn nhận là chất lượng cán bộ văn hóa của làng Lỗ Xá hiện chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Trước hết là lực lượng không chuyên trách riêng lĩnh vực văn hóa mà phải kiêm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Không chỉ vậy, vị trí này cũng thường xuyên thay đổi nhân sự nên gặp khó khăn trong quá trình tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương khi triển khai, tổ chức phong trào. Đặc biệt, cán bộ văn hóa ít có điều kiện trang bị kiến thức, rèn luyện nghiệp vụ nên gặp lúng túng trong triển khai, nâng cao chất lượng phong trào. Do đó, cần tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa, việc này cần được thực hiện thường xuyên với thời gian, hình thức phù hợp. Bên cạnh việc tập huấn, cần đổi mới phương pháp nâng chất lượng như: tổ chức hội thi, kiểm tra... để cán bộ văn hóa được cọ xát, đánh giá đúng năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, cần đưa ra những chế độ ưu đãi xứng đáng cho cán bộ văn hóa.

     Thứ hai, trùng tu, tôn tạo và bảo vệ các di tích. Đây là công việc cần sớm được triển khai trước tình trạng chuyển đổi, thu hồi và xâm lấn đất đai trong việc xây dựng các khu công nghiệp, vui chơi giải trí, nhà chung cư, cơ sở hạ tầng công cộng… tại địa phương. Ngoài việc tu bổ các hạng mục cũ, cần xây mới các hạng mục phụ trợ. Có thể kể ra đây 3 hình thức xây mới hạng mục phụ trợ như sau: xây thêm các hạng mục để bảo vệ các yếu tố gốc, như xây nhà che bia, nhà để đồ tế khí (chuông, khánh, kiệu rước…); bổ sung những hạng mục còn thiếu nhưng cần thiết để cải thiện, đáp ứng nhu cầu sử dụng, phục vụ các hoạt động phụ trợ, như bổ sung những công trình phục vụ hoạt động tín ngưỡng (xây lầu Quan Âm, lầu Địa Tạng, xây ban thờ Mẫu, ban thờ hậu, tháp Phật…) hoặc phục vụ đời sống sinh hoạt của con người (như nhà khách, trai đường, khu nghỉ ngơi, sinh hoạt…); khôi phục các thành phần đã bị hủy hoại, mất mát: trong lịch sử tồn tại, nhiều khi một vài hạng mục công trình bị hư hỏng, phá hủy (do thiên tai hoặc chiến tranh), cần tiến hành khôi phục nhằm hoàn chỉnh trong một tổng thể.

     Tăng cường hoạt động xã hội hóa, vì đây là một trong những nguồn quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Việc xã hội hóa được thực hiện dưới nhiều hình thức như đóng góp bằng tiền, hiện vật, vật tư và công sức từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

     Chú trọng nguồn nhân lực và các cơ chế đặc thù trong việc tôn tạo, bảo vệ các di tích. Địa phương cần nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, những người tham gia quản lý di tích; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa tới cơ sở và người trực tiếp trông coi di tích. Đối với những người trực tiếp tham gia vào quá trình trùng tu, tôn tạo di tích, sẽ hỗ trợ nghiên cứu vật liệu thay thế cho chất liệu gỗ, kỹ thuật tu bổ đảm bảo sự đồng bộ nhằm kéo dài tuổi thọ công trình; có kế hoạch đào tạo thợ chuyên ngành nề, mộc truyền thống. Song song với đó nên mở rộng quan hệ hợp tác với các đơn vị khác trong công tác đào tạo và học tập kinh nghiệm. Không chỉ tập trung nâng cao kiến thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân công tham gia vào công tác trùng tu, tôn tạo di tích, việc thực hiện pháp luật về di sản văn hóa cũng phải được tăng cường giám sát.

     Thứ ba, lập quy hoạch tổng thể cho không gian làng. Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, tổ chức các công trình kỹ thuật hạ tầng xã hội phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; tạo dựng các khu dân cư với hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân; hướng dẫn người dân trong làng có kế hoạch tổ chức đầu tư xây dựng và phát triển làng một cách hoàn chỉnh, thống nhất về kiến trúc và hạ tầng, vừa đảm bảo nhu cầu phát triển vừa bảo tồn, xây dựng nền văn hóa truyền thống và phát triển bền vững; bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

     Thứ tư, thu hút nhân lực tham gia nghiên cứu khoa học về văn hóa làng. Để có được những công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu về văn hóa làng Lỗ Xá nói riêng và văn hóa làng nói chung, địa phương cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như trụ sở, thư viện, trang thiết bị cần thiết, nhà văn hóa và đặc biệt kêu gọi, tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong nghiên cứu khoa học. Địa phương cần hoàn thiện các nội dung thể chế quản lý, bao gồm các quy định về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với những nhà nghiên cứu.

     Sự biến đổi văn hóa làng Lỗ Xá nói riêng và sự biến đổi văn hóa dân tộc nói chung trong quá trình đô thị hóa hiện nay đang diễn ra qua nhiều phương diện, nhiều chiều hướng khác nhau. Nhưng việc giữ gìn nét đẹp văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa nông thôn luôn luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, tăng cường tình làng nghĩa xóm, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, luôn là mục tiêu và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia.

________________

1. Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

 

Tác giả: Vũ Thị Soi Ngần

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018

 

;