THỰC TRẠNG QUẢN LÝ VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Nghị quyết số 20/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa X) đã xác định: “Xây dựng TP.HCM trở thành một thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh hiện đại; trở thành một trong những thành phố phát triển nhanh và năng động của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương”. Điều đó đặt ra những yêu cầu rất cao, những đòi hỏi cấp bách về chất lượng nhân lực cán bộ, công chức, trong đó có đội ngũ cán bộ làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa của TP.HCM.

Hoạt động quản lý văn hóa (QLVH) gồm có hai yếu tố là quản lý các thiết chế văn hóa và những người thực hiện hoạt động quản lý đó. Những người trực tiếp thực hiện QLVH gồm có hai đối tượng là những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước (hưởng lương) và những người do các tổ chức, cá nhân tự quản. Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, đối tượng thứ nhất là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa như nhà hát, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, bảo tàng... và những người có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Đây là đối tượng trong bài viết này. Đội ngũ này phải đảm bảo những yêu cầu sau: a- số lượng QLVH có trình độ chuyên môn; b- QLVH quản lý đúng lĩnh vực chuyên môn; c- phương tiện quản lý tốt.

Vì nội hàm của văn hóa rất rộng, đồng thời xã hội ngày một hiện đại nên yêu cầu phải có trình độ chuyên môn cao trong công việc, bắt buộc phải đáp ứng (a). Tuy nhiên, khi đã có một đội ngũ chuyên môn cao nhưng nếu bố trí công việc không phù hợp thì chất lượng, hiệu quả công việc cũng sẽ không như mong muốn, đó là lý do tại sao phải có (b). Khi có đủ hai yếu tố này nhưng điều kiện, phương tiện không đáp ứng thì hiệu quả quản lý cũng không đạt chất lượng (c). Tương ứng với ba yêu cầu này là ba thực trạng: thực trạng đội ngũ QLVH; thực trạng phân bố nhiệm vụ cho QLVH và thực trạng cơ sở vật chất để thực hiện QLVH. Đây là ba nội dung của bài viết dựa vào kết quả khảo sát thực tế đội ngũ QLVH tại 24 quận, huyện TP.HCM trong 2 năm 2014-2015 ở các lĩnh vực: bảo tàng, nhà văn hóa và di tích lịch sử văn hóa

1. QLVH trên địa bàn TP.HCM: thực trạng và giải pháp

Thực trạng đội ngũ QLVH trên địa bàn TP.HCM

Đội ngũ QLVH là những người trực tiếp quản lý các thiết chế và hoạt động văn hóa trên địa bàn của mình. Yếu tố quan trọng đầu tiên của một người làm công tác QLVH là trình độ chuyên môn. Khi trình độ chuyên môn đảm bảo thì nội dung quản lý mới được đảm bảo chất lượng. Ngược lại, nếu trình độ chuyên môn không đảm bảo thì chất lượng công việc sẽ không cao. Yếu tố thứ hai cần thiết để một người làm công tác QLVH phát huy năng lực chuyên môn là được hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của mình và yếu tố thứ ba là điều kiện làm việc.

Thực trạng QLVH trong lĩnh vực bảo tàng

TP.HCM có 7 bảo tàng do thành phố quản lý, 1 do quân đội quản lý, 1 do bộ quản lý và 1 của tư nhân. Nếu chỉ tính số bảo tàng do thành phố quản lý thì tổng số cán bộ chuyên trách dao động từ 250 đến 300 người, trung bình là 40 người/bảo tàng. Trong đó, khoảng 240 người có trình độ từ đại học trở lên (80%), những người khác đảm nhiệm các công việc hành chính. Trong số những người có trình độ thì gần 150 người được đào tạo tại chức, liên thông (62,5%), phần còn lại được đào tạo chính quy (37,5%). Tuy nhiên, phần lớn những người đào tạo không chính quy là những người đã lớn tuổi, một số người sắp nghỉ hưu trong khi tuyển mới rất khó vì cơ chế, lương không đủ sống, số người học chuyên ngành ít dần. Mặt khác, trong số 240 người có trình độ chuyên môn đã có tới 87 người (36%) không được đào tạo đúng chuyên ngành, làm việc không phù hợp với chuyên ngành được đào tạo. Như vậy, chất lượng phục vụ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Một vấn đề khác cần phải giải quyết là tỷ lệ người thực hiện QLVH phục vụ khách tham quan. Hai bảo tàng có lượng khách đông nhất thành phố là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Trung bình mỗi năm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có 350.000 lượt khách còn Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh con số này gấp đôi, với khoảng 700.000 lượt. Nếu tính trung bình thì mỗi bảo tàng trên địa bàn TP.HCM có 200.000 lượt khách/năm. Vậy, mỗi cán bộ viên chức của bảo tàng phải phục vụ cho 700 người/năm (làm tròn), và là 2 người/ngày. Nếu tính riêng số người có trình độ từ đại học trở lên thì con số này là 835 người/năm (làm tròn). Chắc chắn chất lượng phục vụ sẽ rất cao. Như sẽ thấy, thái độ phản ứng của du khách, đặc biệt khách nước ngoài là không tích cực.

Thực trạng đội ngũ QLVH trong lĩnh vực nhà Văn hóa

Trong tất cả các hoạt động văn hóa thì hoạt động ở nhà văn hóa là đa dạng và phong phú nhất: văn nghệ, thể thao, võ thuật, khiêu vũ, các câu lạc bộ, vui chơi, giải trí... Trên địa bàn TP.HCM có 64 nhà văn hóa các loại (chỉ tính riêng mỗi quận, huyện đã có 1 nhà văn hóa). Trung bình mỗi nhà văn hóa có 25 người hưởng lương phục vụ (riêng nhà văn hóa Thanh niên và nhà văn hóa Thiếu nhi Thành phố khá đông, lên tới vài chục). Hầu hết những người này đều rất trẻ, rất nhiệt tình. Đây là yếu tố rất tích cực trong hoạt động QLVH ở các nhà văn hóa.

Khi nói tới nhà văn hóa, người ta nghĩ đó là nơi sinh hoạt của thiếu nhi, sinh viên và cán bộ đoàn. Phần lớn những người làm công tác chuyên môn ở đây là những cán bộ đoàn, đoàn viên. Những hoạt động thực sự chuyên môn như dạy đàn, dạy múa... đều thuê người bên ngoài. Cho nên, đội ngũ QLVH ở đây chỉ làm nhiệm vụ quản lý hành chính. Đó là lý do tại sao hầu hết cán bộ QLVH ở những nơi này đều có trình độ nhưng chủ yếu là bằng cấp ngành nghề khác như luật, kinh tế, chính trị... mà rất ít những người có bằng cấp đúng chuyên môn về QLVH.

 
 
 
 
Khu vực trưng bày ảnh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại Dinh Độc Lập.
Ảnh Hoàng Hà 
 

Về số lượng, mỗi nhà văn hóa có khoảng 25 người. Mỗi nhà văn hóa mỗi tuần trung bình có 150 người sinh hoạt thường xuyên và khoảng 5-10 là khách; vậy mỗi cán bộ QLVH ở đây phục vụ cho 8 người/tuần. Riêng những ngày hè, những ngày lễ, kỷ niệm thì tỷ lệ này vào khoảng 30 người/tuần. Hoàn toàn có thể chấp nhận con số trên nhưng vấn đề là đội ngũ QLVH ở những cơ sở này quản lý nội dung gì khi các hoạt động chuyên môn đã có người như đã thấy ở trên?

Thực trạng đội ngũ QLVH trong lĩnh vực di tích lịch sử văn hóa

Theo Luật Di sản văn hóa 2001, tất cả “công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học” đều được xem là di tích lịch sử văn hóa. Theo đó, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 950 di tích lịch sử văn hóa, chủ yếu là các chùa, đình và các cơ sở cách mạng. Trung bình mỗi nơi có 30 người hưởng lương; trong đó 25 người có trình độ từ đại học trở lên, chủ yếu là cử nhân ngành bảo tàng học, phần còn lại là ngành lịch sử, xã hội học, văn hóa học, hướng dẫn viên du lịch. Điều này hoàn toàn phù hợp với hoạt động quản lý di tích lịch sử văn hóa. Đội ngũ QLVH ở các di tích lịch sử văn hóa phần lớn là những người tu nghiệp qua các hình thức liên thông, tại chức, vừa làm vừa học nên họ rất giàu kinh nghiệm nhưng thời gian phục vụ còn lại không nhiều. Đây là khoảng trống và sẽ là thiếu hụt nếu chúng ta không kịp chuẩn bị. Tuy nhiên, do thu nhập từ ở những nơi này thấp nên không nhiều người sau khi tốt nghiệp tình nguyện làm việc ở đây.

Một thực tế khác là trong số 950 di tích lịch sử văn hóa vừa nêu, có tới một nửa là các chùa, đình thuộc chế độ tự quản do những người có uy tín, do người dân bầu ra, quản lý theo kinh nghiệm dân gian nên vấn đề chuyên môn, chuyên nghiệp không được quan tâm. Do đó, ở những nơi này không có đội ngũ QLVH chuyên nghiệp. Nhưng, một điều là những nơi này không xảy ra tệ nạn xã hội. Không ai thấy đền thờ Đức Thánh Trần (36 Võ Thị Sáu, quận 1), chùa Gò (Phụng Sơn tự, quận 11), chùa Xá Lợi (quận 3)... bị tai tiếng như nhiều di tích lịch sử văn hóa do nhà nước quản lý. Vậy, cần phải đặt câu hỏi về trách nhiệm và năng lực quản lý của đội ngũ QLVH chuyên nghiệp và những người không có trình độ chuyên môn.

Thực trạng cơ sở vật chất

Ngoài những trang thiết bị như vi tính, ampli, projector, một vài đĩa CD có sẵn và trống, kèn... những cơ sở văn hóa trên địa bàn TP.HCM hiện nay không có gì khác. Hầu hết các trụ sở đều được xây dựng từ rất lâu nên đã xuống cấp trầm trọng nhưng chưa có kế hoạch trùng tu vì tất cả đều không có kinh phí, chẳng hạn như Bảo tàng Mỹ thuật, đền thờ Đức Thánh Trần, Bảo tàng TP.HCM... Nhưng sự xuống cấp do thời gian tác động không khốc liệt bằng do chính bàn tay con người tác động. Một trong những tác động đó là người ta đã khai thác triệt để mặt bằng để kinh doanh. Khảo sát của chúng tôi cho thấy không một cơ sở nào không diễn ra tình trạng này. Thậm chí, nhiều nơi hoạt động kinh doanh mặt bằng diễn ra rất thô bạo như Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nhà văn hóa Thanh niên... Ở những cơ sở này có tới vài chục ki ốt bán hàng lưu niệm, cantin cùng các dịch vụ khác. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp nhất, triệt để nhất và khốc liệt nhất khiến cho các cơ sở văn hóa nói chung xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, do đây là những nơi có lượng khách tham quan đông nên người ta đã cố gắng sửa chữa, khắc phục. Vấn đề là việc khắc phục như vậy sẽ kéo dài được bao lâu?

Thực trạng nội dung quản lý

Trên thực tế, QLVH các bảo tàng, di tích, cơ sở văn hóa hiện nay chỉ dừng lại ở mức độ hướng dẫn, giới thiệu cho khách và trưng bày, mở các lớp năng khiếu, các câu lạc bộ. Việc phân tích, thể hiện các giá trị văn hóa qua công tác QLVH chưa thực sự phát huy. Trước hết, đó là tính chuyên môn còn thấp; định hướng của hoạt động QLVH chưa rõ ràng; chưa có văn bản pháp quy ràng buộc trách nhiệm của đội ngũ QLVH với cơ sở văn hóa; đồng lương không tương xứng với công việc. Chính vì lý do này mà giữa các di tích lịch sử văn hóa và bảo tàng đều rất giống nhau trong hoạt động: trưng bày, giới thiệu, hướng dẫn, bán vé. Việc sáng tạo và tái tạo các thiết chế hoàn toàn không có. Đó là lý do tại sao ngày càng ít khách tới tham quan, tìm hiểu những thiết chế văn hóa. Thống kê của chúng tôi cho thấy một nửa (50%) trong 950 di tích lịch sử văn hóa do QLVH thu tiền khách tham quan và những cá nhân muốn tìm hiểu để hoàn thành các đề tài nghiên cứu nhưng không một cơ sở nào định hướng cho những đối tượng này tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu.

Trong tất cả các thiết chế của phạm vi bài viết này, nhà văn hóa là nơi hoạt động sinh động nhất, nhiều hoạt động mới được liên tục đưa vào; cho nên, đây là nơi nhiều đối tượng cũng như nội dung quản lý. Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ là sở dĩ người ta luôn đưa vào những hoạt động mới là vì nó đem lại nguồn thu cho cơ sở là chính, không phải vì mục đích phát triển văn hóa. Một môn học mới được đưa vào sẽ có thêm nhiều học viên, chủ yếu là các cháu thiếu nhi và như vậy cũng đồng nghĩa với việc có thêm thu nhập cho cơ sở. Khảo sát năm 2014 của chúng tôi cho thấy 2/3 cán bộ QLVH ở các nhà văn hóa có đời sống khá hơn nhờ vào nguồn thu nhập này.

Hoạt động liên kết giữa các cơ sở văn hóa chưa được chú ý. Nếu như có một sự kết nối giữa các bảo tàng, nhà văn hóa, di tích lịch sử văn hóa để du khách tham quan và các hoạt động khác như nghiên cứu, sưu tầm thì sẽ rất thuận lợi và thu hút được nhiều khách. Tiếc là hình thức này chưa được những người có trách nhiệm chú ý. Tất cả chỉ hoạt động riêng lẻ, manh mún theo khả năng của mình nên tính thống nhất trong các chủ đề chưa cao, sự liên tục của các sự kiện cũng như hình thành ấn tượng ở người xem chưa có, không một du khách nào tới bảo tàng thấy có sự liên hệ với các di tích lịch sử văn hóa và ngược lại. Cũng không một cơ sở văn hóa nào của nhà nước giới thiệu cho du khách biết những cơ sở văn hóa là đình, chùa, tất cả đều tự tìm hiểu qua giới thiệu của người quen hoặc tra cứu trên mạng. Đây là chỗ chúng ta cần phải xem lại.

Thực trạng khách thể thụ hưởng

Tất cả các cơ sở văn hóa đều có chung một mục đích là hướng tới sự thụ hưởng của công chúng. Tuy nhiên, công chúng đến với các cơ sở văn hóa đều chưa thật sự khai thác các giá trị văn hóa. Có thể chia khách tham quan thành hai nhóm: chiêm ngưỡng, tò mò và tìm hiểu.

Phỏng vấn ngẫu nhiên 420 du khách là người nước ngoài (năm 2014), 345 người (82,14%) cho biết họ rất ngưỡng mộ các yếu tố văn hóa ở TP.HCM nên muốn tìm hiểu. Trong số 420 người trên, chỉ 24 người tới các nhà văn hóa (5,71%). Phỏng vấn ngẫu nhiên 650 du khách là người nước ngoài (năm 2015), có 622 người (95,7%) tới các bảo tàng và di tích lịch sử văn hóa cùng lý do trên và 4,3% có tới các nhà văn hóa. Cũng trong hai năm này, phỏng vấn ngẫu nhiên 600 du khách là người Việt (2014) thì cả 600 người (100%) đều chỉ tới các bảo tàng và di tích lịch sử văn hóa còn “nhà văn hóa làm gì ai biết!”. Trong số này, có 8 người (1,3%) tới để tìm hiểu, nghiên cứu, phần còn lại tới các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa chỉ vì tò mò là chính. Còn năm 2015, phỏng vấn ngẫu nhiên 450 du khách là người Việt thì tất cả (100%) đều trả lời là “chưa biết ở đó có cái gì nên muốn tới cho biết”.

Về tâm lý, du khách nước ngoài ngưỡng mộ và tìm hiểu là đúng còn người Việt tới những cơ sở văn hóa như vậy chỉ nhằm mục đích “coi có gì” là điều chúng ta cần phải xem lại, cả về tổ chức tuyên truyền lẫn hình thức và cách thức hoạt động. Phỏng vấn ngẫu nhiên 20 du khách nước ngoài và 20 du khách là người Việt (2014), tất cả đều lần đầu tiên tới đây và khi được hỏi “Có ý định trở lại những cơ sở này nữa không” thì tất cả (100%) đều lắc đầu vì cách thức tổ chức và nội dung không cò gì hấp dẫn.

2. Một vài khuyến nghị

 Nhanh chóng khắc phục những hạn chế về nội dung hoạt động của các thiết chế văn hóa để thu hút khách.

Kết nối giữa các cơ sở văn hóa, đặc biệt là các cơ sở do dân tự quản với những cơ sở do nhà nước quản lý để tạo thành một hệ chủ đề nhằm gây ấn tượng cho du khách và tạo thuận tiện cho những người muốn điều tra, nghiên cứu.

Nên dẹp bỏ tình trạng bày bán hàng lưu niệm khắp nơi trong các cơ sở văn hóa, quy về một nơi xa bên ngoài để tạo tâm lý thoải mái cho du khách và hạn chế tình trạng xuống cấp của các thiết chế.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : ĐOÀN VĂN TRAI

;