Giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng lối sống phụ nữ nông thôn hiện nay

Vùng chuyên canh trồng hành theo mô hình nông thôn mới 
ở xã Trường Tây tỉnh Tây Ninh. Ảnh Lê Thu Thủy - baotayninh.vn

     Giá trị đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và được thể hiện ở “lòng yêu nước, tình nhân ái, đức hy sinh, trí thông minh, tiêu biểu cho nhân cách Việt Nam. Tám chữ vàng anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang mà Bác Hồ kính yêu cùng nhân dân trao tặng phụ nữ nước ta, chính là sự đúc kết một cách sâu sắc truyền thống vẻ vang, phẩm giá cao đẹp đó” (1). Đây là hạt nhân trung tâm trong việc hình thành lối sống của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng.

     Trong những năm qua, từng nội dung cụ thể của giá trị đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam đã được phụ nữ nông thôn tiếp nhận, phát huy trong việc tạo dựng lối sống của họ hiện nay. Tinh thần yêu nước là truyền thống lâu đời của phụ nữ Việt Nam được phụ nữ nông thôn tiếp thu, kế thừa trong xây dựng lối sống mới và thể hiện ở tinh thần phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, để đóng góp cho đất nước, địa phương, gia đình và cho chính bản thân mình; tích cực động viên con em, người thân trong gia đình trong độ tuổi quy định tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tích cực, chủ động tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Giỏi việc nước đảm việc nhà”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhiều mô hình, cách làm hay đã thu hút được đông đảo phụ nữ tham gia, tạo thành thói quen tiết kiệm và phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng như các mô hình heo đất tiết kiệm, hũ gạo tình thương... Thông qua các phong trào thi đua, cuộc vận động, mô hình hoạt động đã cho thấy tinh thần yêu nước trong hệ giá trị đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam luôn được phụ nữ nông thôn khơi dậy, phát huy ở những việc làm cụ thể, điều này góp phần quan trọng vào việc xây dựng lối sống mới của người phụ nữ nông thôn hiện nay.

     Truyền thống trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam luôn được phụ nữ nông thôn phát huy mạnh mẽ qua các phong trào thi đua, cuộc vận động với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Luôn khẳng định được tấm lòng ngay thẳng, kiên trung, độ lượng, vị tha, ở lối sống thủy chung trong tình nghĩa vợ chồng, hiếu thảo với cha mẹ, đùm bọc giữa anh em, tình nghĩa bạn bè, ơn nghĩa với người có công với Tổ quốc. Không chỉ vậy, phụ nữ nông thôn còn biết khéo léo, kết hợp hài hòa giữa công việc gia đình và xã hội, giữa hạnh phúc gia đình với sự nghiệp, ở việc tổ chức cuộc sống gia đình, biết động viên và khuyến khích các thành viên chia sẻ, gánh vác công việc gia đình, của tình yêu thương và lòng tin cậy; cùng chăm lo xây dựng mối quan hệ gia đình êm ấm, bền vững, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, sống vì nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển.

     Phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam, phụ nữ nông thôn còn tích cực tham gia các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Gia đình phụ nữ Công giáo gương mẫu, Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường làng nghề, Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường khu vực biển, góp phần xây dựng nông thôn mới, Ủng hộ xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo và tặng học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”... Điều này có tác dụng phát huy nội lực, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống của người phụ nữ nông thôn. Kết quả của sự phấn đấu, vượt khó là những gia đình hạnh phúc, con cái chăm ngoan, học giỏi, phản ánh ở việc số gia đình đạt chuẩn Gia đình văn hóa ở các tỉnh, cụ thể: Tính đến năm 2016, Hải Dương (86,6%), Thái Bình (82,3%), Vĩnh Phúc (85%), Hưng Yên (90%), Nam Định (79,6%), Bắc Ninh (89,4%), Hà Nam (87,4%), Ninh Bình (86%), Quảng Ninh (87%) (2).

     Trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất, kinh doanh, phụ nữ nông thôn đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế. Điều này cho thấy, phụ nữ nông thôn đã phát huy tốt tinh thần lao động cần cù, thông minh sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trên cơ sở những kiến thức đã học để đóng góp vào sự phát triển của gia đình, địa phương và đất nước. Điều đáng trân trọng hơn là nghị lực đó không chỉ có ở những người phụ nữ khỏe mạnh, bình thường mà ngay cả với người phụ nữ không may mắn. Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ nỗ lực, tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, có việc làm, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

     Đời sống văn hóa, tinh thần của phụ nữ nông thôn cũng có những thay đổi đáng kể. Trong gia đình, hoạt động của người phụ nữ có vai trò to lớn trong việc tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con, định hướng hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của bản thân mình và gia đình. Những năm qua, phụ nữ nông thôn đã tích cực phấn đấu vươn lên trong học tập, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, học giỏi, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Vấn đề quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức của phụ nữ nông thôn là việc họ tích cực động viên gia đình tạo điều kiện để cho trẻ em gái được đi học và tích cực tham gia vào việc đóng góp, giữ gìn, bảo vệ những địa điểm di tích cộng đồng ở các địa phương và tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Việc xây dựng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập… ở nhiều địa phương đạt hiệu quả tốt.

     Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, nhân hậu, vị tha, kiên trì nhẫn nại, với sự mềm mại, dịu dàng, phụ nữ nông thôn đã cảm hóa và thuyết phục được nhiều người lầm lỗi trở về với cuộc sống lương thiện, lành mạnh. Bằng sức mạnh cảm hóa và tác dụng giáo dục của mình, phụ nữ nông thôn đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng gia đình văn hóa, thôn (xóm) văn hóa và đời sống văn hóa ở địa phương. Để thực hiện chủ trương của Đảng về “Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội” và “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, phụ nữ nông thôn đã chủ động trong công tác quản lý, giáo dục con em mình, thường xuyên chăm lo, chú ý tới việc học hành và các mối quan hệ xã hội của con cái. Phụ nữ nông thôn còn kết hợp với chính quyền địa phương thành lập các mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội như: Câu lạc bộ không mắc các tệ nạn xã hội, không có con bỏ học giữa chừng, Tổ phụ nữ không có chồng, con nghiện ma túy và vi phạm pháp luật... Nhìn chung, các giá trị đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam luôn được các thế hệ phụ nữ nông thôn ngày nay trân trọng, đề cao và phát huy có hiệu quả trong xây dựng lối sống mới của họ.

     Tuy nhiên, trong điều kiện đô thị hóa nhanh và sức ép của việc thu hẹp đất đai canh tác, không có nghề phụ đã khiến cho mức di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng tăng lên, dù chỉ là di cư tạm thời. Theo thống kê, không chỉ có lao động nam giới mà lao động nữ di cư ở Việt Nam có độ tuổi khá trẻ với hơn 60% phụ nữ có độ tuổi từ 15 đến 29. Điểm chú ý là phụ nữ lao động di cư hầu như chưa được qua đào tạo nghề hay chuyên môn, nghiệp vụ, chỉ có dưới 10% được đào tạo ở bậc trung cấp, số còn lại mới chỉ tốt nghiệp phổ thông. Lực lượng lao động nữ còn lại ở nông thôn trở thành chủ nhân chính ở nông thôn và kèm theo đó là rất nhiều gánh nặng đang chồng chất lên vai họ. Do khối lượng công việc sản xuất, kinh doanh quá lớn, công việc nội trợ gia đình quá nhiều, việc nuôi dạy con và chăm sóc người già, người ốm... không có người chia sẻ đã buộc người phụ nữ phải làm việc quá tải, không còn thời gian dành cho cá nhân mình và do hạn chế về trình độ văn hóa, trình độ kiến thức xã hội, nhất là thiếu kiến thức về giới, kiến thức pháp luật, về quyền được pháp luật bảo vệ nên phụ nữ nông thôn không ý thức được quyền tự chủ, quyền tự quyết, quyền bình đẳng của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội, không dám đấu tranh đòi những quyền đó cho bản thân. Tư tưởng lạc hậu và sự không hiểu biết pháp luật đã đẩy nhiều phụ nữ đến suy nghĩ hết sức tiêu cực, đánh mất sự tự tin ở bản thân; không dám mạnh dạn đấu tranh như truyền thống vốn có của phụ nữ. Đó cũng là lý do khiến nhiều phụ nữ nông thôn cam chịu bị hành hạ, thậm chí nhiều phụ nữ còn cho rằng việc họ bị đối xử tệ bạc là điều hết sức bình thường... Những hạn chế đó đã kìm hãm sự phấn đấu vươn lên của phụ nữ nông thôn, tự họ đã hạ thấp vai trò và địa vị của mình trong gia đình, xã hội.

     Trong điều kiện hiện nay, để phát huy các giá trị đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống của người phụ nữ nông thôn, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

     Một là, thực hiện đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người phụ nữ nông thôn với việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống của họ.

     Để thực hiện giải pháp này, cần trọng tâm vào việc thu hút phụ nữ nông thôn tham gia vào các phong trào thi đua, qua đó “động viên, hướng dẫn phụ nữ giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống tiến bộ, văn minh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, hội viên phụ nữ” (3). Tạo điều kiện để phụ nữ nông thôn tiếp cận với các thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của công dân, góp phần xây dựng xã hội học tập. Kịp thời tôn vinh, nhân rộng những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Vận động, tập hợp phụ nữ ở địa phương để tạo sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau nhằm tích cực đóng góp vào phong trào phụ nữ và công cuộc phát triển của địa phương, cũng như cả nước.

     Hai là, đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, trình độ nghề nghiệp và sự hiểu biết, ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật cho phụ nữ nông thôn.

     Để nâng cao trình độ văn hóa, trình độ nghề nghiệp cho phụ nữ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở cần tăng cường mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức về giới cho lao động nữ để họ có điều kiện hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của bản thân, từ đó thực hiện tốt vai trò, chức năng đối với gia đình, xã hội; nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo việc làm có kỹ thuật và giá trị sức lao động cao cho phụ nữ nông thôn để thúc đẩy họ năng động hơn trong các quyết định sản xuất. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ xã hội ở nông thôn để vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, vừa san sẻ bớt gánh nặng công việc nội trợ gia đình cho phụ nữ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên hệ thống truyền thanh cơ sở và thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, các bảng tin ở cụm dân cư.

     Ba là, nâng cao tính tích cực, tự giác, chủ động của phụ nữ nông thôn trong việc tự giáo dục, học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống của họ.

     Quá trình giáo dục, tự giáo dục giá trị đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống của phụ nữ nông thôn được thực hiện chủ yếu trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Theo đó, cần nâng cao nhận thức của phụ nữ nông thôn về vai trò, vị trí của gia đình, các giá trị truyền thống, các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình. Giáo dục trong gia đình cần nhấn mạnh việc giáo dục lối sống tình nghĩa, tinh thần tương trợ đùm bọc nhau, thái độ chăm chỉ trong lao động và đời sống; biết kính trên nhường dưới, giáo dục lòng kính trọng và biết ơn tổ tiên, biết ơn các vị anh hùng dân tộc... Thông qua môi trường giáo dục gia đình, thế hệ trẻ sẽ có những hiểu biết đầy đủ hơn về truyền thống gia đình, dòng họ, là cơ sở để hiểu biết truyền thống và lịch sử của dân tộc mình. Từ đó, có ý thức và trách nhiệm với những thế hệ đi trước, nghĩa vụ với các thế hệ đi sau và trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân đối với truyền thống đạo đức và lịch sử dân tộc.

     Giáo dục cho thế hệ trẻ có ý chí vươn lên trong học tập, có đức tính kiên trì, tự lập. Quan tâm giáo dục kiến thức về giới tính cho con cái. Dạy con có thái độ đúng mực, lối sống trong sáng, vô tư trong quan hệ giao tiếp, nhất là trong quan hệ với bạn bè khác giới. Tích cực vận động phụ nữ nông thôn đọc sách báo, tài liệu, nghe đài, xem ti vi và trao đổi nhận thức trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ, tổ phụ nữ, theo các chủ đề nhất định và các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, pháp luật, văn hóa. Tạo dư luận xã hội ủng hộ, khuyến khích các hành vi tích cực, phê phán, đấu tranh chống các biểu hiện của lối sống không lành mạnh, suy thoái đạo đức, trái với bản sắc tốt đẹp của dân tộc. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động văn hóa nghệ thuật để qua đó giáo dục phụ nữ nông thôn về tinh thần trách nhiệm, giáo dục bản lĩnh chính trị, tinh thần đấu tranh cho cái đúng, cái đẹp, nhằm bảo vệ những giá trị đạo đức truyền thống của giới mình trong xây dựng lối sống mới.

     Đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam là kết tinh giá trị, phản ánh khía cạnh bản chất và là một phần cơ bản của đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam. Lịch sử luôn biến thiên, nhiều giá trị mới đang hình thành, nhưng giá trị của đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam vẫn tồn tại, phát huy, đang tác động mạnh mẽ và là cơ sở để hoạch định các giải pháp nhằm xây dựng đạo đức, lối sống cho phụ nữ nói chung, phụ nữ nông thôn Việt Nam ngày nay nói riêng.

_______________

1. Hội LHPN Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1997, tr.90.

2. Nguồn: Tác giả tổng hợp từ cổng Thông tin điện tử các tỉnh, thành phố.

3. Ban Chấp hành Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Báo cáo chính trị của ban Chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa XI tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, 2017.

 

Tác giả: Hồ Thị Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018

 

;