Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ mang tính tổng hợp cao nhằm phục vụ và đáp ứng các nhu cầu của con người, do vậy, cần tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách. Hà Nội từ lâu là một điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, vì vậy, việc xây dựng các sản phẩm đặc thù, tạo thương hiệu nổi bật cho Hà Nội là những yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển của thành phố. Bài viết đưa ra những vấn đề trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho điểm đến trong bối cảnh hội nhập.
1. Hội nhập du lịch với yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường cũng như thúc đẩy, bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Du lịch xác lập và nâng cao vai trò, vị thế hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và nhà Nước.
Trong giai đoạn tới, hòa bình, hợp tác cùng phát triển tiếp tục là xu thế lớn. Nhưng bên cạnh đó, những xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, tranh giành tài nguyên và lãnh thổ, tội phạm xuyên quốc gia gia tăng, cùng với các vấn đề khác như đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên… sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch.
Toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen phức tạp. Sự phụ thuộc, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các quốc gia ngày càng phổ biến, chi phối mọi hoạt động kinh tế, trong đó có kinh tế du lịch.
Sự phát triển của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế không nằm ngoài xu hướng bối cảnh hội nhập. Hơn nữa, với đặc điểm là ngành kinh tế liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, thì sự phát triển du lịch không thể bó hẹp trong một lãnh thổ khép kín mà cần hội nhập như một yêu cầu khách quan để có được những lợi ích chung. Điểm đến du lịch có thể có những quy mô khác nhau tùy từng khu vực quốc gia, địa phương, hay nhiều điểm du lịch cụ thể trong từng địa phương, vì vậy, khi xây dựng sản phẩm cần chú ý đến mối liên kết giữa những địa điểm.
Hội nhập du lịch của điểm đến mang lại nhiều lợi ích như mở rộng thị trường, phát triển các tuyến và sản phẩm, cơ hội có được những chính sách chung hỗ trợ hiệu quả… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích có được, việc hội nhập sẽ tạo ra những thách thức đối với điểm đến, trong đó, thách thức về năng lực cạnh tranh được coi là vấn đề quan trọng trong phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, điểm đến du lịch không nâng cao được năng lực cạnh tranh sẽ bị loại khỏi cuộc chơi dù có nhiều tiềm năng. Vì vậy, hàng năm diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đều xếp hạng năng lực cạnh tranh điểm đến bên cạnh việc xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung. Như vậy, để đạt được những lợi ích, hạn chế tiêu cực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho điểm đến du lịch trong quá trình hội nhập được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết.
2. Phát triển sản phẩm đặc thù, nâng cao năng lực cạnh tranh
Năng lực cạnh tranh của điểm đến phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên với tư cách là một ngành kinh tế, yếu tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh của điểm đến là sản phẩm du lịch. Khi đề cập đến tình hình cạnh tranh của sản phẩm trong cơ chế thị trường, ông Michael Porter, chuyên gia hàng đầu về cạnh tranh trên thế giới cho rằng: “Cạnh tranh là khác biệt và chất lượng, trong đó khác biệt là quyết định”. Vì vậy, trong bối cảnh cạnh tranh cùng xu thế hội nhập, việc phát triển sản phẩm du lịch của thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung không phải là ngoại lệ.
Tính hấp dẫn của một sản phẩm du lịch cùng loại có thể được xem xét từ nhiều góc độ, tuy nhiên trong mọi trường hợp tính khác biệt được coi là yếu tố có vai trò quan trọng đối với quyết định lựa chọn của du khách.
Tính cạnh tranh thu hút khách của điểm đến phụ thuộc vào một số yếu tố cơ bản: mức độ hấp dẫn dựa trên tính khác biệt của sản phẩm du lịch so với những điểm đến khác, tình trạng môi trường (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội), sự thuận lợi trong việc tiếp cận điểm đến (thủ tục ra vào, phương tiện, hình ảnh thông tin về điểm đến)…
Tính khác biệt của sản phẩm du lịch có thể được tạo ra bởi sự khác biệt về chất lượng (đối với những sản phẩm du lịch cùng loại), thường được thể hiện trong những sản phẩm du lịch đặc thù. Theo ông Phạm Trung Lương: “Sản phẩm du lịch đặc thù là những sản phẩm có các đặc tính độc đáo, duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu, mong đợi của khách hàng mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo” (1). Như vậy, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù không phải là yếu tố duy nhất quyết định năng lực cạnh tranh, hấp dẫn của điểm đến, song nó có ý nghĩa quan trọng hàng đầu tạo ra sự khác biệt.
Khi nói đến tính cạnh tranh du lịch của điểm đến cần xem xét ở các mức độ khác nhau: cạnh tranh giữa nhiều địa phương trong một vùng, các vùng trong một quốc gia, những quốc gia trong một khu vực và giữa các khu vực trên thế giới. Tương ứng với tính cạnh tranh cũng có các sản phẩm du lịch đặc thù cấp địa phương, vùng, quốc gia và khu vực.
3. Những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Hà Nội
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, năng lực cạnh tranh điểm đến luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm thu hút khách và nâng cao năng lực kinh doanh du lịch. Trong đó, yếu tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh của điểm đến là sản phẩm du lịch.
Từ lâu, Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn, được du khách quốc tế công nhận. Số lượng khách du lịch nội địa đến với Hà Nội chiếm tỷ lệ hàng đầu cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội còn là trung tâm tiếp nhận và phân phối du khách đến các vùng du lịch phía bắc và những vùng miền khác trên lãnh thổ Việt Nam. Trong giai đoạn năm 2010 - 2015, mặc dù kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái, nhưng ngành du lịch thủ đô vẫn có những bước phát triển đáng khích lệ. Lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng bình quân hàng năm trên 10%, năm 2014 đạt 15,4 triệu lượt khách nội địa, 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 2 lần so với năm 2010 và chiếm tỷ trọng khoảng 40% của cả nước. Trong tháng 9 - 2015, mặc dù lượng khách du lịch cả nước giảm, nhưng lượng khách đến Hà Nội vẫn tăng, trong đó khách quốc tế đạt 2.229.544 lượt, tăng 14% so với cùng kỳ, khách nội địa ước đạt 12.780.000 lượt, tăng 6,5%...
Có thể thấy, số lượng du khách đến với thủ đô ngày càng tăng, nhưng lại giảm về thời gian lưu trú do thiếu vắng những sản phẩm du lịch đặc thù. Từ nhiều năm nay, sản phẩm du lịch Hà Nội chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn, song chưa có sự đầu tư trở lại, việc quảng bá truyền thông không thống nhất và đồng bộ cho từng sản phẩm, nên chưa thấy sản phẩm đặc trưng rõ ràng. Hay nói cách khác, Hà Nội nhiều điểm tham quan, nhưng thiếu điểm nhấn.
Vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù được lãnh đạo thành phố đưa vào là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030, trong đó mong muốn đến năm 2020, du lịch thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng, sức cạnh tranh cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường.
Để thực hiện được mục tiêu trên và đạt được mục đích xây dựng sản phẩm đặc thù cho du lịch Hà Nội, cần có các giải pháp đồng bộ.
Trước hết, xác định thị trường khách mục tiêu cho du lịch Hà Nội và xây dựng những sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng khách: khách du lịch nước ngoài đến, khách nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, khách du lịch nội địa... Nghiên cứu đối tượng khách, những nhu cầu mong muốn của họ khi đến với Hà Nội. Nếu đơn thuần tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, mà không bổ sung các loại hình dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, thì khó có thể hấp dẫn và kéo dài thời gian lưu trú, đặc biệt sự quay trở lại lần sau của họ. Như vậy, sẽ làm giảm đi tính hấp dẫn, đồng nghĩa với việc sản phẩm đặc thù không mang lại ý nghĩa cho sự phát triển du lịch của thủ đô.
Hà Nội cần đa dạng hóa, khác biệt hóa, phù hợp với xu hướng chuyển dịch từ du lịch hưởng thụ sang du lịch chủ động, đáp ứng nhu cầu khám phá trải nghiệm, tận hưởng của khách trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng. Xây dựng sản phẩm du lịch một cách tuần tự, đảm bảo tính nguyên sơ, thân thiện và đặc thù là yếu tố quan trọng để thu hút khách, tạo đà cho du lịch phát triển bền vững.
Xác định tài nguyên văn hóa là thế mạnh để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Hà Nội. Hà Nội có hơn 5000 di tích, chiếm 40% tổng số di tích của cả nước, với nhiều di sản văn hóa được thế giới công nhận. Ngoài ra, còn có nhiều nghề thủ công và làng nghề truyền thống được bảo lưu, những món ăn của người Hà Nội liên tiếp được các trang web, tổ chức du lịch uy tín trên thế giới vinh danh. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa Việt cũng vô cùng hấp dẫn… được coi là nguồn tài nguyên quan trọng để ngành du lịch khai thác phục vụ nhu cầu du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, các ban, ngành cần dựa vào yếu tố tài nguyên văn hóa để có chiến lược phát triển, xây dựng những sản phẩm đặc thù cho du lịch Hà Nội.
Quá trình phát triển và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù phải gắn với việc nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, các điểm tham quan, xúc tiến quảng bá, marketing, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý và hướng dẫn đối với nhiều dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thông qua việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý và thẩm định những dự án của các cơ quan quản lý, tư vấn du lịch.
Ngoài ra, cũng cần coi trọng việc gắn kết sản phẩm du lịch với người dân để sản phẩm mang nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù ngoài việc khai thác hiệu quả yếu tố tài nguyên, thì việc gia tăng số lượng, chất lượng loại hình dịch vụ trong một sản phẩm cũng là yếu tố then chốt để làm nên sản phẩm mang đặc trưng của thủ đô trong thời kỳ mới. Vì vậy, việc hình thành sản phẩm du lịch đặc thù cần có sự vào cuộc của những cơ quan chuyên môn, ngành chức năng, các doanh nghiệp.
Như vậy, việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng xuyên suốt của du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng trong quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế. Với những nỗ lực đồng bộ của các cấp, ban, ngành, hy vọng trong thời gian tới sản phẩm du lịch đặc thù của thủ đô Hà Nội sẽ được định hình, nhằm tạo ra điểm nhấn thu hút khách, tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng Hà Nội thành thương hiệu điểm đến du lịch mạnh trong nước và trên thế giới.
_______________
1. Phạm Trung Lương, Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, Tạp chí Du lịch Việt Nam, tr.51- 53.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016
Tác giả : MA QUỲNH HƯƠNG