Quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, một mặt, tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; mặt khác, mang lại những hệ quả không mong muốn như suy thoái môi trường sinh thái, gia tăng phân hóa giàu nghèo, thiếu việc làm, suy thoái đạo đức và lối sống ở một bộ phận nông dân. Vì vậy, cần phải nhận thức sâu sắc tính hai mặt của quá trình công nghiệp hóa để có những giải pháp khắc phục phù hợp.
Trải qua hơn 30 năm tiến hành đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu đất nước ta đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời mọi hoạt động của nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp được chuyển sang nền kinh tế có tư duy công nghiệp, từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Từ đó, đời sống các tầng lớp nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng, đất nước thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp. Đi cùng với đó là tính trạng phân hóa giàu nghèo rõ rệt, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội bắt đầu xuất hiện nhiều. Khu vực nông thôn xuất hiện nhiều mâu thuẫn như: hiện tượng khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp… Những hiện tượng này diễn ra phức tạp và đang có nguy cơ bùng phát gây bất ổn trong đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
1. Tình trạng suy thoái môi trường sinh thái
Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là vùng phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp. Điều đó một mặt góp phần đưa kinh tế đất nước đi lên, một mặt gây ra tình trạng suy thoái môi trường, tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân và hệ sinh thái nói chung. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phổ biến, trở nên phức tạp cả về quy mô, tính chất. Nếu không được giải quyết kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, cản trở quá trình phát triển bền vững của vùng ĐBSH.
Trước tiên phải kể đến vấn đề nguồn nước. Đây là nguyên nhân gây nhiều bệnh dịch như tiêu chảy, tả, thương hàn, giun sán, suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, kém phát triển… Có đến 88% trường hợp bệnh tiêu chảy là do tình trạng thiếu nước sạch gây ra.
Ngoài ra, còn ô nhiễm từ nguồn rác thải. ĐBSH có khoảng 1000 chợ nông thôn, trung bình thải ra 0,4 - 0,5 kg chất thải/ người/ ngày. Việc thu gom rác bằng các xe cải tiến còn rất thô sơ nên mới thu gom được khoảng 30% chuyên chở về những nơi tập trung rác. Bãi rác tại các huyện, các chợ nông thôn chưa có cơ quan quản lý và biện pháp xử lý. Rác chủ yếu được gom tập trung để phân hủy tự nhiên, gây nên những gánh nặng cho công tác bảo vệ môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân trong vùng.
Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí, đất cũng đang trong tình trạng báo động. Nhiều làng nghề sử dụng than làm nhiên liệu chính nên lượng bụi và các khí độc thải ra trong quá trình sản xuất thường xuyên ở mức vượt chuẩn. “Các làng nghề sản xuất gạch đỏ ở Khai Thái thuộc Hà Tây cũ, sản xuất vôi ở Xuân Quan thuộc Hưng Yên hàng năm sử dụng khoảng 6000 tấn than, 100 tấn củi nhóm lò, 250 tấn bùn, 10 m3 đá” (1). Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân trong khu vực và nhiều vùng lân cận.
Hội thảo quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Ảnh Nguyễn Hằng
Do những hạn chế trong nhận thức và mục tiêu chạy theo lợi nhuận, một bộ phận nông dân vùng ĐBSH chưa có ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Ở hầu hết các địa phương, nông dân tự mua bán, pha chế, sử dụng, bảo quản thuốc bảo vệ thực vật mà không có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ, chỉ dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn. Việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật đã dẫn đến đất đai, nguồn nước bị ô nhiễm. Sự khuyếch tán, tồn đọng của nhiều hoá chất độc hại gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của dân cư; tính đa dạng sinh học bị suy giảm, một số quần thể sinh vật đất, thủy sinh có ích bị tiêu diệt, xuất hiện các loài sâu hại kháng thuốc… Đó chính là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát các dịch bệnh trong hệ sinh thái nông nghiệp. Ngoài sống, làm việc trong môi trường bị ô nhiễm thì việc sử dụng các loại nông sản có dư lượng hóa chất độc hại vượt giới hạn cho phép cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa của việc gia tăng tình trạng bệnh tật hiểm nghèo đối với người dân vùng nông thôn trong thời gian gần đây.
2. Tình trạng phân hóa giàu nghèo
Công nghiệp hóa làm cho tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng. Nhóm nông dân thiếu đất, mất đất canh tác, tổn thương bởi thiên tai, dịch bệnh hay rủi ro cá nhân; đồng bào tộc người thiểu số vùng sâu, vùng xa; người di dân tự do vào các đô thị; người nghèo, cận nghèo là nhóm người dễ rơi xuống đáy xã hội. Ở vùng ĐBSH, diện tích đất nông nghiệp manh mún, hoạt động sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp. “Năm 2015, diện tích đất nông nghiệp bình quân theo đầu người dân nông thôn ở vùng ĐBSH là 550,16 m2/người, trong khi con số đó ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là 1.989 m2/người, gấp 3,5 lần so với ĐBSH. Năm 2014, giá trị sản xuất nông nghiệp tính theo giá cố định bình quân đầu người của vùng ĐBSH là 2,2 triệu đồng/người/năm, của đồng bằng sông Cửu Long là 4,5 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của vùng đồng bằng sông Cửu Long cao gấp 2 lần vùng ĐBSH” (2).
Sự phân hóa giàu nghèo ở nông thôn nước ta ngày càng rõ rệt. Các hộ giàu thường có điều kiện đầu tư cho sản xuất lớn, trong khi khả năng đầu tư cho sản xuất và tái sản xuất của các hộ nghèo lại rất hạn chế. Ở các vùng nông thôn khác nhau cũng có mức thu nhập khá chênh lệch. Phân hóa giàu nghèo ở nông thôn ĐBSH có xu hướng gia tăng nhanh hơn so với một số vùng khác. Chênh lệch thu nhập giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thu nhập thấp nhất tăng từ 6 lần (năm 2006) lên 9 lần (năm 2016). Chênh lệch về chi tiêu giữa nhóm thu nhập cao nhất cũng tăng từ 3,2 lần (năm 2006) lên 3,7 lần (năm 2016). Trong khi những hộ làm nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn trong sinh kế và tổ chức cuộc sống do mất đất nông nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp, thì một bộ phận khác lại giàu lên nhanh chóng từ quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Phân hóa giàu nghèo dẫn đến sự thay đổi về lối sống, vị thế xã hội, làm gia tăng các mâu thuẫn xã hội, xói mòn và suy giảm quan hệ gắn kết cộng đồng làng xã, nảy sinh các vấn đề chính trị, xã hội. Hiện nay, sự phân hóa giàu nghèo ở nông thôn vùng ĐBSH chưa gay gắt đến mức trở thành nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp làm nảy sinh các mâu thuẫn xã hội. Nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời, nó sẽ là một nhân tố có khả năng dẫn đến các xung đột, gây bất ổn định xã hội.
3. Tình trạng thiếu việc làm cho người nông dân
Công nghiệp hóa là tác nhân chính làm thu hẹp sản xuất nông nghiệp và tạo áp lực việc làm cho nông dân. Theo kết quả điều tra năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Diện tích đất nông nghiệp ĐBSH bị thu hồi chiếm 89% và diện tích đất thổ cư bị thu hồi chiếm 11%; đất nông nghiệp bị thu hồi hầu hết là đất sản xuất lúa hai vụ” (3). Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi phần lớn là đất tốt, kết cấu hạ tầng thuận lợi cho việc canh tác, lại tập trung vào những xã có dân số đông. Trong vòng 12 năm (2002 - 2014), diện tích đất nông nghiệp ở ĐBSH sụt giảm 139 nghìn héc ta.
Hiện nay, trung bình mỗi hộ nông dân có 1,5 lao động, việc thu hồi đất nông nghiệp và đất ở trong những năm qua đã làm cho khoảng 250 nghìn nông dân vùng ĐBSH không có việc làm. Số lượng lao động được nhận vào làm tại các khu công nghiệp chỉ chiếm phần nhỏ. Bởi phần lớn nông dân đều ở độ tuổi khá cao (trên 35), đối với họ, chuyện học nghề để chuyển đổi là rất khó vì tâm lý làm nông nghiệp đã ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ. Hơn nữa, với những nghề đòi hỏi nhiều chất xám thì họ khó tiếp thu, còn với nghề đơn giản thì doanh nghiệp lại không chấp nhận. Nhiều trung tâm dạy nghề được mở phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng do không đủ học viên. Do trình độ hạn chế, sau khi bị thu hồi đất có tới 67% nông dân vẫn giữ nguyên nghề sản xuất nông nghiệp, 13% chuyển sang nghề mới và khoảng 20% khác không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Một số nông dân bị thu hồi đất không tìm được công việc mới, rơi vào cảnh thất nghiệp. Do không có đất canh tác, lại không kiếm được công việc mới nên thu nhập của 37% số hộ nông dân bị thu hồi đất sụt giảm so với trước đây. Chỉ có 13% số hộ có thu nhập tăng hơn trước.
Khi đất bị thu hồi, người nông dân được đền bù với hạn mức quá thấp. Ở Bắc Bộ, một gia đình thường có 10 sào, mỗi sào được đền bù khoảng từ 25 - 50 triệu đồng. Nhận tiền đền bù nhưng không phải người nông dân nào cũng biết cách sử dụng số tiền ấy. Nhiều gia đình đã sử dụng vào việc mua sắm, xây nhà ở, rất ít người đầu tư chuyển sang ngành nghề khác.
Bên cạnh đó, quy trình thu hồi, đền bù đất đai của chính quyền các cấp không phải lúc nào và ở đâu cũng được thực hiện công khai, minh bạch, hợp lòng dân. Chính điều này tạo nên những bức xúc, gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn chính trị, xã hội.
Hơn nữa, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi không phải ở đâu cũng được sử dụng hiệu quả. Chẳng hạn, khu công nghiệp Ninh Phúc (Ninh Bình) rộng 334 ha, từ năm 2009 đến nay mới cho thuê được 58 ha... Trong khi đất khu công nghiệp bị bỏ hoang thì nông dân lại không có đất để sản xuất. Tình trạng này gây tâm lý ức chế, bất bình trong nông dân, làm nảy sinh điểm nóng chính trị khi có sự tác động khách quan hoặc chủ quan.
4. Gia tăng tình trạng suy thoái đạo đức và lối sống
Nhờ có công nghiệp hóa nên vùng ĐBSH hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn được đổi mới và phát triển phù hợp với yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Công nghiệp hóa đã làm đổi mới diện mạo khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nông dân mở rộng tiếp cận với văn minh đô thị. Tuy nhiên, đi cùng với đó là nguy cơ mai một của nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Ở không ít nơi, một bộ phận dân cư bị ảnh hưởng bởi lối sống ích kỷ, hẹp hòi, lấy lối sống đèn nhà ai nhà nấy rạng thay cho lối sống tình nghĩa trước đây. Đạo đức ở một bộ phận nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên đang có nguy cơ suy thoái; đời sống văn hóa xã hội có nhiều biểu hiện xuống cấp; nhiều tệ nạn xã hội mới xuất hiện; lối sống hưởng thụ, ích kỷ nảy sinh. Bên cạnh đó, xu hướng tổ chức các lễ hội rườm rà tốn kém đang trở nên phổ biến; một số kiến trúc đền, chùa bị tu sửa một cách cẩu thả; không ít loại hình dịch vụ giải trí du nhập vào các làng quê và bị biến tướng thành tệ nạn xã hội. Việc tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng thưa thớt khiến đời sống tinh thần của người dân, nhất là thanh thiếu niên dần trở nên nghèo nàn.
Trong những năm tới, quá trình công nghiệp hóa sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực đối với người dân nông thôn ĐBSH. Để khắc phục những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đến nay, khung pháp lý về vấn đề bảo vệ môi trường đã và đang được hoàn thiện, đặc biệt là sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực vào 1-1-2015, cùng với một số văn bản hướng dẫn thi hành đã bước đầu phát huy tác dụng tích cực nhất định trong việc quản lý và bảo vệ môi trường. Song, nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Để việc bảo vệ môi trường thật sự đạt hiệu quả, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và ban hành các quy định chế tài pháp lý trong việc quản lý môi trường, có những chế tài mang tính bắt buộc cao đối với chủ đầu tư trong việc xây dựng các công trình xử lý chất thải. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các doanh nghiệp không thực hiện đúng các cam kết về bảo vệ môi trường.
Hai là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn phải gắn phát triển kinh tế với giải quyết việc làm, ổn định đời sống người dân. Tích cực đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động nông nghiệp, kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống nông dân.
Ba là, các bộ, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý chặt chẽ các khu công nghiệp trong vùng nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả quỹ đất cũng như lực lượng lao động tại chỗ của vùng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp sau khi đã được duyệt dự án và cấp đất nhằm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đúng dự án đã được duyệt; kiên quyết thu hồi đối với những trường hợp sử dụng đất sai mục đích, như cho thuê lại, chuyển nhượng, đầu cơ đất, buôn bán đất hoặc để hoang hóa gây lãng phí.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai và việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo việc làm cho nông dân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để sử dụng cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm túc, triệt để những tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm luật đất đai nhằm tăng cường giáo dục, răn đe đối với những người khác, đồng thời củng cố lòng tin trong nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Do công nghiệp hóa nên khu vực nông thôn nước ta nói chung và nông thôn ĐBSH nói riêng đã nhanh chóng đổi mới theo hướng tích cực. Tuy nhiên, đi kèm với những thay đổi tích cực đó, khu vực nông thôn cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nảy sinh trong cả lĩnh vữc kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc các vấn đề đó để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa, qua đó làm cho vùng ĐBSH nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn.
____________
1. Phạm Ngọc Dũng, Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.
2. Tổng cục thống kê, Niên giám thống kê năm 2016, Hà Nội, 2016.
3. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội thảo Nông dân bị thu hồi đất - thực trạng và giải pháp, Hà Nội, tháng 8 - 2013.
Tác giả : Khuất Thị Vang
Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018