Bên cạnh sự có mặt của các sản phẩm sơn mài mỹ nghệ truyền thống và các sản phẩm xuất khẩu tại các làng nghề, còn có các sản phẩm sơn mài của nhiều thế hệ họa sĩ sáng tác phục vụ đời sống, mang tính chuyên nghiệp, gọi là sơn mài mỹ thuật ứng dụng. Đó là những thế hệ họa sĩ đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) như Lê Phổ, Phạm Hậu, Lê Quốc Lộc, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm… Cùng với các bậc tiền bối, những thế hệ họa sĩ được đào tạo tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (ĐHMTCN) tiếp tục phát triển sản phẩm chất liệu sơn mài mang tính nghệ thuật cao, tạo nên một dòng sản phẩm có đặc điểm riêng, vừa mang yếu tố tạo hình, màu sắc trang trí, mang tính dân tộc vừa thể hiện vẻ đẹp riêng biệt.
Chúng ta quen sử dụng thuật ngữ mỹ thuật ứng dụng để chỉ một lĩnh vực rộng lớn bao gồm cả mỹ thuật thủ công, mỹ thuật công nghiệp và mỹ thuật trang trí. Chức năng của mỹ thuật ứng dụng là kết hợp các yếu tố nghệ thuật, vật liệu và công nghệ để hình thành nên những sản phẩm mang tính thẩm mỹ, tính công năng, góp phần tạo ra môi trường sống có chất lượng văn hóa cao của con người. Về bản chất, mỹ thuật ứng dụng thuộc phạm trù nghệ thuật, nhưng có thể coi vị trí của nó nằm ở ranh giới giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Trong lĩnh vực này yêu cầu về design là vô cùng quan trọng. Thuật ngữ design (tạm hiểu trong tiếng Việt là thiết kế), trên bình diện quốc tế, cũng bao gồm nhiều môn ngành khác nhau như design thủ công, design công nghiệp, design cảnh quan. Design là phạm trù thiết kế mang tính thẩm mỹ - kỹ thuật. Mỗi chuyên ngành design có một hệ thống lý thuyết riêng. Nguyên tắc chung của design là sản phẩm phải có sự thống nhất về vẻ đẹp hình thức (tạo dáng, màu sắc, chất liệu) với chức năng cấu tạo, công nghệ chế tác. Mỗi sản phẩm công nghiệp càng hiện đại thì càng đòi hỏi cao về trí tuệ; sự lao động sáng tạo không chỉ riêng họa sĩ mà là một tập thể các chuyên gia mỹ thuật, kỹ thuật và khoa học. “Có thời kỳ, design nhấn mạnh hai yếu tố là chức năng và sản xuất hàng loạt, nhưng hiện nay, trong điều kiện vật chất và tinh thần được nâng cao, design lại chú trọng yếu tố cá tính và sự đa dạng phong cách. Design hiện đại có xu hướng vươn tới mục tiêu chung là tạo sự hài hòa giữa thế giới sản phẩm với môi trường tự nhiên xã hội” (1). Các sản phẩm sơn mài ứng dụng còn có thể được gọi là sản phẩm có tính design.
So sánh đối chiếu sang sơn mài mỹ nghệ, có thể hiểu về mỹ nghệ trên những khía cạnh như sau: Mỹ nghệ được định nghĩa là “nghề khéo làm bằng tay, chuyên sản xuất đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày, ngoài công dụng thực tế còn nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức cái đẹp của vật dụng về kiểu dáng và màu sắc, về hoa văn trang trí, được sản xuất do cá nhân hay do tổ chức thành hiệp thợ, phường thợ gồm thợ cả, thợ bạn và thợ học việc. Mỹ nghệ thể hiện trình độ học thuật, tay nghề điêu luyện và thị hiếu thẩm mỹ của dân tộc vào từng thời đại lịch sử khác nhau” (2). Mỹ nghệ Việt Nam được hiểu là “một nghề thủ công, chuyên sản xuất đồ dùng hàng ngày, phát triển theo lối cha truyền con nối để có sự thành thục chuyên môn và giữ bí mật nhà nghề, tập trung thành làng nghề sản xuất vào lúc nông nhàn” (3). Trong quá khứ, nghề sơn ở Hà Nội có các nghệ nhân nổi tiếng và sản phẩm của họ hết sức tinh xảo với các kỹ thuật sơn quang dầu, sơn đồ nét, như cụ Bùi Văn Vệ, Đinh Văn Thành...
Nhưng hiện nay, sản phẩm sơn mài mỹ nghệ được hiểu thông thường là hàng hóa phổ biến, mẫu mã mang tính đại trà, được thực hiện ở làng nghề và do các thợ lành nghề đảm nhiệm sáng tác mẫu, thể hiện theo một dây chuyền sản xuất, có khả năng đáp ứng việc xuất khẩu. Hình thức trang trí trên sản phẩm này thường là đề tài hoa văn, họa tiết dân tộc, động vật, con người theo phong cách dân gian truyền thống. Kỹ thuật sơn mới và các hợp đồng theo thị hiếu của khách hàng cũng góp phần quan trọng làm cho dòng sản phẩm này ngày càng đa dạng, phong phú.
Trước thời kỳ Đổi mới, sản phẩm sơn mài mỹ nghệ được làm với sơn ta, dán bạc trên nền cốt vóc màu đen hoặc đỏ, họa tiết trang trí ít và kết hợp khảm trai, khảm trứng. Từ những năm 1990 trở lại đây, nền kinh tế bao cấp dần bị xóa bỏ, không có các hợp đồng sản xuất lớn từ nhà nước, nhiều hợp tác xã sơn mài bị giải thể, người dân xoay chuyển tình thế bằng cách thành lập nên các cơ sở sản xuất tư nhân, nỗ lực khai thác các hợp đồng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu bán lẻ trong nước, nhất là ở các khu vực kinh doanh phục vụ khách du lịch. Khác với sơn mài mỹ nghệ trước kia sử dụng sơn ta truyền thống, ngày nay, người ta sử dụng sơn công nghiệp như sơn Nhật, sơn PU trên cốt vóc sơn điều, làm giảm giá thành khá nhiều so với sản phẩm sơn ta.
Các sản phẩm sơn mài dễ nhận thấy trên thị trường hiện nay, như sản phẩm gia dụng với khay, lọ, hộp, bát, đĩa bày, là những sản phẩm dễ sản xuất, dễ tiêu thụ với số lượng nhiều. Sản phẩm được chế tác từ ứng dụng sơn phun PU với kỹ thuật và màu sắc chủ yếu là các màu công nghiệp: đỏ, đen, trắng, xanh, vàng trên bề mặt cốt vóc gỗ, cốt tre cuốn và cốt composite. Nghệ thuật sơn son thếp vàng truyền thống vốn đã được áp dụng từ rất lâu trong trang trí kiến trúc thì nay được thay thế bằng kỹ thuật mới như thếp bạc thiếc, sau đó phun lớp sơn công nghiệp có đặc tính trong lên bề mặt, tạo hiệu quả màu trong giống như màu bạc thếp sơn ta. Phun bóng là công đoạn hoàn thiện tác phẩm thay vì đánh bóng với than và tóc rối như trong quy trình kỹ thuật với sơn ta trước kia.
Trên cơ sở đối sánh với sơn mài mỹ nghệ, có thể hiểu sơn mài mỹ thuật ứng dụng như sau: Sản phẩm sơn mài mỹ thuật ứng dụng thường có hình thức độc lập với hai chức năng vừa mang yếu tố tạo hình vừa là sản phẩm ứng dụng. Khi chưa được đưa vào quy trình sản xuất hoặc mới để trưng bày trong không gian nội thất, sản phẩm vẫn mang hình thức tạo hình; tuy nhiên, nó vẫn chứa đựng rất nhiều yếu tố ứng dụng nên không chỉ là một sản phẩm tạo hình đơn thuần. Nói cách khác, nếu một sản phẩm sơn mài có tính độc nhất, lại chỉ có một chức năng để bày vì đẹp thì có thể được gọi là tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Nhưng cùng là sản phẩm ấy, người ta sẽ gọi nó là đồ mỹ thuật ứng dụng khi nó được nhân lên thành nhiều bản và đáp ứng nhu cầu sử dụng như một đồ vật, vật dụng trong đời sống.
Thiết kế ứng dụng (TKƯD) với chất liệu sơn mài được nhận định là một hoạt động sáng tạo nghệ thuật dưới bàn tay của những họa sĩ được đào tạo cơ bản về mỹ thuật ứng dụng, đặc biệt là các thế hệ họa sĩ của trường ĐHMTCN Hà Nội từ những năm 1950 cho đến hôm nay. Mục đích của sự sáng tạo đó là nhằm tạo nên những sản phẩm phục vụ cuộc sống với sự đa dạng, phong phú về kiểu dáng và hình thức trang trí. Phần lớn các họa sĩ do nhà trường đào tạo vừa có khả năng thiết kế mỹ thuật ứng dụng vừa có khả năng sáng tác nghệ thuật tạo hình. Điều đáng chú ý là do được trưởng thành trong môi trường luôn đề cao tính trang trí để phục vụ đời sống nên các họa sĩ luôn năng động, có xu hướng tìm tòi hình thức mới, vừa dân tộc vừa hiện đại trong ngôn ngữ tạo hình. Đặc điểm ấy có những lúc tạo nên thế mạnh của những tác phẩm thuộc giới mỹ thuật công nghiệp, mà sơn mài cũng là một trong những lĩnh vực đó.
Sản phẩm sơn mài mỹ thuật ứng dụng được phân biệt rõ so với các sản phẩm sơn mài mỹ nghệ. Các sản phẩm được hình thành do bàn tay và khối óc sáng tạo của những họa sĩ được qua đào tạo tại trường ĐHMTCN, là những sản phẩm thuộc thiết kế MTCN, sáng tạo độc lập hoặc thiết kế mẫu cho sản xuất và xuất khẩu. Sản phẩm sơn mài của các họa sĩ MTCN được đều đặn gửi tham gia các triển lãm chuyên ngành của Hội Mỹ thuật Việt Nam hàng năm và các triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc từ năm 2004 đến nay. Sản phẩm sơn mài mỹ thuật ứng dụng cũng cần được phân biệt rõ với sản phẩm tranh hội họa giá vẽ sơn mài. Đây là những dòng sản phẩm biểu hiện về khối, ba chiều, có chức năng sử dụng và chức năng trang trí là chủ đạo, do vậy, khác với tranh sơn mài có yếu tố mặt phẳng và tôn trọng cảm xúc của người sáng tác. Nếu giá trị của tranh hội họa là thước đo của màu sắc, không gian, chất liệu và tạo hình thì giá trị của một sản phẩm ứng dụng là tỷ lệ phù hợp, có chức năng trong cuộc sống rõ rệt và ngôn ngữ trang trí thẩm mỹ tốt, phù hợp với không gian nội thất
Hai dòng sản phẩm sơn mài mỹ nghệ và sơn mài mỹ thuật ứng dụng đều dựa trên nền tảng của sơn trang trí truyền thống. Có những kinh nghiệm trong việc xử lý màu sắc, kỹ thuật, ngôn ngữ tạo hình và trang trí từ dân gian đến hiện đại mà nhiều thế hệ người làm nghề sơn tại các làng nghề truyền thống và các họa sĩ thiết kế MTCN đều nắm chắc, coi là những nguyên lý cơ bản để họ sáng tạo và xoay vần với chất liệu sơn mài, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của cuộc sống hôm nay.
Giữa sơn mài mỹ nghệ và sơn mài mỹ thuật ứng dụng có sự tương đồng ở thể loại sản phẩm, như đều là khay, hộp, lọ, đĩa, bát, tranh trang trí, chân đèn, bình phong… Tuy nhiên, sản phẩm được các họa sĩ thiết kế có sự khác biệt so với các sản phẩm làng nghề ở yếu tố mẫu mã; phải có là nét mới về kiểu dáng, sau đó đến chức năng, màu sắc và họa tiết trang trí. Sự khác nhau đó tưởng chừng không quá xa nhưng lại quyết định tầm ảnh hưởng của mỗi dòng sản phẩm.
Với tiêu chí là sản phẩm cần đáp ứng tốt thị hiếu của khách hàng, bao gồm từ giá thành, sự đa dạng về hình thức, thể loại, sự cạnh tranh về mẫu mã, sản phẩm của làng nghề sơn mài thường dùng các chất liệu công nghiệp gắn liền kỹ thuật sử dụng mới như sơn PU, sơn điều, sơn Thái, sơn Nhật Bản, mà hạn chế dùng sơn ta và kỹ thuật truyền thống. Quy trình sản xuất một sản phẩm từ chất liệu sơn ta và kỹ thuật truyền thống khá phức tạp, kỹ lưỡng, tốn nhiều thời gian nên giá thành cao hơn hẳn so với sản phẩm đã được công nghiệp hóa.
Bên cạnh đó, tuy các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng cần yếu tố tạo dáng mới, hình thức trang trí mang tính thẩm mỹ nhưng do sự thay đổi của các nguồn nguyên liệu, kỹ thuật làm cốt vóc từ sau những năm 1995, sản phẩm sơn mài ứng dụng cũng dịch chuyển dần từ màu sắc và chất liệu sơn truyền thống đến các màu sắc công nghiệp và kết hợp với máy móc như máy phun, máy mài, máy đánh bóng… Hiệu quả nghệ thuật cũng thay đổi ít nhiều do bởi sự thay đổi của nguồn nguyên liệu và cốt vóc sản phẩm. Một số họa sĩ mặc dù vẫn áp dụng hình thức sơn mới trong các thiết kế nhưng vẫn không quay ngược với truyền thống; họ mong muốn duy trì và phát triển truyền thống như là một sứ mệnh cần phải thực hiện. Song song với việc áp dụng các kỹ thuật mới, họ tiếp tục nghiên cứu và tìm tòi về kiểu dáng, thực hành những kỹ thuật truyền thống từ khâu làm vóc, kết hợp kỹ xảo giữa tay nghề và máy móc, tôn trọng các sắc thái vốn tạo nên những màu sắc truyền thống của sơn mài. Thừa hưởng tạo hình và bố cục trang trí trong nghệ thuật dân gian Việt Nam và kết hợp với tư duy của nghệ thuật hiện đại trên thế giới, kết hợp với công nghệ và thiết bị vi tính, họa sĩ sơn mài đã làm nên những sản phẩm có sự đa dạng và kế thừa, có truyền thống trong hiện đại, có ứng dụng trong thẩm mỹ nghệ thuật, có nét độc đáo dân tộc và tính quốc tế. Như vậy, luôn song hành với dòng sản phẩm sơn mài mỹ nghệ, sản phẩm sơn mài mỹ thuật ứng dụng vẫn đang đóng góp sứ mệnh là phát triển thẩm mỹ của người Việt Nam.
_______________
1. Nguyễn Duy Lẫm, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp với sự phát triển mỹ thuật ứng dụng nửa cuối TK XX, in trong Đại học Mỹ thuật Công nghiệp 1949 - 2009, Hà Nội, 2009, tr.56.
2, 3. Từ điển bách khoa Việt Nam 3, Nxb Từ điển Bách khoa Hà Nội, Hà Nội, 2003, tr.65.
Tác giả: Nguyễn Thanh Giang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018